Chính phủ Việt Nam ưu tiên tăng trưởng kinh tế gắn với chăm lo cho người nghèo

04:30 PM 06/10/2022 |   Lượt xem: 4116 |   In bài viết | 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Cùng với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nhất là tại các vùng sâu vùng xa, từ năm 2020, Chính phủ đã có một Chương trình Mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua 2 năm phối hợp giữa 10 cơ quan, bộ ngành, hàng chục địa phương trong cả nước, chương trình đã thực hiện những bước đi quan trọng để thực hiện mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau.

Từ một hộ thuộc diện đói nghèo dai dẳng, gia đình chị Lò Thị Da, ở xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát đã được hỗ trợ cây, con giống từ chương trình giảm nghèo của địa phương. Sau 5 năm thực hiện, đến nay gia đình chị đã có tổng đàn gia súc, gia cầm lên đến hàng trăm con, cùng với vườn cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng, trở thành hộ gia đình khá của bản.

(Ảnh minh họa)

Chị Lò Thị Da cho biết: "Nhờ có sự hỗ trợ của địa phương mình bớt lo lắng về vốn, chỉ chăn nuôi, trồng trọt, cũng thuận lợi vì mình không có vốn nhưng được hỗ trợ cây, con giống. Về kỹ thuật thì cũng được giúp đỡ từ sách, cán bộ hướng dẫn kỹ thuật để mình làm theo".

Chọn gia đình điểm, điển hình làm gương và nhân rộng là một trong những cách mà tỉnh Thanh Hóa triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ông Hà Văn Thuỷ, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Quan Hoá cho biết, phải thay đổi cách nghĩ cách làm trong thực hiện chương trình, dự án; tập trung tuyên truyền, vận động, nêu gương cán bộ, đảng viên, bỏ tư tưởng trông chờ ỉ lại vào Nhà nước.

Ông Hà Văn Thủy nhấn mạnh: "Mục tiêu là người dân phải đồng hành cùng chương trình dự án, chọn những người đủ tiêu chí tiêu chuẩn; hiện nay chúng tôi đang tập trung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng, phát triển kinh tế xã hội, để làm sao tạo điều kiện phát triển sản xuất bền vững".

Chương trình mục tiêu quốc gia dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 120 ngày 19/06/2020. Phương án phân bổ vốn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt vào ngày 22/5/2022. Đây là Chương trình rất lớn, lần đầu tiên Đảng, Chính phủ dành nguồn lực và sự quan tâm đặc biệt, kế thừa sự phát triển chính sách dân tộc trong giai đoạn trước đây.

Theo Bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban dân tộc của Quốc hội, đây là Chương trình hết sức đặc biệt với quy mô lớn: tập trung ở địa bàn 13.222 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 3.434 xã của 51 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những vùng đồng bào có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nhất cả nước, nằm ở 3 vùng chiến lược là Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc. Chính vì vậy, việc tổng hợp số liệu, trao đổi với các địa phương để đánh giá đầy đủ, đưa vào báo cáo khả thi sau khi có Nghị quyết Quốc hội là việc làm phải mất nhiều thời gian.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: "Về việc phối hợp với các bộ, ngành, riêng Chương trình này có 10 bộ, ngành tham gia tổ chức thực hiện. Đây là một Chương trình rất lớn gồm có 10 dự án, 14 tiểu dự án thành phần, 36 nhiệm vụ. Tức là 36 chính sách, được tích hợp từ những chính sách còn hiệu lực từ giai đoạn trước vào đây. Vì vậy Chương trình rất phong phú, có cả chính sách mới, có cả chính sách cũ đang có hiệu lực. Do đó việc tích hợp vào để xây dựng một hệ thông văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình là việc làm hết sức kỳ công, công phu và kỹ lưỡng. Bởi vì đây là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước dành một nguồn lực riêng cho nên không cho phép làm một cách lơ là, chủ quan; cần có sự rà soát đi rà soát lại."

Dù ngân sách còn nhiều khó khăn song Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp hai lần so với giai đoạn trước, liên tục chỉ đạo nhằm thực hiện đầy đủ chính sách giảm nghèo, nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững theo hướng toàn diện, đa chiều và hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là tại các địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Những chương trình của Nhà nước cùng sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm giúp đỡ người nghèo với các hình thức khác nhau, đã đưa tới kết quả là tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm; hơn 650 xã, 1.200 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 170.000 ngôi nhà “Đại đoàn kết” được xây dựng; cùng với người dân tộc thiểu số và hộ nghèo được hưởng 100% bảo hiểm y tế…

Gói an sinh xã hội gần 62.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, hàng ngàn tấn gạo hỗ trợ khẩn cấp và hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để cứu trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả “lũ chồng lũ, bão chồng bão” là nỗ lực rất lớn, kịp thời, để người dân được hưởng quyền sống, quyền được chăm sóc y tế, quyền mưu sinh. Không gì khác, đó là những nỗ lực vì quyền con người của Đảng, Nhà nước Việt Nam./.

(vov.vn)