Thông tin giá cả thị trường số 30/2019

02:18 PM 30/07/2019 |   Lượt xem: 3984 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Xây dựng chợ an toàn thực phẩm:

Xu hướng tất yếu để chợ truyền thống tồn tại

Xác định chợ an toàn thực phẩm (ATTP) là yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển thương mại văn minh, hiện đại nên công tác xây dựng và nhân rộng mô hình chợ ATTP ở tỉnh Thanh Hoá đã và đang diễn ra với quyết tâm cao độ.

Đổi thay ở chợ Neo

Trái hẳn với trước kia, 2 năm trở lại đây, hàng hóa tại chợ Neo (xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) được bày bán đúng nơi quy định; các mặt hàng bán tại cửa hàng kinh doanh thực phẩm được kiểm định nghiêm ngặt về xuất xứ; giò chả, thịt, cá biển, rau củ quả được lấy mẫu để kiểm tra các loại chất cấm như hàn the trong giò chả, sabutamol trong thịt, focmon trong cá, thuốc bảo vệ thực vật còn tồn đọng trong rau củ quả. Sau mỗi buổi chợ, rau, rác, thực phẩm dư thừa không bị vứt bừa bãi mà được thu gom về đúng nơi quy định...

Sự đổi thay tích cực này là kết quả của quá trình chợ Neo - chợ nằm ở trung tâm huyện Thọ Xuân – xây dựng chợ theo tiêu chí chợ ATTP.  Cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo công tác vệ sinh ATTP, các tổ giám sát cộng đồng thôn, tổ giám sát chợ…, Ban Quản lý chợ Neo đã mạnh tay đầu tư hơn 7 tỷ đồng nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt chú trọng đến việc quy hoạch cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn.

Song song với đó, công tác thông tin, tuyên truyền cũng được xã Bắc Lương thực hiện thông qua các hình thức treo băng zôn, khẩu hiệu về đảm bảo ATTP. Kêu gọi các hộ trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và thực hiện quy trình sản xuất, chăn nuôi đảm bảo vệ sinh ATTP. Hơn thế, để người dân có ý thức, trách nhiệm chấp hành, khi phát hiện có trường hợp vi phạm vệ sinh ATTP, các bộ phận chức năng của Bắc Lương đều cương quyết xử lý theo đúng quy định.

Mục tiêu xây dựng 100 chợ ATTP

Chợ Neo là 1 trong 398 chợ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và là một trong những chợ xã rất tích cực xây dựng chợ ATTP. Cùng với chợ Neo còn có các chợ xã khác như: chợ Kiểu (Yên Định), chợ Hậu Hiền (huyện Thiệu Hóa), chợ Nghè (huyện Hậu Lộc), chợ Vân Du (huyện Thạch Thành), chợ Vồm, chợ Tào (TP. Thanh Hóa), chợ Yên Thọ (huyện Như Thanh), chợ Điền Lư (huyện Bá Thước)... cũng đã hoàn thành tiêu chí chợ ATTP từ năm 2018.

Chia sẻ câu chuyện xây dựng chợ ATTP, ông Lữ Minh Thư – Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: Việc xây dựng chợ ATTP được Thanh Hóa áp dụng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11856:2017. Trong quá trình thực hiện, Sở Công Thương Thanh Hoá đã ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết các tiêu chí xây dựng chợ ATTP, giao phòng chuyên môn thường xuyên làm việc trực tiếp tại các chợ, hướng dẫn các đơn vị quản lý chợ thành lập và triển khai nhiệm vụ của Tổ giám sát ATTP tại chợ; đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kinh doanh thực phẩm; thực hiện các quy định đối với các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm và các yêu cầu đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Cùng với sự quyết tâm của Sở Công Thương và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, hết năm 2018, Thanh Hoá đã có 35 chợ ATTP theo TCVN 11856:2017. Với kết quả này, Thanh Hoá trở thành tỉnh có số lượng chợ được công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm cao nhất trong cả nước. Năm 2019, Thanh Hóa tiếp tục đặt ra mục tiêu phải xây dựng thành công 100 chợ kinh doanh thực phẩm. “Hết 6 tháng đầu năm 2019, đã có 31 chợ hoàn thành, nâng tổng số chợ ATTP của Thanh Hóa lên 66 chợ” – ông Lữ Minh Thư phấn khởi thông tin.

