Thông tin giá cả thị trường số 33/2017

11:36 AM 29/08/2017 |   Lượt xem: 12040 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Bình Liêu: Quả hồi được mùa, người trồng vẫn thấp thỏm lo âu

Tháng 9 - tháng khởi động cho vụ thu hoạch hồi ở huyện miền núi Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh). Tuy nhiên, khi giá hồi vẫn phụ thuộc vào giá thu mua của thương lái Trung Quốc thì người trồng hồi khó có được niềm vui trọn vẹn.

Cây hồi được xem là một trong những loại cây xóa đói, giảm nghèo ở huyện Bình Liêu. Tập trung chủ yếu ở 4 huyện: Đồng Văn, Đồng Tâm, Hoành Mô và Lục Hồn, với diện tích khoảng 5.552 héc-ta. Mỗi năm, cây hồi cho thu hoạch 2 vụ: Vụ xuân vào tháng 2, tháng 3 và vụ mùa vào tháng 9, tháng 10.

Sau mấy năm hồi liên tục thưa quả, mất mùa, thì năm nay đa số các rừng hồi ở Bình Liêu đều trĩu quả, hứa hẹn một vụ thu hoạch hồi với sản lượng lớn. Theo ước tính của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Liêu, sản lượng hồi khô năm 2016 là 197 tấn, năm 2017 ước tính sản lượng thu được là 200 tấn – “Con số này là có thể đạt được vì hồi năm nay được mùa” –  chị Lê Thị Thu Hương – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Liêu khẳng định.

Ông Lý Văn Bình – Bí thư kiêm Chủ tịch xã Đồng Văn cho hay: Đồng Văn là 1 trong 2 xã có diện tích trồng hồi lớn nhất huyện Bình Liêu (khoảng 2.000 héc-ta), với hơn 90% người dân trong xã tham gia trồng hồi. Năm nay, hồi được mùa, ước tính sản lượng của toàn xã sẽ được đạt khoảng gần 1.000 tấn hồi tươi.

Thực tế, do đất ruộng có thể trồng lúa, trồng dong riềng và rau màu rất ít, nên đồng bào dân tộc ở Bình Liêu chủ yếu sống nhờ rừng. Cụ thể là khai thác lâm sản từ cây hồi, cây sở, cây quế. Trong đó, hồi là loại cây không phải tốn nhiều công chăm sóc, trồng một lần thu hoạch trong nhiều năm… nên cây hồi có mặt ở rất nhiều nơi.

Tại bản Sông Mooc A, xã Đồng Văn, bà con Dao Thanh Phán cũng đang háo hức vào vụ thu hoạch hồi. Chị Lý Thị Thanh cho biết: Mỗi ngày mấy người trong gia đình lên rừng cũng hái được vài chục ki-lô-gam quả hồi tươi, với giá bán khoảng 10.000 đồng/kg như hiện nay, ngày nào nhiều cũng được vài trăm nghìn đồng. “Hồi được mùa thì còn đỡ, chứ năm nào mất mùa thì không được bao nhiêu đâu” - chị Thanh chia sẻ.

Giống như chị Thanh, chị Bùi Thị Lìu (thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm) cũng lo âu: “Mỗi ngày người mua lại trả một giá khác nhau. Hôm kia bán được 11.000 đồng/kg, hôm qua còn có 10.000, hôm nay người ta lại cân có 9.500 đồng. Không biết ngày mai giá sẽ lên hay xuống?”.

Theo ông Lý Văn Bình – Bí thư kiêm Chủ tịch xã Đồng Văn, hai năm trở lại đây, ở Đồng Văn đã có Hợp tác xã Kim Sơn chuyên thu mua, chế biến hồi. Quả hồi của Đồng Văn nhờ đó đã được tiêu thụ ra cả nước ngoài – dù số lượng vẫn còn khá khiêm tốn.

