Người mang “văn hóa” về thôn, bản

08:30 AM 11/10/2016 |   Lượt xem: 5671 |   In bài viết | 

Anh Lớ vận động bà con Cơ Tu phá vườn tạp trồng chuối, tre lấy măng…

Hơn 10 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang - TP Đà Nẵng), anh Nguyễn Văn Lớ, người dân tộc Cơ Tu được bà con trong thôn, trong xã  quý mến và nể phục. Anh không chỉ là người làm ăn giỏi mà còn đem kiến thức về giúp bà con trong sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi, đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con trong thôn.

Thôn Phú Túc quê anh Lớ có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Trước đây, hầu hết các hộ đều nghèo, do sống du canh, du cư, tập tục sinh hoạt lạc hậu... Ngay từ khi làm cán bộ cơ sở như Chi hội trưởng CCB (từ 1996 - 2009); Đội trưởng Dân phòng (2004 -2008), Phó ban thôn (2007 - 2008) và Bí thư Chi bộ (từ 2008 - 2015), anh đã vận động bà con không sống du canh, du cư, không phá rừng làm nương rẫy, xóa bỏ tập tục lạc hậu trong ma chay cưới xin, vận động bà con trồng lúa nước, bắp lai, trồng cỏ nuôi bò, trồng rừng, trồng chuối lập vườn; trẻ em được đến trường học không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, cùng nhau đoàn kết làm ăn, xây dựng bản làng văn hóa văn minh... 

Để bà con tin lời nói và cái bụng của mình, anh Lớ gương mẫu, tiên phong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cây, con giống mới vào sản xuất. Với diện tích 3.000 m2 vườn, anh trồng bưởi, tiêu, đu đủ, dứa, chuối, nuôi 15 con bò và trồng 5 ha. Trung bình mỗi năm anh thu khoảng 50 triệu đồng. Nhờ đó mà anh có tiền làm nhà, mua xe máy, nuôi các con ăn học. 
 

Anh Lớ nhận giấy khen của UBND xã Hòa Phú công nhận là “Gia đình văn hóa tiêu biểu” 15 năm liền (2009 - 2014).

Nghe và làm theo anh Lớ, từ đó, nạn đốt rừng làm nương rẫy ở Phú Túc xem như chấm dứt, đồng thời nhiều hộ trong thôn đã có thu nhập cao. Toàn thôn nuôi 200 con bò, trồng trên 125 ha rừng: Nhiều hộ tiêu biểu như hộ ông Đinh Văn Nhôm nuôi 10 con bò, Đinh Thị Năm nuôi 10 con bò…; trồng rừng thì có hộ ông Lê Văn Nghĩa trồng 10 ha, Lê Văn Hoàng trồng 15 ha… Những năm qua, bà con Cơ Tu muốn có giống trồng rừng phải đi mua giống cây rất xa, vận chuyển tốn nhiều công sức. Thấy vậy anh Lớ vận động bà con trong thôn lập vườn ươm cây keo lá tràm. Đến nay đã có hai vườn ươm của anh Lê Văn Hoàng và cô Lê Thị Thi. Mỗi năm, mỗi hộ sản xuất khoảng 10.000 cây để bán và phục vụ nhu cầu trồng rừng trong và ngoài thôn, cho thu nhập khá cao. 

Anh Lớ thuyết trình về lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ tại Khu Di tích căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang.

ể bổ sung kiến thức cho mình, anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang tổ chức hoặc Trung tâm khuyến nông - lâm - ngư TP Đà Nẵng tổ chức. Nhiều năm liền, thôn Phú Túc được công nhận là thôn tiên tiến. Anh Lớ cho biết: Năm 2015, toàn thôn có 141 hộ với trên 550 khẩu; nhà xây: 98%; xe máy 90%, ti vi 95%; gia đình văn hóa đạt trên 90%. Đặc biệt, học sinh các cấp không có em nào bỏ học nửa chừng, không có hộ nào sinh con thứ ba. Với những thành quả nói trên, chi bộ của anh luôn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Các đoàn thể đạt danh hiệu tiên tiến, xuất sắc. Thôn Phú Túc và bản thân anh nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Vừa qua, vào tháng 10/2015, gia đình anh được UBND xã Hòa Phú công nhận là “gia đình văn hóa tiêu biểu” 15 năm liền (2009 - 2014).

Về Phú Túc hôm nay chỉ thấy một màu xanh bát ngát của rừng trồng, những ngôi nhà tôn, lụp xụp ngày nào được thay thế bằng những ngôi nhà “Đại đoàn kết”, nhà “Tình nghĩa” ẩn hiện trong các khóm cây ăn quả, giàn mướp... Những con “sơn đạo”, “nắng bụi, mưa bùn” nay đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Những thành quả đó là nhờ ý thức vươn lên từ nội lực của đồng bào Cơ Tu; sự quan tâm hỗ trợ có hiệu quả của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; sự nhiệt tình, năng động của Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Lớ cho các hoạt động trong đời sống văn hóa ở địa phương, góp phần đưa xã miền núi Hòa Phú đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.

Theo: Tiên Sa (baotintuc.vn)