Nhìn lại 10 năm thực hiện chính sách đối với Người có uy tín

08:23 AM 04/05/2022 |   Lượt xem: 6704 |   In bài viết | 

Người có uy tín trao đổi kinh nghiệm vận động quần chúng vùng DTTS

Nhiều thành quả quan trọng

Nhằm kịp thời động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho Người có uy tín phát huy triệt để vị trí, vai trò quan trọng của mình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011, được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 7/10/2013 và được thay thế bởi Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 để triển khai thực hiện các chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Cụ thể theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc từ 10.858 người vào năm 2011, hiện nay tổng số Người có uy tín trên cả nước là 29.567 (số liệu năm 2021). Qua 10 năm triển khai thực hiện, căn cứ vào kế hoạch, nguồn kinh phí được giao và tình hình thực tế tại địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức phát định kỳ báo Dân tộc và Phát triển và báo địa phương cho hầu hết Người có uy tín trên cả nước; tổ chức 4.453 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin; tổ chức 1.882 chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; tổ chức 24.303 chuyến tham quan, giao lưu học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành và tại Thủ đô Hà Nội cho Người có uy tín trên cả nước.

Bên cạnh việc cung cấp thông tin và bồi dưỡng kiến thức, việc thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho Người có uy tín trong thời gian qua cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm, chỉ đạo và thực hiện kịp thời đầy đủ. Giai đoạn 2011 - 2021 cả nước đã tổ chức 6.728 chuyến thăm hỏi, tặng quà tết Nguyên đán cho 311.860 lượt Người có uy tín; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ 25.642. lượt Người có uy tín ốm đau; thăm hỏi, hỗ trợ gia đình Người có uy tín gặp khó khăn là 14.302 trường hợp; tổ chức trên 2.000 chuyến thăm hỏi, tặng quà Người có uy tín nhân dịp Tết, ngày lễ lớn của đồng bào DTTS…

Có thể nói, chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã tạo cơ chế rất thuận lợi để cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác dân tộc có thể tranh thủ vận động và phát huy tối đa vai trò rất quan trọng của Người có uy tín.

Bên cạnh đó bản thân Người có uy tín cũng kịp thời nhận được nguồn động viên khích lệ để có thể phát huy vai trò tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng DTTS.

Bên cạnh đó, việc ban hành và triển khai các chính sách cho Người có uy tín còn góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quản lý, vận động, phát huy vai trò của Người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Anh Bàn Văn Cao, Trưởng thôn Thác Vàng, xã Minh Dân, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang vận động người dân trồng ngô.

Tiếp tục phát huy vai trò, nhiệm vụ của Người có uy tín trong giai đoạn mới

Hiện nay, vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi, biên giới… đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư, hỗ trợ các chương trình, chính sách để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội.

Để các chương trình, chính sách trên thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh sự nỗ lực của hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể thì chắc chắn sẽ cần một phần đóng góp không nhỏ công sức của đội ngũ những Người có uy tín. Chính vì vậy, việc cần tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện cho những Người có uy tín hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm là hết sức quan trọng.

Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách và phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS khu vực Đông Nam Bộ” tổ chức ngày 21/4/2022 tại tỉnh Đồng Nai, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cũng nhấn mạnh: Từ năm 2011 chính sách dành cho Người có uy tín đã được hình thành và phát triển. Người có uy tín không phải do Nhà nước chỉ định mà do cộng đồng bầu ra, tôn vinh lên dựa trên các tiêu chí.

“Vai trò của Người có uy tín trong hơn 10 năm qua đã được khẳng định tại các địa phương. Tuy nhiên sau hơn 10 năm, chính sách bắt đầu bộc lộ nhiều tồn tại và hạn chế cần điều chỉnh, bổ sung. Ủy ban Dân tộc được giao nhiệm vụ là đơn vị ghi nhận, tổng hợp các ý kiến đóng góp từ các ban ngành, những người trực tiếp làm công tác dân tộc tại Trung ương và các địa phương, các già làng, trưởng bản, Người có uy tín… để trình các cấp có thẩm quyền xem xét nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách và phát huy tốt hơn nữa vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS”, Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh.

Theo kết quả tổng hợp của Ủy ban Dân tộc thì vấn đề được quan tâm nhất chính là việc đề nghị có các chế độ trợ cấp hằng tháng, hằng quý; trợ cấp chi phí hoạt động, chi phí đi lại cho Người có uy tín. Trên thực tế mặc dù khối lượng công việc khá lớn nhưng hiện Người có uy tín không được hưởng lương, phụ cấp mà mỗi năm chỉ được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán, Tết của các DTTS (không quá 2 lần/năm với mức tặng quà không quá 500.000 đồng/người/lần).

Các vấn đề nổi bật khác cũng phát sinh nhiều ý kiến như việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, điều chỉnh định mức hỗ trợ cho các nội dung như thăm hỏi ốm đau, thăm viếng, hỗ trợ khó khăn, tặng quà lễ, tết cho Người có uy tín để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Bên cạnh đó tổ chức thường xuyên các hội nghị tuyên truyền cho Người có uy tín về các tin tức, sự kiện mang tính thời sự, nhất là về chính sách mới, công tác dân tộc; tổ chức định kỳ các buổi gặp mặt, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm của Người có uy tín tại các địa phương và Trung ương; cần có cơ chế mở tại các địa phương, tùy tình hình thực tế để chủ động ban hành, áp dụng các chính sách phù hợp cho Người có uy tín; sớm điều chỉnh, bãi bỏ các bất cập, tồn đọng về thủ tục hành chính…

Từ những góp ý thực tế trên, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan, sớm xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách mới về vận động, phát huy vai trò của Người có uy tín và lực lượng cốt cán có uy tín trong vùng đồng bào DTTS nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong thời gian vừa qua.

(baodantoc.vn)