Năm 2015, để giúp người trồng hồi có thêm thu nhập, đồng thời có nhiều lựa chọn khi bán sản phẩm hồi, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bình Liêu đã phối hợp với Hợp tác xã Phát triển xanh, thử nghiệm sản phẩm “Túi thơm hoa hồi Bình Liêu”. Bước đầu giới thiệu tại các hội chợ, “Túi thơm hoa hồi Bình Liêu” nhận được nhiều lời khen ngợi của khách hàng, nhưng do sức tiêu thụ vẫn chưa đủ lớn (khoảng 2.000 túi/năm) nên Hợp tác Phát triển xanh chưa đầu tư mạnh cho sản phẩm này. Thực tế, tại Đồng Văn, Hoành Mô cũng có một vài cơ sở thu mua hồi tương đối lớn, nhưng do giá hồi bấp bênh nên những người thu mua này thường bán sang tay cho thương lái Trung Quốc luôn, rất ít cơ sở dám thu mua với số lượng nhiều để sấy khô vì lo giá cả thất thường (dù hồi khô có giá trị cao hơn nhiều lần).

Một mùa thu hoạch hồi nữa lại về. Giống như những năm trước, giá hồi năm nay vẫn cơ bản phụ thuộc vào phía Trung Quốc. Chính vì vậy, cùng với niềm vui được mùa, người trồng hồi ở Bình Liêu vẫn thấp thỏm lo âu.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Nghệ An: Bí xanh tăng giá,  ổn định đầu ra

Vụ hè thu 2017, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã chuyển đổi khoảng 100 héc-ta đất 2 lúa sang trồng bí xanh. Bí xanh vụ này được mùa, được giá nên bà con nông dân rất phấn khởi.

Hiện bà con các xã Thanh Liên, Thanh Lĩnh (huyện Thanh Chương) đang ra đồng thu hoạch bí xanh. Ngoài diện tích đất bãi, năm nay các xã đã mạnh dạn chuyển một số diện tích đất lúa sang trồng bí. Nhờ lạ đất, lại được đầu tư chăm sóc nên số diện tích này cho năng suất cao hơn hẳn số diện tích đã trồng bí lâu nay.

Theo tính toán sơ bộ của người dân thôn Lĩnh Hồng, xã Thanh Lĩnh, sau 3 tháng gieo trồng, chăm sóc, hơn 2 héc-ta bí xanh đã được thu hoạch với năng suất bình quân 2 tấn/sào. Với giá bán 13. 000 đồng/kg, cao gấp 3 lần bình quân hàng năm; trừ chi phí, mỗi sào cho doanh thu khoảng 25 triệu đồng. Trên vùng đất của địa phương, chưa có loại cây nào cho thu nhập ổn định như bí xanh.

Đặc biệt, năm nay, ngoài năng suất cao, vụ bí hè thu ở Thanh Chương còn ghi nhận mức tiêu thụ tốt, người dân bán được giá cao hơn. Thông thường ở vụ khác giá bí xanh chỉ từ 4.500 - 5.000 đồng /kg, hiện tại là 13.000 đồng/kg. Do mùa này ở các tỉnh Bắc bộ là mùa mưa, thực phẩm rau xanh khan hiếm nên bí rất dễ bán, giá thường đắt gấp đôi so với các vụ khác. Giá bí cao nên cả người trồng và người buôn bán đều phấn khởi.

Với 100 héc-ta bí hè thu rải đều ở các địa phương, năng suất và giá cả vượt trội, cây bí xanh không chỉ góp phần làm tăng thêm thu nhập mà còn là thực tế sinh động để người dân huyện Thanh Chương mạnh dạn hơn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế. Đây là một yêu cầu rất quan trọng trước tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, các loại cây con truyền thống có thể sẽ không còn phù hợp.

Đồng Tháp: Nhu cầu tiêu thụ rơm khô tăng cao

Trước nhu cầu tiêu thụ rơm khô ngày một tăng cao, nhiều hộ dân ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã thu gom, trữ rơm bán kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Đặc biệt, năm nay nhiều cánh đồng xả lũ lấy phù sa, không làm lúa vụ 3 nên rơm ngày càng khan hiếm và có giá so với cùng kỳ các năm trước.

Hiện rơm bán cho thương lái đến tận nơi thu mua số lượng lớn với giá 15.000 đồng/cuộn, bán lẻ cho người nuôi trâu, bò, ủ nấm là 18.000 đồng/cuộn. Với giá bán này, người tích trữ rơm thu lợi nhuận tiền triệu mỗi ngày.

Không chỉ người tích trữ rơm thu lợi nhuận cao mà các thương lái cũng thu lợi nhuận không kém, vì chỉ cần đến nơi thu gom rơm, đưa lên xe chở về bán ở Tiền Giang, Bến Tre, các tỉnh miền Đông với giá 25.000 đồng/cuộn, mỗi chuyến thương lái thu lợi nhuận từ tiền chênh lệch hơn 2 triệu đồng.

Theo một số thương lái thu mua rơm, hiện người dân có nhu cầu sử dụng rơm khá lớn nên việc mua bán rơm rất thuận tiện. Do được cuộn gọn gàng, nên có thể sử dụng ghe hoặc xe tải để vận chuyển đến các địa điểm tiêu thụ.

Nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn nên nông dân và thương lái kiếm được tiền triệu từ rơm khô. Không những thế việc sử dụng rơm trong chăn nuôi, ủ giữ ẩm cho cây trồng đã làm giảm bớt ô nhiễm môi trường do thói quen đốt đồng.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Vĩnh Long: Giá khoai lang tiếp tục giảm

Những ngày qua, giá khoai liên tục giảm sâu, có thời điểm chỉ còn 800 đồng/kg. Cụ thể, tại vùng trồng khoai lang xuất khẩu ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, giá khoai lang tím Nhật ở mức 320.000 đồng/tạ (60 kg), giảm sâu so thời điểm giữa tháng 6. Trong khi đó, cách đây hơn 2 tháng, giá khoai lang tím Nhật có lúc lên tới 850.000 đồng/tạ; khoai lang sữa, khoai bí đường 200.000 đồng/tạ; khoai trắng 400.000 đồng/tạ. Với mức giá này, nông dân trồng khoai lãi hơn 10 triệu đồng/công, cao hơn so với trồng lúa.

Nhưng trong khoảng 1 tháng nay, giá khoai lang tím Nhật chỉ còn 580.000 - 600.000 đồng/tạ; các loại khoai khác có lúc chỉ còn 120.000 - 240.000 đồng/tạ; giá khoai lang đỏ đang ở mức rất thấp, khoảng 80.000 - 90.000 đồng/tạ, khiến nông dân có nguy cơ đối diện với cảnh thua lỗ. Riêng khoai lang tím Nhật tuy giá giảm nhưng thương lái vẫn còn thu gom hàng phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Bến Tre: Dừa khô tăng giá do thiếu cung

Nguồn cung thiếu hụt trầm trọng khiến giá dừa khô tách vỏ thu mua tại vườn lên đến 160.000 đồng một chục (12 trái), gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Hai, ba tuần gần đây, nhiều cơ sở thu mua ở khu vực này đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới do nguồn cung thiếu hụt đẩy giá tăng cao kỷ lục.

Tuỳ theo vùng trồng và kích thước trái mà giá mua tại vườn chênh lệch từ 5.000 đến 25.000 đồng/chục. Điển hình như tại huyện Giồng Trôm, giá mua tại vườn dao động khoảng 140.000 - 150.000 đồng/chục và giá mua tại nhà máy từ 150.000 - 160.000 đồng/chục. Giá dừa trái tăng đột biến kéo giá cơm dừa trắng mua vào tại các nhà máy nhích lên khoảng 1.800 đồng, dao động quanh mức 25.000 - 26.000 đồng/kg.

Dù giá dừa lập đỉnh trong vòng 7 năm trở lại đây, nhưng thực tế thu nhập của nông dân lại không như kỳ vọng do sản lượng giảm mạnh. Ngoài yếu tố thời tiết, một trong những nguyên nhân tác động không nhỏ đến sản lượng dừa năm nay là cách đây không lâu, nhiều hộ nông dân thu hoạch dừa khô nguyên liệu còn non để bán khi giá dừa xiêm uống nước tăng cao.

Bến Tre: Giá chôm chôm thấp nhất trong vòng 5 năm

Chôm chôm Java ở Bến Tre đang rớt giá thê thảm, thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Hiện giá chôm chôm tại vườn chỉ 5.000 đồng/kg, giảm 50% so với thời điểm đầu vụ.

Với giá này, sau khi trừ hết chi phí, hầu hết các nhà vườn đều lỗ. Tương tự, hầu hết những nhà vườn ở huyện Chợ Lách, Châu Thành... chưa kịp bán hết chôm chôm cũng đang “ngồi trên đống lửa” vì ngoài việc giá giảm mạnh, thương 
lái cũng hạn chế thu mua. Nguyên nhân khiến giá chôm chôm giảm là do xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước lân cận khó khăn.

Hiện Bến Tre đang đẩy mạnh việc cải tạo giống và đã xác định được một vài chủng loại giống bản địa có năng suất, chất lượng trái tốt như chôm chôm Cái Mơn - Maca... Hiện nhiều nhà vườn đưa các giống này vào trồng mới thay thế các vườn chôm chôm Java.

Đồng bằng sông Cửu Long: Đu đủ ruột vàng giảm giá

Mấy năm gần đây, nhiều địa phương ở tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang… ồ ạt trồng loại đu đủ ruột vàng. Đây là loại đu đủ được thu hoạch sống, không ăn chín mà thường làm gỏi. Trong đó, một số xã ở huyện Hồng Ngự, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp trồng nhiều nhất giống đu đủ này. Nhưng cả tháng nay, do giá chỉ còn 300 - 500 đồng/kg nên nhiều chủ vườn bỏ đu đủ chín rục ngoài vườn. Trong khi trước đó, giá đu đủ ruột vàng là 2.000 đồng/kg. Đáng nói, nhiều nơi thương lái không đến thu mua; còn người dân bỏ vườn vì giá bán đu đủ không đủ trả tiền công hái.

Nhiều hộ dân trồng đu đủ cho biết, chi phí mỗi công đu đủ như cây giống, phân bón, chăm sóc… dao động từ 6 - 10 triệu đồng/công. Do vậy, với giá hiện nay, nhiều hộ dân trồng đu đủ lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần.

Hiện toàn huyện Hồng Ngự có khoảng 600 héc-ta hoa màu, trong đó có 25 héc-ta trồng đu đủ. Do giống đu đủ này chỉ dùng làm gỏi nên thị trường không rộng rãi, cung vượt quá cầu nên đến mùa thu hoạch giá rẻ bèo, thậm chí không có thương lái thu mua.

 LƯU Ý -  CẢNH BÁO 

Đắk Lắk: Diện tích cây nghệ tăng đột biến

Do giá nghệ năm ngoái tăng cao nên năm nay, người dân ở một số huyện của tỉnh Đắk Lắk đổ xô trồng cây nghệ. Mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra những khuyến cáo nhưng người dân vẫn tự ý phát triển diện tích.

Từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, người dân chủ yếu tận dụng những thửa đất nhỏ quanh nhà để trồng nghệ nhằm phục vụ cho nhu cầu chế biến thực phẩm là chính. Thế nhưng năm nay, ở một số địa phương, người dân trồng nghệ với diện tích lớn, đặc biệt là 2 huyện Krông Pắk và Ea Kar.

Theo kế hoạch vụ hè thu 2017, toàn huyện Ea Kar sẽ trồng 500 héc-ta nghệ. Tuy nhiên, đến nay diện tích đã tăng lên 1.356 héc-ta, bằng 271% kế hoạch, trong khi vụ đông xuân 2016 - 2017 chỉ có 752 héc-ta. Phần lớn các diện tích trồng nghệ đều tự phát, chỉ một số ít là có liên kết với doanh nghiệp. Mặc dù ngành nông nghiệp huyện đã đưa ra những khuyến cáo nhưng người dân vẫn tự ý phát triển diện tích. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi cung vượt cầu sẽ dẫn đến rớt giá, không có đầu ra. Hiện Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Ea Kar đang tiến hành rà soát, đánh giá tình hình phát triển cây nghệ trên địa bàn huyện để đưa ra giải pháp, kế hoạch phát triển phù hợp trong thời gian tới. Bởi hiện nay, nghệ chủ yếu do người dân trồng tự phát và bán cho thương lái, chưa có doanh nghiệp và cơ sở chế biến nào đứng ra liên kết với nông dân.

