Thông tin giá cả thị trường số 19/2018

08:22 AM 10/05/2018 |   Lượt xem: 3834 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Bình Thuận: Cảnh Báo cháy rừng mùa khô

Hiện nay, rừng Bình Thuận đang trong giai đoạn mùa khô, nắng nóng, nhiệt độ cao trên 35oC kéo dài. Diện tích rừng ở một số huyện do đồng bào dân tộc nhận khoán quản lý và bảo vệ  đang ở thời kỳ cảnh báo cháy.

Đặc biệt, diện tích rừng ở các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Phan Thiết, Tánh Linh đang ở thời kỳ cảnh báo cháy cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Phần lớn diện tích này đều nằm ở các tiểu khu rừng phòng hộ đầu nguồn, trong đó có trên 86.000 héc-ta mà gần 2.380 hộ đồng bào vùng dân tộc thiểu số đang nhận khoán quản lý, bảo vệ. Đáng nguy hiểm, một số nơi bà con còn tập quán dọn đất (chặt, phát, gom đốt chồi, cây tạp trong vùng đất rẫy, đất nông nghiệp ven, gần rừng) chuẩn bị vụ sản xuất hè thu 2018. Do đó, nếu bất cẩn rất dễ gây cháy và kết hợp gió mùa cháy sẽ lan nhanh.

Trước tình hình đó, Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận đã khuyến cáo các chủ rừng nằm trong khu vực cảnh báo cháy từ cấp 4, cấp 5 phải nhanh chóng khoanh vùng diện tích rừng dễ xảy ra cháy. Nhất là những khu vực thường xuyên có đối tượng hay vào rừng khai thác tận dụng, tận thu lâm sản mùa khô; những khu vực thường bị các đối tượng khai thác lâm sản trái phép vào rừng làm chòi trại, làm nơi ẩn nấp và sinh hoạt…; những khu vực gần các tuyến giao thông. Ở những khu vực này cần phát hiện nhanh và tháo dỡ, di chuyển vật gây cháy, dễ cháy ra khỏi khu vực rừng. Đồng thời, có cảnh báo và cắt cử lực lượng tổ chức tuần tra thường xuyên, chú trọng công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống cháy rừng.

Đối với hộ đồng bào có nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng khẩn trương tổ chức thành các tổ của những nhóm hộ có diện tích rừng liền kề để cùng với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng thường xuyên tuần tra những khu vực dễ xảy ra cháy rừng, những khu vực đã có cảnh báo của lực lượng kiểm lâm. Bà con đặc biệt lưu ý ngăn chặn và dập tắt đám cháy ngay từ đầu khi phát hiện vùng rừng quản lý có khói bốc lên. Chủ động trang bị hệ thống chuông, kẻng báo động cháy để ứng cứu kịp thời nhất.

Với các địa phương có diện tích rừng nằm trong nhóm đang cảnh báo cháy rừng ở nguy cơ cực kỳ nguy hiểm cần tập trung chỉ đạo các lực lượng thường xuyên kiểm tra, phát hiện các hoạt động trái phép trong khu vực rừng thuộc địa bàn quản lý. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm các đối tượng vào rừng trong khu vực cảnh báo nguy cơ cháy cao dưới bất kỳ hình thức nào.

Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương rà soát, bổ sung các điều kiện, phương tiện phòng, chống cháy rừng cho lực lượng chức năng của ngành và hộ đồng bào dân tộc có nhận khoán bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần chú trọng công tác tổ chức tập huấn xử lý tình huống cháy rừng cho các hộ đồng bào dân tộc.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Quảng Ninh: Nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm

Năm 2017, Quảng Ninh thực hiện dự án “Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm” nhằm tận dụng lợi thế phát triển lĩnh vực nuôi thuỷ sản, tạo mô hình liên kết giữa nuôi và tiêu thụ sản phẩm (giữa nông dân và doanh nghiệp) tại các vùng sản xuất trọng điểm.

