Thông tin giá cả thị trường số 23/2017

10:01 AM 20/06/2017 |   Lượt xem: 4363 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Thị trường phân bón ở Đồng bằng sông Cửu Long: Nguồn cung dồi dào, giá giảm

Sau khi tăng lên ở mức cao trong những tháng đầu năm 2017, hiện giá nhiều loại phân bón đã giảm trở lại. Động thái này giúp bà con nông dân giảm được gánh nặng khi bước vào vụ sản xuất mới.

Nông dân bớt lo

Phân bón chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí sản xuất. Trong khi đó, đại đa số nông dân không có nhiều vốn để mua phân bón dự trữ sẵn, nên khi bước vào vụ lúa thu đông 2017, giá phân bón giảm khiến bà con yên tâm. Vụ lúa hè thu vừa qua, giá phân urê Phú Mỹ tăng tới 400.000 đồng/bao, nay giá giảm chỉ còn 330.000 đồng/bao. Các loại phân bón: DAP, NPK, kali cũng giảm vài chục ngàn đồng/bao so với trước. Cụ thể: đạm Phú Mỹ tháng trước giá trên dưới 400.000 đồng/bao, nay giảm chỉ còn 330.000 - 340.000 đồng/bao; đạm Cà Mau đang ở mức 320.000 - 330.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá phân bón DAP (Trung Quốc, loại xanh Hồng Hà) 540.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Bình Điền và NPK 20-20-15 Cò Bay từ 520.000 - 530.000 đồng/bao; NPK 16-16-8 Việt Nhật khoảng 460.000 đồng/bao. Giá phân bón Kali (Canada, Israel, Nga, Úc) đang phổ biến từ 370.000 - 400.000 đồng/bao; lân (Long Thành) khoảng 140.000 đồng/bao.

Dự báo giá sẽ tiếp tục giảm

Theo nhiều chủ cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở Cần Thơ, giá phân bón giảm do nguồn cung dồi dào và nhu cầu tiêu thụ của thị trường có xu hướng giảm so với trước. Đặc biệt, nhiều cửa hàng kinh doanh, bán lẻ phân bón vẫn còn tồn lượng hàng đáng kể trong kho, nên ít lấy hàng từ nhà sản xuất và phân phối. Với nguồn cung phân bón dồi dào, sức tiêu thụ có xu hướng giảm, giới kinh doanh vật tư nông nghiệp dự đoán, giá nhiều loại phân bón có khả năng còn giảm trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, sức tiêu thụ phân bón trong vụ thu đông thường không bằng vụ đông xuân và hè thu do diện tích sản xuất lúa giảm mạnh. Nhu cầu bón phân cho các loại cây ăn trái và nhiều loại cây trồng khác trong vụ thu đông cũng giảm do nông dân hạn chế bón phân cho cây trồng trước các tác động bất lợi của các yếu tố thời tiết như: mưa gió, bão lũ… Đặc biệt, nhiều nông dân tại TP. Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái và một số loại cây trồng khác cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sức tiêu thụ phân bón. Bởi nông dân thường ít bón phân cho cây ở giai đoạn mới trồng, nhất là các loại cây ăn trái. Nhiều khả năng cho thấy, giá các loại phân bón sẽ tiếp tục có xu hướng giảm và bình ổn trong thời gian tới do sức tiêu thụ hạn chế, trong khi nguồn cung dồi dào.

Thời gian qua, một số loại phân bón như: urê, DAP… có biên độ biến động tăng giá rất lớn, có thời điểm tăng tới trên dưới 100.000 đồng/bao. Điều này tạo áp lực rất lớn đến các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ. Trong bối cảnh thị trường có nhiều cạnh tranh, để bán được hàng, nhiều cửa hàng phải nâng cao chất lượng phục vụ và bán cho nông dân theo hình thức trả chậm tức là đến cuối vụ mới thu tiền. Do vậy, giá phân bón giảm cũng giúp các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp giảm một phần áp lực về nguồn vốn. Riêng đối với bà con nông dân, giá phân bón giảm giúp họ tăng thêm lợi nhuận trong bối cảnh giá các mặt hàng nông sản còn bấp bênh.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Nông dân găm tiêu chờ tăng giá

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, từ giữa tháng 5 đến nay, giá tiêu tại các tỉnh miền Trung Tây Nguyên tiếp tục giảm mạnh, dao động từ 79.000 - 82.000 đồng/kg tùy từng khu vực. Nếu so với cùng kỳ năm 2016, giá tiêu hiện đã giảm tới 50%. Đây là mức giảm kỷ lục của ngành hồ tiêu.

