Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững đến năm 2020: Chính sách “chưa trúng” để giảm nghèo
03:42 PM 10/10/2018 | Lượt xem: 5271 In bài viết |Trong hai ngày 09 và10/10/2018, phiên họp toàn thể của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội lần thứ 11 đã diễn ra tại TP.Đà Nẵng. Với nội dung thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, nhiều đại biểu đã chỉ ra những thiếu sót về mặt chính sách khiến cho việc thoát nghèo chưa bền vững, đặc biệt là ở đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
53% hộ nghèo là đồng bào DTTS
Báo cáo tại phiên họp, Bộ LĐTTXH cho biết, giai đoạn 2015-2017, tỉ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, vượt so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, kết quả này chưa thực sự bền vững. Đặc biệt, dù giảm nhanh ở vùng đồng bào DTTS nhưng nhiều nơi tỉ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi còn trên 60-70%. Tỉ trọng hộ nghèo DTTS chiếm 52,66% tổng số hộ nghèo trong cả nước (tính đến cuối năm 2017), thu nhập bình quân của hộ DTTS chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước.
Báo cáo này phân tích, không chỉ xuất phát từ những khó khăn cơ bản của đồng bào DTTS như mặt bằng dân trí, địa hình hiểm trở,... mà một số chính sách đặc thù đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, một số chính sách đã được Thủ tướng ban hành nhưng chưa được bố trí ngân sách thực hiện.
Bên cạnh đó, tỉ lệ vốn hằng năm chủ yếu đầu tư hạ tầng, trong khi vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, sinh kế tăng thu nhập còn chiếm tỉ lệ thấp. Nguồn lực thực hiện chính sách vẫn còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ đủ để tác động làm chuyển biến thực sự đời sống người nghèo DTTS.
Chính sách “chưa trúng” vào “điểm trũng” để giảm nghèo
Có ý kiến tại phiên họp, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban về Các vấn đề Xã hội của Quốc hội - cho rằng, có 3 điểm lưu ý trong công tác xoá đói giảm nghèo là, người dân không được giao đất, tình trạng di dân tự do ở Tây Nguyên.
“Thứ ba là đồng bào dân tộc có trình độ dân trí thấp. Mấy phần trăm mù chữ toàn quốc đều dồn cho miền núi, đồng bào DTTS và cần phải có chương trình, đánh giá về vấn đề này. Phải xác định, khó khăn nhất của chúng ta trong việc giảm hộ nghèo là ở dân tộc miền núi, đồng bào DTTS mà nếu cứ phân bổ, giảm nghèo theo hàng ngang thì không có hiệu quả” - ông Lợi có ý kiến.
Trao đổi về vấn đề trên, bà Hoàng Thị Hạnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: 90% đồng bào DTTS chưa được cấp quyền sử dụng đất, trong đó có cả đất ở, đất sản xuất và đất rừng. Trong khi diện tích rừng giao cho cộng đồng đồng bào DTTS chiếm hơn 71%.
“Người dân sử dụng rừng đặc dụng nhưng chính sách để họ sống tại đó chưa đảm bảo. Rừng phòng hộ ở nông lâm trường giao cho đồng bào DTTS vẫn còn chậm. Việc chuyển đổi cơ chế sinh nhai về trồng trọt, chăn nuôi vẫn chậm. Giải pháp hiện nay là cần phải có định hướng nghề nghiệp phù hợp, đặc biệt là cơ chế chính sách không thể tỉnh nào cũng giống tỉnh nào. Bên cạnh đó, con số 21% người lao động miền núi chưa đọc thông viết thạo cũng là điều trăn trở, cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa” - bà Hạnh cho hay.
Nhìn nhận tất cả những ý kiến trên, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: “Bộ đã có lưu ý rất rõ, từng địa phương căn cứ vào các tiêu chí để cụ thể hoá cho phù hợp, đây là điều chính tôi đã điều chỉnh và cho thấy sự linh hoạt trong Thông tư. Vì vậy, ở đây cần sự vào cuộc của các địa phương trong thực hiện chính sách. Riêng với những kiến nghị của Ủy ban, Bộ sẽ rà soát lại và báo cáo Chính phủ, để xem năm 2019 cần phải làm gì, để tiếp thu ý kiến Ủy ban chứ không nên có tình trạng nói xong để đấy” - ông Dung cho hay.
(laodong.vn)