“Phải xác định được tính đặc thù trong khởi nghiệp vùng DTTS của Việt Nam”
08:59 PM 02/04/2017 | Lượt xem: 6909 In bài viết |Từ khóa “khởi nghiệp” dường như đang trở thành một thuật ngữ nóng và thời thượng ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc xác định rõ khởi nghiệp là gì cũng không phải là đơn giản. Quan trọng hơn, câu chuyện khởi nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số đang nằm ở đâu trong bức tranh chung về khởi nghiệp của Việt Nam? Để hiểu hơn về vấn đề nay, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Hà Việt Quân, Tổ trưởng Tổ Công tác 569 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về hỗ trợ khởi nghiệp cho đồng bào DTTS.
PV: Là người từng học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài nhiều năm và luôn có nhiều tâm huyết với vấn đề khởi nghiêp, ông có thể cho biết kinh nghiệm khởi nghiệp của một số quốc gia trên thế giới?
Ông Hà Việt Quân: Khởi nghiệp theo một nghĩa đơn giản nhất thì chính là quá trình hiện thực hóa một ý tưởng kinh doanh từ việc thành lập và từng bước vận hành doanh nghiệp một cách sáng tạo. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, chính phủ có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp bởi khởi nghiệp sẽ là nền móng của việc tạo ra công ăn việc làm, tạo ra lợi nhuận và giá trị gia tăng cho xã hội.
Nếu nói đến kinh nghiệm khởi nghiệp của các quốc gia trên thế giới thì không thể không nhắc tới Nhật Bản. Là một quốc đảo có thiên nhiên khắc nghiệt, nghèo tài nguyên, có 70-80% diện tích là núi, không hợp với phát triển cả nông nghiệp và công nghiệp. Song lựa chọn khởi nghiệp sáng tạo tập trung vào công nghệ chính xác với chất lượng cao dựa trên phẩm chất đam mê lao động và tính kỷ luật tuyệt vời, người Nhật đã tạo ra sự phát triển ‘thần kỳ’ khiến cả thế giới nể phục.
Tương tự như vậy, câu chuyện quốc gia khởi nghiệp của Israel là một ví dụ kinh điển khác về phát huy sự sáng tạo đi cùng chiến lược phù hợp với vai trò bà đỡ của nhà nước. Chính phủ Israel thực sự đóng vai trò là bà đỡ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của mình. Họ coi việc tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công là nhiệm vụ sống còn của quốc gia và đầu tư rất nhiều nguồn lực vào việc khuyến khích, hỗ trợ người dân Israel khởi nghiệp.
Ở Australia, chính phủ luôn dành một nguồn vốn rất lớn cho quỹ sáng tạo khởi nghiệp. Người dân Úc đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số bản địa được ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh xin hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn của Chính phủ.
Đối với Singapore, công chức gây khó khăn cho doanh nghiệp được cố Thủ tướng Lý Quang Diệu gọi là kẻ thù của sự phát triển. Nếu có bằng chứng về việc các công chức nhũng nhiễu, gây khó khăn hoặc thậm chí đơn giản là không hỗ trợ được cho doanh nghiệp khởi nghiệp, họ sẽ bị sa thải và thậm chí là chịu án phạt tù. Các cơ quan hành chính nhà nước của Singapore được giao trách nhiệm phục vụ người dân khởi nghiệp. Họ coi doanh nghiệp khởi nghiệp là khách hàng đặc biệt cần được ưu tiên phục vụ.
Có thể nói, ở các quốc gia trên thế giới thì bên cạnh nghiên cứu và xác định chiến lược khởi nghiệp phù hợp với đặc điểm của mình thì nhà nước cũng có một vai trò rất quan trọng trong tạo động lực và hành lang pháp lý để hỗ trợ khởi nghiệp.
PV: Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, ông có thể chia sẻ một số phân tích về chính sách khởi nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là chính sách khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS của Việt Nam?
Ông Hà Việt Quân: Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, thấy rằng vấn đề khởi nghiệp của Việt Nam cần lưu ý để không rơi vào xu thế mang tính phong trào, hô hào khẩu hiệu chung chung. Đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, rõ ràng câu chuyện khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi đang nằm trong tay các nhà hoạch định và quản lý chính sách. Tất nhiên, sẽ có những thách thức nhưng có 3 yếu tố thuận lợi rõ ràng nhất mà chúng không nên, thậm chí là không thể bỏ lỡ:
Yếu tố đầu tiên, vùng đồng bào DTTS và miền núi có những tiềm năng rất lớn để khai thác nguồn lực văn hóa đa dạng và đặc sắc của mình. Đa dạng văn hóa là cái nôi tuyệt vời nhất của sự sáng tạo trong đầu tư và kinh doanh. Có một câu nói như là châm ngôn của văn hóa khởi nghiệp là “sự bắt chước và đơn điệu đồng nghĩa với sự thất bại”. Hãy quên việc phát triển kinh tế bằng xây dựng nhà máy, công xưởng, hãy quên sản xuất công nghệ cao đi trong quá trình xây dựng chiến lược khởi nghiệp cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chiến lược khởi nghiệp khu vực này phải chọn sự đa dạng văn hóa làm nền tảng với thế mạnh cần được khai thác về du lịch, về sản xuất nông phẩm truyền thống, về dược liệu,...
