Hội thảo khoa học: Tiếp cận, lý thuyết, phương pháp và hệ thống chỉ báo đo lường bình đẳng giới
06:00 PM 09/06/2023 | Lượt xem: 3630 In bài viết |Ngày 09/6, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học: Tiếp cận, lý thuyết, phương pháp và hệ thống chỉ báo đo lường bình đẳng giới. Ts. Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam dự và phát biểu khai mạc Hội thảo. Tham dự có đại diện một số bộ, ngành, các chuyên gia và nhà khoa học.
Theo quan điểm phát triển bao trùm, bình đẳng giới cần được coi là một nội dung trọng tâm trong phát triển, cần lồng ghép trong mọi chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm sự tham gia, đóng góp và thụ hưởng công bằng. Thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là bảo đảm sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ trong quá trình phát triển xã hội có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình phát triển, vì phụ nữ có xu hướng là nhóm bị bỏ lại đằng sau trong hầu hết các xã hội.
Bên cạnh đó, phụ nữ chiếm một nửa dân số và lực lượng lao động hiện nay. Thúc đẩy cơ hội phát triển cho nguồn nhân lực nữ thuộc các tầng lớp xã hội sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, đáp ứng yêu cầu phát triển cân bằng hơn giữa các vùng, miền, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng để phát triển đất nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ts. Đặng Xuân Thanh cho biết, bình đẳng giới theo hướng thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ luôn là một trọng tâm ưu tiên, nhằm tạo điều kiện phát huy mọi tiềm năng của phụ nữ trong tất cả mọi lĩnh vực của Việt Nam. Đảng và Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các cam kết về bình đẳng giới, thực hiện hàng loạt chính sách cả vĩ mô và vi mô nhằm tăng cường bình đẳng giới. thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và bảo đảm phụ nữ được bảo về, chăm sóc và phát triển.
PGs.Ts. Trần Thị Minh Thi - Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Ban Chủ nhiệm Đề tài trình bày báo cáo tại Hội thảo
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) diễn ra vào tháng 7/2022, theo Báo cáo thường niên mới nhất đánh giá 146 quốc gia về tiến trình hướng tới bình đẳng giới, Việt Nam đang đứng thứ 87 trên tổng số quốc gia về thu hẹp khoảng cách giới và được đánh giá là một trong các quốc gia có tốc độ khăc phục cách biệt giới nhanh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây trong khu vực.
Ts. Đặng Xuân Thanh khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam vừa ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, việc có một điều tra, nghiên cứu tổng thể về các lĩnh vực của bình đẳng giới làm cơ sở dữ liệu đầu vào cho việc theo dõi, giám sát các chỉ tiêu và thống kê về bình đẳng giới trong giai đoạn 10 năm là rất có ý nghĩa và cần thiết. Nó giúp chúng ta nhận diện thực trạng bình đẳng giới một cách sâu rộng để có giải pháp hiệu quả đạt được các mục tiêu bình đẳng giới vào năm 2030 trong mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã được Liên hợp quốc thông qua cũng như đạt được các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ) với 8 mục liên quan đến bình đẳng giới.
Giới thiệu về Điều tra quốc gia về bình đẳng giới 2023, PGs.Ts. Trần Thị Minh Thi - Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết, Điều tra quốc gia về bình đẳng giới 2023 thuộc đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới phục vụ phát triển bền vững” được thực hiện lần đầu tiên, với cỡ mẫu dự kiến 9.000 người, tại 48 xã, phường của 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cuộc Điều tra quốc gia về bình đẳng giới 2023 dự kiến xây dựng 7 hệ thống chỉ báo về bình đẳng giới. Bao gồm hệ thống chỉ báo về bình đẳng giới trong chính trị, lãnh đạo quản lý; trong giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ; trong kinh tế, lao động, việc làm; trong chăm sóc sức khỏe; trong gia đình; trong phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; và trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và thảm họa môi trường.
Quang cảnh Hội thảo
Mục tiêu của Đề tài làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới; xây dựng hệ thống thông tin cơ bản, toàn diện về bình đẳng giới nhằm cung cấp dữ liệu đầu vào cho việc đánh giá việc thực hiện các cam kết quốc tế cũng như mục tiêu bình đẳng giới và phát triển bền vững của Việt Nam; đánh giá toàn diện, tổng thể về thực trạng bình đẳng giới trên các lĩnh vực. Đề tài đã đề xuất giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận một số vấn đề như: Vấn đề giới trong an sinh xã hội: thực trạng và khoảng trống đang đặt ra; tiếp cận và đo lường bình đẳng giới ở Việt Nam; cân nhắc lựa chọn địa bàn điều tra cho phù hợp hơn, mở rộng đối tượng như nhóm người khuyết tật; bản đồ hóa các số liệu điều tra quốc gia có số liệu tách biệt giới hiện nay; cách truyền thông, tuyên truyền để tăng nhận thức về giới cho mọi người, làm sao để khi xây dựng pháp luật đều xem xét trên cơ sở bình đẳng giới… Từ đó, các đại biểu đề xuất thúc đẩy khung chính sách pháp luật về bình đẳng giới và thực tiễn thực thi, trong đó nhấn mạnh hướng tiếp cận xây dựng hệ thống chỉ báo đo lường bình đẳng giới bảo đảm tin cậy, bao trùm, khả thi và mang tính hội nhập trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025 (Quyết định 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ) và Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025” (Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ). Tại Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), hoạt động bình đẳng giới được cụ thể hóa tại Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; và Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn (trong đó có mục tiêu: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em). |