Thông tin giá cả thị trường số 26/2016

09:21 PM 14/10/2016 |   Lượt xem: 2675 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

GIA LAI: Bí đỏ mất mùa, mất giá

Nhiều năm qua, bà con nông dân huyên Chứ Pưh (Gia Lai) thường trồng Bí đỏ với diện tích lớn. Đây là loại cây khá phù hợp với người nghèo vì khi trồng không cần đầu tư nhiều và thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch ngắn, thường là 6 tháng. Hiện tại, nông dân đang bước vào vụ thu hoạch nhưng Bí đỏ không chỉ mất mùa mà giá bán cũng giảm mạnh, khiến nhiều nông dân xót xa chẳng buồn thu hoạch vì tiền bán Bí không đủ chi phi phí thuê nhân công và xe chở.

Giá bán rẻ như cho

Tại làng Tao (xã Ia Phang), bí đỏ thối rữa bị vứt rải rác trên các con đường làng. Thậm chí, nhiều hộ dân còn không màng đến chuyện thu hoạch mà để bí thối ngoài đồng. Hiện tại, mức giá thu mua của các đại lý chỉ giao động từ 400 đồng/kg đến cao nhất là 1.000 đồng/kg, tùy theo loại bí đẹp hay xấu. Cũng vì giá quá rẻ nên thương lái không mua theo cân mà mua áng chừng theo xe với mỗi xe khoảng 2 tấn bí đỏ được trả giá từ 500.000 – 1.000.000 đồng tùy loại bí.

Với 2 sào bí đỏ của chị Siu Hluôn ở làng Tao, xã Ia Phang đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng chị vẫn để nguyên ngoài rẫy, nhiều quả bí bị mưa ngấm đã thối. Bởi với mức giá hiện tại không đủ để chi trả tiền công thu hoạch chứ chưa nói đến việc thu hồi vốn đầu tư. Mặt khác, diễn biến thời tiết năm nay khá phức tạp, nắng hạn kéo dài sau khi xuống giống đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển bí, làm cho năng suất giảm mạnh so với vụ trước. Với diện tích này năm trước gia đình chị thu được hơn 2 tấn thì năm nay ước chỉ thu được khoảng 1 tấn. Chị Siu chia sẻ: “Tôi cũng muốn bán hết số bí đó để lấy tiền trang trải cuộc sống nhưng với giá thu mua thấp như vậy thì không đủ tiền để trả công thu hoạch và vận chuyển, vì thế đành để trên đồng, chứ chưa biết tính ra sao”. Trong khi đó, anh Rơ Mah San ở làng Chư Pố 2, xã Ia Phang cũng đang phải tìm cách thuê người thu hoạch 1 héc-ta bí đỏ để bán vì sợ mưa xuống làm bí thối. Ba năm trước, thấy bí đỏ giá cao từ 3.500 đồng đến 4.500 đồng/kg, anh Rơ Mah San chuyển từ trồng bắp sang trồng bí. Hai năm đầu, bí đỏ vẫn ở giá cao nên gia đình anh đã có cơ hội giải quyết nhiều khó khăn hàng ngày. Tưởng năm nay bí đỏ cũng được giá như mọi năm nhưng không ngờ rớt giá đột ngột nên dù rẫy bí cho thu hoạch 8 xe máy cày với khoảng 16 tấn bí đỏ nhưng đến nay anh chỉ bán được 3 xe, 5 xe bí đỏ còn lại nằm phơi mưa, phơi nắng trên đồng, không có thương lái nào đến hỏi, cũng không biết vận chuyển đi đâu để bán. Tương tự, hàng trăm hộ nông dân khác trên địa bàn huyện Chư Pưh đều chung cảnh gần như trắng tay trong vụ bí đỏ năm nay vì tiền bán bí chỉ ngang với tiền đầu tư đã bỏ ra, không kể công lao động.