Xã Ea Ning là địa phương có diện tích tiêu đứng đầu huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk với khoảng 1.200 héc-ta, trong đó có khoảng 800 héc-ta đang kinh doanh, số còn lại đang giai đoạn kiến thiết. Khác hẳn với những năm trước, sau vụ thu hoạch tiêu, nông dân thường vui mừng vì được giá, năm nay không khí khá ảm đạm. Với giá tiêu thấp như hiện nay, nhiều hộ gia đình đã quyết định cất giữ trong kho chờ giá lên mới bán. Trước mắt, các hộ đang cố xoay xở tiền để đầu tư chăm sóc vườn tiêu, chờ thời gian tới nếu giá tăng lên mới bán mặc dù biết việc giữ tiêu trong kho lâu ngày sẽ bị mốc, hao hụt nhiều.

Hồ tiêu lâu nay là cây trồng chủ lực, góp phần thay đổi đời sống của bà con nông dân huyện Cư Kuin. Vậy nên, dù giá tiêu đang xuống thấp, một số người dân vẫn tiếp tục xuống giống mới với hy vọng giá sẽ nhích lên trong thời gian tới. Mặc dù thời gian qua, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, cảnh báo bà con không nên ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu vì sẽ phá vỡ quy hoạch cây trồng và đối mặt với những rủi ro về dịch bệnh, rớt giá. Tuy nhiên, trước lợi nhuận mà cây tiêu mang lại, người dân vẫn tiếp tục trồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, diện tích hồ tiêu tăng mạnh theo từng năm. Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Đắk Lắk, định hướng đến năm 2020, toàn tỉnh chỉ phát triển khoảng 18.700 héc-ta tiêu nhưng đến nay đã phát triển lên đến 27.000 héc-ta.

Nam Bộ: Trái cây mất mùa, giảm giá

Niên vụ năm nay, các vựa trái cây ở Nam bộ không những mất mùa nặng mà còn giảm giá do đụng mùa, giảm chất lượng vì trễ vụ.

So với năm ngoái, giá xoài miền Tây Nam bộ năm nay giảm phổ biến từ 30 - 60%. Hiện giá xoài tượng chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg, xoài Cát Chu 11.000 - 13.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 30.000 - 40.000 đồng/kg. Đặc biệt, xoài keo Campuchia thời gian qua xuất bán qua Việt Nam rất nhiều với giá rẻ 3.000 - 5.000 đồng/kg khiến xoài trong nước không cạnh tranh lại. Khả năng giá xoài sẽ khó tăng cao do xoài keo Campuchia còn hơn 1 tháng mới hết mùa.

Tương tự, giá sầu riêng, quýt hiện giảm khoảng 15% so với năm ngoái. Giá sầu riêng dao động quanh mức 30.000 - 35.000 đồng/kg, quýt 20.000 - 25.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá giảm chủ yếu do một số loại trái cây phía Bắc như: vải thiều, mận bắt đầu đổ xô vào phía Nam và được người tiêu dùng ở đây ưa chuộng. Dự báo, giá nhiều loại trái cây Nam bộ trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm.

Trong khi đó, sản lượng một số loại trái cây chủ lực như: chôm chôm, măng cụt cũng  giảm mạnh. Theo các nhà vườn, năng suất măng cụt năm nay khả năng giảm 50% so với mọi năm, ở mức 3 - 3,5 tấn/héc-ta, thậm chí nhiều vườn mất trắng vì cây không ra bông. Tương tự, chôm chôm niên vụ này chỉ đạt 10 - 12 tấn/héc-ta, giảm 6 - 7 tấn so với mọi năm. Hiện nay, 2 loại trái cây này đã thu hoạch trễ 2 - 2,5 tháng so với mọi năm khiến chính vụ rơi vào tháng 7 - tháng 9. Do thu hoạch vào thời điểm mưa nhiều dễ dẫn đến tình trạng măng cụt chai thịt, da cám sần sùi, chôm chôm nứt vỏ nên giá có thể giảm.