Có thể nói, xây dựng, duy trì chợ ATTP là câu chuyện không hề đơn giản - đòi hỏi sự vào cuộc rất tích cực của chính quyền, các cấp, ngành, Ban quản lý chợ, các tiểu thương và cả người tiêu dùng. Tuy nhiên, chợ ATTP lại là hướng đi căn bản để các chợ truyền thống có thể tồn tại và đủ sức cạnh tranh với các siêu thị, trung tâm thương mại đang xuất hiện ngày càng nhiều như hiện nay. Nói cách khác, sau những trăn trở, nỗ lực, xứ Thanh đang có hướng đi rất đúng khi quyết tâm xây dựng và nhân rộng mô hình chợ ATTP trên toàn tỉnh.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh):

Vào vụ thu hoạch mật ong

Những ngày này, người nuôi ong ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang phấn khởi thu hoạch mật ong - tinh hoa của núi rừng. Với giá bán 200.000 đồng/chai, người nuôi ong đã có “của ăn của để”.

Mật ong vụ xuân – hè 2019 là đợt thu hoạch mật ong chính vụ lớn nhất trong năm, bởi cây cối phát triển mạnh, có nhiều loại hoa rừng và hoa của các loài cây ăn quả nên thu hút được đàn ong. Vì vậy, sản lượng mật nhiều hơn, chất lượng tốt hơn. Đặc biệt, mật có vị béo bùi, ngọt mát quyện lẫn mùi thơm ngậy đặc trưng của hoa lá miền sơn cước.

Với lợi thế trên 54.000 héc-ta đất rừng, người dân Vũ Quang có tiềm năng phát triển kinh tế rừng và vườn đồi. Trong đó, nuôi ong lấy mật nhiều năm qua đã góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con địa phương. Với hình thức nuôi tự nhiên, thu hoạch và bảo quản theo đúng quy trình, sản phẩm mật ong Vũ Quang dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Đây là tín hiệu vui trong quá trình thực hiện đề án sản xuất, xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Xác định mật ong là một trong những sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế, huyện Vũ Quang đã thành lập các hợp tác xã, câu lạc bộ nuôi ong. Từ đó, người nuôi hỗ trợ nhau về con giống, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là cùng nhau cam kết thực hiện các quy định về quy trình nuôi và thu hoạch, mở rộng quy mô, đưa ra các định hướng trong sản xuất, nhằm tăng tổng đàn, nâng cao chất lượng, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên. Đến nay, ngoài các câu lạc bộ, toàn huyện đã thành lập được 6 hợp tác xã, 2 câu lạc bộ nuôi ong với hàng trăm hộ tham gia.

Mật ong Vũ Quang thơm ngon, chất lượng tốt, vị ngọt dịu và hương thơm sâu đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam bảo hộ thương hiệu, có nhãn mác, lô-gô trên từng sản phẩm. Hiện nay đang là thời điểm thu hoạch mật ong chính vụ nên năng suất, chất lượng mật đều đạt cao nhất. Và quan trọng hơn là vụ mật chính năm nay vừa được mùa, vừa được giá nên bà con rất phấn khởi, quyết tâm gắn bó với nghề.

Hậu Giang:

Tiêu thụ mía khó khăn

Nông dân trồng mía ở Hậu Giang sắp bước vào thu hoạch chính vụ nhưng hiện vẫn còn nhiều diện tích chưa được ký hợp đồng bao tiêu.

