Thông tin giá cả thị trường số 17/2018

03:39 PM 24/04/2018 |   Lượt xem: 4584 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu: Những yêu cầu mới

Từ ngày 1/4/2018, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hoa quả Việt Nam vào tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) phải cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi xin cấp phép thông quan.

Hiện nay, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, DN có sản phẩm nông sản xuất khẩu nhiều sang thị trường Quảng Tây đã có những động thái tích cực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.

Bắc Giang hỗ trợ tem nhãn cho vải thiều

Thông tin trên tác động mạnh đến vải thiều của tỉnh Bắc Giang. Bởi lẽ, bình quân mỗi năm, khoảng 50% tổng sản lượng sản phẩm xuất sang thị trường Trung Quốc, trong đó thông quan qua cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây chiếm phần đa. Để sản phẩm tiêu thụ dễ dàng, huyện Lục Ngạn đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông tăng cường tuyên truyền để người dân nắm được những yêu cầu mới khi đưa vải thiều sang Trung Quốc. Đồng thời, thành lập thêm các hợp tác xã (HTX) trên cơ sở gần 400 tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều đã hình thành vào năm ngoái. Huyện cũng trích kinh phí từ ngân sách hỗ trợ 50% tem xác nhận nguồn gốc cho toàn bộ HTX. Theo đó, HTX có trách nhiệm quản lý chặt chẽ sản phẩm được hỗ trợ, giám sát việc gắn tem lẫn nhau. Từng bước thiết lập sổ nhật ký chăm sóc vải thiều điện tử, giúp người dân thuận lợi hơn khi áp dụng và khách hàng mua sản phẩm tiện theo dõi thông qua điện thoại thông minh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhà vườn duy trì nghiêm ngặt quy trình sản xuất GlobalGAP, VietGAP đối với 13.000 héc-ta vải.

Hiện nay, vải sớm ở giai đoạn rụng quả sinh lý lần một, vải thiều chính vụ đang đậu quả non. Dự kiến, sản phẩm cho thu hoạch vào tháng 6 tới. Như vậy, yêu cầu của tỉnh Quảng Tây vừa mới đặt ra trong khi thời gian từ nay đến thời điểm vải chín không còn dài. Do đó, các cấp, ngành của tỉnh cần tích cực vào cuộc, khẩn trương triển khai ngay các giải pháp, kịp thời đáp ứng điều kiện khi xuất khẩu vải thiều.

Thanh long Bình Thuận đã có sự chuẩn bị trước

Riêng với các doanh nghiệp Bình Thuận xuất khẩu thanh long vào Trung Quốc đã biết yêu cầu truy xuất nguồn gốc hoa quả vào tỉnh Quảng Tây từ năm ngoái. Cụ thể, một công ty xuất nhập khẩu rau quả tại KCN Phan Thiết đã đem khoảng 100 kg thanh long tham gia triển lãm một hội chợ tại tỉnh Quảng Tây vào năm ngoái thì bị cơ quan chức năng của tỉnh này kiên quyết không cho, đòi sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc. Sau khi thuyết phục, đây chỉ là hàng triển lãm, ăn thử, chính quyền Quảng Tây mới chấp nhận nhưng vẫn yêu cầu tiêu hủy số thanh long còn lại.

Với thực trạng của thanh long Bình Thuận, việc thích ứng truy xuất nguồn gốc sẽ mất nhiều thời gian vì lâu nay người dân không quan tâm hoặc bỏ sản xuất VietGAP để canh tác thanh long theo đặt hàng của thương lái Trung Quốc. Trước tình hình này, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tại tỉnh cũng đã tìm đến những nhà vườn sản xuất thanh long VietGAP phối hợp cùng nhà vườn thực hiện các bước để có sản phẩm xuất đi, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là biện pháp giúp bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, được nhiều quốc gia áp dụng và hiện cũng đang được đưa vào áp dụng ở Việt Nam.

Nội dung trên bao bì trái cây khi xuất khẩu vào tỉnh Quảng Tây gồm: Tên sản phẩm, mã số truy xuất nguồn gốc, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên, đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để bên Trung Quốc có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

A Lưới (Thừa Thiên Huế): Trồng sim thương phẩm kết hợp phát triển du lịch

Là địa phương có vị trí địa lý, thổ nhưỡng, thời tiết thuận lợi cho việc phát triển các loại cây miền núi như sim. Huyện miền núi A Lưới đã quy hoạch, nhân rộng mô hình trồng sim thương phẩm kết hợp phát triển du lịch.