MUA GÌ? - BÁN GÌ?

An Giang: Giá ổi thấp kỷ lục

Các nhà vườn trồng ổi lê Đài Loan trên địa bàn thị xã Tân Châu , tỉnh An Giang đang gặp phải khó khăn là giá ổi xuống thấp kỷ lục, chỉ từ 700 đồng đến 1.000 đồng/kg. Giá ổi quá thấp khiến nông dân không chăm sóc hay thu hoạch. Đến đợt thu hoạch rộ, nhiều nông dân hái bỏ những trái quá lứa chín trên cây. Có những hộ bỏ đi gần 50% số lượng ổi.

Những năm gần đây, cứ vào tháng 4 đến tháng 7, giá ổi lại giảm xuống thấp nhưng chưa năm nào giảm như năm nay. Chi phí đầu tư cho 1 công ổi gần 20 triệu đồng. Với năng suất 10 tấn/công/năm, giá bán 1.000 đồng/kg, nhà vườn không đủ công thu hái chưa nói vốn đầu tư.

Giá sầu riêng tăng cao

Hiện giá sầu riêng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Tây Nguyên đang ở mức rất cao, tiêu thụ mạnh nên bà con nông dân rất phấn khởi. Cụ thể, giá sầu riêng các loại đang được thương lái bán lẻ tại Đồng bằng sông Cửu Long có giá từ 60.000 – 70.000 đồng/kg; sầu riêng loại ngon, cơm vàng, hạt lép, quả nhiều múi được bán với giá từ hơn 80.000 đồng/kg. Một số thương lái cho biết, sở dĩ giá bán lẻ sầu riêng tại “vựa” trái cây tăng cao là do giá thu mua tại vườn cao, từ 40.000 – 45.000 đồng/kg. Mức giá này cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, giá sầu riêng bán tại các vườn ở Lâm Đồng hiện đạt tới 50.000 – 55.000 đồng/kg, gấp đôi so với mùa thu hoạch 2016 và là mức giá cao nhất từ trước tới nay.

Theo các thương lái, nguyên nhân giá sầu riêng tăng cao là do mới bước vào vụ thu hoạch, sản lượng còn ít. Mặt khác, năm nay, sản lượng trái cây cũng giảm so với các năm trước do tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn trong năm 2016 khiến nhiều diện tích vườn cây ăn trái ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng.

Quảng Ngãi: Ớt rừng sốt giá

Trong khi giá ớt tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định giảm xuống mức thấp nhất 2.000 - 3.000 đồng/kg, thì tại huyện miền núi Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) lại “sốt” ớt rừng. Đây là ớt do đồng bào Hrê, Cor thu hoạch và được bán với giá 100.000 đồng/kg.

Hiện nay, người dân ở huyện Trà Bồng đi rừng chủ yếu thu hoạch ớt rừng hay còn gọi là ớt bay. Những người đàn ông đi rẫy vừa tranh thủ hái ớt bay để bán, ớt được đong bán theo lon khoảng 30.000 - 35.000 đồng/lon, trung bình 3 - 4 lon được 1kg, giá 100.000 - 120.000 đồng/kg. Đây là loại ớt mọc ven núi, ở các khu rừng, nơi trú ẩn của các loài chim. Ớt rừng có vị cay nồng, thơm hơn ớt thường nên rất nhiều người ưa chuộng. Cứ vào mùa thu hoạch, nhiều khách hàng ở dưới xuôi lên mua về, nhưng mỗi ngày người dân chỉ hái được 9 - 10 lon vì lên rừng núi rất xa, hiểm trở.