Theo kế hoạch, năm nay, toàn bộ diện tích mía của bà con ở huyện Phụng Hiệp tiếp tục được Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ và Công ty TNHH đường Cồn Long Mỹ Phát ký hợp đồng bao tiêu.

Trong đó, Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ bao tiêu chiếm hơn 70% diện tích. Tuy nhiên, tới thời điểm này chỉ có Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ ký hợp đồng thu mua mía của dân trong huyện với hơn 2.000 héc-ta, diện tích mía còn lại đang được phía nhà máy tiếp tục thương thảo với người trồng mía để ký tiếp hợp đồng trong thời gian tới. Riêng nhà máy của Công ty TNHH đường Cồn Long Mỹ Phát cho tới nay vẫn chưa triển khai hợp đồng bao tiêu mía với dân. Điều này khiến nông dân trồng mía rất lo lắng.

Vụ mía này Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ bao tiêu với mức giá sàn 700 đồng/kg đối với mía 10 chữ đường thu mua tại rẫy. Người dân sau khi thu hoạch mía cũng có thể tự vận chuyển ra nhà máy, khi đó giá bán sẽ cộng thêm chi phí vận chuyển tương ứng. Điều khiến mọi người lo lắng hơn cả là thông tin năm nay nhà máy đường bắt buộc nông dân khi thu hoạch mía phải chặt tới lóng. Những yếu tố trên khiến người trồng mía chịu thiệt đủ đường. Theo tính toán của bà con nông dân, năm nay chi phí đầu tư cho cây mía tăng hơn mọi năm, khoảng 10 - 11 triệu đồng/công, trong khi năng suất mía ước đạt từ 12 - 14 tấn/công. Với giá thu mua mà nhà máy đường đưa ra, trừ hết chi phí, mỗi công mía người dân thua lỗ từ 1 - 2 triệu đồng.

Vụ mía này, toàn tỉnh Hậu Giang xuống giống được gần 8.400 héc-ta. Hiện nhà máy đường ký hợp đồng bao tiêu mới khoảng 50% tổng diện tích mía trong tỉnh. Trước tình trạng giá mía thấp, khó khăn về đầu ra, bà con không còn mặn mà với loại cây trồng này. Nhiều khả năng diện tích mía ở Hậu Giang sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Đồng bằng sông Cửu Long:

Cá giống nước ngọt tăng giá mạnh

Tại Đồng bằng sông Cửu Long lũ đang về, nhu cầu nuôi cá trong ao, mương và ruộng lúa rất lớn, do đó giá các loại cá giống tăng cao. Cụ thể, giá giống cá chép, cá hường, mè hoa, trắm cỏ, cá rô, sặc rằn (loại 200 - 300 con/kg) từ 50.000 -75.000 đồng/kg. Cá giống trê vàng 95.000 -100.000 đồng/kg (trên dưới 150 con/kg). Cá lóc đầu nhím loại 500 con/kg giá 450 đồng/con, cá thát lát cỡ 150 - 200 con/kg có giá 1.400 - 1.700 đồng/con, cá tai tượng (cỡ từ lồng 14 đến lồng 16) từ 1.800 - 2.000 đồng/con... Đặc biệt, năm nay có 3 loại giống cá sốt hàng, giá tăng cao mà không có đủ bán là cá sặc rằn, trê vàng và lóc. Riêng giá cá tra giống vẫn ở mức khá thấp do giá cá thịt giảm, cá tra giống loại 30 con/kg chỉ ở mức 18.000 - 20.000 đồng/kg. Năm 2019, theo dự báo của ngành chức năng lũ sẽ thất thường, bán cá giống không chạy bằng các năm có lũ lớn.

Bình Thuận:

Ngư dân Mũi Né được mùa sò điệp

Thời gian gần đây, ngư dân phường Mũi Né (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) liên tục trúng đậm vụ mùa khai thác sò điệp. Tuy sản lượng tăng cao đột biến nhưng giá bán loại hải sản này có loại chỉ còn từ 3.000 – 5.000 đồng/kg.