Theo kế hoạch, số diện tích quy hoạch trồng sim trên địa bàn huyện A Lưới khoảng 30 héc-ta, bao gồm xã Hồng Thượng, Hồng Hạ và Hương Phong. Trong đó, ngoài diện tích quy hoạch, xã Hương Phong đang phục hồi lại hơn 10 héc-ta sim rừng tự nhiên để phát triển kinh tế nơi đây.

Ông Văn Lập - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới cho biết: Cây sim là loại cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại A Lưới. Hiện nay, nhu cầu sử dụng các loại cây tự nhiên, trong đó có sim rừng rất lớn, trung bình 1kg có giá trên dưới 10.000 đồng thì lợi nhuận mang lại cho người dân là rất lớn. Quả sim có thể hái trực tiếp bán cho du khách, chế biến thành rượu sim, xay sinh tố, lá non làm trà sim, làm củi… Để củng cố, nhân rộng và có hướng phát triển bền vững, thời gian tới huyện thành lập hợp tác xã cung cấp cây giống, thu mua sim và chế biến. Qua đó sẽ tăng thu nhập cho người trồng sim tại địa phương. Đặc biệt, việc trồng sim rừng kết hợp với du lịch tại xã Hồng Hạ đã được bà con nhân dân tích cực tham gia. Xã Hồng Hạ có khu du lịch suối Pârle, homestay Hồng Hạ nên thu hút lượng khách về đây rất lớn, nhất là vào mùa hè. Những đồi sim bạt ngàn, hoa sim tím biếc, trái sim chín mọng sẽ là điểm đến mới mẻ, hấp dẫn cho du khách trong thời gian tới.

Là địa phương có tiềm năng lớn về diện tích đồi núi để trồng sim, nếu được áp dụng phương pháp trồng hợp lý, tìm đầu ra cho sản phẩm bền vững, kết hợp phát triển du lịch, trái sim được kỳ vọng là loại trái giảm nghèo bền vững trên quê hương A Lưới - nơi có con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Xuất khẩu chanh leo sẽ tăng

Thời gian qua, trái chanh leo (chanh dây) đang được nhiều địa phương quan tâm và mở rộng diện tích gieo trồng. Đặc biệt, xuất khẩu sản phẩm này kỳ vọng sẽ tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, cây chanh leo được trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh từ giữa năm 2015. Đến nay, tổng diện tích chanh leo toàn tỉnh là 523 héc-ta, sản lượng ước đạt 3.165 tấn. Dự kiến, năm 2018 tỉnh xuất khẩu khoảng 500 tấn chanh leo sang Trung Quốc. Số lượng này sẽ tăng lên 550 tấn năm 2019 và khoảng 600 tấn vào năm 2020.

Còn theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, giữa tháng 5/2016, UBND tỉnh Gia Lai đã đồng ý chủ trương cho Công ty CP Nafoods Group đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chanh leo gắn với nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh với diện tích 3.000 héc-ta, trong đó sản xuất nông hộ 1.300 héc-ta và 1.700 héc-ta sản xuất tập trung. UBND tỉnh này cũng đã phê duyệt 3 dự án thúc đẩy phát triển chanh leo, gồm: Dự án xây dựng Viện Nghiên cứu giống cây trồng công nghệ cao; Nhà máy phân tách, phân loại, đóng gói, bảo quản hoa quả xuất khẩu và dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tính đến nay, riêng tỉnh Gia Lai đã có vùng nguyên liệu chanh leo đạt diện tích gần 3.000 héc-ta, tổng sản lượng đạt hơn 97.400 tấn. Riêng Công ty CP Nafoods Group đã trồng tại huyện Chư Sê 70 héc-ta, huyện Chư Prông 30 héc-ta. Sản lượng thu mua của công ty năm 2016 đạt khoảng 11.000 tấn quả tươi và tăng lên hơn 22.000 tấn trong năm 2017.

Dù được kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nền tảng phát triển sản phẩm chanh leo vẫn chưa ổn định. Chính vì vậy, một số địa phương đã khuyến cáo bà con nông dân cần cẩn trọng khi mở rộng diện tích chanh leo. Thậm chí, ngay ở tỉnh Gia Lai - địa phương trồng nhiều chanh leo, giá chanh leo những năm qua không ổn định.  Đầu năm 2017, giá chanh trên địa bàn dao động từ 14.000 - 47.000 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, hiện nay giá đã giảm xuống còn khoảng 10.000 - 18.000 đồng/kg. Đầu ra cho sản phẩm cũng không đảm bảo, chủ yếu bán cho tư thương và bà con vẫn lo lắng trước tình trạng chanh leo được mùa mất giá như một số nông sản khác của địa phương.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Hậu Giang: Xây dựng mô hình trồng cam ứng dụng tưới tiết kiệm nước

