Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS và miền núi

01:39 PM 13/06/2022 |   Lượt xem: 5882 |   In bài viết | 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Điều hành buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Thương trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh 9 nhóm vấn đề cần các đại biểu tập trung thảo luận: Chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề; sử dụng ngôn ngữ trong khám chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam; các quy định liên quan đến người hành nghề khám chữa bệnh; kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh... và các vấn đề được các đại biểu quan tâm.

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất với chủ trương sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh và nội dung thẩm tra của Ủy ban Xã hội, thống nhất với những nội dung sửa đổi của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh trình Quốc hội lần này.

Đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái): Cần có chính sách ưu đãi đặc thù cho cán bộ y tế vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn

Đại biểu cho biết, chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 4 dự thảo Luật đã thể hiện sự quan tâm lớn của Nhà nước trong thực hiện chính sách về khám bệnh, chữa bệnh bao gồm chính sách ưu tiên, chính sách đặc thù cho khám bệnh, chữa bệnh đối với đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Đồng thời cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm  kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn lực y tế và chế độ chính sách đặc thù cho cán bộ và nhân viên y tế phục vụ tại vùng này. Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt chú trọng chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tạo việc làm trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh cho người dân vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời có chính sách ưu đãi đặc thù cho cán bộ y tế tại vùng này nhằm tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ y tế yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy ( Bắc Kạn): Cần quy định cụ thể về xã hội hóa trong lĩnh vực y tế

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, nguồn lực trong xã hội còn rất lớn. Do đó, nếu như Quốc hội, Chính phủ ban hành những quy định thật cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về xã hội hóa; liên doanh, liên kết sẽ giúp cho các bệnh viện có hệ thống trang thiết bị hiện đại và sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân và mang lại lợi ích cho nền Y tế nước nhà.

Từ những ý nghĩa trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đưa ra 3 kiến nghị: Một là, kiến nghị quy định cụ thể vào trong dự án Luật này những nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Thứ hai, kiến nghị bổ sung các cơ chế kiểm soát để nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm. Thứ ba, cần bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng): Làm rõ chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS và miền núi

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, liên quan đến quy định về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 4 của dự thảo, đại biểu Đoàn Thị Lê An nhận thấy, Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, của Ủy ban Xã hội và tiếp thu ý kiến của đại biểu tại các phiên thảo luận tổ về việc ưu tiên chính sách đặc thù đối với đồng bào DTTS. Cụ thể là đã ưu tiên đưa nhóm này lên nửa đầu tiên tại điểm a, b Khoản 1 và Khoản 2, Khoản 3, Điều 4.

Tuy nhiên, để bảo đảm chính sách dân tộc trong dự thảo Luật được thể chế theo đúng quy định của Điều 58 Hiến pháp năm 2013 và quy định của Điều 68 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS và miền núi.

Mặt khác, đại biểu Đoàn Thị Lê An cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh cho người DTTS và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là người DTTS. Vì trên thực tế hiện nay có nhiều lương y, nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số hành nghề tại khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đã tương đối nhiều. Do đó có cần phải quy định về trường hợp này.

Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên): Quan tâm đến vấn đề suy dinh dưỡng của trẻ em địa bàn miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS

Theo đại biểu, trong nhiều thập niên qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới vấn đề chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng được ban hành, được cụ thể hóa trong hệ thống pháp luật và được tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt. Tổng kết Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc đã giảm từ 29,3% năm năm 2010 xuống còn 19,6% năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn chênh lệch lớn giữa các vùng miền. Tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính nặng địa bàn miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS vẫn có tỷ lệ cao nhất.

Đại biểu đề nghị việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em dưới 5 tuổi cần được nghiên cứu và quy định cụ thể trong dự thảo Luật, bảo đảm có quy định pháp lý rõ ràng, làm cơ sở cho việc chi trả nguồn kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế để can thiệp, điều trị sớm cho trẻ em suy dinh dưỡng tại Việt Nam hiện nay. Để can thiệp điều trị kịp thời vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi cần có khung pháp lý và cơ chế cấp kinh phí cho việc quản lý và điều trị. Bệnh này cần được điều trị như các bệnh khác và có cơ chế chi trả điều trị từ quỹ bảo hiểm y tế. Đại biểu cũng cho rằng cần quy định rõ tiết chế trong điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em cả điều trị nội trú và điều trị ngoại trú theo hướng được khám, sàng lọc, đánh giá, tư vấn về dinh dưỡng và chỉ định dùng sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt.

(baodantoc.vn)