Để đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật mô hình, ngay khi triển khai Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị xây dựng bảng tiêu chí chọn hộ đảm bảo các yêu cầu về vùng quy hoạch, có vốn đối ứng, khả năng kỹ thuật, cam kết cải tạo hệ thống ao nuôi theo yêu cầu mô hình và đặc biệt là tâm huyết với nghề.

Trong quá trình thực hiện, Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ hộ nuôi tìm được đối tác bao tiêu sản phẩm của mô hình là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong. Qua xem xét thấy sản phẩm từ mô hình đáp ứng tốt các điều kiện về an toàn thực phẩm nên hợp tác xã đã ký kết hợp đồng tiêu thụ toàn bộ số lượng cá nuôi trong mô hình phục vụ cho công nhân mỏ và người dân các địa phương trong tỉnh.

Sau 6 tháng, mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm cho sản lượng và năng suất cao và có lãi trên 69 triệu đồng/héc-ta, cao hơn so với các hộ nuôi trong vùng từ 10 - 15 triệu đồng/héc-ta. Trước khi thu hoạch, ao nuôi được tích cực thay nước để cá có màu sáng đẹp, sạch và ngừng cho ăn 2 - 3 ngày trước khi thu hoạch để đảm bảo cho cá đào thải hết thức ăn trong ruột, thịt cá không có mùi bùn.

Có thể nói, dự án “Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm” thành công đã mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. 

Cà Mau: Bảo vệ tôm nuôi trong thời  tiết nắng nóng

Hiện khu vực miền Nam đang ở cao điểm nắng nóng mùa khô. Thời tiết này sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất, nuôi trồng thủy sản như: Tôm, cá tra…

Đặc biệt, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – nơi đang bị xâm thực mặn, thời tiết nắng nóng sẽ khiến cho độ mặn trong các vuông nuôi tôm tăng cao, làm tôm chậm lớn. Trước thực trạng đó, các chuyên gia khuyến nông khuyến cáo bà con thực hiện các giải pháp bảo vệ ao nuôi.Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau, bà con cần cải tạo và xử lý môi trường nuôi bằng việc áp dụng phương pháp cải tạo khô, sử dụng máy cày xới mặt trảng, sên vét bùn đáy mương bao. Sử dụng vôi để khử phèn và khử trùng bờ bao, đáy mương, mặt trảng với lượng 50 - 100 kg/1.000 m2. Ngoài ra, cần có lưới che chắn ngăn chặn trực tiếp bức xạ mặt trời xuống ao nuôi. Trên bờ có thể trồng các loại cây ăn trái che bóng mát. Đáng chú ý, các chuyên gia đề nghị bà con tuyệt đối không dùng các loại hóa chất, chất xử lý môi trường không rõ nguồn gốc, không sử dụng thuốc trừ sâu và hóa chất cấm sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, do vùng sản xuất chịu ảnh hưởng bởi sự điều tiết nước của các sông rạch nội đồng; sự bốc thoát hơi nước nhanh do nắng hạn, tình trạng xâm mặn sâu vào nội đồng và chất đất giữ nước kém, vì vậy, bà con phải gia cố bờ bao bằng cơ giới để chống thất thoát nước, mở rộng diện tích mương tạo không gian rộng cho tôm nuôi hoạt động.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Giá cà phê bất ngờ tăng

Những tuần đầu tháng 5, giá cà phê có xu hướng tăng vọt lên  l.200 đồng/kg, đưa giá cà phê lên mốc 38.000 đồng/kg. Hiện giá cà phê Tây Nguyên dao động ở mức 37.700 - 38.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Lâm Đồng giá cà phê đang ở mức 37.700 đồng/kg; tại Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum đang dao động mức 38.000 đồng/kg… Mặc dù giá cà phê tăng mạnh nhưng lượng cà phê trữ trong dân chỉ còn 30 - 40%. Nhiều nông hộ đã bán trước đó khi mốc giá mới vượt lên trên 37.000 đồng/kg vì sợ giá sẽ tiếp tục giảm. Dự báo, giá cá phê có khả năng tăng khi bước vào mùa khô hạn.

