“Đồng bào có giàu, biên giới mới vững”
08:37 AM 05/09/2016 | Lượt xem: 5610 In bài viết |Đó là phương châm hành động của tập thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lai Châu trong những năm qua. Với tinh thần trách nhiệm cao, bằng nhiều hành động thiết thực, những người lính quân hàm xanh nơi đây đã luôn đồng hành cùng đồng bào các dân tộc vùng biên.
Là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, khu vực biên giới của Lai Châu rộng, gồm 04 huyện với 23 xã, trong đó, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; trình độ cán bộ không đồng đều, có khá nhiều thôn, bản còn “trắng” đảng viên. Các thế lực thù địch luôn coi địa bàn này là một trong những trọng điểm chống phá. Trước tình hình đó, xác định đồng bào các dân tộc vùng giáp biên có vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia nên lực lượng BĐBP tỉnh Lai Châu đã luôn chủ động tham gia xây dựng hệ thống cơ sở chính trị của địa phương gắn với giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con.
Trước hết, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp xây dựng khu vực biên giới vững mạnh. Đảng ủy BĐBP tỉnh cũng ra Nghị quyết 36-NQ/ĐU về “Bộ đội Biên phòng Lai Châu tham gia lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội ở các xã biên giới”, xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động giữa Đảng ủy BĐBP tỉnh với Huyện ủy 04 huyện biên giới và Quy định về nhiệm vụ, phương thức hoạt động tổ công tác BĐBP tăng cường cho các xã biên giới.
Theo đó, việc tăng cường cán bộ BĐBP cho các địa bàn được triển khai một cách toàn diện, có chiều sâu; ưu tiên cho các xã xây dựng điểm, xã trọng điểm về quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới. Cán bộ tăng cường cho cơ sở đều được lựa chọn kỹ, bảo đảm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có phương pháp, tác phong tốt; hiểu được phong tục tập quán của đồng bào, có năng lực làm tham mưu và có uy tín với cấp ủy, chính quyền địa phương. Những đồng chí này đã được giới thiệu để giữ các chức danh: Bí thư, phó bí thư thường trực đảng ủy các xã biên giới. Đồng thời, Đảng ủy, Chỉ huy các Đồn Biên phòng còn tăng cường đảng viên cùng tham gia sinh hoạt Đảng ở chi bộ các thôn, bản biên giới, góp phần xây dựng các tổ chức quần chúng vững mạnh, tạo phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới. Nhờ đó, hệ thống tổ chức đảng ở các xã biên giới của tỉnh Lai Châu đã tăng cả về số lượng và chất lượng; các cơ quan hành chính, đoàn thể, tổ chức xã hội cấp xã được củng cố kiện toàn, hoạt động có nề nếp.
Đến hết tháng 6/2016, tại 23/23 xã biên giới đều đã có đảng bộ cơ sở (tăng 80% so với năm 1994), 348 chi bộ trực thuộc, 2.308 đảng viên; trong đó có1.804 đảng viên là người dân tộc thiểu số; 100% các bản có đảng viên (xóa 45 bản “trắng” đảng viên). Qua đánh giá, cấp ủy, chính quyền cơ sở khu vực biên giới của tỉnh Lai Châu đã có nhiều chuyển biến tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Một điểm nổi bật ở lực lượng BĐBP tỉnh Lai Châu, đó là các cơ quan, đơn vị, các Đồn Biên phòng đã thường xuyên tham gia hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào các dân tộc vùng biên phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.
Lực lượng BĐBP đã tham mưu đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp đúng, trúng, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng thế trận biên phòng toàn dân. Theo đó, UBND tỉnh Lai Châu đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, như: Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng; dự án đường giao thông và tuần tra biên giới; quy hoạch các vùng trồng cây thảo quả và các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh… Tại các Đồn Biên phòng cũng tích cực xây dựng các mô hình kinh tế để bà con nhân dân học tập, làm theo; nhất là hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh tế. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng BĐBP còn chủ động tham gia và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng khuyến nông, khuyến lâm để hướng dẫn các hộ gia đình ở các bản vùng sâu, vùng xa đưa vào sản xuất những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhất là cây thảo quả, cao su, khai hoang trồng lúa nước; chăn nuôi trâu bò, dê, lợn...; qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân các xã biên giới ở Lai Châu đã đạt khoảng 18,2 triệu đồng/người/năm, tăng 1,85 lần so với năm 2010; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ gần 61%, năm 2003 xuống còn khoảng 47,2%, năm 2015; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Cùng với đó, BĐBP Lai Châu còn triển khai nhiều hoạt động phát triển văn hóa, giáo dục cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Điển hình như: Chương trình bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ; tham gia phát triển giáo dục tiểu học ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới; triển khai Chương trình cai nghiện ma túy cộng đồng, xây dựng nếp sống văn hóa ở thôn, bản, khu dân cư…
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đại tá Phan Hồng Minh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu cho biết, việc triển khai toàn diện, sâu rộng các hoạt động của lực lượng BĐBP tỉnh đã mang lại những hiệu quả to lớn. Không chỉ góp phần nâng cao đời sống người dân, các chương trình hoạt động của lực lượng BĐBP còn thiết thực củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; động viên nhân dân tích cực tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới… Nhờ vậy, phong trào tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản biên giới đã lan tỏa rộng khắp tại các địa bàn giáp biên. Đến đầu năm 2016, trên khu vực biên giới của tỉnh Lai Châu đã có 58 thôn, bản với gần 3.040 hộ đăng ký tự quản hơn 177,5 km đường biên; hơn 2.300 hộ đăng ký tự quản 69 cột mốc; 120 tổ với gần 2.700 người đăng ký tự quản an ninh trật tự thôn, bản.
Theo đồng chí Đào Bích Vân - Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu, lực lượng BĐBP đã và đang có những đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa bàn giáp biên phát triển đi lên; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc tại các thôn bản biên giới.
Vượt lên những khó khăn, thiếu thốn, với phương châm “Đồng bào có giàu, biên giới mới vững”, cán bộ, chiến sĩ lực lượng BĐBP tỉnh Lai Châu đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển trong đời sống của đồng bào các dân tộc vùng giáp biên; thiết thực củng cố hệ thống chính trị cơ sở; nỗ lực giúp người dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, nâng cao đời sống mọi mặt… Đó là cách làm hiệu quả của những người lính quân hàm xanh ở Lai Châu đang thực hiện nhằm không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày thêm vững mạnh./.
Theo: Phan Anh (dangcongsan.vn)