Tại bãi Sau biển Mũi Né, không khí thu hoạch vô cùng tấp nập. Hàng trăm ngư dân đang hối hả đưa những bao sò điệp rời khỏi những chiếc tàu vào bờ để kịp giao cho các thương lái đang chờ sẵn. Nếu như mùa chính vụ khai thác năm ngoái, sò điệp chỉ khai thác chừng vài tạ/chuyến, thì năm nay, sản lượng bất ngờ tăng đột biến. Tuy nhiên, giá loại hải sản này hiện đang rất rẻ. Con sò điệp bay giá năm ngoái là 40.000 đồng/kg, năm nay còn 20.000 – 30.000 đồng/kg; riêng  sò điệp xốp năm nay còn khoảng 3.000 – 5.000 đồng/kg, giảm chỉ còn khoảng 1/3 so với năm ngoái. Tuy giá bán không bằng năm ngoái, nhưng bù lại sản lượng đánh bắt nhiều nên ngư dân cũng thu nhập khá.

Ninh Thuận:

Giá dê, cừu tăng mạnh

Từ đầu năm đến nay, giá dê, cừu liên tục tăng mạnh và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hiện nay, dê hơi được các thương lái thu mua với giá từ 83.000 - 132.000 đồng/kg. Cụ thể: Dê đực trọng lượng trên 30kg/con có giá 132.000 đồng/kg; dê đực trọng lượng từ 20 - 30kg/con, giá khoảng 120.000 đồng/kg; dê cái tơ giá 110.000 đồng/kg, dê sinh sản giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Giá cừu hơi dao động ở mức 70.000 - 115.000/kg. Cụ thể: Cừu đực trọng lượng trên 30 kg/con, giá 115.000 đồng/kg; cừu đực dưới 30 kg, giá 110 ngàn đồng/kg; cừu cái dao động ở mức 70.000 - 90.000 đồng/kg. So với thời điểm trước, giá dê, cừu hơi hiện đã tăng 25.000 - 30.000 đồng/kg. Hiện nay, bên cạnh chăn thả ngoài tự nhiên, các hộ nuôi dê, cừu đã chủ động thay đổi phương thức nuôi, áp dụng mô hình vỗ béo rút ngắn thời gian xuất chuồng còn 4 - 6 tháng thay vì trên 8 tháng như trước đây. Do vậy, với mức giá trên, người chăn nuôi có lãi lớn. Nguyên nhân dê, cừu được giá do nhu cầu sử dụng thịt dê, cừu tăng mạnh trong khi nguồn cung lại khan hiếm. Dự báo, trong thời gian tới giá dê, cừu còn có khả năng tăng thêm. Đây là cơ hội để cho các hộ nuôi tái đàn, mở rộng sản xuất, tạo thêm thu nhập.

Đồng Nai:

Chôm chôm mất giá

Đồng Nai là tỉnh có sản lượng chôm chôm nằm trong số những tỉnh dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn hàng chỉ bán trong nước, xuất khẩu chưa nhiều. Năm nay, giá chôm chôm ngay đầu vụ đã giảm gần một nửa so với năm ngoái khiến nhà vườn lo lắng. Hiện giá bán lẻ xô tại vườn chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg, bán lẻ 7.000 đồng/kg, giảm 50% so với năm ngoái vì năm nay được mùa; chôm chôm nhãn năm ngoái bán 25.000 đồng/kg tại vườn thì năm nay chỉ 12.000 đồng/kg. Với mức giá này, hầu hết các nhà vườn chỉ lời tiền công chăm sóc.

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho chôm chôm Long Khánh. Hai sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Long Khánh là trái chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc (giống chôm chôm Java).

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Lạng Sơn: Na được mùa, được giá

Những ngày này, bà con 2 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng (Lạng Sơn) đang tất bật thu hoạch na. Năm nay, bà con trồng na nơi đây rất phấn khởi bởi na vừa được mùa, lại được giá. Đây là năm thứ tư liên tiếp vùng na trúng mùa, được giá.

