Thông tin giá cả thị trường số 33/2019

09:33 AM 22/08/2019 |   Lượt xem: 4116 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu cá tra

Tổng cục Thuỷ sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tổ chức hội nghị “Đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ và bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu cá tra những tháng cuối năm 2019”, với sự tham gia của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Giá cá tra liên tục giảm

Những tháng đầu năm 2019, giá cá tra nguyên liệu luôn ở mức cao, khoảng 30.000 - 31.000 đồng/kg; đến tháng 3 giảm còn 25.000 đồng/kg. Các tháng tiếp theo, giá cá tra nguyên liệu giảm liên tục hiện chỉ còn khoảng 19.500 - 21.500 đồng/kg, giảm từ 5.000 - 8.000 đồng/kg so với đầu năm và các tháng cuối năm 2018. Đặc biệt, đầu tháng 6/2019, thị trường Trung Quốc thắt chặt việc kiểm tra chất lượng, xuất xứ hàng hóa đối với các lô hàng cá tra xuất khẩu qua đường biên mậu theo quy định khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong nước trở tay không kịp.

Giá cá tra thương phẩm hiện đang xuống thấp khiến người nuôi chuyển đổi từ nuôi cá tra sang nuôi các loài thuỷ sản khác hoặc bỏ treo ao. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến một số hệ lụy, ảnh hưởng đến tăng trưởng ngành và kế hoạch năm 2019; gây hiện tượng thiếu nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu vào các tháng đầu năm 2020.

 Tại hội nghị, ngành nông nghiệp các tỉnh An Giang, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre cho biết, hiện việc quản lý nuôi trồng thủy sản, triển khai quy định mới tại địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc. Điển hình là khâu thống kê, cập nhật tình hình sản xuất như: Số liệu diện tích thả nuôi, diện tích, sản lượng thu hoạch không được thực hiện thường xuyên và liên tục gây khó khăn trong chỉ đạo sản xuất. Nhiều địa phương gặp khó trong việc triển khai thực hiện quy hoạch nuôi cá tra; chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu việc đào ao ngoài quy hoạch nên xảy ra tình trạng phát triển nóng trong nuôi cá tra thương phẩm, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Hệ luỵ là giá bán cá xuống thấp.

Hiện nhiều hộ nuôi cá tra chưa tham gia liên kết chuỗi nên không tiếp cận thông tin về thị trường thông qua kênh dự báo thị trường của doanh nghiệp về giá cả, nhu cầu doanh nghiệp xuất khẩu, chất lượng sản phẩm… và phải chịu rủi ro cao khi biến động nhu cầu thị trường.

Tăng cường xúc tiến thương mại

Để sản xuất, xuất khẩu cá tra đạt kế hoạch năm 2019, Tổng cục Thuỷ sản yêu cầu các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sớm thống kê lại tình hình thả nuôi cá tra từ đầu năm đến nay; đặc biệt, diện tích, sản lượng cá đến kỳ thu hoạch. Đồng thời, rà soát, sớm hoàn thành cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi cá tra thương phẩm; kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi các biện pháp kỹ thuật để kéo giãn thời gian thu hoạch (bao gồm cá hương, cá giống và cá thương phẩm) đảm bảo hiệu quả trong sản xuất. Mặt khác, có các biện pháp để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần vận động doanh nghiệp thiết lập lại các hợp đồng liên kết sản xuất; ưu tiên thu mua đối với cá đến kỳ thu hoạch. Đồng thời, khuyến cáo người nuôi chỉ thả nuôi khi đã xác định được đầu ra và không thả nuôi mật độ cao; tăng cường kiểm tra điều kiện tại các cơ sở kinh doanh vật tư đầu vào và cơ sở sản xuất giống; chú trọng quan trắc cảnh báo môi trường.

Đối với thị trường xuất khẩu cá tra, các tỉnh, thành trong khu vực cần tăng cường xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống và thị trường mới; tiếp tục phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định mới của cơ quan thẩm quyền Trung Quốc; tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi về các quy định tại EVFTA…

Tổng cục Thuỷ sản cũng đề nghị các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai thực hiện đề án giống cá tra 3 cấp; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thuộc Đề án sản phẩm quốc gia cá da trơn. Bên cạnh đó, các địa phương có kế hoạch và phân bổ ngân sách để tổ chức thực hiện tốt quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn; nghiên cứu đề xuất để sớm tham mưu UBND tỉnh đưa quy hoạch nuôi cá tra vào quy hoạch sử dụng đất tại địa phương.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Lào Cai:

Giá thu mua vỏ quế khô tăng cao

Giá thu mua vỏ quế năm nay tăng cao nên bà con trồng quế phấn khởi. Các vụ quế trước, giá thu mua cành lá quế, vỏ quế luôn ổn định, góp phần quan trọng tạo động lực để bà con đầu tư trồng quế, phủ xanh đồi núi trọc.

Hiện tại, giá thu mua vỏ quế khô của thương lái tại các huyện trong tỉnh là 52.000 đồng/kg, tăng hơn 12.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2018, sản lượng toàn tỉnh Lào Cai đạt 1.318 tấn vỏ quế khô, người trồng quế chủ yếu xuất bán cho thương lái mua thu gom, các cơ sở, doanh nghiệp thu mua trên địa bàn. Theo hạch toán kinh tế của ngành lâm nghiệp, 1 héc-ta quế cho thu khoảng 8 tấn vỏ quế khô (khai thác năm cuối), trung bình giá bán 50.000 đồng/kg, thu gần 400 triệu đồng. Cùng với nguồn thu từ thân, cành lá quế và các khoản phụ thu khác từ đầu chu kỳ, 1 héc-ta quế cho thu hơn 600 triệu đồng.

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 26.651 héc-ta cây quế, với 116/164 xã, phường, thị trấn có diện tích trồng quế. Trong đó, tập trung nhiều tại các huyện (có diện tích từ 500 héc-ta trở lên): Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà, Văn Bàn, Bát Xát, Mường Khương... Riêng huyện Bảo Yên có diện tích trồng quế lớn nhất tỉnh với trên 13.200 héc-ta. Với diện tích quế hiện nay, luân kỳ khai thác 15 năm; bình quân 1 năm giai đoạn 2019 - 2025 toàn tỉnh sẽ khai thác 1.780 héc-ta; cho thu bình quân khoảng 1.140 tỷ đồng.

Hiện có trên 28.000 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển cây quế trên địa bàn tỉnh, hằng năm tạo việc làm cho ít nhất 56.000 lao động, góp phần ổn định an sinh, kinh tế - xã hội của địa phương.

Long An

Khoai mỡ rớt giá

Dù vào vụ thu hoạch chính khoai mỡ nhưng nhiều nông dân tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An không vui. Nguyên nhân do khoai mỡ “rớt giá” khiến nông dân thua lỗ.

Huyện Thạnh Hóa là “thủ phủ” khoai mỡ của tỉnh Long An. Dù những năm trước, giá mặt hàng nông sản này cũng biến động, lên xuống thất thường nhưng nông dân vẫn có lợi nhuận. Năm nay, giá khoai mỡ xuống mức “chạm đáy”, thương lái không thu mua nhưng nông dân vẫn phải thu hoạch. Thậm chí, bà con phải vận chuyển ra đầu kênh, thương lái chỉ chọn củ to, đẹp mới thu mua. Đối với những hộ không có nhân công thu hoạch mà phải thuê người thu hoạch và vận chuyển khoai đi bán thì cầm chắc là lỗ.

Hiện nay, tại các căn chòi tạm dọc tuyến đường, ven các kênh, các bến ghe,… ở các xã Thủy Đông, Thủy Tây, Thạnh An, khoai mỡ chất thành đống chờ bán rất nhiều. Có những vựa, khoai đã lên mộng từ lâu.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa, toàn huyện có khoảng 3.000 héc-ta khoai mỡ. Hiện nay, giá khoai mỡ dao động từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Dù đang vào thời điểm thu hoạch nhưng giá thấp nên diện tích thu hoạch chưa đến 50%. Năm nay, năng suất cao hơn mọi năm nhưng nông dân bị thua lỗ nặng, khoảng 30 triệu đồng/héc-ta. Hiện nay, huyện Thạnh Hóa đang tìm giải pháp giúp tiêu thụ khoai mỡ cho nông dân.

Thực tế những năm trước, qua sự kết nối của ngành chuyên môn, một vài doanh nghiệp đến địa bàn huyện đặt vấn đề bao tiêu khoai mỡ. Tuy nhiên, do không tìm được tiếng nói chung nên chưa có hợp đồng nào được ký kết. Vì vậy, kênh tiêu thụ chính của bà con nông dân chủ yếu vẫn là qua thương lái nên thường bếp bênh, không ổn định.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Đồng Nai:

Xuất khẩu hồ tiêu tăng

Theo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xuất khẩu gần 9.000 tấn hồ tiêu, sản lượng xuất khẩu mặt hàng này tăng gần 46% so với cùng kỳ năm trước, thu về hơn 23 triệu đô-la Mỹ. Các thị trường xuất khẩu chính gồm: Hoa Kỳ, Ðức, Pakistan… Tuy nhiên, những năm gần đây do giá tiêu liên tục xuống thấp khiến nhiều nhà vườn không còn đầu tư chăm sóc dẫn đến nhiều diện tích hồ tiêu bị chết do nhiễm bệnh và đang có xu hướng giảm dần.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Ðồng Nai, hiện toàn tỉnh có khoảng 18.000 héc-ta hồ tiêu; nhưng chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay đã có trên 4.000 héc-ta hồ tiêu bị dịch bệnh, trong đó chủ yếu là nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm...

Đồng bằng sông Cửu Long:

Giá phân bón giảm nhẹ

Vụ lúa Thu Đông năm nay tại Đồng bằng sông Cửu Long, bà con nông dân đã giảm được áp lực đầu vào, nhất là phân bón. Hiện giá các loại phân bón giữ bình ổn ở đầu vụ và giảm nhẹ từ 5.000 - 15.000 đồng/bao (50kg) ở giữa vụ. Giá bán lẻ nhiều loại phân Urê do trong nước sản xuất như Urê Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, Urê Ninh Bình và Urê Hà Bắc ở mức 360.000 - 390.000 đồng/bao. Còn nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Nga, Malaysia, Qatar... giá 350.000 - 400.000 đồng/bao.

Các loại phân DAP sản xuất trong nước như DAP Đình Vũ, DAP Cà Mau có giá 500.000 - 640.000 đồng/bao, trong khi nhiều loại DAP nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc có giá từ 600.000 - 780.000 đồng/bao, tùy loại. NPK 20-20-15 Đầu Trâu và NPK 20-20-15 Cò Bay có giá 600.000 - 630.000 đồng/bao, Kali (Nga, Canada, Israel) 400.000 - 440.000 đồng/bao…

Theo các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, năm nay do nguồn cung dồi dào và có sự cạnh tranh giữa nhiều thương hiệu sản phẩm trên thị trường phân bón trong và ngoài nước, do vậy, gần đây giá nhiều loại phân bón trên thị trường đã giảm nhẹ từ 5.000 - 10.000 đồng/bao so với cách nay hơn 1 tháng.

Bình Định:

Giá ớt cuối vụ tăng mạnh

Do khan hiếm nguồn cung nên giá ớt tươi tại các địa phương trong tỉnh Bình Định tăng cao trở lại. Giá ớt tươi (loại ớt chỉ thiên) ở mức từ 60.000 - 61.000 đồng/kg, tăng từ 2 - 3 lần so với thời điểm đầu và giữa vụ (khoảng tháng 5/2019). Tuy nhiên, do đang vào cuối vụ thu hoạch nên sản lượng ớt còn ít, mỗi ngày nông dân thu hoạch bán cho đại lý chỉ được vài tạ. Nguyên nhân giá ớt tăng mạnh là do thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tăng, trong khi diện tích trồng ớt năm nay giảm do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài.

Những năm gần đây, nhiều nông dân Bình Định đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế không cao sang trồng ớt. Việc nhân rộng mô hình trồng ớt cũng góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho bà con.

Cần Thơ:

Ốc và cua đồng hút hàng

Tại Cần Thơ, giá nhiều loại ốc và cua đồng trên thị trường tăng ít nhất từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước và đang hút hàng. Hiện ốc bươu có giá lên đến 50.000 - 55.000 đồng/kg, ốc lác giá 55.000 - 60.000 đồng/kg, cua đồng bán xô có giá 70.000 - 80.000 đồng/kg, cua tuyển lựa có càng lớn (cua càng kình) có giá 160.000 - 170.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Giá ốc và cua đồng tăng cao do nhu cầu tiêu thụ tăng cao nhưng nguồn cung hạn chế. Thời điểm này, bắt cua và ốc gặp khó so với mọi năm do nước lũ chưa về. Theo nhiều tiểu thương tại các chợ, mỗi ngày chỉ có được vài ký, không đủ để bán. Gần đây, nhiều vựa thu mua ốc và cua đồng cũng không gom đủ nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường, nhất là khi có nhiều khách hàng từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đặt mua hàng với số lượng lớn.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Tuyên Quang:

Hiệu quả từ nuôi trâu, bò nhốt chuồng ở Nà Cào

Nuôi trâu, bò nhốt chuồng đã trở thành phong trào, mở hướng làm giàu, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc Mông, thôn Nà Cào, xã Thượng Nông, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Trước đây, hầu hết các hộ đồng bào ở Nà Cào nuôi trâu, bò chủ yếu là thả rông trên đồi rừng. Vì vậy, việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh bị hạn chế, nhất là vào mùa đông do rét đậm, rét hại kéo dài làm trâu, bò chết. Hai năm nay, được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn huyện Na Hang, nhiều hộ đã đầu tư làm chuồng trại, trồng cỏ voi để nuôi bò nhốt chuồng. Nhờ có phong trào nuôi trâu, bò nhốt chuồng, cuộc sống của bà con từng bước được cải thiện, vươn lên thoát nghèo.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết, mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng ở thôn Nà Cào, xã Thượng Nông đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Thực tế cho thấy, trâu, bò nhốt chuồng sẽ tăng trọng lượng nhanh nhờ chế độ ăn uống tốt, có sức đề kháng cao, ít bị bệnh; chất lượng thịt tốt nên được thương lái ưa chuộng, bán được giá cao... Tuy nhiên, do giá trâu, bò giống cao, một số hộ khó khăn không có điều kiện đầu tư phát triển. Trong khi đó, nguồn thức ăn khan hiếm, ít bãi chăn thả nên các hộ chủ yếu nuôi nhốt nhỏ lẻ, không có điều kiện thành lập trang trại hoặc chăn nuôi quy mô lớn. Do đó chưa phát huy hết thế mạnh của địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tích cực huy động nguồn lực để giúp bà con được vay vốn phát triển chăn nuôi đàn gia súc. Đồng thời, thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để bà con nâng cao hiệu quả chăn nuôi, nhất là chất lượng con giống, chuyển đổi diện tích đất không chủ động nguồn nước sang trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Dán tem nhận diện khoai tây đà Lạt

Từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã tổ chức hỗ trợ dán tem, nhãn nhận diện 1.550 tấn khoai tây Đà Lạt trước khi đưa ra thị trường.

Theo đó, có 9 đơn vị liên kết sản xuất kinh doanh nông sản sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được chọn hỗ trợ gần 2 triệu tem, nhãn dán trực tiếp lên từng thùng hàng 10 kg và gói hàng bằng túi lưới 0,5 - 1 kg để nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt, chiếm tỷ lệ gần 7% sản lượng thu hoạch. Các đơn vị được hỗ trợ dán tem bao gồm: 5 hợp tác xã nông nghiệp là Anh Đào, Tân Tiến, Hiền Thi, Tiến Huy, Phước Lộc; 3 Công ty TNHH Phong Thúy, Thảo Nguyên, Nam An và 1 Cơ sở Nông sản Đức Thành.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp tục nhân rộng việc dán tem nhận diện khoai tây sản xuất tại Đà Lạt và các vùng phụ cận, nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Trước đó, nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt chính hiệu với các sản phẩm giả danh thương hiệu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện Đề án thí điểm nhận diện khoai tây Đà Lạt với mức kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Tem chống giả khoai tây Đà Lạt được áp dụng theo công nghệ hologram, tích hợp ánh sáng, in bằng phương pháp in laser, không in bằng mực in, xử lý hình ảnh củ khoai tây Đà Lạt, thương hiệu DALAT kết tinh kỳ diệu từ đất lành bằng màu sắc trung thực của chế bản laser. Nhãn khoai tây bỏ vào túi lưới với loại 0,5 và 01 kg được in offset 4 màu, cán bóng bế từng nhãn trên giấy Decall, có hình ảnh thương hiệu DALAT kết tinh kỳ diệu từ đất lành và hình ảnh củ khoai tây Đà Lạt, có địa chỉ đơn vị cung cấp khoai tây và đơn vị thực hiện đề án. Ngoài ra, đề án còn hỗ trợ in thùng carton loại 10kg.

HÀNG VIỆT

Bến Tre:

Phát triển sản phẩm OCOP theo tiêu chuẩn quốc tế

Trên cơ sở đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 - 2020 (OCOP Bến Tre) và định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, Bến Tre đang khẩn trương thực hiện các giải pháp để phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh.

Theo đó, toàn tỉnh Bến Tre có 265 sản phẩm tiềm năng, chia thành 6 nhóm chính. Cụ thể, đối với các sản phẩm tiềm năng 1 - 2 sao, tỉnh Bến Tre đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong cộng đồng; phát huy các lợi thế đặc trưng của tỉnh tiến tới tự chủ động trong phát triển sản phẩm truyền thống; thúc đẩy liên kết sản xuất, phát triển các tổ chức kinh tế cộng đồng như hợp tác xã, tổ hợp tác, đặc biệt là trong các làng nghề truyền thống. Đối với các nhóm sản phẩm tiềm năng 3 sao, tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tăng cường kiến thức về tổ chức sản xuất, kinh doanh và thị trường cho các chủ thể tham gia OCOP; kết nối và tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các chuyên gia và nhà khoa học về cải tiến công nghệ, quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh, phát triển và thương mại hóa sản phẩm, nhằm nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm.

Riêng đối với các nhóm sản phẩm tiềm năng 4 sao trở lên, Bến Tre tập trung phát triển và hoàn thiện thành sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao thông qua hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất, phân phối và tiếp thị để sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, các chủ thể tham gia OCOP sẽ được tỉnh hỗ trợ để có thể tham gia đánh giá các sản phẩm OCOP cấp quốc gia; kết nối với đối tác, đơn vị khác trong tỉnh, trở thành mắt xích quan trọng giúp phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 - 2020 (OCOP Bến Tre) và định hướng đến năm 2030 với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 267 tỷ đồng. Đề án sẽ được triển khai trên địa bàn 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với đối tượng thực hiện bao gồm: Các sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương hoặc được thuần hóa, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương, tập trung vào 6 nhóm/ngành hàng: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, nhóm sản phẩm nông nghiệp, truyền thống khác.

Đến năm 2020, đề án đặt mục tiêu 100% số xã có sản phẩm tham gia chương trình; tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm truyền thống, chủ lực, đặc trưng và có tiềm năng phát triển sản xuất quy mô trung bình và lớn của tỉnh Bến Tre. Đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Giai đoạn này, toàn tỉnh có từ 20 - 30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi thế cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị; hình thành mới, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức kinh tế cộng đồng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm phát triển kinh tế địa phương bền vững.

Theo kết quả khảo sát một số sản phẩm tiêu biểu tại 9 huyện, thành phố cho thấy, mỗi huyện, thành phố trong tỉnh đều có những sản phẩm, dịch vụ tiềm năng, thế mạnh riêng. Mặc dù phần lớn các sản phẩm dịch vụ còn nhiều hạn chế nhưng có rất nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển thành các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Bến Tre: Mứt dừa, dầu dừa, các loại khô, mắm, cá đù, tôm khô; bưởi da xanh, nhãn đến hoa, cây kiểng; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa; mật ong, sữa ong chúa; rau sâm biển; kẹo đậu phộng; thủy, hải sản các loại; khô thủy sản một nắng…

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)