Kết nối phụ nữ dân tộc thiểu số với sàn thương mại điện tử
08:19 AM 07/10/2021 | Lượt xem: 4782 In bài viết |Đây là khóa tập huấn trực tuyến cung cấp những kiến thức, kỹ năng bán hàng, quảng bá sản phẩm và dịch vụ trên sàn thương mại điện tử cho phụ nữ dân tộc thiểu số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.
Khóa tập huấn trực tuyến về Thúc đẩy tiêu thụ nông sản và quảng bá du lịch cộng đồng trên sàn thương mại điện tử Lazada, một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam được tổ chức ngày 4/10/2021 với sự chủ trì của dự án "Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch tại Lào Cai và Sơn La" (GREAT) do chính phủ Australia tài trợ.
Hơn 70 đại diện đến từ dự án, các cơ quan nhà nước, các đối tác doanh nghiệp và những phụ nữ dân tộc thiểu số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch đã tham gia, được chia sẻ về cách thức bán hàng và quảng bá sản phẩm, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử.
Đây cũng là dịp các hợp tác xã, các tổ hợp tác và các hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực nông nghiệp như dược liệu, chè, gia vị (quế, hồi, gừng hữu cơ), trái cây, rau, gạo, tinh dầu... ở hai tỉnh Lào Cai, Sơn La và các doanh nghiệp ở các tỉnh khác như Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái và Lạng Sơn có dịp giao lưu, kết nối.
Khóa tập huấn nằm trong chương trình tăng cường năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp đối tác và những phụ nữ dân tộc thiểu số để họ có kết nối tốt hơn với thị trường và cải thiện kết quả kinh doanh, đồng thời giúp các cộng đồng địa phương và doanh nghiệp ứng phó, phục hồi tốt trong điều kiện đại dịch Covid-19.
Khóa tập huấn còn là dịp để các hợp tác xã, các tổ hợp tác và các hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực nông nghiệp giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường
Ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan chia sẻ: Chuyển đổi số đang trở thành giải pháp thiết yếu cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Với nhóm phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch, trang bị kỹ năng cần thiết giúp họ chuyển đổi số hiệu quả thông qua thương mại điện tử sẽ giúp giảm thiểu tác động của việc gián đoạn chuỗi cung ứng và các thách thức cho cộng đồng về lâu dài.
Ông Phil Harman, Cố vấn trưởng dự án GREAT chia sẻ về tầm quan trọng của việc ứng dụng kỹ thuật số trong hoạt động của các đối tác và tiềm năng tăng cường lồng ghép kỹ thuật số, qua đó giúp nâng cao quyền cho phụ nữ: "Kỹ năng số là một trong những kỹ năng kinh doanh vô cùng cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gián tiếp làm khoảng cách số đối với phụ nữ và các cộng đồng dân tộc thiểu số trở nên rõ rệt hơn. Chúng tôi luôn nỗ lực để đảm bảo rằng phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ có những kỹ năng và công cụ cần thiết để có được lợi ích từ các sàn thương mại điện tử".
Nhiều phụ nữ vùng cao được hưởng lợi từ Dự án Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch (GREAT)
Dự án Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch (GREAT) là một sáng kiến hàng đầu trong chương trình Aus4Equality do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ. Dự án được thực hiện đến 31/12/2021 với tổng đầu tư 33,7 triệu đô la Úc (tương đương khoảng 600 tỷ đồng) trong hơn 4 năm. Dự án được thực hiện nhằm mang lại lợi ích nhiều hơn cho phụ nữ và các cộng đồng dân tộc thiểu số. Ngày càng có nhiều người tham gia và hưởng lợi ích từ các hoạt động kinh tế liên quan và sự tăng trưởng chung. Đồng thời dự án cũng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và hợp tác với các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và phi chính phủ để vận động chính sách, thay đổi ý thức và hành động liên quan đến bình đẳng giới.
Đến tháng 6/2021, dự án cũng đã đạt được một số kết quả tích cực, bao gồm 15,415 phụ nữ được tăng thu nhập, 834 phụ nữ có việc làm mới, 82% phụ nữ tự tin về năng lực kỹ thuật và thu hút 7.6 triệu đô la Úc từ khối tư nhân. Nhiều sản phẩm của các đối tác của GREAT đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc đang được phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn của Việt Nam như Big C, Aeon Mall.
(phunuvietnam.vn)