Giải bài toán tiêu thụ cho nông dân

Ông Trần Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ia Phang thừa nhận, năm nay bí đỏ vừa mất mùa lại mất giá. Những năm trước, bình quân mỗi héc-ta bí đỏ người trồng thu được 20 đến 30 tấn, cá biệt có nơi 40 tấn, mà giá bí đỏ luôn ở mức cao, ổn định, từ 3.500 đồng đến 4.500 đồng/kg, có thời điểm lên trên 5.000 đồng/kg. Vậy mà năm nay, sản lượng bí đỏ vừa giảm mạnh so với năm trước mà lại còn bị mất mùa do nắng hạn của mùa khô. Lẽ ra mất mùa thì được giá, nhưng năm nay rất lạ là vừa mất mùa lại vừa mất giá, chỉ biết thị trường giảm nhu cầu mua còn lý do cụ thể thì không xác định được. Tại xã Ia Phang có khoảng 10 điểm thu mua bí đỏ trong dân nằm dọc hai bên quốc lộ 14. Các cơ sở này khi thu mua xong sẽ nhập đi cho các tỉnh khác. Tuy nhiên, năm nay những đại lý thu gom này cũng đang bị bất ngờ và khó khăn cũng không khác gì người trồng bí bởi không thể xuất bán được vì cũng đã bỏ tiền ra đầu tư, mua bí đỏ, có cơ sở thối hàng tấn bí. Bà Thu, chủ một điểm thu mua trên địa bàn xã Ia Phang cho biết hiện còn tồn hàng chục tấn bí chưa xuất được. Vì vậy, bây giờ chỉ mua khi có đơn đặt hàng, không dám mua tích trữ như những năm trước.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, chuyên viên phụ trách nông nghiệp thuộc UBND huyện Chư Pưh nhìn nhận, mức giá thu mua bí đỏ năm nay ở mức thấp nhất trong nhiều năm tại địa phương. Để có thể giảm thiểu rủi ro, giúp người dân ổn định sản xuất, huyện đã có quy hoạch và kế hoạch phát triển vùng rau sạch, rau an toàn trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, trong đó định hướng thành lập các hợp tác xã để làm đầu mối tập trung thu mua và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng như bí đỏ hiện nay.

MUA GÌ

Ninh Thuận: Giá táo giảm

Hiện nay, giá táo tại Ninh Thuận đã giảm, giá thu mua tại vườn chỉ còn từ 5.000 – 7.000 đồng/kg, giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 9. Nguyên nhân được xác định do thời tiết những ngày vừa qua có xuất hiện những cơn mưa bất chợt dẫn đến thị trường tiêu thụ chậm, giá táo giảm. Chủ một cơ sở kinh doanh táo tại huyện Ninh Phước cho biết, các tháng trước táo của cơ sở bà xuất bán được nhiều, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Lạt (Lâm Đồng). Bình quân mỗi ngày thu mua từ 4 – 5 tấn táo. Nhưng mấy ngày nay một số tỉnh phía Bắc không tiêu thụ nên hiện lượng thu mua chỉ còn một nửa so với trước.

Hiện diện tích táo của Ninh Thuận có khoảng 1.000 héc-ta. Bà con nông dân đang thu hoạch rộ, nếu giá táo giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của các nông dân trồng táo.

Tây Nguyên: Cà phê nhân xô đồng loạt giảm giá

Tuần đầu tháng 10/2016, thị trường cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt giảm mạnh 500 đồng/kg xuống mức 40.800 - 41.700 đồng/kg. Nguyên nhân do ảnh hưởng của thị trường thế giới khiến nhu cầu giảm. Vụ cà phê 2016 - 2017 của nước ta đã bắt đầu từ tháng 10, thu hoạch và đạt đỉnh vào tháng 12, muộn hơn thường lệ khoảng hai tuần. Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam dự báo, sản lượng cà phê vụ 2016 - 2017 giảm 20 – 25% do hạn hán. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tính đến tháng 9 ước đạt 120.000 tấn, tăng 37,8% so với cũng kỳ năm ngoái.

Cà Mau: Nuôi cua biển thua lỗ

Giá cua biển giảm 70.000 - 100.000 đồng/kg do thương lái Trung Quốc giảm thu mua, khiến người nuôi lẫn các đại lý điêu đứng. Giá cua gạch hiện chỉ còn trên dưới 180.000 đồng/kg (giảm 100.000 đồng so với 3 tháng trước), cua y (cua thịt) các loại chỉ ở mức 110.000 – 140.000 đồng/kg (giảm gần một nửa). Trong khi các vựa thu mua gặp khó trong việc tìm đầu ra, hàng nghìn hộ nuôi cua biển ở Cà Mau cũng than lỗ. Để giữ mối, nhiều vựa cua biển ở Cà Mau hiện đành chịu lãi thấp hoặc thua lỗ để xuất hàng sang Trung Quốc, nhưng với số lượng rất ít.

Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi cua biển lớn nhất nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nhiều ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Cái Nước. Nghề nuôi cua biển thương phẩm từng đem đến lợi nhuận cao và giúp nhiều nông dân làm giàu ở các năm trước. Hằng năm, lượng cua biển thương phẩm của tỉnh xuất sang Trung Quốc (nhiều nhất là huyện Năm Căn) bằng đường chính ngạch và tiểu ngạch lên đến hàng nghìn tấn.

Quảng NgãiI: Giá cau tươi tăng đột biến

Cau được trồng nhiều ở huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi). Dù mới đầu vụ thu hoạch nhưng giá cau đã tăng lên 18.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với bình thường. Trong khi đó, nhiều vụ trước đó, cau bỏ chín rục trên cây mà chẳng thấy ai đến hỏi, hoặc có mua cũng chỉ 4.000 - 6.000 đồng/kg. Năm nay, ngay đầu vụ, thương lái từ khắp nơi nườm nượp đến hỏi mua hàng để xuất sang thị trường Trung Quốc. Hiện lượng cau thu mua cũng tăng lên từ 20 - 30 tấn/ngày, gấp gần 3 lần so với các năm trước. Riêng tại chợ trung tâm Quảng Ngãi, giá cau trái được bán cho những người đi mua lên đến 5.000 đồng/trái. Với số lượng mỗi buồng từ 60 - 80 trái, tính ra người bán thu về trên 350.000 đồng/buồng.