Na là cây trồng thích hợp phát triển ở vùng đất khô cằn trên vách núi, sườn núi, đỉnh núi đá vôi ở hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi nên cây na nơi đây sinh trưởng và phát triển tốt.

Theo số liệu thống kê chưa chính thức, diện tích trồng na của toàn huyện Chi Lăng khoảng 1.200 héc-ta, trong đó có 162 héc-ta sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng xã Chi Lăng có tới 132 héc-ta na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 5 héc-ta sản xuất theo GlobalGAP. Diện tích trồng na của huyện Hữu Lũng những năm gần đây tăng mạnh, đạt khoảng 1.315 héc-ta, trong đó có 25 héc-ta đang được triển khai trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm nay, na được mùa, tổng sản lượng ước đạt 30.000 - 32.000 tấn quả, mang lại giá trị kinh tế cao.

Năm nay, na được mùa, chất lượng quả cũng đồng đều, đẹp mã nên được thương lái thu mua nhiều. Hiện đầu vụ na loại 1 bán với giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 45.000 - 55.000 đồng/kg. Tính trung bình, mỗi cây na cho thu hoạch từ 20 – 30 kg, thu hoạch trên 1,5 tấn, thu về khoảng 150 triệu đồng/vụ na. Nếu như những năm trước đây, một số gia đình thường bán “vo” cả vườn na cho thương lái, thì trong vòng 2 năm trở lại đây, các nhà vườn ít bán mà tự tuyển lựa, thu hái và đưa ra thị trường, tuy mất công nhưng lợi nhuận lại cao hơn. Hiện có nhiều thương lái Trung Quốc đến tận vườn thu mua na. Ngoài ra, na Chi Lăng và Hữu Lũng còn được đưa vào bày bán tại một số siêu thị lớn như: Saigon Co.opmart, Fivimart, chuỗi siêu thị Vinmart, hệ thống siêu thị Big C Thăng Long…

Năm 2011, sản phẩm na Chi Lăng và Hữu Lũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận được bảo hộ, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Na Chi Lăng”; được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập “Đặc sản Na Chi Lăng” và ngay sau đó lọt vào top 50 loại trái cây nổi tiếng Việt Nam theo Bộ Tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam. Năm 2017, sản phẩm na Lạng Sơn đã được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Cần xử lý tận gốc sách giáo khoa lậu

Thời gian qua, vấn nạn in lậu, in giả, in nối bản trái phép diễn biến ngày càng phức tạp với quy mô lớn. Đặc biệt, tình trạng sách giáo khoa kém chất lượng đã gây ảnh hưởng tới quá trình học tập của học sinh.

Theo thông tin từ Nhà xuất bản giáo dục (NXBGD) Việt Nam, trong tháng 5/2019, cơ quan chức năng đã phát hiện số lượng lớn sách của NXBGD Việt Nam bị in lậu được tập kết tại một kho thuộc huyện Hoài Ðức (Hà Nội) gồm sách giáo khoa, sách tham khảo, sách tiếng Anh cùng nhiều sản phẩm khác. Khoảng đầu tháng 6, đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh Bình Ðịnh đã phát hiện và thu giữ số lượng xuất bản phẩm lậu hơn 72 nghìn bản, phần lớn là sách giáo dục của NXBGD Việt Nam. Những cuốn sách giáo dục bị làm giả, đưa đi tiêu thụ phần lớn là sách tiếng Anh, sách bổ trợ, sách khai thác bản quyền từ nước ngoài, bản đồ giáo dục, át-lát (Atlas) địa lý, đĩa CD nghe nhìn giáo dục. Những cuốn sách này được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng, nhà sách lớn nhỏ tại các địa phương.