Bình Phước: Cây cao su giống khan hàng, giá tăng 

Tại huyện Chơn Thành - vùng trọng điểm sản xuất cao su giống của tỉnh Bình Phước và cả nước, nhiều hộ sản xuất cao su giống đã không còn nguồn hàng để bán. Không chỉ hút hàng, giá cao su giống cũng tăng rất mạnh, gấp 3 - 4 lần so với năm trước. Hiện 1 cây giống cao su stum trần có giá từ 7.000 – 8.000 đồng/cây, tăng 2.000 đồng so với tháng trước, còn stum bầu chưa có lá 16.000 đồng/cây, tăng 6.000 đồng so với tháng trước; đối với stum bầu có 1 tầng lá là 19.000 đồng, 2 tầng lá 25.000 đồng, tăng 8.000 đồng/cây so với tháng trước đó. Mức giá này được nhận định là mức giá cao nhất từ trước tới nay.

Nguyên nhân giá cao su tăng đột biến là do nhu cầu tái canh trồng mới năm nay tăng cao. Nhiều hộ sản xuất giống không dự báo được nhu cầu thị trường nên không dám đầu tư sản xuất giống sau một thời gian dài cao su giống ế ẩm, giá bán thấp nên dẫn đến cung không đủ cầu, giá bán tăng vọt.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Nghĩa Lộ - Yên Bái: Nông dân vào vụ mới

Ngay sau khi thu hoạch lúa vụ chiêm xong, các hộ gia đình ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã làm đất, gieo cấy cho vụ mùa. Theo đánh giá, vụ mùa năm nay có nhiều thuận lợi bởi giá giống lúa, phân bón khá ổn định; nguồn nước phục vụ làm đất, cấy lúa cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

Đặc biệt, để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, ngay từ đầu vụ mùa, các cơ quan chuyên môn đã chỉ đạo người dân chủ động tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng, công trình thuỷ lợi. Với những diện tích lúa đã thu hoạch xong cần cày bừa ngay, tránh cày bừa, lấy nước ồ ạt cùng một lúc gây thiếu nguồn nước.

Bà Quản Thị Tuyết Nhung – Phó Phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ cho biết, trong vụ này, ngoài duy trì sản xuất vùng lúa hàng hóa đạt từ 500 héc-ta trở lên, thị xã thực hiện sản xuất tập trung 200 héc-ta lúa chất lượng cao theo phương thức cách đồng một giống bằng giống BTS7, thiên ưu 8 tại 7 xã, phường; mô hình sản xuất lúa Nam Hương 4 tại phường Pú Trạng.

Để việc sản xuất lúa vụ mùa 2017 đạt kết quả, bà con nông dân cần lưu ý: Vụ mùa diễn ra vào tháng 5 và tháng 6 - thời tiết cao điểm của nắng nóng. Do đó, để phòng hiện tượng ngộ độc hữu cơ làm thối rễ lúa mới cấy, trong khâu làm đất bà con cần chú ý cày vùi sâu gốc rạ để tăng khả năng phân huỷ, tránh cho lúa mới gieo cấy bị ngộ độc hữu cơ trong điều kiện thời tiết nắng nóng đầu vụ. Cùng với đó, tăng cường chăm sóc, gieo mạ tập trung, cùng thời vụ để tiện cho việc phun phòng trừ rầy trên mạ trước khi xúc cấy. Đảm bảo 100% mạ được phun phòng trừ rầy và phòng trừ các bệnh vàng lùn, vàng xoắn lá hại lúa trước khi đưa ra ruộng cấy. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn thị xã cũng khuyến cáo người dân cần đẩy mạnh đầu tư thâm canh, bón đủ lượng và cân đối phân NPK; tăng cường áp dụng quy trình bón phân NPK khép kín; đẩy mạnh sử dụng phân viên nén dúi sâu cho lúa.

An Giang: Khoai môn sắp thu hoạch bị thối củ

Khoảng hai tháng qua, hàng chục nông dân ở xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đứng ngồi không yên vì ruộng khoai môn sắp thu hoạch bỗng rụi thân, nứt củ, thối la liệt.