Thứ hai thì phải kể đến yếu tố thị trường. Đồng bào DTTS có một thị trường rất lớn cho các sản phẩm khởi nghiệp nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của mình. Bên cạnh thị trường nội địa năng động có sức mua lớn, thị trường chung ASEAN và Trung Quốc ngay bên cạnh mang đến những cơ hội thành công rất cao đối với những sản phẩm khởi nghiệp đặc sắc và riêng khác của mình. Thị trường cho dù cạnh tranh đến mấy thì vẫn luôn mở cửa rất rộng cho sự độc đáo.
Cuối cùng là thuận lợi về hệ thống chính sách cho khởi nghiệp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chưa có một quốc gia nào trên thế giới mà tôi từng nghiên cứu có được hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển đầy đủ và chi tiết như Việt Nam. Hệ thống chính sách liên quan đến phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi là một lợi thế rất cơ bản. Tuy nhiên, cần phải tiếp cận yếu tố thuận lợi này như một tiềm năng mà thôi. Chính sách là một chuyện, còn đồng bào DTTS có tiếp cận và tận dụng được chính sách để khởi nghiệp thành công hay không lại là một câu chuyện khác. Do sự đặc thù về hệ thống chính sách dân tộc hiện nay nằm ở nhiều bộ, ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau nên để chính sách thực sự trở thành nguồn lực và động cơ thúc đẩy khởi nghiệp thành công ở vùng đồng bào DTTS cần phải có sự kết nối, điều phối hiệu quả của ngành công tác dân tộc.
Đối với đồng bào DTTS, có thể chúng ta sẽ phải định nghĩa lại bản chất của khởi nghiệp và xác định lại vai trò của khởi nghiệp ở khu vực đặc thù này. Khởi nghiệp đối với khu vực này bên cạnh việc tạo công ăn việc làm, giảm nghèo và phát triển kinh tế còn đi kèm với mục tiêu bảo tồn sự đa dạng văn hóa, xây dựng sự tự tin và hỗ trợ sự hòa nhập của các nhóm DTTS vào dòng chảy khởi nghiệp chung của quốc gia. Có thể nói, khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS nếu làm tốt sẽ là một mũi tên bắn 3 mục tiêu khác nhau.
PV: Được biết, để hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp, Ủy ban Dân tộc đã thành lập Tổ công tác 569 về kết nối, nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng chính sách khởi nghiệp cho đồng bào DTTS. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác, xin ông cho biết, hiện nay Tổ công tác đang thực hiện vai trò của mình như thế nào?
Ông Hà Việt Quân: Tổ công tác 569 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về hỗ trợ khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi được thành lập từ tâm huyết của cá nhân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến và một nhóm các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách dân tộc. Nhiệm vụ của chúng tôi là kết nối, hỗ trợ khởi nghiệp vùng DTTS. Hiện tại chúng tôi có rất nhiều hoạt động khác nhau. Ví dụ như chúng tôi đang phối hợp với đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,… cũng như các tổ chức quốc tế tiến hành nghiên cứu, khảo sát hỗ trợ kết nối khởi nghiệp cho đồng bào DTTS.
PV: Được biết Ủy ban Dân tộc chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Phát triển DTTS với chủ đề khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS có sự tham gia của hàng trăm đại biểu đến từ Việt Nam và các tổ chức quốc tế. Ông có thể cho biết mục tiêu, ý nghĩa, đích đến của diễn đàn này?
Ông Hà Việt Quân: Diễn đàn khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS với sự tham gia của Chính phủ, người dân, các nhà tài trợ, các đối tác quốc tế…là cơ hội được tạo ra để các bên liên quan cùng nhau chia sẻ, lắng nghe những sáng kiến khởi nghiệp, đồng thời cùng nhau tìm giải pháp để giải quyết những thách thức để xây dựng được chiến lược khởi nghiệp phù hợp nhất với vùng đồng bào DTTS của Việt Nam. Dự kiến tháng 5/2017 sẽ tổ chức diễn đàn này. Chúng tôi rất mong có sự hợp tác của các cơ quan báo chí và truyền thông cùng tham gia và chung tay với chúng tôi trong sự kiện quan trọng này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Huyền (thực hiện)