Thủ tướng cùng 19 tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên bàn phát triển du lịch
11:10 AM 20/02/2019 | Lượt xem: 2189 In bài viết |Sáng ngày 16/2, tại Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên để bàn về các cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá để phát triển lĩnh vực mũi nhọn của khu vực này.
Hội nghị có hơn 500 đại biểu tham dự, bao gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành, 19 tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, du lịch...
Hội nghị lần này đặt ra nhiều kỳ vọng về chính sách cho liên kết vùng. Dự kiến sẽ có khoảng 10 kiến nghị về chính sách đối với Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bày tỏ: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau” - câu danh ngôn ý nghĩa này là đúc kết cho những thành công được tạo nên từ sự hợp tác, gắn kết và bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Chính vì thế, hôm nay, 19 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên chúng tôi liên kết tổ chức hội nghị phát triển du lịch nhằm xây dựng một tầm nhìn phát triển xa hơn cho du lịch miền Trung - Tây Nguyên, một thế mạnh của các địa phương trong khu vực”.
Là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây, lại có lãnh thổ trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á, miền Trung - Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam. Toàn khu vực hiện có 12 sân bay đang vận hành với 5 sân bay quốc tế; hệ thống cảng biển được nâng cấp với 10 cảng biển loại 1, trong đó Cảng nước sâu Chân Mây, Thừa Thiên Huế đón được tàu biển lớn nhất thế giới cập cảng. Bên cạnh đó, đây còn là nơi hội tụ nhiều nguồn tài nguyên và tiềm năng về du lịch, trong đó tiềm năng du lịch biển, đảo được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển mang đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; tài nguyên du lịch núi rừng với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác hồ nổi tiếng tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, toàn khu vực còn có 9 vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn. Đáng chú ý, đây còn là nơi tập trung 14 di sản văn hóa thế giới; là địa bàn cư trú của 47 dân tộc anh em - những chủ nhân đã và đang xây dựng nên một bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc bậc nhất của Việt Nam hiện nay.
Trong năm 2018, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đón khoảng 56 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là hơn 9,5 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch khoảng 120 ngàn tỷ đồng.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận như trên, nhưng sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng vơi vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực. Tổng doanh thu từ du lịch còn thấp; chưa thu hút thị trường khách du lịch cao cấp. Hệ thống hạ tầng du lịch còn hạn chế, cơ sở vật kỹ thuật còn thiếu (khách sạn tiêu chuẩn 3-5 sao chỉ chiếm khoảng 17% cả nước). Tính liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và trong hoạt động xúc tiến, quảng bá...
Trong thời gian tới, để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, “chúng tôi hội tụ về đây với khát vọng vì một miền Trung - Tây Nguyên giàu đẹp, để cùng chắp cánh với khát vọng vì một Việt Nam hùng cường”, ông Phan Ngọc Thọ nói. "Chúng ta không thể thống nhất suy nghĩ của mọi người, nhưng có thế thống nhất mọi người qua một mục tiêu chung" từ đó, tạo bước đột phá, xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch miền Trung - Tây Nguyên hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn.
“Trong thời gian tới, chúng tôi cam kết cùng với các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên nỗ lực hết mình trong liên kết phát triển du lịch, đưa các điểm đến trong toàn khu vực trở thành những điểm đến có thương hiệu ở Châu Á”.
Lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực sẵn sàng lắng nghe, bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp gỡ trao đổi, kịp thời giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế hy vọng rằng, đây là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi, thảo luận để có thể đi đến hợp tác, đầu tư ngay trong ngày hôm nay hoặc tương lai gần.
Tại hội nghị này, dự kiến có 15 doanh nghiệp được trao quyết định chủ trương đầu tư các dự án liên quan đến lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, nông nghiệp với tổng mức trên 32.300 nghìn tỷ đồng.
(baochinhphu.vn)