Dự án cấp bộ về “Xây dựng mô hình trồng cây có múi ứng dụng công nghệ tiên tiến tại tỉnh Hậu Giang” đã thực hiện được 1 năm. Mục tiêu của dự án là xây dựng vườn đầu dòng, vườn cây con, cây có múi đạt chất lượng để cung cấp nguồn giống sạch bệnh và cây giống sạch bệnh; xây dựng mô hình trồng cây có múi sạch bệnh, sử dụng phân hữu cơ vi sinh; xây dựng mô hình tưới tiết kiệm nước tự động trên vườn cây có múi với quy mô 30 héc-ta; đăng ký xây dựng mô hình VietGAP cho 10 héc-ta cam sành. Việc lắp đặt hệ thống tưới của các mô hình giúp nông dân tiết kiệm tối đa lượng nước tưới và tránh được rủi ro từ biến đổi khí hậu gây ra. Đây cũng là một trong các giải pháp để phát triển bền vững ngành nông nghiệp địa phương, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường.

Hưng Yên: Giá lợn hơi bật tăng

Từ đầu tháng 4/2018, giá lợn hơi đã bật tăng trở lại ở mức cao. Hiện giá lợn hơi dao động từ 32.000 đồng/kg lên đến sát mốc 40.000 đồng/kg. Đây là một tín hiệu lạc quan đối với người chăn nuôi ở Hưng Yên. Mặc dù được thương lái hỏi mua với giá cao nhưng một số hộ vẫn có tâm lý giữ đàn chờ giá tăng thêm. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung, đẩy giá lên cao.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những lái buôn lâu năm, đây là đợt tăng giá bất thường. Bởi thời gian gần đây, giá lợn hơi tại Trung Quốc thấp hơn tại Việt Nam. Mặt khác, sau hơn 1 năm thua lỗ triền miên, nhiều hộ đang duy trì chăn nuôi lợn cũng giảm đàn, dẫn đến nguồn cung giảm đáng kể. Bên cạnh đó, thời gian hiện tại đang rơi vào mùa tết tại Campuchia, Thái Lan và Lào. Do đó, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tại các nước này tăng cao. Vì vậy, dù giá lợn hiện tại đã ở mức giúp cho người chăn nuôi có lãi sau một thời gian dài thua lỗ nhưng bà con cần thận trọng, xem xét, đánh giá về cung cầu, không nên vội vàng đua nhau tái đàn. Đồng thời, tránh tình trạng găm hàng chờ giá lên cao bởi sau khi tết tại Campuchia, Thái Lan và Lào kết thúc, giá bán lợn có khả năng ổn định trở lại.

Phù Mỹ (Bình Định): Giá muối sạch tăng cao

Vụ sản xuất muối 2018, diêm dân các xã Mỹ Thành, Mỹ Chánh, Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định phấn khởi vì muối sạch được mùa, được giá. Hiện giá muối sạch tăng khoảng 30%, dao động từ 1.800 - 2.000 đồng/kg.

Năm 2017, tổng diện tích sản xuất muối toàn huyện gần 102 héc-ta, trong đó diện tích sản xuất muối sạch gần 20 héc-ta, tăng gần 10 héc-ta so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng muối thu hoạch đạt 9.635 tấn, trong đó muối sạch đạt 1.865 tấn (năng suất tăng khoảng 30%). Có được kết quả này là do ngành nông nghiệp huyện đã hỗ trợ diêm dân triển khai mô hình sản xuất muối sạch đạt hiệu quả cao, đầu ra sản phẩm ổn định, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Huyện cũng đang vận động diêm dân thành lập các tổ liên kết sản xuất muối sạch để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, nhân rộng mô hình sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt theo chương trình khuyến nông để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bình Thuận: Trứng gà công nghiệp giảm giá do nguồn cung dồi dào

Vài tháng trở lại đây, giá trứng gà công nghiệp giảm từ 2.000 - 3.000 đồng/chục quả. Hiện các chợ nông thôn ở huyện, thị trong tỉnh Bình Thuận bán sỉ loại trứng gà công nghiệp lớn 22.000 đồng/chục (giảm 3.000 đồng so với trước), trứng nhỏ hơn 18.000 - 20.000 đồng/chục. Mặc dù thời gian qua, người dân trong vùng có giảm đàn chăn nuôi nhưng không đáng kể so với lượng tăng đàn của một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn. Do đó, lượng trứng trên thị trường hiện khá dồi dào, các cơ sở lớn nuôi gà khép kín, tiết kiệm chi phí, đầu ra ổn định vẫn có lãi. Hiện nay, tại huyện Đức Linh, ngoài một số trang trại lớn nuôi gà công nghiệp bán thịt, trứng; nhiều hộ dân xã Nam Chính, Đức Chính, Tân Hà… tận dụng vườn rộng nuôi gà ta bán thịt, giá 100.000 - 110.000 đồng/kg đều có lãi.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Vĩnh Thuận (Kiên Giang): Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm xen lúa

