Hỗ trợ kịp thời cho đồng bào dân tộc miền núi vượt qua khó khăn do đại dịch

09:32 AM 09/11/2021 |   Lượt xem: 3786 |   In bài viết | 

Đại biểu Đoàn Thị Hảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại phiên thảo luận

Đại dịch COVID-19 khiến cho đời sống toàn xã hội khó khăn, trong đó có đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 8/11, đã có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tập trung đầu tư có trọng tâm

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) nhấn mạnh, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là một trong 6 vùng kinh tế-xã hội của cả nước, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.

Sau 17 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, kinh tế-xã hội của vùng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tốc độ phát triển kinh tế vùng tăng dần qua các giai đoạn (giai đoạn 2011-2015 đạt 7,9%, giai đoạn 2016-2020 đạt 8,42%/năm). Cơ cấu kinh tế vùng đang chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp xây dựng. Năm 2020, tỉ trọng ngành công nghiệp xây dựng tăng lên 40,25%, ngành nông nghiệp giảm xuống còn 20,04%, một số địa phương đã bước đầu phát huy được thế mạnh trên cơ sở khai thác các ngành kinh tế chủ lực và hình thành được một số khu, cụm sản xuất công nghiệp điện tử với quy mô lớn.

Tuy nhiên, theo đại biểu Đoàn Thị Hảo, vùng trung du và miền núi phía bắc vẫn là một trong những vùng trũng của sự phát triển kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo của vùng là 12,8%, cao nhất cả nước, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỉ trọng rất cao, các tỉnh miền núi Tây Bắc là 97,85%, tiếp đến là các tỉnh miền núi Đông Bắc 81,96%, các xã còn khó khăn và đặc biệt khó khăn tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía bắc. Tỉ lệ xã còn khó khăn là 53,8%, xã đặc biệt khó khăn là 64,41%. Tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ đạt 38,18%, thấp nhất trong cả nước.

Đại biểu Quốc hội đến từ tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, vùng trung du và miền núi phía bắc là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, là vùng phên dậu của Tổ quốc, là an toàn khu, cái nôi của cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã nhận định: "Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi". Chính vì vậy, việc đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng trung du và miền núi phía bắc tương xứng với tiềm năng, vị trí chiến lược, vị thế lịch sử, vừa là chính sách chung, vừa là sự tri ân của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc vì đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho cách mạng.

Do đó, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến một số nội dung hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ nhất, trong phát triển kinh tế vùng, đề nghị quan tâm đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng trung du và miền núi phía bắc, tăng mức hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho khu vực này, đa dạng hóa nguồn vốn huy động, kể cả vốn vay nước ngoài. Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã có chủ trương này, theo đó, tập trung cho phát triển kinh tế vùng nhanh, bền vững, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm hiệu quả, đúng với mục tiêu, ý nghĩa của các chương trình.

Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc với 10 dự án thành phần với nhu cầu đầu tư rất lớn. Gai đoạn 2021-2025, cần tối thiểu là 137.664 tỷ đồng, trong khi ngân sách Nhà nước có hạn. Vì vậy, theo đại biểu Hảo, cần lựa chọn những dự án cấp bách để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm như dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dự án phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ hai, cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng trung du và miền núi phía bắc, trong đó ưu tiên hàng đầu các công trình có tính lan tỏa. Kết nối mảng giao thông khu vực với các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, phải coi đây là một trong những giải pháp quan trọng, hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng, trong đó ưu tiên cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện tuyến cao tốc Quốc lộ 3 kết nối thành phố Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Cao Bằng; tuyến Quốc lộ 1B kết nối tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Thái Nguyên.

Cần những chính sách đặc thù, ưu tiên đồng bộ

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo đại biểu Xuân, hiện nay, những khó khăn chung vẫn còn tiềm tàng, dự báo diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, kéo dài, tác động sâu đến người dân, nhất là những người nghèo. Chỉ tiêu về giảm nghèo vẫn là một thách thức rất lớn. Vì vậy, theo đại biểu này, rất cần những chính sách đặc thù, ưu tiên đồng bộ hơn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Tôi đề xuất với Quốc hội với Chính phủ cần tập trung cao hơn các nguồn vốn từ năm 2022 và các năm tiếp theo để tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, giữa thành thị và miền núi. Đồng thời, giúp tăng cường giữ vững được thế trận quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh quốc phòng ở những địa bàn chiến lược này”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân phát biểu.

