Dai dẳng nạn tảo hôn ở vùng núi Quảng Nam

11:04 AM 06/04/2018 |   Lượt xem: 3222 |   In bài viết | 

Nhiều cô gái ở miền núi Quảng Nam làm mẹ khi mới tuổi 15

"Lấy chồng từ thuở mười ba, đến khi mười tám thiếp đã năm con", câu ca dao tưởng chừng như bông đùa ấy lại là một câu chuyện buồn có thật, đang hiện hữu ở những vùng núi xa xôi Quảng Nam. Chuyện tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã trở thành vấn nạn diễn ra dai dẳng mặc dù có nhiều sự vào cuộc ngăn chặn từ cộng đồng, xã hội… Những nội dung đó cũng đã được phân tích tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số" do ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 28/3.

Còn nhiều trăn trở

Theo ông Lê Trí Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết để lại rất nhiều hệ lụy kéo theo cho chính những cặp vợ chồng, con cái và là vật cản cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương. Nhận thấy rõ tồn tại đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, ngăn chặn, trong đó trọng tâm là đề án giao Ban Dân tộc tỉnh phối hợp thực hiện. Vấn nạn này diễn ra chủ yếu ở những vùng dân tộc thiểu số thuộc vùng cao các huyện Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn... là nơi cư trú lâu đời của dân tộc Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ-Triêng, Cor... Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các huyện miền núi từ cuối năm 2015 đến nay có xu hướng giảm. Cụ thể, từ 1.534 trường hợp tảo hôn, 101 trường hợp hôn nhân cận huyết giảm còn 183 trường hợp tảo hôn và 4 trường hợp hôn nhân cận huyết. Tuy vậy, đó chưa phải là tín hiệu đáng mừng khi tình trạng này vẫn diễn ra mà người dân còn giấu giếm, không muốn khai báo. "Ngoài một số địa phương làm tốt công tác phối hợp ngăn chặn thì vẫn còn nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm, chú trọng thậm chí là con số tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở những địa phương này ngày càng tăng, khó kiểm soát", ông Hồ Thanh Tân, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết.

Cũng theo ông Tân, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng khi những đứa trẻ "ăn chưa no, lo chưa tới" lại phải vào vai những ông bố, bà mẹ với nhiều trọng trách quá sức. "Kiến thức hạn hẹp, không biết cách chăm sóc con cái, kinh tế gia đình lại khó khăn thì đương nhiên cuộc sống rất dễ rơi vào bế tắc. Chưa kể đến là việc tảo hôn, bỏ học sớm khiến tình trạng dân trí bị kéo lùi lại gây cản trở cho chủ trương chung hướng đến mục phát triển kinh tế, xã hội ở mỗi địa phương. Những trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết đa phần rơi vào những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hình ảnh những cô gái chưa tròn đôi mươi đã phải tay bế, bay bồng trong guồng quay công việc khiến cuộc sống càng thêm khó khăn trăm bề xuất hiện ngày một nhiều", ông Tân phân tích.

Cần quyết liệt hơn

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết diễn ra dai dẳng, bà Lê Thị Thủy, Trưởng ban Dân tộc tỉnh chỉ rõ là do một số địa phương phong tục tập quán còn lạc hậu, nhất là những nơi điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn; bên cạnh đó các cấp, ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, vận động cũng như công tác xử lý những trường hợp vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết để răn đe. Cạnh đó, việc phối hợp quản lý học sinh tại các trường THPT, PTDT nội trú giữa nhà trường, gia đình và địa phương chưa chặt chẽ. "Nhiều học sinh nữ qua kỳ nghỉ hè lại không đến trường, khi thầy cô tìm đến nhà thì mới biết các em đã mang thai. Có đến 70% trường hợp tảo hôn nằm trong độ tuổi là học sinh dù đây là những đối tượng đã được tham gia các buổi tuyên truyền, vận động", bà Thủy nói. Trong hai năm thực hiện đề án, bước đầu cũng đã mang lại những tín hiệu tích cực khi các trường THPT, PTDT số học sinh bỏ học lập gia đình không còn đáng báo động như trước đây. Thầy Hồ Minh Vương, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT H. Nam Trà My cho hay, nhà trường luôn nỗ lực lồng ghép các kiến thức về ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết vào nội dung dạy học. Đặc biệt, nhiều buổi tuyên truyền đã được nhà trường phối hợp cùng các đơn vị thực hiện thu hút sự tham gia đông đảo của các em học sinh. Ngoài ra, các cuộc thi như: Rung chuông vàng, văn nghệ, sáng tác và trình bày thơ, tiểu phẩm, dẫn chương trình xoay quanh 2 chủ đề về ca ngợi trường lớp, thầy cô, bạn bè, vẻ đẹp học đường và bài trừ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống lạm dục tình dục học đường luôn được nhà trường quan tâm, thực hiện thành công.

Ngoài những con số tích cực, tại một số vùng núi cao vẫn còn nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau tác động làm nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết chưa được ngăn chặn dứt điểm. Theo ông Lê Trí Thanh, để vấn nạn này không còn là nỗi lo kéo dài, các cơ quan, đơn vị phải đổi mới cách làm, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động ở mọi lứa tuổi, tầng lớp. "Phải chỉ cho họ thấy được rằng tảo hôn, hôn nhân cận huyết để lại hậu quả đáng sợ như thế nào, ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của họ. Chẳng hạn như tạo điều kiện để những người trong cuộc trải lòng, chia sẻ về sự sai lầm của họ trong việc kết hôn sớm, kết hôn với những người có cùng quan hệ huyết thống dẫn đến cuộc sống hiện tại khó khăn như thế nào. Quan trọng hơn hết là phải đánh đúng vào tâm lý sợ đói nghèo, vất vả của người dân để vận động họ cùng chung tay đẩy lùi", ông Thanh nhấn mạnh.

(antt.vn)