Đắk Lắk: Giá bơ tăng cao, nông dân lãi lớn

Tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, bơ là một trong những cây ăn quả chủ đạo với gần 1.000 héc-ta. Diện tích bơ của huyện chủ yếu được trồng xen canh trong vườn cà phê, với nhiều loại bơ khác nhau từ bơ địa phương đến bơ chất lượng cao như bơ sáp, bơ booth, bơ tứ quý... nên mùa vụ thu hoạch rải đều trong năm. Năm nay, giá bơ trên địa bàn huyện tăng bình quân 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại nên bơ trở thành cây trồng mang lại nguồn lợi chính cho bà con nông dân.

Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ giống bơ dài, quả lớn, khi chín có màu xanh. Vì vậy, ngành nông nghiệp huyện Cư M’gar khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ưu tiên các giống bơ chất lượng cao có vỏ dày, ít xơ, chín nhưng vỏ quả vẫn có màu xanh để thuận lợi trong quá trình vận chuyển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ninh Thuận: Muối được mùa, được giá

Vụ muối năm nay cho năng suất cao, bán được giá nên diêm dân Ninh Thuận rất phấn khởi. Các thương lái đang thu mua muối tại chân ruộng ở mức cao từ 850 đến 900 đồng/kg, gần gấp đôi so với năm ngoái. Với mức giá này, mỗi héc-ta muối cho thu nhập trung gần 9 triệu đồng/tuần, gần 32 triệu đồng/tháng.

Ninh Thuận có 652 héc-ta muối do diêm dân sản xuất, chủ yếu tập trung ở huyện Ninh Hải. Quý 1 năm nay, muối vừa được giá vừa đạt năng suất cao đã giúp bà con diêm dân an tâm sản xuất.

Về lâu dài, tỉnh Ninh Thuận khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến muối tinh, muối i-ốt cùng các sản phẩm khác từ muối để nâng cao giá trị hạt muối Ninh Thuận, mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho diêm dân.

Bắc Hà (Lào Cai): Hơn 30 tấn quả đào Pháp phục vụ du khách dịp lễ

Bắc Hà có khoảng 40 héc-ta cây đào Pháp được trồng chủ yếu tại thị trấn Bắc Hà, các xã Na Hối, Tà Chải, Bản Phố, Lầu Thí Ngài, Thải Giàng Phố. Vụ đào Pháp năm 2018, theo tính toán của ngành nông nghiệp huyện, năng suất quả ước đạt 95 tấn. Người dân Bắc Hà bắt đầu thu hoạch tỉa từ trung tuần tháng 4, đến nay đã đạt hơn 60 tấn, các vườn đào vẫn còn hơn 30 tấn quả để phục vụ cho du khách dịp nghỉ lễ. Hiện, giá đào quả tại Bắc Hà được bán ở mức từ 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Năm nay, trọng điểm mùa đào chín rộ đúng dịp 30/4 - 1/5, nhiều vườn đào Pháp tại Bắc Hà đã mở cửa đón du khách vào tham quan, trải nghiệm hái và thưởng thức quả đào tươi ngay tại vườn. Đây cũng là một sản phẩm du lịch mới được người dân địa phương đưa vào nhằm tạo điểm đến và thu hút khách du lịch dịp nghỉ lễ năm nay.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Hà Tĩnh: Ngao chết do hiện tượng sương muối

Từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn các huyện Lộc Hà, Thạch Hà và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xảy ra hiện tượng ngao, sò chết hàng loạt với hơn
100 héc-ta. Hiện tượng này khiến bà con hoang mang, lo lắng.

Sau khi tiếp nhận thông tin do bà con phản ánh, cơ quan chức năng đã đến các điểm nuôi ngao bị thiệt hại lấy 5 mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng III xét nghiệm. Kết quả cho thấy, cả 5/5 mẫu đều không phát hiện thấy ký sinh trùng Perkinsus.

