Chọn 8 tỉnh triển khai chỉ đạo điểm "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" dân tộc thiểu số và miền núi
09:22 AM 15/09/2022 | Lượt xem: 7887 In bài viết |Nhằm triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi hiệu quả, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo điểm.
Theo Kế hoạch, sẽ triển khai đồng loạt các mô hình, hoạt động can thiệp của Dự án 8 tại một số địa phương đại diện theo vùng miền trên toàn quốc, từ đó làm cơ sở để đánh giá, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Dự án 8 và lan tỏa, nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, có 8 tỉnh đại diện các vùng miền (miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Đông Nam bộ) sẽ triển khai theo Kế hoạch chỉ đạo điểm, gồm: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Phước, Sóc Trăng. Tại mỗi tỉnh sẽ lựa chọn 1 xã phù hợp để tập trung nguồn lực và can thiệp toàn diện các mô hình của Dự án. Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025.
8 tỉnh đại diện các vùng miền (miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Đông Nam bộ) sẽ triển khai theo Kế hoạch chỉ đạo điểm. Ảnh minh họa
4 nội dung trọng tâm
Các mô hình, hoạt động chỉ đạo điểm sẽ bám sát nội dung, yêu cầu của Chương trình theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn, kế hoạch thực hiện Dự án 8 giai đoạn 1 của Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam và gắn với nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Cụ thể, sẽ triển khai theo 4 nội dung:
Thứ nhất, thành lập và duy trì các mô hình của Dự án: Thành lập và vận hành hoạt động của các Tổ truyền thông cộng đồng; Thành lập mới/hoặc củng cố nâng chất lượng và vận hành hoạt động Địa chỉ tin cậy cộng đồng; Củng cố, nâng cao chất lượng mô hình hiện có/hoặc thành lập mới và duy trì mô hình Tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản; Thành lập, vận hành Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi tại trường học (cấp trung học cơ sở) và tại cộng đồng.
Thứ hai, các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ: Hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người; Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩn nông sản.
Thứ ba, các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tỉnh: Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tham gia các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị; Phát triển năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị;
Thứ tư, triển khai các hoạt động đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong các vấn đề kinh tế xã hội tại địa phương.
Ngoài ra, các mô hình, hoạt động cần được triển khai đồng bộ, đảm bảo tiến độ, hiệu quả, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế địa phương; các ban, đơn vị phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện.
Công tác chỉ đạo điểm cũng sẽ được đánh giá, rút kinh nghiệm thường xuyên để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện và rút kinh nghiệm chỉ đạo triển khai tại địa bàn Dự án 8 trong cả nước.
Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 do Hội LHPN Việt Nam chủ trì, xây dựng và triển khai. Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là lần đầu tiên, trong chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi có riêng một dự án thành phần về thúc đẩy bình đẳng giới. |
(phunuvietnam.vn)