Huyện Sơn Tây được ví là thủ phủ cau của Quảng Ngãi, với diện tích hiện trên 1.000 héc-ta. Vụ cau năm nay, tiền bán cau của các hộ thấp nhất cũng đạt 3 - 5 triệu đồng, nhiều hộ lên tới 50 - 70 triệu đồng.

BÁN GÌ

Lâm Đồng: Sản lượng cà chua giảm do dịch bệnh

Những ngày gần đây, giá cà chua bán tại vườn ở huyện Đơn Dương đang tăng cao gấp 3 - 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Giá cà chua loại 1 (trái to, da bóng): 13.000 - 15.000 đồng/kg, giá cà chua loại 2: 7.000 - 10.000 đồng/kg. Tuy được giá nhưng nông dân lại không có hàng để bán vì hơn 3 tháng nay, bệnh xoăn lá trên cây cà chua bùng phát mạnh, khiến sản lượng sụt giảm nghiêm trọng. Huyện Đơn Dương là vùng trồng cà chua lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, trong niên vụ này có khoảng 2.000 héc-ta cà chua, trong đó khoảng 900 héc-ta cà chua nhiễm bệnh. Đến nay nông dân các huyện này đã phải nhổ bỏ hơn 150 héc-ta cà chua. Dự báo giá cà chua trong những ngày tới vẫn còn ở mức cao do chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu loại bệnh này.

Nghệ An: Trồng khoai lang siêu củ vụ đông thu lãi khá

Vụ đông năm nay, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, cơ cấu trồng tập trung 2 héc-ta khoai lang siêu củ và khoảng 10 héc-ta trồng rải rác ở các xóm. HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Văn cung ứng 100 giá giống cho bà con. Vụ đông năm trước, Thanh Văn trồng khoảng 6 héc-ta khoai lang siêu củ, HTX chủ động liên hệ với các thương lái ở các chợ đầu mối tiêu thụ nông sản ở TP. Vinh, huyện Đô Lương... trực tiếp đến thu mua tận ruộng cho bà con với giá từ 4.000 – 6.000 đồng/kg. 1 héc-ta khoai lang siêu củ năng suất đạt trên 20 tấn củ. Năm nay, HTX tiếp tục liên hệ với thương lái ở các chợ đầu mối tiêu thụ cho bà con xã viên, với 12 héc-ta khoai lang siêu củ của năm nay, nếu giá bán như năm trước thì Thanh Văn thu về trên 1 tỷ đồng, cao nhất so với các loại cây trồng khác trong vụ đông...

Do thời tiết không thuận lợi, đến nay huyện Thanh Chương mới trồng được 210/3.500 héc-ta cây vụ đông các loại. Dự kiến, Thanh Chương kết thúc trồng vụ đông trước 30/10/2016.

Bạc Liêu: Người nuôi cá sấu gặp khó

Bạc Liêu được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi cá sấu ở miền Tây, với tổng đàn hiện lên đến hơn 300.000 con, tập trung nhiều ở huyện Phước Long. Thời gian gần đây, người nuôi lao đao vì giá cá bất ngờ tuột dốc mạnh. Cá sấu thương phẩm loại dưới 10 kg có giá 90.000 đồng một kg, loại 10 - 15 kg giá 70.000 đồng, loại 15 - 25 kg giá 60.000 đồng, loại 25 - 35 kg chỉ còn 50.000 đồng. Giá này, người nuôi không có lãi, thậm chí còn lỗ vốn.

Các hộ nuôi cho rằng, sở dĩ có tình trạng giá cá sấu giảm mạnh là do người nuôi lo sợ giá xuống thấp hơn nên bán tháo, càng tạo cơ hội cho thương lái Trung Quốc bắt tay với giới thu gom ở địa phương ép giá. Muốn xuất khẩu cá sấu, người nuôi phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, đúng tiêu chuẩn, đúng thế hệ F2 và có hạn ngạch… Cá sấu hầu hết chỉ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Người dân đồng loạt nuôi theo kiểu tự phát, không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên đến thời điểm thu hoạch rất khó bán khi thương lái ngừng mua.

