Can thiệp tình trạng thấp còi cho trẻ em dân tộc thiểu số

04:45 PM 11/12/2017 |   Lượt xem: 6124 |   In bài viết | 

(Ảnh: Tổ chức SCI)

Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường công tác truyền thông về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số” diễn ra sáng 8-12, do Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam và Tổ chức cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (SCI) tổ chức. Một lần nữa, vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em Việt Nam nói chung và trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng được đặt ra một cách bức thiết.

Việt Nam hiện có 1,9 trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi

Việt Nam đang đứng thứ 13 trên thế giới về gánh nặng do suy dinh dưỡng thấp còi gây ra. Bà Trương Tuyết Mai, Viện phó Viện Dinh dưỡng cho biết, có 1,9 triệu trẻ em Việt Nam (gần 1/4 trẻ em dưới 5 tuổi) bị suy dinh dưỡng thấp còi. Hơn 200 nghìn trẻ em ở độ tuổi này bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính. 5.000 trẻ em tử vong do những nguyên nhân có liên quan đến suy dinh dưỡng.

Mặc dù Việt Nam đã có nhiều chính sách can thiệp, nhưng tỷ lệ này cũng không giảm đáng kể trong nhiều năm qua. Trong khoảng bảy năm trở lại đây, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở Việt Nam chỉ giảm trung bình khoảng 1,15% mỗi năm. Năm 2016, Việt Nam còn 13,8% trẻ em thể nhẹ cân và 24,3% trẻ thấp còi. Như vậy, cứ sáu trẻ dưới năm tuổi, có một trẻ bị thiếu cân. Cứ bốn trẻ dưới năm tuổi, có một trẻ bị thấp còi. Đặc biệt, tỷ lệ này ở trẻ em dân tộc thiểu số vẫn còn rất cao, gấp đôi so với trẻ em người Kinh.

Một khảo sát mới nhất tại hai huyện Bắc Hà và Si Ma Cai ở Lào Cai chỉ ra có tới 64,5% trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi. Ở độ tuổi 0-11 tháng tuổi, nếu như tỷ lệ suy dinh dưỡng chỉ chiếm 20%, thì từ mốc 12 tháng tuổi đến 5 tuổi, tỷ lệ này đã tăng lên gấp đôi, tới 40%.

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em dân tộc cũng đang ở con số đáng báo động. Có 80,8% trẻ em bị thiếu kẽm; 31,3% thiếu máu và 16% thiếu vitamin A. Rất nhiều vấn đề sức khỏe có liên quan đến tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như hiện tượng mù lòa ở trẻ em do thiếu vitamin A; thiếu máu do thiếu sắt; đần độn kém phát triển trí tuệ do thiếu i-ốt.

Bà Dragana Stricnic, Giám đốc Quốc gia Tổ chức cứu trợ Trẻ em nhấn mạnh, suy dinh dưỡng thể thấp còi để lại những hệ quả nghiêm trọng đối với sự phát triển của trẻ, bao gồm cả sự phát triển của não bộ, làm giảm sức sản xuất khi trẻ đến tuổi trưởng thành mà qua đó sẽ tác động đến nền kinh tế, xã hội.

Can thiệp tình trạng thấp còi tại Việt Nam

Trong suốt 27 năm có mặt tại Việt Nam, Tổ chức cứu trợ Trẻ em chỉ ra những nguyên nhân chính của tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số do các bà mẹ tại đây cho trẻ ăn thức ăn thô sớm, ăn cơm khi mới 2-3 tháng tuổi. Trẻ không được tiếp cận với nước sạch, nguồn lương thực đầy đủ chất dinh dưỡng. Phụ nữ sinh con dầy, sinh sớm nên có không ít trẻ em bị suy dinh dưỡng từ bào thai.

Một trong những lý do nữa được chỉ ra, chính là tình trạng khó khăn về kinh tế, khó khăn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân tại đây khiến họ cũng chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc bổ sung đủ vi chất dinh dưỡng cho trẻ em.

Trước những thách thức của việc can thiệp cho trẻ em dân tộc thiểu số để giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, tổ chức SCI đã phát động chiến dịch “Vì mọi trẻ em” với chủ đề “Dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số”. Đây là một chiến dịch toàn cầu với mong muốn tạo ra những thay đổi tích cực cho hàng triệu trẻ em dễ bị tổn thương nhất.

Với chiến dịch này, Việt Nam và tổ chức SCI đang nỗ lực hợp tác liên ngành trong vấn đề dinh dưỡng bằng những khuyến khích như: các bà mẹ cần chăm sóc sức khỏe tốt hơn trong thời kỳ mang thai; nên nuôi con bằng sữa mẹ; thực hiện bổ sung thêm cho trẻ ngoài sữa mẹ khi đã đủ sáu tháng tuổi. “1.000 ngày đầu tiên trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ là giai đoạn quan trọng nhất đối với các can thiệp chống suy dinh dưỡng thể thấp còi” - bà Dragana Stricnic nhấn mạnh.

Để giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi, đòi hỏi phải có sự quan tâm hơn nữa của các ban, ngành liên quan và toàn xã hội đến chăm sóc cho phụ nữ trước và trong giai đoạn mang thai cũng như trẻ dưới hai tuổi. Giám đốc Quốc gia Tổ chức cứu trợ Trẻ em cũng mong muốn truyền thông Việt Nam vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, để tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân thực hiện các chủ trương chính sách pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng là một chứng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị. Tập trung vào giảm suy dinh dưỡng trẻ em Việt Nam chính là đầu tư cho nhân lực tương lai.

Chiến dịch “Vì mọi trẻ em” của SCI mong muốn sẽ góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu của chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

(nhandan.com.vn)