Khoai môn là cây trồng chủ lực của người dân xã Hội An bởi giá tương đối ổn định, ít tốn công chăm sóc, trồng được với diện tích lớn. Vụ trước, trung bình mỗi công khoai năng suất dao động từ 4 - 6 tấn. Sau khi trừ các khoản chi phí, bà con thu lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng. Thế nhưng, vụ này do khoai thối hàng loạt nên hộ nào may mắn thì hòa vốn, không thì mắc nợ. Nhiều ruộng khoai bị nặng, bán tháo chỉ 2 - 3 triệu đồng. Trên địa bàn xã Hội An, các ấp có khoai bị thiệt hại nặng nhất là: An Khương, An Thuận, An Thới. Những nơi này, diện tích khoai thu hoạch chưa được 50%. Theo nhiều nông dân, biểu hiện đầu tiên của những ruộng khoai bị thiệt hại là cây không đâm chồi, từ từ chuyển sang màu tím, sau đó thối từ thân xuống củ, nứt nẻ tứ tung. Điều lạ lùng là có những thửa ruộng gần nhau, sử dụng chung loại thuốc nhưng có chỗ bị bệnh, chỗ không. Người dân nghi ngờ nguyên nhân khoai chết do bón phân hoặc thuốc.

Theo thống kê của UBND xã Hội An, toàn xã có 64,2 héc-ta khoai môn, trong đó gần 30 héc-ta bị hư hại. Hiện nay, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Chợ Mới đã xuống những ruộng khoai môn bị bệnh, lấy mẫu gửi về Đại học Cần Thơ. Kết quả phân tích mẫu cho biết, nguyên nhân không phải do bệnh mà là dư hàm lượng phân bón lá. Cây khoai môn bị ngộ độc, nứt củ là do bà con sử dụng quá nhiều sản phẩm phân bón lá ở giai đoạn đầu làm cây phát triển quá mức dẫn đến hiện tượng nứt củ.

HÀNG VIỆT

Tăng giá trị cho vải thiều Lục Ngạn

Giữa cái nắng rát bỏng ngày hè, men theo con đường nhỏ ngoằn nghèo, chúng tôi đến xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Dọc hai bên đường, những rừng vải mênh mông, bát ngát được tô điểm bởi những gam màu vàng, đỏ tươi của những chùm vải thiều đang độ chín.

Gặp Trưởng thôn Đồng Còng, xã Tân Mộc - Nguyễn Văn Hiền tại vườn vải, ông phấn khởi khoe: Những năm trở lại đây, thôn chúng tôi được học và trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng rất đảm bảo. Hiện thôn Đồng Còng có gần 80 héc-ta vải, trong đó có trên 30 héc-ta sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Để đảm bảo chất lượng, bà con thường để vải chín mới thu hoạch nên quả to, tròn đều, khi ăn có vị đậm ngọt hơn hẳn những loại vải khác. Tuy nhiên, để cây vải phát triển bền vững, cần có thương hiệu và có tem nhãn để quả vải tiêu thụ dễ dàng và được giá hơn.

Năm nay, để chủ động cho sản xuất cũng như tiêu thụ vải thiều, ngay từ đầu vụ, huyện Lục Ngạn đã tập trung chỉ đạo bà con nông dân chăm sóc, nâng cao chất lượng quả vải thiều. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, sản lượng tuy giảm nhưng chất lượng cao và mẫu mã đẹp hơn nên giá bán cao hơn. Trong thời tới, huyện mong muốn các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu các công nghệ tiên tiến nhằm bảo quản quả vải được lâu hơn, vận chuyển được xa hơn. Khi đó, giá trị của vải thiều Lục Ngạn sẽ tăng, người trồng vải có cuộc sống ổn định.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Sử dụng hóa chất trong bảo quản trái cây: Có thể bị phạt nặng

Trong khi các nhà vườn ở vùng Đông Nam bộ đang dần tiến tới mô hình sản xuất trái cây an toàn, sạch bệnh, không ít thương lái vì chạy theo lợi nhuận đã sử dụng tràn lan hóa chất mua bán trôi nổi trên thị trường. Việc sử dụng hóa chất vô tội vạ để bảo quản trái cây cũng khiến người ăn có nguy cơ ngộ độc cao.

