Sửa đổi Nghị định 05 về công tác dân tộc: Góc nhìn từ đại biểu Quốc hội
02:34 PM 20/06/2022 | Lượt xem: 7155 In bài viết |Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất về lĩnh vực công tác dân tộc. Qua 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định 05 cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập, hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các chính sách mới liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Nhiều chính sách chưa được quy định cụ thể
Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc (Nghị định 05), là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành hoặc tham mưu ban hành hệ thống chính sách dân tộc và các văn bản pháp luật, các chương trình, đề án, dự án liên quan đến đồng bào DTTS.
Mặc dù là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất về lĩnh vực này, nhưng chưa quy định cụ thể về cơ chế bảo đảm thực hiện các chính sách dân tộc (nhất là cơ chế về nguồn lực), dẫn đến việc phân loại, đánh giá thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa thống nhất, đồng bộ trong thực hiện chính sách.
Theo báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho thấy, còn 23 chính sách dân tộc chưa được ghi nhận; hoặc chưa được quy định cụ thể trong Nghị định và các văn bản pháp luật liên quan vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Cụ thể như: Cơ chế, chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em nhà trẻ người DTTS, con hộ nghèo tại các cơ sở giáo dục mầm non tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài là người DTTS; Chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân trong việc tổ chức duy trì, bảo tồn, truyền dạy văn hoá truyền thống trong cộng đồng…
Theo bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, mặc dù Nghị định 05 là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất về lĩnh vực này, nhưng đây vẫn là văn bản dưới luật nên chưa đủ hiệu lực pháp lý để định hướng chính sách, làm căn cứ cho các luật chuyên ngành điều chỉnh cho phù hợp, dẫn đến các chính sách dân tộc hiện nay chưa có sự kết nối, thống nhất, đồng bộ chưa cao. Nghị định này cũng chưa quy định cụ thể về cơ chế bảo đảm thực hiện các chính sách dân tộc, dẫn đến việc bố trí nguồn lực thực hiện chính sách còn hạn chế…
Người dân xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) đầu tư chăn nuôi gia súc, nâng cao thu nhập
Cần sửa đổi bổ sung phù hợp với Hiến pháp
Trên thực tế, mặc dù Nghị định 05, là văn bản điều chỉnh toàn diện nhất về công tác dân tộc, nhưng cũng đã được áp dụng hơn 10 năm đã bộc lộ nhiều hạn chế vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các chính sách mới liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội kiến nghị, cần có quy phạm pháp luật ở tầm luật để điều chỉnh thống nhất các chính sách dân tộc, làm công cụ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn), quan điểm về chính sách dân tộc luôn được đổi mới, hoàn thiện qua các bản Hiến pháp. Đặc biệt, Điều 5 Hiến pháp 2013, đã thể hiện tinh thần rất mới, đó là bên cạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho đồng bào phát triển toàn diện, Hiến pháp 2013 cũng xác định, Nhà nước phải tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.
Ông Phạm Trọng Nghĩa dẫn chứng, tại kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, về công tác dân tộc trong tình hình mới cũng yêu cầu: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS.
Song song với đó, Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, cũng yêu cầu Chính phủ: Tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách dân tộc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp.
Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) cho rằng: Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 05 cơ bản đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử, là văn bản quy phạm pháp luật định hướng tổ chức thực hiện hệ thống chính sách dân tộc thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tế; từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Nghị định 05 đã bộc lộ nhiều vướng mắc. Quy định tại Nghị định 05 còn chung chung, chưa quy định cơ chế tài chính nên khó triển khai thực hiện trong khi các bộ, ngành, địa phương chủ yếu dựa vào các quy định của Luật chuyên ngành để triển khai thực hiện từng nhóm chính sách cụ thể, nhất là đối với những lĩnh vực có Luật điều chỉnh. Do vậy, chính sách ban hành nhiều, phủ kín các lĩnh vực nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra do thiếu nguồn lực.
“Sửa đổi, bổ sung Nghị định 05 nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp về công tác dân tộc, chính sách dân tộc sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay”, ông Tráng A Dương cho biết thêm.
Trên cơ sở các căn cứ chính trị, pháp lý cũng như thực tiễn, việc sửa đổi bổ sung Nghị định 05 về công tác dân tộc, là nguyện vọng chính đáng của cử tri và đồng bào các DTTS. Qua đó, tạo sự thống nhất trong việc thực hiện các chính sách, làm công cụ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, đặc biệt là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
(baodantoc.vn)