Chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhiều nhưng còn tản mạn
02:56 PM 02/06/2023 | Lượt xem: 7209 In bài viết |Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, ngoài 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, còn có nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó đời sống vật chất, tinh thaần của nhân dân được nâng lên.
Tập trung nguồn lực hỗ trợ đồng ào dân tộc thiểu số, miền núi
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) cho biết, theo số liệu thống kê có hàng chục dự án luật và trên 30 chính sách về đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) đang thực hiện. Tuy nhiên qua triển khai ở địa phương, nhiều chính sách còn tản mạn, có nội dung chồng chéo, chưa được hệ thống hóa và chưa có tính đột phá, có chính sách chưa được ban hành.
Cụ thể như năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, đến nay còn 4 chính sách chưa được ban hành. Đó là, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm đối với thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đào tạo nghề; chính sách xóa bỏ các hủ tục lạc hậu vùng đồng bào DTTS, MN; chính sách phát hiện quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người DTTS và các chính sách về đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với người DTTS rất ít người, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu sớm triển khai xây dựng các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển, chỉ đạo rà soát các chính sách còn chồng chéo, tích hợp hệ thống hóa lại để lồng ghép, tập trung nguồn lực đầu tư, tránh dàn trải, hướng tới bền vững”, đại biểu Hoàng Quốc Khánh kiến nghị.
Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc, tập trung giải quyết trả lời kiến nghị của địa phương gửi đến 18 bộ, ngành vừa qua. Nhất là sớm hoàn thành việc tham mưu, sửa đổi Nghị định 27 của Chính phủ, vì đây là khung pháp lý xương sống của 3 chương trình theo chỉ đạo tại Công điện số 71 của Thủ tướng Chính phủ.
“Thời gian thực hiện chương trình trên chỉ còn hơn 2 năm, người dân miền núi đang rất mong chờ, đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn về thể chế, xử lý vướng mắc về nguồn vốn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư và các bộ, ngành tiếp tục thành lập các đoàn công tác đến trực tiếp các địa phương để tháo gỡ từ cơ sở”, đại biểu Hoàng Quốc Khánh kiến nghị.
Về thực hiện một số chính sách dân tộc, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho biết: Tỉnh Lai Châu có dân tộc La Hủ là dân tộc đặc biệt khó khăn, dân số trên 10.000 người sống tập trung ở các xã biên giới, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều hiện nay đã thống kê là trên 81%, các điều kiện về dân trí, về sức khỏe dân số còn rất hạn chế. Giai đoạn 2016 - 2020 đã được thụ hưởng chính sách theo Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1227 phê duyệt danh sách dân tộc còn gặp khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025, dân tộc La Hủ không được hưởng chính sách trên do vướng về tiêu chí dân số trên 10.000 người, điều kiện là chỉ áp dụng đối với dân tộc dưới 10.000 người.
“Cấp ủy, chính quyền ở địa phương rất trăn trở và người dân cũng chưa đồng tình với quy định về điều kiện trên”, đại biểu Hoàng Quốc Khánh nói. Vì thực tế, một số dân tộc được hưởng chính sách trên thì có đời sống khá hơn, điều kiện sản xuất tốt hơn dân tộc La Hủ.
“Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đánh giá sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 1227 để có những điều chỉnh phù hợp. Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ chia sẻ thêm thông tin nội dung này”, đại biểu Hoàng Quốc Khánh kiến nghị.
Quan tâm đến công tác quản lý và bảo vệ, phát triển rừng
Theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn), Nghị quyết số 81 của Quốc hội khóa XV về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra định hướng cho vùng trung du và miền núi phía Bắc là tập trung bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, khôi phục rừng gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, nâng cao đời sống của làm nghề rừng. Song, do chính sách và nguồn lực cho công tác quản lý và bảo vệ, phát triển rừng chưa phù hợp, mức khoán bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ sản xuất còn thấp, cuộc sống của người dân còn vô cùng khó khăn.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Hồ Thị Kim Ngân phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Các biện pháp bảo vệ giữ rừng hiện nay chỉ tập trung hướng bảo tồn mà chưa quan tâm nhiều đến khai thác lợi thế dưới tán rừng tự nhiên. Để thực hiện hiệu quả hơn cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát huy lợi thế tài nguyên rừng, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ xây dựng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 cần quy định rõ việc phân vùng lâm nghiệp trọng điểm, trong đó quan tâm chính sách đầu tư, chính sách chi thường xuyên, chính sách khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng.
Nâng mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng/ha lên tối thiểu 1 triệu đồng/ha/năm, nâng mức kinh phí quản lý bảo vệ rừng ổn định cho Ban quản lý rừng đặc dụng từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng/ha/năm. Hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm rừng đặc dụng từ 4 triệu đồng lên 80 triệu đồng/thôn, bản/năm.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cũng kiến nghị điều chỉnh nguyên tắc, tiêu chí, định mức, phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước theo hướng chia tiêu chí, tỷ lệ che phủ rừng để tính điểm thành các mức. Tỷ lệ che phủ rừng từ 50% đến 60% là một mức; từ 60% đến dưới 70% là một mức và trên 70% là một mức.
Với những tỷ lệ như thế sẽ đảm bảo được sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Xem xét, bổ sung tiêu chí tỷ lệ đất rừng có độ che phủ rừng của những địa phương có tiêu chí cao, tỷ lệ cao đưa vào tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên đối với các lĩnh vực chi đúng với tinh thần tại Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đó là cơ chế điều tiết, phân bổ ngân sách đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các địa phương có diện tích đất trồng lúa, đất rừng lớn với các địa phương khác, hỗ trợ nâng cao đời sống của người trồng lúa, người trồng rừng.
Cũng theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, hiện nay việc triển khai một số dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn các tỉnh miền núi gặp nhiều khó khăn do thời gian thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng kéo dài, trong khi diện tích rừng không tập trung mà nằm xen kẽ nhỏ lẻ với các loại đất khác.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ được quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với rừng phòng hộ dưới 20 ha, rừng sản xuất dưới 50 ha, không được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác trừ dự án của Chính phủ đã được phê duyệt.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ cho phép đối với các tuyến giao thông đã có trong quy hoạch và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt khi triển khai các dự án này thì địa phương không phải thực hiện thủ tục xin ý kiến về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Cho thực hiện đồng thời việc chuyển mục đích sử dụng đất với chuyển mục đích sử dụng rừng để tạo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý, sử dụng đất và rừng. Giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng với một diện tích phù hợp, chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên là rừng sản xuất, rừng tự nhiên có trữ lượng thấp hoặc không có khả năng phát triển thành rừng có trữ lượng để tạo điều kiện cho địa phương thực hiện công trình, dự án đầu tư trên địa bàn và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
(baotintuc.vn)