Nhờ chuyển dịch cơ cấu đúng định hướng, nông dân huyện vùng sâu Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang từng bước hình thành được vùng canh tác, nhất là hiệu quả từ mô hình nuôi một vụ tôm càng xanh xen tôm thẻ với một vụ lúa.

Những năm qua, huyện Vĩnh Thuận đã quy hoạch lại vùng sản xuất cho phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Theo đó, mô hình nuôi một vụ tôm càng xanh xen tôm thẻ với một vụ lúa đã đem lại hiệu quả khá cao, nông dân phấn khởi. Mô hình được triển khai tại các xã nằm ven sông Cái Lớn với tổng diện tích gần 10.000 héc-ta.

Theo thu hoạch thực tế của nông dân, 1 héc-ta nuôi theo mô hình cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Đặc biệt, tôm càng xanh nuôi ở vùng nước này có ưu điểm là tôm sạch, thịt ngon, khi luộc chín màu đẹp. Vì vậy, trong khi một số nơi ở tỉnh Kiên Giang giá tôm càng xanh giảm thì tôm ở đây vẫn có giá cao hơn 35.000 - 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, điều mà bà con nông dân nơi đây phấn khởi nhất là đầu ra của sản phẩm ổn định, thương lái đến tận ruộng thu mua và cung cấp các dụng cụ ô-xy để tôm luôn tươi sống.

Nuôi tôm theo mô hình này còn thêm cái lợi nữa là khi đã thu hoạch xong vụ tôm càng xanh, nông dân bắt đầu cấy lại một vụ lúa. Tuy không lãi nhiều, khoảng 10 triệu đồng/héc-ta nhưng bù lại làm cho đất được cải tạo tốt hơn, nhất là khi thu hoạch lúa xong, bơm nước vào nuôi tôm thì phần gốc rạ vừa làm thức ăn vừa là nơi cho tôm trú ngụ.

Với những triển vọng từ mô hình này, năm 2018 huyện Vĩnh Thuận phấn đấu thả nuôi đạt 25.656 héc-ta, sản lượng đạt 13.490 tấn.

Để bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình và yên tâm sản xuất, trong năm nay, Vĩnh Thuận sẽ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho tôm càng xanh sạch và lúa sạch trên nền đất nuôi tôm. Bước đầu sẽ thí điểm trên diện tích khoảng 150 héc-ta, sau đó tiếp tục nhân rộng ra toàn huyện.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Nguy hiểm cà phê kém chất lượng

Thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất cà phê kém chất lượng đã được phát hiện và đình chỉ kinh doanh. Tuy nhiên, đó chỉ là con số rất nhỏ trong hàng trăm, hàng nghìn những cơ sở chế biến, rang xay cà phê mà các cơ quan chức năng chưa thể quản lý hết.

Điển hình là ngày 16/4/2018, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã đột nhập cơ sở chế biến cà phê bột của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Loan (đóng tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông). Vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trong xưởng chế biến cà phê của bà Loan có hàng chục tấn cà phê bẩn đã được trộn lẫn với đất, bột đá. Chủ cơ sở đã sử dụng các tạp chất, phế phẩm rồi tẩm nhuộm với bột than của pin để chế biến thành cà phê độc hại. Cơ quan chức năng đã niêm phong 15 tấn phế phẩm cà phê đã được ngâm và tẩm bột than pin con Ó, 500 kg vỏ cà phê, cà phê nát, 35 kg pin, 10 kg hỗn hợp nước và pin…

Để có những tách cà phê thơm ngon với giá rẻ, các cơ sở sản xuất cà phê giả đã trộn thêm rất nhiều phụ gia và tạp chất như ngô, đậu tương, cỏ cau, vỏ cà phê nướng cháy vào cùng cà phê. Những loại nguyên liệu này vừa tạo nên độ thơm, ngậy sau khi rang, đồng thời cũng có vị đắng khiến người tiêu dùng lầm tưởng là cà phê.

