Phó Chủ tịch xã trưởng thành từ Dự án 600
02:50 PM 14/09/2017 | Lượt xem: 7556 In bài viết |Là những đội viên của Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo (gọi tắt là Dự án 600), sau 5 năm triển khai, hai vị Phó Chủ tịch xã ngày ấy có bước trưởng thành về bản lĩnh, năng lực công tác, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận.
Quê ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La nhưng Nguyễn Trung Hiếu lại bén duyên với mảnh đất Cao Bằng. Là 1 trong 44 đội viên tham gia Dự án nhận nhiệm vụ tại nơi đây, chàng trai sinh năm 1988 được bầu giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND xã Kim Cúc, một xã nghèo của huyện Bảo Lạc. Với 100% là hộ đồng bào 6 dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo lên đến 96,8%, trình độ canh tác thấp, được phân công phụ trách khối kinh tế - nông lâm nghiệp, Phó Chủ tịch Hiếu không khỏi lo lắng.
“Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nông lâm nghiệp nhưng hầu như các tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa được áp dụng vào sản xuất. Để nâng cao đời sống cho bà con, không cách nào khác là phải chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi phương thức canh tác”, Hiếu chia sẻ suy nghĩ lúc đó.
Vậy nhưng qua tìm hiểu, vị Phó Chủ tịch xã biết được thực tế là rất nhiều các chương trình, dự án khi triển khai trên địa bàn xã gặp không ít khó khăn do nhận thức hạn chế của người dân, cán bộ không có kinh nghiệm, kiến thức khi xây dựng mô hình khiến cho cái nghèo, cái khó cứ quẩn quanh mãi. Phải bắt đầu từ đâu? Đó là câu hỏi Hiếu đặt ra và nhận thấy tự mình phải sớm tìm ra đáp án.
“Cùng với công tác tuyên truyền, tới từng hộ để tiếp xúc, trò chuyện với bà con, tôi đã tham mưu cho Đảng ủy – UBND xã mở các lớp học ở hiện trường với quy mô nhỏ mà ở đó, người dân trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cây, con, giống mới, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hợp lý rồi dần thay thế bằng phân bón hữu cơ, vi sinh, chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt”.
Từ những lớp học ấy, người dân nhớ rồi làm theo, Nguyễn Trung Hiếu mạnh dạn tham mưu cho lãnh đạo xã vận động toàn bộ các hộ dân chuyển đổi toàn bộ giống lúa địa phương sang lúa lai 838 trong 3 năm với tổng diện tích 161ha. Kết quả mang lại là tổng sản lượng lương thực có hạt đã tăng từ 984 tấn lên 1.400 tấn, tăng 42,3%.
Bên cạnh mô hình lúa lai cho năng suất cao, Nguyễn Trung Hiếu đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm huyện xây dựng mô hình “Ủ cỏ chăn nuôi bò” nhằm thay đổi tập quán thả rông gia súc ảnh hưởng đến sản xuất, gây ra dịch bệnh trong khi năng suất hiệu quả lại không cao, thay vào đó là vận động nhân dân sửa chữa chuồng trại, trồng cỏ và nuôi bò vỗ béo.
Với những cách làm này, sau gần 5 năm, diện mạo xã đã có sự thay đổi đáng kể, đóng góp của Nguyễn Trung Hiếu đã được ghi nhận khi anh được cán bộ, đảng viên và nhân dân xã tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã.
Cũng giống như Hiếu, tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, chuyên ngành Khuyến nông, chàng trai Quàng Văn Thăng, sinh ra và lớn lên ở Chiềng Cang, huyện Sông Mã lại nhận nhiệm vụ tại xã Phiêng Côn, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Với Quàng Văn Thăng, đã tình nguyện công tác tại địa bàn khó khăn thì những thử thách trong sinh hoạt, công tác là chuyện đương nhiên phải vượt qua. Kỷ niệm về những lần xuống bản đường núi quanh co, xe hỏng giữa đường, sóng điện thoại thì không có đành phải để xe lại ven đường đi bộ hàng cây số trong đêm tối xin người dân ngủ nhờ là chuyện “chắc người cán bộ miền núi nào cũng đã từng gặp”.
Cũng chính vì những lần xuống với dân ấy, nhận thấy việc sử dụng thuốc trừ cỏ tràn lan ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của bà con, gây ô nhiễm môi trường, với kiến thức đã được học, Phó Chủ tịch Quàng Văn Thăng vận động, phân tích để người dân không lạm dụng thuốc trừ cỏ, đồng thời tìm cách kiểm soát nguồn thuốc trừ cỏ bán cho các hộ dân trong xã.
Về lâu dài, để hạn chế việc sử dụng thuốc, anh đã tham mưu cho lãnh đạo xã vận động bà con phát triển mô hình chăn nuôi đại gia súc, giảm diện tích đất trồng ngô, tăng diện tích trồng cỏ làm bãi thả bò, thực hiện trồng cỏ gần nguồn nước để bổ sung thức ăn cho bò nhất là vào mùa khô.
“Tôi thấy cần thiết phải triển khai mô hình này vì ở Phiêng Côn, số lượng bò lớn, gần 2.000 con, nhưng mấy năm trước cả xã không có lấy một chuồng bò nào. Vì thế, hằng năm, bò chết rét không phải là ít. Nguồn thức ăn bổ sung vào mùa khô cũng không có nên mô hình được triển khai sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề trong khi lại tạo nguồn thu nhập cho bà con”, Phó Chủ tịch xã phân tích.
Giờ đây ở Phiêng Côn, không chỉ đàn gia súc phát triển mà nhiều nóc nhà khang trang, xe máy, đồ điện tử phục vụ sinh hoạt của người dân cũng ngày càng nhiều. Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi của xã cũng chính thức đi vào hoạt động. Với những đóng góp cho xã nghèo, Phó Chủ tịch Quàng Văn Thăng đã được lãnh đạo huyện đánh giá cao, điều động về làm Phó Bí thư Huyện đoàn Bắc Yên.
Nguyễn Trung Hiếu, Quàng Văn Thăng là hai trong số 60 đội viên tiêu biểu của Dự án 600 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Nội vụ biểu dương, khen thưởng./.
PV