Từ kết quả khảo sát thực địa kết hợp kết quả phân tích các chỉ tiêu môi trường nuôi cơ bản, Trung tâm Quan trắc Cảnh báo Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc nhận định, nguyên nhân ngao chết là do một số yếu tố sau: Thứ nhất, mật độ nuôi dày; ngao thương phẩm bị yếu sau quá trình sinh sản. Thứ hai, hiện tượng sương muối xảy ra trùng thời điểm bãi ngao phơi bãi vào ban đêm và thời gian phơi bãi kéo dài. Thứ ba, thời tiết năm nay ít nắng nên không có tác động của bức xạ mặt trời làm cho sương muối tan chậm so với các năm trước, kéo dài thời gian tác động bất lợi lên bãi ngao. Như vậy, hiện tượng ngao chết hàng loạt không liên quan đến dịch bệnh và yếu tố môi trường nuôi.

Để khắc phục thiệt hại, hạn chế việc ngao tiếp tục chết, Trung tâm Quan trắc Cảnh báo Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc khuyến cáo người nuôi trồng san thưa mật độ để giảm sự cạnh tranh thức ăn và không gian sống ở những bãi nuôi có mật độ cao. Khi ngao đạt kích cỡ thương phẩm nên thu hoạch để làm giảm mật độ nuôi; không nên thả giống mới ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt, bà con phải thu gom xác ngao chết, tiêu hủy đúng quy định; vệ vinh, cải tạo bãi ngao theo hướng dẫn của cơ quan chức năng...

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Nhận biết bột cà phê nguyên chất

Thời gian qua, tình trạng cà phê giả, nhái, kém chất lượng tràn lan trên thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Để  nhận biết bột cà phê nguyên chất bà con có thể dựa vào một số đặc điểm nổi bật sau:

Khối lượng

Khối lượng hoặc thể tích của bột cà phê rang bao giờ cũng lớn hơn khối lượng của bột hạt đậu nành (đỗ tương) và bắp (ngô) rang. Vì vậy, bột cà phê thật luôn có khối lượng riêng thấp hơn bột các loại ngũ cốc khác và từ đó thể tích (hay khối lượng) của 1kg bột cà phê luôn luôn lớn hơn thể tích của bột các loại ngũ cốc rang. Dựa vào đặc tính này bà con có thể phân biệt ngay từ lúc đầu, dù chưa cần phải mở bao bì ra. Nếu có điều kiện so sánh, bà con cầm trong tay trong 2 bịch 500g, bịch nào chứa cà phê hay chứa tỷ lệ bột cà phê nhiều thì sẽ nhiều đầy hơn, to hơn, khối lượng bột chứa bên trong nhiều hơn nên có cảm tưởng bịch cà phê nguyên chất nhẹ hơn.

Độ xốp của bột cà phê

Nhìn theo cảm quan, bột cà phê nguyên chất rất nhẹ, có độ xốp, tơi và rời. Bột của hạt ngũ cốc khác thường dính lại, ít tơi bong hơn. Bà con có thể thử bằng cách lấy 2 chén nước, múc 2 muỗng bột của 2 bịch đổ lên mặt nước. Bột cà phê nguyên chất xốp nhẹ, có khối lượng riêng thấp, nên có xu hướng nổi lên trên, còn bột của các hạt ngũ cốc khác có khối lượng riêng lớn hơn nên chìm xuống nhanh hơn.

Độ ẩm của bột cà phê

Bột cà phê thật ít ngậm nước, độ ẩm của hạt cà phê thật sau khi rang khá thấp. Bột các loại ngũ cốc khác thường giữ nước và có độ ẩm cao hơn. Do đó, bột cà phê pha tạp, không nguyên chất có vẻ ẩm ướt, thậm chí vón cục khi được tẩm nhiều caramen tạo màu, khác hẳn với bột cà phê thật rất khô và tơi xốp.

Màu của bột cà phê

Khi rang đến nhiệt độ và thời gian thích hợp… bột cà phê có màu nâu đậm. Hạt bắp rang để độn vào cà phê thường có màu đen đậm. Hạt các đậu nành rang và xay ra bột có màu nâu đậm đục, ngã vàng đục, hoàn toàn không giống màu nâu đậm của bột cà phê thật.  