Tương tự, tại huyện Krông Pắc, diện tích nghệ cũng tăng đột biến. Theo thống kê 7/16 xã, thị trấn hiện có gần 1.700 héc-ta trồng nghệ. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở xã Krông Búk với diện tích trên 1.235 héc-ta, chủ yếu là người dân trồng tự phát, chỉ có gần 50 héc-ta có liên kết với doanh nghiệp.

Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua có một số công ty đặt vấn đề với các địa phương về phát triển cây nghệ tại tỉnh. Tuy nhiên, diện tích liên kết trồng nghệ vẫn chưa nhiều, quy mô còn manh mún, đầu ra phụ thuộc vào các thương lái nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để có định hướng đúng cho phát triển cây nghệ, các địa phương đang rà soát lại diện tích trồng nghệ trong dân. Trên cơ sở đó, thành lập các tổ, nhóm sản xuất để xây dựng một vùng nguyên liệu an toàn nhằm tìm kiếm thị trường ổn định.

Tây Nguyên: Bơ booth mất mùa

Thời điểm hiện nay bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang chuẩn bị bước vào đợt thu hoạch bơ booth. Năm nay, do thời tiết bất ổn nên sản lượng loại bơ này giảm rất mạnh, chỉ đạt 25 - 30% so với năm trước.

Ông Phạm Văn Mười xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Nhà tôi có 1,2 héc-ta bơ booth với khoảng 210 cây. Năm 2016 thu được khoảng 18 tấn, nhưng năm nay nhìn lượng quả như thế này thu chưa chắc được 5 tấn. Mong cho năm tới mưa thuận gió hòa, nông dân chúng tôi đỡ vất vả”. Cũng như gia đình ông Mười, bà Lê Thị Hiền xã Ea Tur, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Nếu như năm trước, trung bình mỗi cây bơ booth 7 năm tuổi cho thu hoạch 1,5 tạ/cây thì năm nay năng xuất chỉ đạt 20kg/cây, có cây chỉ được vài kg thôi. Vào tháng 3 cây bơ ra hoa đạt 100%, tuy nhiên đến lúc đậu quả thì tỷ lệ rất ít, không những thế mà khi quả nhỏ vẫn còn rụng tiếp”.

Theo Viện khoa học Kỹ thuật Nông lâm Tây Nguyên, nguyên nhân chính của việc này là do cây bơ booth phụ thuộc trực tiếp vào thời tiết. Vào thời điểm cây nở hoa, thụ phấn, Tây Nguyên xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa. Hạt phấn của cây bơ bị ẩm, trương phình và không tung vào không khí được. Do vậy tỷ lệ đậu quả của bơ booth ra hoa rất thấp dẫn đến hiện tượng mất mùa. Tuy nhiên, bù lại phần nào cho người trồng bơ ở Tây Nguyên đó là giá bơ năm nay cũng tăng tương ứng khoảng 30 - 35%. Cụ thế, giá bơ booth thu mua tại vườn đang ở mức cao khoảng 35.000 - 50.000 đồng/kg, trong đó bơ booth đẹp có giá 60.000 - 80.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, cây bơ booth vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển vì hiện nay sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa. Trong tương lai, khi cây bơ với diện tích đủ tạo thành quy mô hàng hóa, nếu phát triển thêm các công nghệ chế biến, bảo quản tốt (chiết xuất dầu bơ, bột bơ, xuất khẩu trái tươi...) thì vẫn là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bơ nên được trồng xen để tận dụng tốt diện tích và có thể đóng vai trò như cây che bóng chắn gió cho vườn cây.

HÀNG VIỆT

Hòa Bình: “Nối dài” lòng tin yêu hàng Việt

Sau gần 8 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã thu được những thành công nhất định khi người tiêu dùng đã có ý thức ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng hóa Việt. Để “nối dài” lòng tin yêu hàng Việt, đến nay, Hòa Bình đã xây dựng được 2 Điểm bán hàng Việt Nam, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng mua sắm hàng hóa Việt.

