Không để người dân ở vùng khó khăn bị thiếu đói vào dịp tết

04:01 PM 16/01/2017 |   Lượt xem: 4890 |   In bài viết | 

PV: Thưa ông, chăm lo tết cho người nghèo là một trong những nội dung lớn luôn được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, để người dân nghèo, đối tượng chính sách được đón tết trong no ấm và vui tươi, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) để hỗ trợ nhân dân một số địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Đinh dậu 2017. Xin ông cho biết cụ thể hơn?

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng:

Nước ta tuy là nước đang phát triển nhưng vẫn còn nhiều vùng khó khăn, đặc biệt là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiết hại do thiên tai, bão lụt nên người dân không tránh được việc đứt bữa. Để người dân nghèo, đối tượng chính sách ở các vùng này được đón tết trong no ấm và vui tươi, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định và chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) xuất cấp hơn 11.505 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho nhân dân một số vùng thuộc các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi,.Ninh Thuận, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắc. Hiện nay, khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn gặp khó khăn nên nhiều địa phương đang tiếp tục rà soát để báo cáo Chính phủ hỗ trợ.

Có thể nói, việc xuất gạo từ nguồn DTQG để hỗ trợ cho nhân dân một số địa phương tại mỗi thời điểm mang ý nghĩa khác nhau. Đây là việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa lớn lao, đậm chất nhân văn thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” sẻ chia của Chính phủ cho bà con vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai, mất mùa, thời điểm giáp hạt...đặc biệt là giúp người nghèo, những hộ dân còn thiếu đói được "đỏ lửa" trong những ngày Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc.

Mặc dù số gạo đến với mỗi người dân không nhiều ( 15kg/ nhân khẩu/tháng) nhưng đã động viên nhân dân vượt qua thời điểm khó khăn, ổn định đời sống và đón chào một năm mới tràn đầy niềm tin, đầm ấm và hạnh phúc; góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng thêm niềm tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ.

Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN - Phạm Phan Dũng

PV: Thưa ông, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này là rất khẩn trương, trong thời gian rất ngắn. Vậy để kịp thời đưa gạo tới nhân dân, xin ông cho biết Tổng cục DTNN đã triển khai những việc cụ thể gì?

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng:

Ngay khi nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã gửi công văn tới UBND các tỉnh, đồng thời chỉ đạo các cục DTNN khu vực (Nam Trung Bộ; Nghĩa Bình, Bắc Tây Nguyên, Bắc Thái, Đà Nẵng, Hà Nam Ninh, Hoàng Liên Sơn, Nam Tây Nguyên, Nghệ Tĩnh và Cục DTNN khu vực Thanh Hóa) chủ động thuê phương tiên vận chuyển, xuất gạo, liên hệ và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận gạo để tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch phân bổ của UBND tỉnh.

Tổng cục DTNN đã đôn đốc, yêu cầu các Cục DTNN khu vực tập trung mọi nguồn lực: kinh phí, nhân lực, phương tiện… để triển khai xuất gạo hỗ trợ Tết cho các địa phương. Một mặt, tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra giám sát quá trình phân phối, tiếp nhận gạo của các địa phương. Mặt khác, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền liên quan đến việc hỗ trợ gạo của Chính phủ tới nhân dân các địa phương vừa để nhân dân thấy được sự quan tâm của Đảng, của Chính phủ vừa để nhân dân giám sát việc thực hiện; đảm bảo công khai, công bằng, đúng đối tường

Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình để kịp thời chỉ đạo các Cục DTNN khu vực được giao nhiệm vụ xuất cấp gạo DTQG, xử lý các vấn đề phát sinh (nếu có). Các Cục DTNNKV đã rất tích cực, khẩn trương phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh và các Sở, ban, ngành để tổ chức triển khai khẩn trưởng để có gạo tới tận tay người dân trước Têt Nguyên đán.

PV: Thưa ông, số lượng gạo cứu trợ năm nay tăng hơn so với mọi năm, vì thế, việc xuất cấp cho người dân có khó khăn gì không?

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng:

Năm 2016 là năm mà nền nông nghiệp nước ta bị ảnh hưởng nặng nề, do trận lũ lịch sử tại các tỉnh Nam Trung bộ, do hạn hán ở Tây Nguyên và do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long,.. gây nhiều thiệt hại về tài sản, ruộng vườn,làm cho mất mùa diễn ra trên diện rộng. Vì vây, việc cứu trợ, hỗ trợ gạo cho các địa phương cũng tăng hơn các năm trước. Tuy nhiên, do dự báo trước được tình hình, nên Bộ trưởng Bộ Tài  đã chỉ đạo Tổng cục DTNN chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.

Do lượng gạo cấp phát nhiều hơn khiến cho công việc của cán bộ ngành dự trữ cũng tăng lên, vất vả hơn do các địa phương được hỗ trợ gạo lại ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (Tây Bắc, Tây Nguyên, miền trung…), điều kiện đường giao thông đi lại không thuận tiện do găp điều kiện về thời tiết có diến biến rất khó lường, tình trạng rét đậm, rét hại dự báo sẽ xảy ra trong thời điểm những ngày giáp tết.

Tuy nhiên, với phương châm không để người dân thiếu gạo trong dịp tết Nguyên đán và dự báo trước tình hình, nên dù khó vẫn phải làm, vì lo nhất là để dân đói. Chúng tôi đã đặt mục tiêu chậm nhất vào ngày 25/1, gạo cứu đói sẽ được chuyển đến tay người dân, tránh tình trạng sát Tết, người dân mới nhận được gạo.

PV: Thưa ông, ngoài niềm vui được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ thì mối quan tâm của người dân, chính quyền các địa phương là chất lượng gạo cấp phát. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng:

Đối với ngành DTQG, việc đảm bảo chất lượng hàng DTQG trong suốt cả quá trình từ khâu nhập, bảo quản và xuất ra sử dụng là thể hiện kỹ thuật, công nghệ bảo quản và đó là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị hàng đầu, quan trọng nhất của toàn ngành, cũng như từng đơn vị. Vấn đề bảo đảm chất lượng gạo DTQG để cứu trợ cho các địa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành DTQG, được các đơn vị đặc biệt quan tâm.

Có thể khẳng định rằng, gạo DTQG khi xuất cấp đến tay người dân đều được kiểm tra theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; trong quá trình vận chuyến, các Cục DTNNKV đều có quy định lựa chọn các phương tiện vận chuyển rất cụ thể về loại phương tiện vận chuyển gạo (thùng xe, điều kiện về bạt che, sàn xe, mua bảo hiểm...) nên trong thời gian qua gạo DTQG xuất cấp cho các địa phương được bảo đảm an toàn tuyệt đối về chất lượng. Ở mỗi điểm giao nhận, các bên đều trực tiếp lấy mẫu gạo đánh giá chất lượng thông qua đánh giá cảm quan, kiểm tra thực tế các bao gạo giao nhận, trên cơ sở đó các đơn vị DTQG tiến hành lập biên bản giao nhận với địa phương.

Đặc biệt, để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng gạo sau khi xuất cấp cho địa phương, Tổng cục DTNN chỉ đạo các Cục DTNNKV cử cán bộ có kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ cùng tham gia với các cấp chính quyền địa phương và người dân để tư vấn về bảo quản gạo; tránh trường hợp sau khi tiếp nhận để gạo DTQG bị suy giảm chất lượng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Sâm – Kim Thanh