Phú Yên: Cá nước ngọt có đầu ra ổn định

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, nhiều hộ gia đình đang đầu tư nuôi cá nước ngọt, tập trung tại các huyện Phú Hòa, Tây Hòa với hình thức nuôi trong hồ xi măng hoặc ao đất. Riêng các huyện miền núi, bà con nuôi trong các lòng hồ thủy điện, thủy lợi để tăng hiệu quả kinh tế. Tại xã An Mỹ, huyện Tuy An (Phú Yên), bà con cho biết: Khoảng 2 năm nay, giá cá tràu dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, cá trê từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Nuôi cá nước ngọt rất nhọc công nhưng nhờ mấy năm nay, cá có đầu ra ổn định, thu hoạch bao nhiêu thương lái thu gom hết, giá lại cao nên nhiều hộ nuôi cá khác rất phấn khởi. Đặc biệt năm nay, những hộ nuôi cá trên các hồ thủy lợi, thủy điện trúng đậm nhờ ít xảy ra dịch bệnh. Chủ hộ nuôi cá trong lòng hồ thủy điện Sông Hinh (huyện Sông Hinh), cho biết: Hiện diện tích lồng nuôi của gia đình khoảng 1.000 m2 mặt nước, nuôi chủ yếu hai loại cá tràu và cá trê. Hàng ngày, hai vợ chồng đánh bắt cá, tôm trong lòng hồ để làm thức ăn cho cá nên chi phí giảm đáng kể. Từ đầu năm đến nay, cá nuôi ổn định, không xảy ra dịch bệnh nên tỷ lệ hao hụt thấp, lợi nhuận cao.

Hiện nhiều hộ nuôi đang thả giống nuôi để có thể thu hoạch bán vào dịp Tết 2017.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Giá cá tra có dấu hiệu phục hồi

 Trong 5 năm trở lại đây, thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ làm đòn bẩy cho nền kinh tế cả nước, đặc biệt là việc nuôi trồng, chế biến và sản xuất cá tra, tuy nhiên, do thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, tiêu thu nên giá cá tra lên xuống thất thường, người nuôi lao đao....
Nghề nuôi cá tra "bảo hòa"

Sau khi giảm mạnh xuống mức 17.000 - 18.000 đồng/kg thời điểm đầu năm 2016, hiện tại giá cá tra đã tăng trở lại mức 22.200 - 22.500 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều hộ dân nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn ở trong tình trạng không có lời hoặc ngấp nghé lỗ. Theo tính toán của các hộ dân, hiện nay giá thành sản xuất cá tra đang dao động ở mức 21.000 - 22.000 đồng/kg, trong khi bán ra chỉ được 22.000 - 22.500 đồng/kg. Nghề nuôi cá tra gần như bị “bão hòa”, người nuôi chỉ hy vọng giá cá tra tiếp tục tăng để có cơ hội gỡ gạc lại thua lỗ bấy lâu nay. Nếu nghỉ nuôi thì ngân hàng siết nợ, nông dân sẽ còn khổ hơn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến người nuôi cá tra gặp khó khăn là do thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong khi hầu hết các mô hình nuôi cá tra đều nhỏ lẻ, chất lượng chưa đảm bảo. Bản thân Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng thừa nhận: Dù số lượng người nuôi cá tra nhiều song chỉ có khoảng 50% vùng nuôi đạt tiêu chuẩn về thực hành sản xuất tốt. Ngành cá tra chưa có sự đa dạng về sản phẩm, vì thế khó có thể cạnh tranh.

Năm nay, đúng như dự đoán của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đưa ra hồi đầu năm, kể từ cuối tháng 9 đến nay, sản lượng cá tra bắt đầu khan hiếm, khiến giá cá liên tục tăng. Hiện nay, các doanh nghiệp đang mua cá tại hầm ở mức 22.200 - 22.500 đồng/kg, kích cỡ từ 800 gram đến 1,5kg/con, tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với hồi giữa tháng 9. Như vậy, sau một thời gian chịu sức ép giảm giá, cá tra đã tăng về mức giá thời điểm đầu năm. Trước tình hình này, một số doanh nghiệp đã nhanh tay ký hợp đồng mua cá ổn định với người nuôi ở mức 22.500 đồng/kg từ nay đến hết tháng 12/2017. Bởi thực tế, những tháng cuối năm, tiêu thụ cá tra thường tăng mạnh.

Doanh nghiệp thiếu nguyên liệu chế biến

Từ đầu năm đến nay, nhu cầu nguyên liệu cá tra chế biến của doanh nghiệp không ổn định, khiến giá cá lúc tăng lúc giảm, người dân không dám thả nuôi nhiều, chủ yếu là cầm cự. Mặc dù giá đang có xu hướng tăng nhưng trên thực tế, sản lượng cá nuôi trong dân đã giảm tới 70% so với cùng kỳ. Do vậy, hiện nay, dù doanh nghiệp yêu cầu ký hợp đồng ổn định đến cuối năm nhưng người nuôi vẫn còn lưỡng lự vì sợ không còn cá. Dự báo, tình hình khan hiếm cá tra sẽ còn kéo dài đến hết quý 2 năm sau chứ không chỉ dừng ở quý 1 như nhiều ý kiến đưa ra trước đó.