Theo Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình, 8 năm qua, Sở đã triển khai nhiều giải pháp nhằm lan tỏa lòng tin yêu hàng Việt cho người dân trong tỉnh như tích cực tuyên truyền về hàng hóa Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn; triển khai các chương trình hội chợ, triển lãm hàng Việt… Nhờ đó, ý thức mua sắm, sử dụng hàng hóa Việt của người dân Hòa Bình ngày càng nâng cao. Đặc biệt, người dân khu vực miền núi, nông thôn đặc biệt ưa chuộng hàng Việt do chất lượng tốt, giá phải chăng.

Để giúp người dân dễ dàng mua sắm các sản phẩm hàng Việt Nam chính hãng, tạo hiệu ứng xã hội tốt về thực hiện CVĐ, từ cuối năm 2016, Sở Công Thương Hòa Bình đã triển khai xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam là các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, công ty kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng gia dụng; có giấy đăng ký kinh doanh…

Khác với nhiều địa phương chọn xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam tại khu vực trung tâm, Hòa Bình chủ trương triển khai xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam tại khu vực nông thôn, miền núi. Điểm bán hàng đầu tiên đã được đặt tại Cửa hàng kinh doanh bách hóa tổng hợp Quang Trung - xã Ngọc Sơn - huyện Lạc Sơn. Đáng chú ý, đây là xã vùng cao thuộc huyện Lạc Sơn và chỉ cách đây vài năm còn là xã thuộc diện 135, cực kỳ khó khăn về kinh tế. Do đó, Điểm bán hàng Việt Nam được xây dựng tại đây được kỳ vọng sẽ là điểm bán để tạo điều kiện cho người dân vùng cao Hòa Bình được tiếp cận với hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng cao, giá phải chăng do Việt Nam sản xuất.

Do là điểm bán đầu tiên được xây dựng nên Sở Công Thương Hòa Bình đã vận động doanh nghiệp đa dạng hóa các mặt hàng kinh doanh tại điểm bán này bằng các thương hiệu Việt uy tín như: bánh kẹo Hữu Nghị, sữa Vinamilk, sữa Mộc Châu… Đặc biệt, hàng hóa được cam kết giữ giá ổn định kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi để kích thích người dân mua sắm. Theo đánh giá của chủ cửa hàng, trước đây, khu vực này có không ít hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ. Vì thế, kể từ ngày khai trương, Điểm bán hàng Việt này đã thu hút bà con các ở cụm xã vùng đặc biệt khó khăn của xã Ngọc Sơn và các xã lân cận như Ngọc Lâu, Tự Do đến mua sắm.

Phát huy hiệu quả từ Điểm bán hàng Việt Nam đầu tiên, đầu tháng 8/2017, Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” thứ hai đã được xây dựng tại Cửa hàng kinh doanh Nguyễn Thị Thuận tại xóm Sơn Phú, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc. Với việc lựa chọn địa điểm gần chợ Cao Sơn là nơi thuận tiện giao thương, mua bán, Điểm bán hàng Việt Nam là nơi bày bán hàng hóa phong phú, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Đây đồng thời là điểm giới thiệu hàng hóa mang thương hiệu Việt, góp phần bình ổn thị trường, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện tốt CVĐ. Mô hình được xây dựng và đưa vào hoạt động cũng là điều kiện để giới thiệu những hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng, nhằm đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu của nhân dân, góp phần bình ổn thị trường, giá cả, cải thiện đời sống của nhân dân, thực hiện có hiệu quả CVĐ.

Sở Công Thương Hòa Bình cũng đặt mục tiêu, từ nay đến năm 2020, dưới sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, nỗ lực xây dựng ít nhất 1 điểm bán hàng Việt trên địa bàn mỗi huyện, thành phố để hàng hóa do Việt Nam sản xuất ngày càng đến gần với người tiêu dùng.

Để duy trì hoạt động của các Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về CVĐ, tăng cường quản lý thị trường, hạn chế hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; yêu cầu các doanh nghiệp cam kết hàng hóa được bày bán tại các điểm bán là hàng Việt Nam chính hãng, có chất lượng tốt.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Địa chỉ tin cậy để chọn mua đặc sản vùng miền

Với sự ra mắt của Trung tâm trưng bày, giới thiệu và phân phối nông sản thực phẩm an toàn (số 489, phố Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội), người tiêu dùng đã có thêm một địa chỉ tin cậy để lựa chọn những sản phẩm có chứng nhận, có nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được nuôi trồng bởi đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được bày bán tại đây, giúp người tiêu dùng mua được những đặc sản vùng miền thực sự chất lượng.

