132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Người là tình yêu thiết tha nhất..."

02:48 PM 19/05/2022 |   Lượt xem: 4088 |   In bài viết | 

Báo chí là kênh thông tin vô cùng quan trọng của Bác để lãnh đạo cách mạng. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Đưa dân tộc Việt Nam từ cảnh nô lệ lầm than ra ánh sáng độc lập tự do

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890, trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng, Người đã sớm hấp thụ truyền thống văn hóa của dân tộc mà giá trị tập trung nhất là lòng yêu nước thiết tha, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất, tinh thần khoan dung nhân ái, cố kết cộng đồng... Chính nền văn hóa ấy là một cội nguồn hun đúc nên nhân cách Hồ Chí Minh và là một nguồn gốc hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta theo các khuynh hướng cứu nước khác nhau đều lần lượt thất bại, máu đào của biết bao các bậc tiên liệt và nhân dân ta đã đổ xuống nhưng không giành được độc lập, tự do, Người nung nấu quyết tâm đi tìm con đường mới để cứu nước, cứu dân.

Ra đi tìm đường cứu nước khi 21 tuổi, với khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước, Người bôn ba khắp năm châu, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Hành trình này đã giúp Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và nhận thức rõ rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ và Người khẳng định: “Muốn giải phóng dân tộc phải tự mình làm lấy”. Người tin tưởng ở con đường đi của mình, tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân, của dân tộc.

Điều mà cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc cùng các chí sỹ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và cả dân tộc mong mỏi, đã theo bước chân của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc, qua thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc; qua ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, đã lan tỏa, “sâu rễ bền gốc” ở Việt Nam. Để có chuyến trở về nước lịch sử của Nguyễn Ái Quốc ngày 28/1/1941. Để có Ngày Quốc khánh 2/9/1945 với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại “Người có tầm nhìn cao rộng và sâu xa, xuyên qua lịch sử, bao quát không gian, thấy sáng tương lai, mở ra những bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam từ cảnh nô lệ lầm than ra ánh sáng độc lập tự do, từ một đất nước ít ai biết đến trở thành người chiến sỹ tiêu biểu cho cả loài người tiến bộ yêu mến và khâm phục…”.

Người là đóa sen đẹp nhất của dân tộc Việt Nam, đóa sen đẹp, thanh cao và mẫu mực của nhân loại

Từ Làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An, Hồ Chí Minh đã hòa mình cùng cuộc đấu tranh vĩ đại của nhân dân, dân tộc mình; vươn ra biển lớn để từ một người yêu nước chân chính thành người cộng sản chân chính, một nhà văn hóa lớn của phương Đông và phương Tây. Từ thế giới, Người lại trở về với nhân dân mình, dân tộc mình, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; lập nên nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa; làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tạo những tiền đề quan trọng cho trân “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội, cho Đại thắng mùa xuân 1975 hội tụ ở Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng. Người để lại cho muôn đời sau tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh, con đường Hồ Chí Minh.

Tại Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Người đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Người đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh; Thời đại Hồ Chí Minh và Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là kết quả của cả một quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý báu của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng vô cùng phong phú, vĩ đại của Người không những là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam của cách mạng Việt Nam mà còn là đóng góp quý báu của Người vào sự nghiệp cách mạng của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, vào sự phát triển những tinh hoa tư tưởng và văn hoá nhân loại.

Bác là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng; biểu tượng về ý chí, nghị lực và sự phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Người luôn nêu gương sáng về tính kiên định, bản lĩnh, lòng trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tấm gương gần dân, tin dân, yêu thương, quý trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Người là hiện thân của tinh thần khoan dung, nhân ái Việt Nam; biểu tượng của đạo đức cách mạng cao đẹp, tinh thần quốc tế trong sáng, thuỷ chung, là sứ giả của hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc.

Bác là hiện thân của nếp sống giản dị, trong sáng, yêu lao động. Cả cuộc đời Người dấn thân chỉ với một mục đích "phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân".

Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lời nói và việc làm, đã trở thành lẽ sống tự nhiên. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đều tìm thấy trong những lời dạy của Người và từ tấm gương đạo đức cao đẹp của Người, từ phong cách Hồ Chí Minh những chuẩn mực cần học tập, tu dưỡng, rèn luyện để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, vươn tới những giá trị văn hoá chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.

Burchett, nhà báo Australia nổi tiếng đã nhận xét: Nói tới một người mà cả cuộc đời mình để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân thì không có một ai khác ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh… Người ta không thể trở thành một Hồ Chí Minh nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một điều gì làm cho mình tốt hơn.

(TTXVN)