Mặt khác, theo các chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, lần đầu tiên trong 10 năm, ngành cá tra phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguyên liệu. Giá thành cá nguyên liệu tăng do giá thức ăn tăng và tỷ lệ sống thấp. Chất lượng sản phẩm lại không ổn định. Người nuôi bị động trong khâu tiêu thụ, liên kết chuỗi còn yếu. Trong khi yêu cầu mỗi thị trường phải đáp ứng theo những giấy chứng nhận khác nhau như GlobalGAP, BAP, ASC…, vừa chồng chéo vừa làm chi phí nuôi tăng cao. Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, mấy năm nay, diện tích cá tra chỉ duy trì khoảng 5.100 héc-ta và sản lượng ở mức trên dưới 1,1 triệu tấn. Mặc dù mục tiêu đến năm 2020, diện tích nuôi sẽ tăng lên khoảng 7.600 - 7.800 héc-ta và sản lượng 1,8 - 1,9 triệu tấn nhưng ưu tiên giai đoạn hiện nay vẫn là ổn định diện tích và sản lượng, tăng chất lượng, hiệu quả. Sau đó, tùy thuộc thị trường sẽ tăng diện tích và sản lượng nuôi.

Box: Theo số liệu của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện nay, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã vươn tới thị trường của hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, riêng thị trường châu Âu và Hoa Kỳ chiếm khoảng 50%. Sản xuất cá tra theo chuỗi giá trị vùng Đồng bằng sông Cửu Long là mô hình mới, mang lại lợi ích cho những hộ nuôi nhỏ lẻ cũng như doanh nghiệp. Tuy nhiên, để chuỗi giá trị này đạt được lợi ích cao nhất, cả doanh nghiệp và người nuôi cần có sự liên kết chặt chẽ, tuân thủ nghiêm túc hợp đồng ký kết, có như vậy mới đảm bảo được tính bền vững.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Giá điều thô tăng kỷ lục

Hiện điều thô đang được các doanh nghiệp thu mua ở Ðồng Nai, Bình Phước - hai tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất cả nước, mua với giá 49.000 - 50.000 đồng/kg, cao nhất trong nhiều năm qua và cao hơn tháng trước khoảng 5.000 đồng/kg.
N
guyên nhân khiến giá tăng cao là do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu xuất khẩu hạt điều nhân của doanh nghiệp tăng cao. Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thấy, giá điều thô trong nước liên tục tăng kể từ đầu năm đến nay. Vào thời điểm đầu năm, điều thô được các đại lý mua với giá 39.000 đồng/kg và đạt mức 50.000 đồng/kg vào cuối tháng 9/2016.

Kể từ năm 2006, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới và duy trì vị trí số 1 trong 10 năm qua, đồng nghĩa là Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào lượng điều thô nhập khẩu, với lượng nhập khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước. Chính vì phụ thuộc vào điều thô nhập khẩu nên trong quá trình mua bán giữa hai bên đã có một số trường hợp gian lận thương mại như “xù” hợp đồng đã ký (do ký xong hợp đồng thì giá lại tăng nên bên bán “xù” hợp đồng để tránh thua lỗ), hoặc giao điều thô theo đủ số lượng trong hợp đồng nhưng chất lượng không đúng.

Trong 9 tháng đầu năm nay, nước ta đã nhập 808.000 tấn điều thô, giá trị ước đạt 1,2 tỷ đô-la Mỹ, chỉ tăng 8% về lượng nhưng tăng đến 28% về giá trị so với cùng kỳ. Như vậy, không chỉ có giá nội địa tăng mà giá điều thô trên thị trường thế giới cũng tăng trong năm nay. Ngược lại, xuất khẩu hạt điều của doanh nghiệp trong nước cũng có những thuận lợi nhất định, đặc biệt là giá xuất khẩu tăng. Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, giá điều xuất khẩu bình quân trong 8 tháng của năm nay là 7.827 đô la Mỹ/tấn, tăng gần 8% so với cùng kỳ.

Đồng bằng sông Cửu Long: Gạo tồn kho, giá giảm

Trong tháng 9, giá lúa gạo tại khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xu hướng giảm do lượng hàng tồn kho lớn, đầu ra eo hẹp và lúa Thu Ðông sớm ở khu vực này đã bắt đầu vào vụ.

Đặc biệt, khác với những lần trước, việc trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo 25% tấm cho Philippines lần này dường như không có tác động đến thị trường lúa gạo trong nước. Bởi trên thực tế, lượng gạo trúng thầu quá nhỏ so với nguồn cung dự trữ hiện tại. Trong bối cảnh lượng hàng tồn kho lớn, đầu ra eo hẹp và lúa Thu Đông sớm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu vào vụ ở một số nơi nên giá giảm do hiện cung cao hơn cầu.