Ðối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất bởi những cuốn sách giáo khoa giả là các em học sinh do sách in lậu sử dụng chất liệu giấy và chất lượng mực in kém ảnh hưởng tới thị lực của học sinh. Mặt khác, những đối tượng làm sách lậu không có nghiệp vụ biên tập, kiểm tra, rà soát nội dung dẫn đến cuốn sách có nhiều lỗi lớn, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em.

Theo các chuyên gia, sách giả hiện nay được làm khá tinh vi nên chỉ có những người trong nghề in và xuất bản lâu năm mới phát hiện. Một số dấu hiệu nhận biết sách giả như: Bìa mờ nhạt, giấy bìa và ruột sách mỏng, chữ in không sắc nét, mực in không đều, hơi lem nhem…

Để ngăn chặn vấn nạn sách giả, sách lậu, nhất là sách giáo dục, NXBGD Việt Nam khuyến cáo các bậc phụ huynh và học sinh không mua sách giáo khoa từ những nguồn trôi nổi mà nên mua sách từ hệ thống phân phối chính thức của NXBGD Việt Nam, các công ty sách và thiết bị trường học tại các địa phương.

HÀNG VIỆT

Quảng Trị:

Chuẩn hóa 20 sản phẩm thế mạnh của địa phương

Quảng Trị đã đưa Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vào chương trình công tác trọng tâm của tỉnh năm 2019. Thông qua chương trình này, tỉnh sẽ hỗ trợ các địa phương trong xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nhằm tạo chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Quảng Trị có nhiều loại sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như: Gạo chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, cao dược liệu, tinh dầu thiên nhiên, tinh dầu lạc, tinh bột nghệ, ném, cá hấp, nước mắm, tôm, các loại sản phẩm từ chăn nuôi… Năm 2018, Sở Khoa học & Công nghệ đã hỗ trợ thực hiện thành công dự án xây dựng xác lập, xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 9 sản phẩm đặc sản địa phương thông qua các tổ chức kinh tế như hợp tác xã, doanh nghiệp… Phát huy thành công của dự án và thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, Sở đã tiếp tục xây dựng và triển khai hỗ trợ các tổ chức kinh tế ứng dụng khoa học công nghệ đối với sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai, xây dựng tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2025 gắn với triển khai chương trình OCOP; chỉ đạo xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn. Lựa chọn các đề tài, dự án khoa học công nghệ hằng năm dựa trên nhu cầu cụ thể của các tổ chức kinh tế tham gia chương trình, trong đó ưu tiên các hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có địa chỉ ứng dụng cụ thể tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Chú trọng công tác phát triển, đăng ký xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP tại địa phương đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương.

Sở Khoa học & Công nghệ chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm thuộc chương trình OCOP. Trên cơ sở đó, kết nối đặt hàng với các nhà khoa học giải quyết vấn đề phát sinh trong sản xuất. Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia chương trình về ghi nhãn hàng hóa, mã số mã vạch, xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tư vấn định hướng phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm OCOP. Quảng Trị đặt mục tiêu đến cuối năm 2019, hỗ trợ nâng cấp và tiêu chuẩn hóa khoảng 20 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương trong tỉnh và phát triển mới khoảng 3 - 5 sản phẩm. Các sản phẩm hỗ trợ nâng cấp và tiêu chuẩn hóa được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, có ít nhất 20 sản phẩm đạt 3 sao trở lên cấp tỉnh, 1 sản phẩm đạt 4 - 5 sao cấp tỉnh và 1 sản phẩm đạt 4 - 5 sao cấp quốc gia. Để đạt được các mục tiêu đó, chính quyền các cấp và các ngành hữu quan tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển ngành nghề nông thôn, chương trình khởi nghiệp, ứng dụng tiến hộ khoa học kỹ thuật... Khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch để phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP. Đặc biệt, Chương trình OCOP chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở từng địa phương theo chuỗi giá trị. Hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã đều có thể tham gia chương trình này.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)