Đáng lo ngại hơn, để tạo mùi, nhiều cơ sở sản xuất còn sử dụng tinh cà phê, chủ yếu làm từ hóa chất, chứa nhiều tạp chất, kim loại nặng độc hại. Những hương liệu hóa chất này dễ dàng mua tại các cửa hàng hương liệu với nguồn gốc không an toàn. Môi trường sản xuất cà phê giả cũng thường ẩm thấp, không đảm bảo vệ sinh với các dụng cụ cuốc, xẻng, công cụ rang, xay thô cũ kỹ, lạc hậu. Việc rang cháy đậu nành để cho giống cà phê thật sẽ làm phân hủy các thành phần dinh dưỡng và sản sinh ra các chất rất độc hại cho người sử dụng.

HÀNG VIỆT 

Khai thác nguồn lợi từ chỉ dẫn địa lý

Vừa qua, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tổ chức hội thảo “Vai trò của chỉ dẫn địa lý trong phát triển kinh tế địa phương”. Chỉ dẫn địa lý là thông tin về nguồn gốc địa lý của hàng hóa. Nếu các chỉ dẫn địa lý được khai thác tốt sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn cho Việt Nam.

Gia tăng giá trị cho hàng hóa

Nước ta có nhiều đặc sản có giá trị kinh tế, gắn liền với các địa danh như : Nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, chè Thái Nguyên, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn... Tính đến tháng 3/2018, Việt Nam đã bảo hộ 66 chỉ dẫn địa lý với khoảng 1.000 sản vật, trong đó có 60 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài.

Theo thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ về cơ cấu sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, có khoảng 50% sản phẩm là trái cây, 20% là các sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp như: quế, hoa hồi, chè... Còn lại là các sản phẩm thủy sản, gạo và một số thực phẩm khác. Bên cạnh việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý, Việt Nam còn sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể để đăng ký cho các đặc sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm chưa đủ điều kiện để xây dựng chỉ dẫn địa lý.

Một trong những kết quả tích cực nhất là giá bán của các sản phẩm sau khi chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có xu hướng tăng. Điều này thể hiện ở chỗ, mỗi một chỉ dẫn địa lý sau khi được nhà nước bảo hộ, về cơ bản, các địa phương sẽ tổ chức quản lý trên cơ sở các chính sách và quy định theo từng sản phẩm, đặc biệt là việc kiểm soát chất lượng và các quy định liên quan đến bao bì, nhãn mác, sử dụng.

Tại Hội thảo “Vai trò của chỉ dẫn địa lý trong phát triển kinh tế địa phương” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, bà Delphine Maria Vivian đến từ Trung tâm Hợp tác quốc tế nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển - CIRAD (Pháp) cho biết, có 4 lợi ích từ chỉ dẫn địa lý: Thứ nhất, mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất. Thứ hai, giúp doanh nghiệp và địa phương chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Thứ ba, quảng bá sản phẩm địa phương, thu hút khách du lịch. Thứ tư, giúp bảo vệ, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống ở địa phương.

Địa phương phải chú trọng đăng ký chỉ dẫn địa lý

Tuy nhiên, tại Việt Nam, chỉ dẫn địa lý chưa được sử dụng nhiều và khai thác hiệu quả trong thương mại. Hiện vẫn chưa có sự hợp tác, kết nối giữa các cơ quan quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng. “Có đến 50% chỉ dẫn địa lý của nông sản Việt Nam không có người quản lý, khai thác. Chẳng hạn như chỉ dẫn địa lý quế Hưng Yên hay trà Mộc Châu được giao cho các hiệp hội quản lý nhưng không hiệu quả” -  bà Delphine Maria Vivian nêu thực tế. Điều này dẫn đến tình trạng, nhiều nhà sản xuất tại địa phương được bảo hộ nhưng không sử dụng logo chỉ dẫn địa lý vì không biết mình có quyền. Cùng với nhận định này, PGS-TS. Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý giúp doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường, rộng cửa ra thị trường thế giới. Thế nhưng các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam chưa có đánh giá đầy đủ về hiệu quả. Nếu các tỉnh đăng ký chỉ dẫn địa lý xong, giao cho địa phương và để đó, không đầu tư, khai thác thì chỉ dẫn địa lý gần như không có giá trị.

Chính vì vậy, để khai thác tối đa hiệu quả của chỉ dẫn địa lý, cần phải nâng cao nhận thức cho người dân, người trồng trọt, sản xuất, kinh doanh về lợi ích, tầm quan trọng của chỉ dẫn địa lý bên cạnh việc quản lý vùng trồng, sản xuất sản phẩm hợp lý. Các địa phương nên chú trọng việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đã qua chế biến cũng như việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi đưa ra thị trường.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)