Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 đến 1,5%/năm

07:11 AM 12/03/2020 |   Lượt xem: 3887 |   In bài viết | 

Tuyên truyền chủ trương, chính sách là một trong các giải pháp góp phần giảm nghèo cho đồng bào DTTS. (Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp, Bộ LĐTB&XH cho biết, năm 2019, ngân sách TƯ bố trí hơn 10.400 tỷ đồng cho Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, vốn đối ứng địa phương và các nguồn huy động hợp pháp tại 40 trong số 63 tỉnh, thành phố là 2.177 tỷ đồng. Chương trình đã hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 1,3 triệu hộ nghèo; hỗ trợ 70% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 1,2 triệu hộ cận nghèo; thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên. Ðã có hơn 1,9 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, tạo việc làm cho gần 267 nghìn lao động, trong đó gần 7.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng hơn 1,2 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 19 nghìn căn nhà ở cho các đối tượng chính sách... Ðến cuối năm 2019, tỷ lệ nghèo cả nước bình quân khoảng dưới 4% (giảm 1,3% so với cuối năm 2018).

Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định, cần tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2021 - 2025 nhưng đổi mới phương pháp tiếp cận, các cách thức hỗ trợ, tiêu chí đánh giá… nhằm kết nối tất cả các chương trình, tổ chức, cá nhân để tạo nguồn lực tổng hợp để hỗ trợ người nghèo về sinh kế, xóa nhà dột nát, cải thiện điều kiện sống của người nghèo. Trong năm 2020, chúng ta cần tập trung huy động cao nhất nguồn lực và dồn sức cho việc thực hiện Chương trình đạt kết quả cao nhất, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu năm 2020 và cả giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của Chương trình trong năm 2020 là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 đến 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo DTTS giảm 3 đến 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều...