Đề án di dân, tái định cư huyện Ia H'Drai: Nản lòng vì... chờ

09:34 AM 13/09/2017 |   Lượt xem: 11246 |   In bài viết | 

Theo lãnh đạo UBND huyện Ia H'Drai nguyên nhân chậm tiến độ đề án là do đường vào khu vực giãn dân thôn 9, Ia Tơi đang bị lầy lội (2)

Chờ lâu… dễ đổi ý

Tháng 2/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 162 về phê duyệt Đề án Di dân, bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn huyện Ia H’Drai. Theo đó, thành phố Kon Tum đã vận động 138 hộ nghèo ở 9 xã, phường không có đất sản xuất, có nguyện vọng đi xây dựng huyện mới Ia H’Drai, và được hưởng các chính sách hỗ trợ giãn dân về nơi định cư mới thôn 9 xã Ia Tơi (khi họ đảm bảo đủ các điều kiện cư trú tại khu vực biên giới theo Nghị định 34/NĐ-CP), gồm cấp nhà ở, hỗ trợ lương thực 3 tháng đầu tiên và giao đất sản xuất… Đến cuối năm 2016, thành phố đã hoàn thành tích cực công tác trên và có báo cáo UBND tỉnh.

Tuy nhiên, gần 9 tháng qua bà con vẫn chưa thấy động tĩnh gì về việc đi hay ở. Nhiều hộ nghèo có ý định rút khỏi danh sách này. Điều này có thể gây ra khó khăn cho chính quyền cơ sở. Ông A Thu - Trưởng thôn Kon K’ra Klah (xã Chư Hreng) nói: Đầu năm 2017, tôi đã có báo cáo về UBND xã là trong thôn có 12 hộ nghèo thiếu đất sản xuất đồng ý thực hiện giãn dân theo chủ trương của tỉnh về xã Ia Tơi ở huyện Ia H’Drai. Thông tin từ lãnh đạo các sở, ngành và địa phương về họp dân, nếu bà con đăng ký sớm sẽ được di dời ổn định cuộc sống ở nơi mới ngay trong năm 2017. Nhưng đến nay, công tác đưa dân về nơi ở mới của huyện mới vẫn chưa thực hiện.

“Không ít hộ cứ lo lắng hỏi thăm, chủ trương giãn dân trên có thực hiện không để họ biết đường tính chuyện đi thuê đất sản xuất. Hiện tại, các hộ này đa phần đi làm thuê không ổn định, không đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Tôi phải động viên bà con cố gắng chờ… nhưng vì chờ đợi lâu mọi người đang dần nản lòng, nói ra vào có ý định đổi ý không đi nữa” - ông Thu phàn nàn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Luận – Chủ tịch UBND xã Chư Hreng xác nhận, tháng 7/2017 các trưởng thôn có thông tin kiến nghị của bà con, địa phương cũng đã báo cáo với UBND thành phố Kon Tum với đề xuất sớm làm việc với UBND huyện Ia H’Drai để đón bà con về nơi ở mới nhằm giúp ổn định cuộc sống.

Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Trước các thông tin phản ánh trên, phóng viên Báo Kon Tum đã tìm hiểu, nguyên nhân vì sao các hộ nghèo thành phố Kon Tum chưa thể đến nơi ở mới xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai. Đi thực tế và làm việc với các phòng, ban ở thành phố Kon Tum lẫn huyện mới Ia H’Drai, được biết mỗi địa phương gặp nhiều vấn đề khó chưa có hướng tháo gỡ khi cụ thể hóa Quyết định 162 của UBND tỉnh.

Cụ thể, Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum (đơn vị tham mưu trực tiếp triển khai đề án trên) thông tin, theo dự thảo phương án di dân, bố trí và sắp xếp dân cư đến huyện mới, mỗi hộ di dân được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở mới nhưng đang gặp khó khăn chưa thể triển khai thực hiện. Nguyên nhân, căn cứ theo Quyết định 1176/QĐ-TTg, mỗi căn nhà hộ di dân được hỗ trợ tối đa 35 triệu đồng xây dựng nhà ở mới, cộng thêm nguồn bổ sung gần 15 triệu đồng/hộ từ phía địa phương đưa dân đi huyện mới, nhưng hiện tại thành phố Kon Tum đang gặp khó khăn về tìm nguồn kinh phí hỗ trợ này. Hơn thế nữa, thực tế đơn giá nguyên vật liệu, nhân công hiện đang tăng; trong khi địa bàn vùng sâu như xã Ia Tơi (nơi ở mới của các hộ) việc đi lại rất khó khăn, nên giá chuyên chở nguyên liệu xây dựng nhà cũng tăng theo.

Còn huyện mới Ia H’Drai gần như chưa triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng văn hóa cơ sở để đón các hộ định cư ở thôn 9, xã Ia Tơi. Vấn đề này, phóng viên đã làm việc trực tiếp với ông Bùi Văn Nhàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai. Ông Nhàng cho biết, hiện tại địa phương đã hoàn thành đầu tư hệ thống điện ở khu vực ở thôn 9 (xã Ia Tơi) nơi các hộ giãn dân thành phố Kon Tum về ở. Tuy nhiên, ông Nhàng cũng thừa nhận, tiến độ thực hiện đề án có chậm, do tuyến đường giao thông của huyện đi vào thôn 9 chừng 40km đang xuống cấp, có đoạn đường mới san ủi đất gặp mùa mưa lầy lội, các phương tiện máy móc, xe vận chuyển nguyên vật liệu không thể ra vào thuận lợi, cũng như tiến hành thi công các hạng mục đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế...

Các vướng mắc và khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện đề án trên rất cần UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan tìm biện pháp tháo gỡ. Bởi lẽ, ở các xã phường cho rằng, các hộ nghèo đã đăng ký giãn dân nhưng chưa đến nơi ở mới, trong khi tháng 10 gần tới việc rà soát đủ tiêu chuẩn thoát nghèo, hoặc bà con đổi ý không tham gia đề án nữa… Lúc đó, chính quyền địa phương rất khó khăn, vất vả quay trở lại rà soát, vận động người dân.

(Theo baokontum.com.vn)