Trái cây tẩm hóa chất

Trong vai người đi buôn đang tìm mối các loại trái cây về bán, chúng tôi khá bất ngờ khi tìm hiểu cách làm chín trái cây chỉ trong thời gian ngắn. Đối với trái sầu riêng, các vườn sầu riêng ở tỉnh Đồng Nai đã chính thức vào vụ thu hoạch 2017. Ngoài thị trường chính là Trung Quốc, mấy năm gần đây, nông dân các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) chủ yếu đưa sầu riêng bán cho các thương lái ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành miền Trung. Đầu tháng 6, chúng tôi về xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh tìm hiểu mùa vụ thu hoạch sầu riêng của bàn con nông dân.

Dẫn chúng tôi ra vườn sầu riêng khi cơn mưa giữa mùa vừa ngớt, ông Bốn Cường, nông dân xã Bảo Quang tiết lộ: “Mọi năm trước, sầu riêng phải già, giới đi buôn trái cây mới mua. Nay trái sầu riêng trên cây mới chỉ đạt 50% ngày tuổi, họ đánh tiếng thu gom cả vườn”. Chúng tôi thắc mắc: “Mua trái sầu riêng non trên cây như thế này thì làm sao chín được?”. Ông Bốn Cường khoác tay ôn tồn động viên cánh “thương lái nhập môn” chúng tôi: “Cứ cắt về dùng thuốc cho khỏe. Tui nghe cánh thương lái bảo nhau như thế, chứ đợi chín mới mua thì nhà vườn làm sao có đủ hàng cung cấp”.

Chúng tôi tiếp tục về ấp Cây Da, xã Bình Lộc (thị xã Long Khánh) tìm hiểu về cây ổi xá lỵ cho trái 4 mùa. Gia đình ông Lê Ngọc Thanh trồng ổi xá lỵ đã 3 năm nay, với diện tích 3 sào (gần 500 cây). Ông Thanh cho biết: “Tới vụ thu hoạch ổi, thương lái trong vùng vào tận vườn nhà tôi mua hết, mình chỉ hái và cân. Nhà nông chúng tôi có nghe nói trái cây tẩm thuốc để kéo dài thời gian sử dụng nhưng đó là việc của cánh lái buôn. Họ mua ổi ở các nhà vườn mang về chọn lọc trái, sau đó chuyển đến bán cho các chủ vựa. Chủ vựa đem ổi bán sỉ cho các chợ đầu mối, sau đó ổi qua thêm tay bán lẻ rồi mới đến với người tiêu dùng”. Quá trình này kéo dài cả tuần. Rõ ràng, thương lái phải có bí quyết bảo quản đặc biệt như thế nào đó, chứ không thì ổi cũng bị hư hỏng. Một thương lái chuyên mua ổi ở thị xã Long Khánh cho hay, sau khi hái xuống khỏi cây thì trái ổi chỉ giữ độ cứng, giòn trong vòng 5 ngày đổ lại, sau thời gian đó nếu không có “chiêu” bảo quản, ổi sẽ héo ngay, không còn cứng giòn như trước. Theo đó, phương thức bảo quản được các thương lái sử dụng nhiều là nhúng các trái ổi vào vôi công nghiệp trong thời gian nửa giờ đồng hồ. Tiếp đó, ổi được vớt ra để cho khô ráo rồi chuyển đến cho các đầu mối bán sỉ. Song, nếu vận chuyển ra miền Trung hay miền Bắc thì phải xử lý bằng thuốc.

Hình thức xử phạt khi lạm dụng những chất này

Theo thạc sỹ Lâm Thanh Hiền - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo quản và chế biến rau quả - Trường đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, hiện nay trên thị trường có quá nhiều hóa chất làm trái chín và bảo quản trái cây. Nhưng dù thuốc trong hay ngoài danh mục, việc sử dụng cũng phải tuân thủ tuyệt đối đúng quy trình và liều lượng. Thế nên, chỉ khi lấy mẫu phân tích mới biết nó có độc hại hay không.

Về mức xử phạt, theo quy định tại Điều 7 Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ bị phạt tiền. Cụ thể như sau: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất được phép sử dụng trong hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm nhưng quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng, hóa chất không rõ nguồn gốc để sản xuất, chế biến thực phẩm. Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm. Ngoài ra, tang vật thu được sẽ bị áp dụng biện pháp tiêu hủy để khắc phục hậu quả.

Về trách nhiệm hình sự, người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)