Từ thực tế ở Tây Nguyên, đại biểu Xuân đề xuất với Bộ Chính trị, với Chính phủ nên quan tâm, tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên có thêm những cơ chế, chính sách đặc thù để tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, đại biểu cũng đề xuất với các bộ, nhất là Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Bộ Công Thương tập trung nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp và người dân ở đây thực hiện chế biến sâu các sản phẩm cây công nghiệp như cà phê, hạt tiêu, bơ, mắc ca, sầu riêng, hạt điều... để làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững, khắc phục được tình trạng "được mùa rớt giá" như những năm vừa qua.

Đồng thời, đại biểu cũng tiếp tục kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ KH&CN, trên tinh thần cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Israel gần đây, xúc tiến chương trình làm việc với Chính phủ Israel để thực hiện nhập, chuyển giao công nghệ tưới giọt đại trà, quy mô công nghiệp cho các tỉnh Tây Nguyên như là một giải pháp tiết kiệm nguồn nước, bảo đảm an ninh nguồn nước.

Cùng ý kiến, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngay trước thời điểm khai mạc kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1719 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của giai đoạn 2021-2030. “Chúng tôi đề nghị trong nghị quyết hằng năm của Quốc hội cần nêu rõ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm bảo đảm nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch của Chương trình”, đại biểu Cao Thị Xuân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành các văn bản pháp lý làm cơ sở để kịp thời tổ chức thực hiện Chương trình, đặc biệt là văn bản hướng dẫn để sớm triển khai thực hiện nội dung đất ở, đất sản xuất; đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm tại chỗ.

Theo bà Cao Thị Xuân, những vấn đề đặt ra đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay mang tính cấp bách, bởi khó khăn từ tác động của đại dịch vừa qua là rất lớn khi lưu thông hàng hóa bị đình trệ và các nhóm người lao động từ khu vực đô thị trở về đã làm gia tăng áp lực xã hội tại những vùng này.

“Sở dĩ chúng tôi đề nghị phải ghi rõ trách nhiệm, bố trí đủ nguồn lực triển khai thực hiện của các bộ, ngành là bởi chúng ta đã có tiền lệ thực hiện chưa tốt một số chương trình, chính sách quan trọng đối với vùng dân tộc và miền núi. Còn nhớ ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2085 phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của giai đoạn 2017-2020. Tuy Quyết định được Thủ tướng ký từ năm 2016 nhưng mãi đến năm 2019 mới được giao vốn đầu tư phát triển và chỉ đạt có 14,66% nhu cầu. Câu chuyện này từng được nhiều đại biểu của nhiệm kỳ trước phát biểu ý kiến tại hội trường”, đại biểu Cao Thị Xuân chia sẻ.

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số vào tháng 4/2019, có tới gần 13.000 hộ người dân tộc thiểu số di cư tự phát cần được sắp xếp, bố trí ổn định; hơn 54.000 hộ thiếu đất sản xuất; hơn 58.000 hộ thiếu đất ở và khoảng 220.000 hộ thiếu nước sinh hoạt cần được hỗ trợ kinh phí. Việc hỗ trợ để giải quyết vấn đề này thuộc về dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030. Thời điểm này, chỉ còn gần 2 tháng nữa là kết thúc năm 2021, đại biểu Cao Thị Xuân cho biết dự án vẫn phải đợi vốn nên chưa thể triển khai được.

Cũng theo đại biểu Xuân, các chương trình mục tiêu quốc gia, những chính sách có ý nghĩa tốt đẹp được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ dành cho đồng bào chỉ có thể phát huy được hiệu quả khi đáp ứng đủ nguồn vốn, được triển khai kịp thời, chống được thất thoát, lãng phí, tiêu cực. “Đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn nhưng chúng ta không thể nợ lâu hơn nữa chương trình mục tiêu này. Đồng bào các dân tộc thiểu số luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Việc bố trí đủ nguồn lực sẽ giúp thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh./.

(baochinhphu.vn)