Phát triển doanh nghiệp, HTX vùng dân tộc thiểu số

09:10 AM 16/06/2021 |   Lượt xem: 2999 |   In bài viết | 

Phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị đang được tỉnh Quảng Ninh hướng đến nhằm xóa bỏ khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các địa phương khác trong tỉnh. Ảnh: AT.

Sản xuất theo chuỗi giá trị

Huyện Bình Liêu, Quảng Ninh đang tích cực chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp tìm hiểu, triển khai thí điểm các mô hình giống cây trồng, vật nuôi mới, phù hợp với địa phương. Đáng chú ý, các mô hình triển khai được chú trọng đưa đến các xã vùng sâu, vùng xa để cho bà con dân tộc thiểu số tiếp cận, từng bước xóa bỏ những tập tục canh tác lạc hậu và loại bỏ giống cây không mang lại năng suất cao.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Bình Liêu cũng chú trọng xây dựng và hình thành các khu chăn nuôi bò tập trung quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hoá. Nếu như trước đây người dân chỉ chăn nuôi tự cung, tự cấp, nay nhiều hộ đã chuyển sang chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại tập trung chuyên nghiệp.

Bà Lê Thu Hương, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu cho biết: Thời gian qua, Bình Liêu đã chủ động vận dụng linh hoạt triển khai các mô hình sản xuất mới được thực hiện theo nguyên tắc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng.

Phát triển mạnh các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao thu nhập.

Thêm nữa, với mục tiêu hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản địa phương từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ra thị trường, huyện Bình Liêu đã ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất như: Ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ lãi suất, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đầu tư xây dựng trung tâm. Tổ chức xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản địa phương...

Từ hộ gia đình khó khăn, nhờ mạnh dạn vay vốn cải tạo 1ha đất trồng lúa, hoa màu để thực hiện mô hình trồng ổi lê Đài Loan, đến nay gia đình bà Trần Thị Sủi, thôn Ngàn Mèo Dưới, xã Lục Hồn (Bình Liêu) trở thành hộ gia đình khá giả của xã. Hiện, gia đình bà Sủi đang có 700 cây ổi phát triển tốt, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình bà hơn 100 triệu đồng/năm.

Tại Quảng Ninh, đồng bào dân tộc thiểu số hiện chiếm 12,31%. Địa phương này có 67/177 xã, phường, thị trấn là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục, y tế còn hạn chế, chênh lệch khá lớn so với các vùng miền khác trong tỉnh Quảng Ninh. Mặc khác, bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc có nguy cơ bị mai một...

Nhận thấy điều này, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU có ý nghĩa quan trọng, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền.

Đồng thời, cải thiệnvà nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Đây là một trong 15 đề án được Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh thăm hỏi động viên đồng bào các dân tộc huyện Bình Liêu trong ngày khánh thành công trình giao thông kết nối các thôn bản với trung tâm huyện. Ảnh: AT.

Ông chí Lý Văn Thành, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, Nghị quyết của tỉnh sẽ tập trung vào các đột phá cụ thể như phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng. Đặc biệt, Nghị quyết xác định nhiệm vụ trọng tâm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các mô hình sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Ngoài ra, còn giúp hệ thống giáo dục đào tạo được phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cho lao động, nhất là lao động trẻ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có thêm chính sách phát triển về nông nghiệp, du lịch cộng đồng bền vững và thương mại biên giới ở những nơi có điều kiện.

Bình Liêu là một trong những địa bàn được thụ hưởng nhiều cơ chế, chính sách khi Nghị quyết ban hành. Vì vậy cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã xác định phát huy những tiềm năng, thế mạnh, chuyển khó khăn, thách thức thành lợi thế để phát triển.

Trong đó, tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh Khu kinh tế Cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn. Tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch cộng đồng, du lịch biên giới, du lịch khám phá, mạo hiểm...

Phát huy thế mạnh các sản phẩm nông, lâm nghiệp đặc trưng vùng miền, gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm đem lại thu nhập cao, ổn định cho nhân dân trên địa bàn, phấn đấu đưa huyện trở thành trung tâm du lịch cộng đồng vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh.

(nongnghiep.vn)