Cụ thể, tại An Giang, lúa tươi IRgiảm từ 4.500 đồng/kg xuống còn 4.400 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM giảm từ 4.750 đồng/kg xuống còn 4.700 đồng/kg. Tại Bạc Liêu, lúa Thu Đông sớm giảm xuống còn 4.200 - 4.300 đồng/kg, giảm 100 - 700 đồng/kg so với trước. Tại Kiên Giang, lúa tẻ thường giảm từ 5.400 đồng/kg xuống 5.200 đồng/kg; lúa dài giảm từ 5.800 đồng/kg xuống 5.700 đồng/kg… Tính chung trong 9 tháng năm nay, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng diễn biến theo xu hướng giảm mạnh, với mức giảm từ 400 - 800 đồng/kg.

Cùng xu hướng giá gạo trong nước thấp, thị trường xuất khẩu gạo trong tháng cũng giảm mạnh cả về sản lượng và giá trị. Cụ thể, xuất khẩu gạo giảm đến 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Với khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 ước đạt 396.000 tấn với giá trị đạt 176 triệu đô-la Mỹ, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng qua ước đạt 3,76 triệu tấn và 1,69 tỷ đô-la Mỹ.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Cây đậu tương phát triển tốt trên vùng đất Tây Nguyên

Tây Nguyên là vùng đất sản xuất đậu tương (đậu nành) có truyền thống, đặc biệt là 2 tỉnh Ðắk Nông và Ðắk Lắk.

Tại Đắk Nông, Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Tất Thắng đã xây dựng vùng nguyên liệu tại huyện Cư Zút, vùng sản xuất đậu tương có truyền thống để sản xuất đậu tương sấy và tạo vùng nguyên liệu lâu dài cho Vinasoy. Năm 2016, tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt đề án “Liên kết chuỗi giá trị giữa nông dân và doanh nghiệp đến năm 2020” để xây dựng vùng nguyên liệu đậu tương, lạc và ngô cho vùng Tây Nguyên, trong đó riêng đậu tương phải đạt từ 800 – 1.000 héc-ta. Kết hợp với “Dự án sản xuất thử hai giống đậu tương HL07-15 và HĐN 29 cho vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long” do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam chủ trì.

Vụ Hè Thu 2016, hai đơn vị đã phối hợp tổ chức sản xuất 40 héc-ta với 2 giống đậu tương HL07-15 và HLĐN 29 tại xã Nam Dong, huyện Cư Zút, Đắk Nông. Trong đó, Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Tất Thắng sẽ bao tiêu sản phẩm với hình thức ký hợp đồng sản xuất tiêu thụ ngay từ đầu vụ, trước khi gieo trồng. Đến nay, sản phẩm đậu tương của nông dân xã Nam Dong sản xuất trong vụ Hè Thu 2016 (tháng 4 đến tháng 8) đã được Công ty Tất Thắng thu mua toàn bộ, hầu hết người nông dân phấn khởi, yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Vì vậy, vụ Thu Đông năm nay, xã tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất đậu tương với quy trình kỹ thuật sản xuất do Viện KHKT nông nghiệp miền Nam cung cấp. Hiện toàn xã có 273 héc- ta đậu tương, nguồn giống do nông dân tự nguyện bảo quản giống từ vụ trước để tái sản xuất.

Lợi thế phát triển tôm nước lợ

Ngành thủy sản có nhiều lợi thế để phát triển. Ðặc biệt, tôm nước lợ đang còn nhiều dư địa và có lợi thế để phát triển sản xuất.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những tháng còn lại của năm 2016, tôm nước lợ đang có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất. Hiện nay, ngành đã chuẩn bị đủ nhu cầu về con giống (hơn 100 tỷ con giống) đều do trong nước sản xuất. Bên cạnh đó, với lợi thế về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kiểm soát tốt dịch bệnh... nên tôm nước lợ có triển vọng tốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý về vấn đề thị trường và khả năng cạnh tranh. Nếu tăng cung mà không giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm thì cũng không giải quyết được vấn đề.

Hiện, Tổng cục Thủy sản đang phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, cử các tổ công tác thường trực tại địa bàn, phối hợp với địa phương tăng cường chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, xử lý các vướng mắc. Xây dựng chương trình phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, kiểm soát dịch bệnh, kịp thời xử lý các ổ dịch (nếu có) để hạn chế rủi ro; tăng cường quan trắc môi trường và dịch bệnh tại các vùng nuôi tập trung. Bên cạnh đó, tổ chức cao điểm thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở nuôi tôm; cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư thủy sản (thuốc, hóa chất, thức ăn...); xử lý nghiêm, công khai các cơ sở vi phạm chất lượng, an toàn thực phẩm để đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam phối hợp thực hiện các giải pháp tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm; đẩy mạnh các chương trình quảng bá sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu và thị trường. Đặc biệt, phát triển mạnh mẽ các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ. Cung cấp thông tin về thị trường, sản phẩm, các đầu mối tiêu thụ, cung ứng dịch vụ hữu ích cho người sản xuất, doanh nghiệp.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

 Hội nông dân Lâm Đồng: Hỗ trợ nông dân “tẩy chay” phân bón giả, kém chất lượng

Lâm Đồng là tỉnh có tốc độ phát triển nông nghiệp cao hơn hẳn so với các tỉnh trong cả nước, chính vì vậy, nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân Lâm đồng rất lớn. Lợi dụng điều này, nhiều doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã trà trộn về thu lợi bất chính.

