Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số
02:54 PM 27/04/2022 | Lượt xem: 11246 In bài viết |Ngày 27/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban đã chủ trì Phiên họp thứ 2 của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số để đánh giá kết quả thực hiện quý I/2022 và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong quý II/2022 và thời gian tới. Phiên họp được được kết nối tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông chủ trì tham dự phiên họp tại điểm cầu Ủy ban Dân tộc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá các nhiệm vụ được triển khai trong thời gian qua, những kết quả đạt được, những việc chưa làm được, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan và bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.
Nhấn mạnh tinh thần “quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm thật, làm quyết liệt, làm ra hiệu quả, ra sản phẩm”, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, Thủ tướng nêu rõ: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới công tác chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đây cũng là lĩnh vực được người dân, cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia với 3 mục tiêu chính là: đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông chủ trì tham dự phiên họp tại điểm cầu Ủy ban Dân tộc
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần tập trung như: rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế số; phát triển hạ tầng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số; huy động mạnh mẽ các nguồn lực qua việc thúc đẩy hợp tác công tư; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp; nâng cao năng lực quản trị hiện đại, phù hợp tình hình, năng lực và trình độ của Việt Nam; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kiểm tra, giám sát thường xuyên để thúc đẩy công việc và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí…
Trong bối cảnh thời gian, nguồn lực đều có hạn, Thủ tướng lưu ý việc đầu tư cho chuyển đổi số phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải, chia cắt, manh mún, rời rạc, lựa chọn những việc có tác động lan tỏa, hiệu quả ngay để triển khai.
Nhiều kết quả nổi bật
Báo cáo tình hình triển khai Chuyển đổi số quý I năm 2022 cho thấy đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng. Theo ước tính, doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.
Cũng theo báo cáo, thời gian qua, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét, 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực.
Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, quý I/2022 đã bồi dưỡng, tập huấn được gần 1.000 cán bộ, công chức và mục tiêu đến tháng 10/2022 sẽ bồi dưỡng, tập huấn được cho 10.000 cán bộ, công chức về chuyển đổi số.
Đáng chú ý, cả nước hiện còn 980 thôn lõm sóng băng rộng di động, trong đó, 774 thôn sẽ được các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai phủ sóng trước ngày 30/6/2022; 118 thôn chưa có điện, 88 thôn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, dưới 50 hộ gia đình trong một thôn sẽ tiếp tục được triển khai phủ sóng sau. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 85,08%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 68,8%.
Chương trình "Sóng và máy tính" cho em đến nay đã có trên 200.000 máy (217.273 máy) đã được trao tặng từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp và ngân hàng. Dự kiến 400.000 máy từ nguồn Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích sẽ được cung cấp từ tháng 6/2022.
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ đánh giá cao sự vào cuộc, triển khai công việc của các đơn vị. Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong việc thực hiện chuyển đổi số cần phải thống nhất các quan điểm: Liên tục đổi mới, tư duy đột phá, có tầm nhìn chiến lược trong việc thực hiện chuyển đổi số; phát huy tính chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tăng cường kiểm tra giám sát; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp…
Về nhiệm vụ quý II/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, kế hoạch năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.