Đề xuất nâng mức chi hỗ trợ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

06:31 AM 17/04/2023 |   Lượt xem: 3953 |   In bài viết | 

Ủy ban Dân tộc đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung thay thế Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, dự thảo đề xuất nâng mức hỗ trợ đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, theo quy định hiện hành tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg thì: Người có uy tín được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các dân tộc thiểu số không quá 02 lần/năm; mức chi không quá 500.000 đồng/người/lần.

Với quy định này, dự thảo đề xuất như sau: Thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết hoặc ngày Lễ trọng của dân tộc thiểu số (đối với dân tộc thiểu số không có Tết riêng, chọn một lễ kỷ niệm trọng thể nhất để chúc mừng). Mức chi tối đa 2.000.000 đồng/người/năm.

Thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín ốm đau tối đa 3 triệu đồng/năm

Theo quy định hiện hành: Thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín bị ốm đau không quá 01 lần/năm. Mức chi: không quá 3.000.000 đồng/người/năm đối với cấp trung ương; không quá 1.500.000 đồng/người/năm đối với cấp tỉnh; không quá 800.000 đồng/người/năm đối với cấp huyện.

Với quy định này, dự thảo đề xuất: Thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín ốm đau được cơ quan y tế nơi điều trị xác nhận. Mức chi tối đa 3.000.000 đồng/người/năm.

Hiện nay, đối với thăm hỏi, hỗ trợ hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn (thiên tai, hỏa hoạn): Mức chi không quá 2.000.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan trung ương; không quá 1.000.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan cấp tỉnh; không quá 500.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan cấp huyện.

Tuy nhiên dự thảo đề xuất nâng mức hỗ trợ lên tối đa 5.000.000 đồng. Cụ thể: Thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín gặp khó khăn về kinh tế, mức chi tối đa 5.000.000 đồng/người.

Lý giải về những đề xuất trên, Ủy ban Dân tộc cho biết: Việc bổ sung quy định về ngày lễ trọng thể nhất của từng dân tộc thiểu số và giao các địa phương lựa chọn để tổ chức thực hiện chúc mừng, thăm hỏi, động viên đối với người có uy tín các dân tộc không có ngày Tết dân tộc riêng, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong thực hiện chính sách đối với người có uy tín.

Bên cạnh đó, nâng mức chi tối đa/người/năm cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đồng thời không quy định số lần và định mức chi cụ thể/người/lần, giao quyền chủ động cho các cơ quan trung ương và địa phương căn cứ tình hình thực tế và nguồn kinh phí được giao, khả năng cân đối ngân sách sẽ quy định mức chi cụ thể cho phù hợp để thực hiện.

Quy định mới về điều kiện lựa chọn người có uy tín

Dự thảo quy định cụ thể thôn vùng dân tộc thiểu số có tỷ lệ số hộ DTTS trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên (thay cho quy định: thôn có ít nhất 1/3 số hộ gia đình hoặc số nhân khẩu) được lựa chọn người có uy tín cho thống nhất với quy định tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 10/3/2020 của Chính phủ và Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về xác định và phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối với quy định thôn đủ điều kiện và có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách, các địa phương quyết định (lựa chọn không quá 02 người/thôn) thay thế cho quy định "tổng số người có uy tín được bình chọn không vượt quá tổng số thôn của vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh".

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

(baochinhphu.vn)