Biết thì đã muộn

Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, tình hình sản xuất – kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng trên địa bàn tỉnh gần đây vẫn diễn ra rất phức tạp. Có thể kể đến một vài vụ tiêu biểu đã được người dân cung cấp thông tin, tố giác để các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý như: Vụ Công ty Tấn Phát (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) vận chuyển 17 tấn phân bón kém chất lượng lên TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) tiêu thụ, bị phát hiện vào đầu năm 2015. Vụ kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH Phúc Lộc (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) giả nhãn hiệu, bao bì sản phẩm phân NPK 20-20-15+TE của Công ty Cổ phần phân bón Thiên Phú Nông. Vụ 391 bao phân bón giả (trọng lượng gần 20 tấn) tại doanh nghiệp tư nhân Lâm Hoàng (Lâm Đồng), giả nhãn hiệu phân lân trung lượng của Công ty Cổ phần – xuất nhập khẩu Hưng Tường (TP. Hồ Chí Minh). Vụ sản xuất phân bón trái phép tại huyện Bảo Lâm, thu giữ 413 bao (trọng lượng 20,5 tấn) – được trộn từ bùn than với 1 số loại phân bón uy tín trên thị trường như: Lân Văn Điển, Đạm Phú Mỹ…

Đa phần, số phân bón giả, phân bón kém chất lượng này được tiêu thụ ở các xã vùng sâu, vùng xa – nơi hiểu biết của người nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số - còn hạn chế. Trong khi đó, nhân lực theo dõi, quản lý về phân bón tại các địa bàn này còn mỏng, sự phối hợp của các ngành với chính quyền địa phương chưa hiệu quả.

Thực tế, do có quá nhiều loại phân bón, nhất là phân bón tổng hợp NPK, nên các hộ dân rất khó phân biệt, chủ yếu vẫn nghe theo lời các công ty tiếp thị, giới thiệu sản phẩm. Sau khi bón, nhiều vườn hồ tiêu, cà phê, điều vàng lá, rụng lá, năng suất thấp, chất lượng vườn cây suy giảm… Lúc đó, người nông dân mới tá hỏa, lo lắng nhưng tất cả đã quá muộn.

Hội nông dân "xắn tay" giúp nông dân

Trước thực trạng này, để giúp các hội viên, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Lâm Đồng đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng và doanh nghiệp sản xuất phân bón uy tín tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nông dân.

Tại các lớp tập huấn này, bà con được hướng dẫn mua các loại phân bón có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ đầy đủ, sản phẩm đã được khảo nghiệm và có uy tín trên thị trường. Khi mua nên lưu ý đến những sản phẩm có nhãn mác, thông tin đầy đủ về hãng sản xuất, công dụng, thành phần, cách sử dụng, hạn sử dụng. Đặc biệt, nên mua phân bón tại các cửa hàng, đại lý uy tín để khi cần thiết có thể truy tìm xuất xứ hàng hóa.

Riêng với những bà con điều kiện còn khó khăn, vẫn phải mua phân theo hình thức trả chậm, Hội Nông dân đã vận động bà con nên ký hợp đồng với cơ sở kinh doanh hoặc thông qua các tổ chức Hội Nông dân để đảm bảo quyền lợi và dịch vụ hỗ trợ tốt nhất; nhất quyết không được mua theo hình thức thỏa thuận bằng miệng, tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Mấy năm gần đây, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cũng chủ động ký tín chấp với các công ty phân bón như: Bình Điền, Sông Lam... cung ứng từ 6.000 đến 8.000 tấn phân bón các loại mỗi năm cho nông dân theo hình thức trả chậm; từng bước giúp người nông dân tiếp cận và sử dụng loại phân bón đảm bảo chất lượng.

Bằng những việc làm này, Hội Nông dân Lâm Đồng không chỉ hạn chế được ngày càng nhiều những trường hợp hội viên gặp rủi ro do mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng; mà hơn thế, còn tạo niềm tin, thu hút đông đảo nông dân tham gia vào hội.

Kiến nghị của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng với Chính phủ: Rà soát chặt chẽ hơn các điều kiện cấp phép sản xuất phân bón; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về sản xuất, kinh doanh phân bón, nhất là kiểm nghiệm sản phẩm. Thông báo kết quả rộng rãi đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người trực tiếp sử dụng phân bón để mọi người cùng biết và nghiêm túc thực hiện.

