Năm 2022, ưu tiên phân bổ nguồn lực cho nhà ở, đất ở, đất sản xuất vùng dân tộc
09:40 AM 13/01/2022 | Lượt xem: 5991 In bài viết |Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 chính thức được triển khai ở cơ sở từ đầu năm nay, càng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới bảo đảm “Không ai bị bỏ lại phía sau”. Dịp này PV VOV trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh về công tác chuẩn bị để Chương trình có ý nghĩa lớn này triển khai đạt hiệu quả.
PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2022 là năm đầu tiên chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chính thức triển khai giai đoạn 1 tại cơ sở. Xin Bộ trưởng cho biết những nội dung sẽ được ưu tiên trong việc phân bổ nguồn lực vào giai đoạn 1 của chương trình mục tiêu quốc gia lần này tập trung vào những vấn đề và lĩnh vực như thế nào?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Trong chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và giai đoạn một 2021 - 2025 gồm 10 dự án hợp phần. Tuy nhiên, để bước đầu vào năm 2022, tạo nền tảng cho những năm tiếp theo, Ủy ban Dân tộc đã thống nhất với các bộ, ban, ngành Trung ương và đưa vào kế hoạch phân bổ vốn. Đó là tập trung giải quyết trước hết là vấn đề về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Đây là những vấn đề người dân rất cần. Thứ hai, hoàn thiện về hệ thống cơ chế vận hành thống nhất giữa Trung ương và địa phương cũng cần phải có một nguồn lực hết sức to lớn.
Thứ 3, tập trung vào chuyển đổi số và trọng tâm là xây dựng hệ thống các chỉ số, chỉ tiêu đánh giá kết quả quá trình tổ chức thực hiện chương trình. Đi liền với những nhiệm vụ này, thì chúng tôi cũng bố trí một phần kinh phí trong năm 2022 cho các lĩnh vực khác như lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, kể cả quốc phòng an ninh, rồi công tác tuyên truyền, vận động, vấn đề đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý ở các cấp trong việc tổ chức triển khai chương trình. Và quan tâm đến vấn đề kiện toàn Ban chỉ đạo từ Trung ương cho đến địa phương để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Trung ương với địa phương.
PV: Bộ trưởng nhận định thế nào về những thuận lợi và khó khăn khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia trong bối cảnh đất nước đang bị ảnh hưởng rất nặng nề về kinh tế xã hội do dịch bệnh Covid-19?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Về những thuận lợi của chương trình, trước hết là trong quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đã đảm bảo bố trí nguồn vốn đủ cho chương trình là 104.000 tỷ đồng giai đoạn từ nay đến 2025. Hệ thống truyền thông đã vào cuộc và nhân dân đã nhận thức được vấn đề này bước đầu.
Các tiểu dự án trong chương trình được xây dựng trên cơ sở tổng hợp nhu cầu cũng như qua quá trình rà soát rất kỹ lưỡng các địa phương, các bộ, ngành, cho nên việc triển khai đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng bức thiết nhất, có tính chất đòn bẩy để phát huy năng lực của người dân, tự vươn lên để thoát nghèo.
Tuy nhiên, cũng còn những vấn đề hết sức khó khăn. Trải qua đại dịch thời gian vừa qua, đời sống của bà con nhân dân đang khó khăn tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn. Như vậy, nội lực trong bà con nhân dân cũng sẽ khó khăn hơn. Những việc đối ứng của các địa phương cũng đã khó hơn rất nhiều so với lúc đầu xác định chương trình.
Bên cạnh đó thì những vấn đề thực tế có thể phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình, thí dụ như phát sinh hộ nghèo, xã nghèo qua việc rà soát lại đói nghèo năm 2021 theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều mới. Như vậy, việc mở rộng thêm đối tượng, thêm địa bàn sẽ làm giảm định mức đầu tư. Nếu không đầu tư đến các thôn đó thì sẽ gây tâm tư cho người dân, cần phải có một sự giải thích, giải đáp và bổ sung hợp lý.
Đó là những khó khăn mà chúng tôi xác định ngay trước mắt và cũng đang có những giải pháp để phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết những vấn đề này.
PV: Với những khó khăn như Bộ trưởng vừa đề cập, để triển khai chương trình đạt hiệu quả ngay từ đầu thì các ngành liên quan và các địa phương sẽ cần phải làm những gì để ngăn chặn được tình trạng lãng phí, thậm chí là tham nhũng khi triển khai các dự án thành phần?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Tôi cho rằng, vấn đề ngăn chặn lãng phí trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình, hay thậm chí những hiện tượng tham nhũng, cũng không loại trừ. Nhưng theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các văn bản, quy định về chế độ, trách nhiệm, phân cấp thẩm quyền của các cấp sẽ làm hạn chế tất cả những yếu tố đó. Trong đó có một giải pháp hết sức quan trọng. Đó là việc xây dựng hệ thống văn bản cần định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền và đặc biệt quan trọng, đó là trách nhiệm của từng cấp.
Bên cạnh việc triển khai một cách nghiêm túc của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước thì cần phải huy động sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và đặc biệt là sự tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và sự giám sát của nhân dân, cũng như các cơ quan truyền thông. Tôi cho rằng, nếu triển khai đồng bộ tất cả các giải pháp này thì sẽ hạn chế tối đa những hiện tượng đầu tư không đúng, sai địa chỉ, sai đối tượng hoặc những biểu hiện trục lợi chính sách. Chúng tôi cũng đã lưu ý vấn đề này trong quá trình xây dựng các văn bản, quy định.
PV: Xin cảm ơn ông!
(vov.vn)