Quy chế hoạt động của BCĐQG Chương trình hành động "Không còn nạn đói"
07:41 PM 24/09/2018 | Lượt xem: 2757 In bài viết |Theo đó, Ban chỉ đạo Quốc gia làm việc theo chế độ đề cao trách nhiệm cá nhân của Trưởng Ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên Ban chỉ đạo. Đồng thời bảo đảm sự chủ động giải quyết nhiệm vụ của các thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia và sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025.
Giải quyết công việc đúng phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật, đảm bảo kịp thời, chất lượng và hiệu quả; bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Các thành viên Ban chỉ đạo có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ do Trưởng Ban chỉ đạo phân công.
Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo toàn diện về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo Quốc gia; quyết định Chương trình, kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo Quốc gia; phân công nhiệm vụ đối với Phó Trưởng ban chỉ đạo, các Ủy viên Ban chỉ đạo Quốc gia; chỉ đạo sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia; quyết định triệu tập, chủ trì và kết luận các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia; chỉ đạo xây dựng, thực hiện các chính sách, chiến lược, chương trình Quốc gia liên quan đến Chương trình hành động không còn nạn đói và thực hiện các quyền hạn khác do Thủ tướng Chính phủ giao/ủy quyền...
Phó trưởng Ban chỉ đạo (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giúp Trưởng ban chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo Quốc gia và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; chỉ đạo, đôn đốc, điều phối các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, chương trình quốc gia, đề án, dự án liên quan đến Chương trình bảo đảm tính hiệu quả, lồng ghép và đồng bộ với các chiến lược, chương trình khác; tổ chức nghiên cứu về Chương trình, tham vấn, tư vấn các vấn đề có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh; tham mưu cho Trưởng Ban chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Chương trình hành động Quốc gia; kiểm tra, báo cáo Trưởng Ban về sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chương trình này.
Các Ủy viên Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban chỉ đạo về việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công; tham mưu cho Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách liên quan đến Chương trình thuộc phạm vi của Bộ, ngành, lĩnh vực mình phụ trách.
Thực hiện các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Quốc gia trong lĩnh vực được giao; chỉ đạo lồng ghép các hoạt động của Chương trình trong các chiến lược, chương trình, đề án, dự án của Bộ, ngành mình; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để xử lý những vấn đề có liên quan đến Chương trình này.
Trưởng Ban, các Phó Trưởng ban, các Ủy viên Ban chỉ đạo Quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
(baochinhphu.vn)