HÀNG VIỆT 

Vú sữa Lò Rèn  đặc sản miền Tây

Trái vú sữa đang vào mùa. Thời gian này, nếu có dịp đến huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nhớ thưởng thức và mang về làm quà vú sữa Lò Rèn - loại quả nức danh bởi sự thơm ngọt hiếm có.

Vú sữa Lò Rèn được người dân xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đưa vào trồng từ những năm đầu thế kỷ 20. Cái tên “Lò Rèn” bắt nguồn từ câu chuyện kể về người thợ rèn năm nào đã nhân được giống vú sữa ngon cho mảnh đất ấy. Từ đó, vú sữa trở thành loại trái cây cho thu nhập cao nhất trong số các loại cây ăn trái ở đây.

So với nhiều vùng trồng vũ sữa khác, vú sữa Lò Rèn trái to, vỏ mỏng, dày cơm, thơm ngon… nên được người sành ăn vú sữa rất thích. Trước giải phóng, mỗi khi đến mùa vú sữa, vùng Chợ Giữa Vĩnh Kim nhộn nhịp suốt ngày đêm. Nông dân mang vú sữa trong vườn ra chợ bán, thương lái vận chuyển vú sữa lên Sài Gòn bán.

Trải qua nhiều thăng trầm, đến thập niên 1990, cây vú sữa Lò Rèn mới phát triển trở lại do Nhà nước có chủ trương phát triển kinh tế vườn. Qua xác định lợi thế, nét độc đáo của vú sữa Lò Rèn, từ năm 1999, nỗ lực phục hồi và phát triển cây trồng này đã được xúc tiến. Năm 2005, vú sữa Lò Rèn được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Năm 2006, Hợp tác xã (HTX) Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được thành lập nhằm tổ chức lại sản xuất, đưa trái vú sữa Lò Rèn xâm nhập vào thị trường cấp cao.

Năm 2007, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim áp dụng sản xuất vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ HTX nhân rộng mô hình lên 53 héc-ta. Nhà đóng gói vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cũng được khánh thành và được tổ chức của Hoa Kỳ chứng nhận đạt tiêu chuẩn đóng gói xuất khẩu vào thị trường này.

Từ đó, thương hiệu vú sữa Lò Rèn đã được thị trường trong và ngoài nước biết đến. Nhiều công ty, tập đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu, hợp đồng mua vú sữa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP xuất khẩu sang Nga, Đức, Hà Lan, Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc. Năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành bình tuyển và công nhận 3 nguồn giống vú sữa Lò Rèn đầu dòng để bảo tồn ở xã Vĩnh Kim và xã Kim Sơn. Hiện nay, vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn tập trung chủ yếu ở 13 xã thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang như: Vĩnh Kim, Song Thuận, Phú Phong, Kim Sơn…

Theo tính toán của các nhà vườn, trong các loại cây đặc sản, vú sữa được xếp vào nhóm cây có giá trị kinh tế cao và khai thác được lâu dài. Một người trồng đúng kỹ thuật, biết xử lý cho cây ra trái mùa nghịch có thể thu hoạch 500 triệu đồng/héc-ta/năm. Một người dân có 4.000m2 vườn trồng toàn vú sữa Lò Rèn cho biết, vườn vú sữa của ông được 4 năm tuổi, cứ mỗi tuần hái trái một lần, mỗi lần vài trăm ký, bán tại chỗ với giá 15.000 đồng/kg, thu nhập khá ổn so với nhiều loại cây ăn quả khác.

Mấy năm trở lại đây, bệnh thối rễ và khô cành đang khiến diện tích nhiều vườn cây đặc sản vú sữa Lò Rèn giảm dần. Để khôi phục loại trái cây thơm ngon này, dự án khôi phục và phát triển vú sữa lò rèn đang được triển khai. Hy vọng, với những nỗ lực này, vú sữa Lò Rèn sẽ tiếp tục xứng đáng là 1 trong 11 chủng loại trái cây có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có định hướng phát triển để xuất khẩu.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)