HÀNG VIỆT

Ðưa hàng Việt về vùng cao Bình Liêu

Cuối tháng 9, phiên chợ Đưa hàng Việt về nông thôn đã được Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) – BSA tổ chức tại huyện Bình Liêu – tỉnh Quảng Ninh. Không chỉ quảng bá hàng hóa Việt hiệu quả, phiên chợ còn giúp người dân Bình Liêu được mua và sử dụng hàng Việt chính hãng, chất lượng, giá cả phải chăng.

Tạp trung vào các mặt hàng tiêu dùng nhanh

Ông Đặng Bá Bắc, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu chia sẻ, Bình Liêu là huyện miền núi giáp biên giới Việt - Trung, cách cửa khẩu Hoành Mô khoảng 20 km, với hơn 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân huyện miền núi này chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp hoặc xuất khẩu hàng nông sản qua đường tiểu ngạch nên cuộc sống còn nhiều khó khăn và không ổn định. Với địa hình đồi núi kéo dài, bà con sống phân tán, hệ thống phân phối, bán lẻ và các chuỗi cửa hàng bách hóa, tạp hóa ở Bình Liêu còn rất hạn chế. Các cửa hàng tập trung chủ yếu ở thị trấn và chợ xã quanh các cụm dân cư. Do đó, để tìm mua gói mì, chai nước mắm hay gói bột giặt không phải là việc dễ dàng. Chưa kể, do sát biên giới, đây là địa điểm hàng Trung Quốc nhập lậu giá rẻ hoành hành.

Nhận thấy những hạn chế đó, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn Bình Liêu 2016 đã tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm, đồ gia dụng… của các DN trong nước như: Mỹ Hảo, Lix, trà Tâm Lan, sữa chua Nutifood... Đây đều là những mặt hàng chưa hoặc không xuất hiện tại các quầy tạp hóa địa phương. Để khuyến khích bà con đến phiên chợ, từ những tuần trước đó, Ban tổ chức đã phát tờ rơi đến tận thôn, xã để bà con ở xa thị trấn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số biết đến phiên chợ. Trước khi mua hàng, bà con được dùng thử sản phẩm ngay tại phiên chợ hoặc được tặng quà. Nhờ đó, lượng người đến với phiên chợ tăng lên rất nhanh trong suốt những ngày diễn ra phiên chợ. Nhiều sản phẩm tiêu dùng nhanh của các DN Việt Nam xuất hiện trong phiên chợ còn ít thấy hay chưa từng có ở các quầy tạp hoá, nên đa số người tiêu dùng thấy rất lạ và háo hức dùng thử.

Tiếp tục mở hệ thống phân phối tại địa phương

Ông Minh Quân, trưởng dự án “Hàng Việt về nông thôn” của Trung tâm BSA chia sẻ, bà con xếp hàng ở quầy hàng nước chấm Cholimex, trà Tâm Lan và vui vẻ dùng thử, gật gù khen. Hàng của Mỹ Hảo, Lix cũng được bà con đón nhận, chọn mua rất nhiều. Người dân ở đây có ít tiền nên nhiều người mua lẻ từng chai, gói. Họ mua nhiều lần và hỏi cặn kẽ cách sử dụng. Để có tiền mua sắm tại phiên chợ, bà con xách theo khi thì con gà, con vịt, khi thì chục trứng, mớ rau xanh để bán, lấy tiền mua hàng hóa hoặc đổi trực tiếp lấy hàng hóa.

Khác với việc bán hàng ở thành phố, vùng đồng bằng là người dân thường đến mua nhiều và sử dụng dần trong khoảng thời gian dài, cách mua hàng của bà con miền núi có những điểm đặc biệt nhưng không kém phần tiềm năng. Cụ thể, có thể mỗi người chỉ mua số lượng ít sản phẩm nhưng mua thành nhiều lần, tùy thuộc vào số tiền họ có. Bên cạnh đó, số lượng người tiêu dùng ở đây rất đông nên lượng hàng bán sau những ngày diễn ra phiên chợ là không ít. Sau phiên chợ, nhiều DN đã không giấu tham vọng sẽ kết hợp với nhau để mở hệ thống phân phối, hoặc tìm giải pháp đưa hàng vào hệ thống cửa hàng tạp hóa có sẵn tại địa phương.

Box: Ông Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh: Phiên chợ hàng Việt về nông thôn Bình Liêu năm 2016 là cơ hội để các doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, nhu cầu mua sắm của nhân dân địa phương, từ đó sản xuất những mặt hàng có chất lượng, mức giá hợp lý và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời, tạo lập thói quen của người dân trong việc tiêu dùng sản phẩm hàng hóa do các DN trong nước sản xuất, góp phần hưởng ứng hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)