Với điều kiện khí hậu ưu đãi và cách thức nuôi trồng tự nhiên, không phụ thuộc nhiều vào các loại thuốc bảo vệ thực vật… nên nhiều loại nông sản do đồng bào DTTS sản xuất rất được ưa chuộng như: Gạo, mộc nhĩ, nấm hương, măng khô, miến dong, chè, rau cải, na, bưởi, cam, thịt lợn, thịt bò, gà…

Đáp ứng nhu cầu tìm mua các sản phẩm này của người tiêu dùng, rất nhiều cửa hàng và các địa chỉ bán hàng trên mạng internet có chào bán các sản phẩm trên với lời quảng cáo là “đặc sản vùng cao”. Tuy nhiên, đây có phải các sản phẩm được nuôi trồng ở vùng cao, do đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất không thì ít người biết chính xác. Hơn thế, các loại lương thực, thực phẩm này hầu như không chịu sự kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường nên chất lượng và giá bán chủ yếu do người bán hàng công bố. Nhiều người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra số tiền không nhỏ để mua được gà đen, lợn cắp nách, thịt bò sấy khô được chào bán, nhưng cũng không ít người bức xúc vì chất lượng thua xa so với quảng cáo.

Trong lúc nhiều người tiêu dùng băn khoăn, nghi ngại vì không rõ thực hư về chất lượng của các đặc sản vùng cao, thì mới đây, tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại (số 489, phố Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội), Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn tiêu biểu trong cả nước đã ra mắt Trung tâm trưng bày, giới thiệu và phân phối nông sản thực phẩm an toàn với diện tích trên 5.000 m2. Sự kiện này đã trở thành tin vui đối với rất nhiều người tiêu dùng. Bởi lẽ, tại đây có rất nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các địa phương; đặc sản của các vùng miền được sản xuất theo quy trình đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có chất lượng, uy tín.

Đặc biệt, tại đây có Khu trưng bày giới thiệu và bán lẻ các đặc sản vùng miền với trên 50 gian hàng; thường xuyên có mặt của gần 1.000 chủng loại sản phẩm tiêu biểu đến từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các sản phẩm giới thiệu và bán tại đây được lựa chọn và kiểm soát nghiêm ngặt trước khi cung cấp phục vụ người tiêu dùng. Đây cũng là các sản phẩm có uy tín, đã được người tiêu dùng tín nhiệm nhiều năm nay, như: Chè Thái Nguyên, miến dong Bắc Kạn, nấm hương Yên Bái, măng khô Tuyên Quang, gạo Điện Biên, thanh long Tiền Giang, dừa xiêm, bưởi da xanh Bến Tre...

Để đảm bảo chất lượng cũng như sự phong phú của các sản phẩm vùng miền được bày bán, trước khi khai trương Trung tâm trưng bày, giới thiệu và phân phối nông sản thực phẩm an toàn, Hà Nội đã phối hợp tổ chức 3 tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản vùng miền của các tỉnh Nam bộ, Bắc bộ và đặc sản Việt tại Hà Nội, với hàng triệu lượt khách tham quan, mua sắm. Đặc biệt, hệ thống thông tin minh bạch truy xuất nguồn gốc điện tử cho một số nông sản thực phẩm của các tỉnh cũng đã được được xây dựng. Nhờ đó, chỉ cần vài thao tác đơn giản là khách hàng đã biết được các thông tin sản phẩm như: Nơi trồng, nhà cung cấp…

Rõ ràng, với quy trình kiểm định khoa học và trách nhiệm như vậy, các sản phẩm chất lượng của các tỉnh miền núi, do đồng bào DTTS nuôi trồng đã có được cơ hội đến với người tiêu dùng rộng hơn, đảm bảo chất lượng hơn. Đây cũng là cách để dần loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng nhưng mượn danh “đặc sản” để thu hút người tiêu dùng.      

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)