Thông tin giá cả thị trường số 39/2018

10:11 AM 27/09/2018 |   Lượt xem: 4714 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Vĩnh Long: Hình thành vùng chuyên canh khoai lang sạch

Hơn 2 năm qua, vùng trồng khoai lang huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đã được hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất an toàn và hình thành vùng trồng khoai đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP.

Huyện Bình Tân nổi tiếng với đất trồng khoai lang với diện tích khoảng 5.000 héc-ta, chiếm 97% diện tích trồng khoai của tỉnh Vĩnh Long và là vùng trồng khoai tập trung lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, địa phương đã tập trung xây dựng vùng trồng rau màu an toàn, đạt chứng nhận GlobalGAP, VietGAP. Trong đó, 2 xã Tân Thành, Thành Đông tập trung nhiều hộ chuyên canh khoai lang. Tại đây, nhiều hộ nông dân đồng lòng thành lập hợp tác xã, thay đổi cách nghĩ cách làm. Hầu hết các HTX trồng khoai lang Tân Thành theo hướng sản xuất sản phẩm an toàn và GlobalGAP. Các giống khoai được trồng phổ biến là: khoai tím Nhật, trắng sữa, trắng giấy, bí đường, khoai bí nghệ, dương ngọc… đạt phẩm chất ngon, năng suất cao.

Khoai lang Bình Tân có nhãn hiệu tập thể “BÌNH TÂN SWEET POTATOES” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận. Điều này đã góp phần tạo thương hiệu để xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… Sau khi được cấp nhãn hiệu tập thể, sản phẩm của các HTX đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và tăng xuất khẩu. HTX nông nghiệp Thành Đông là một trong những HTX được Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Vĩnh Long cấp chứng nhận sản phẩm khoai lang đạt tiêu chuẩn VietGAP đầu năm 2018. Theo đó, tất cả các thành viên HTX đều được tập huấn kỹ thuật sản xuất và cách bảo quản sau thu hoạch. Thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bà con phải làm quen với việc ghi chép sổ sách, sử dụng số lượng phân bón bao nhiêu, thuốc BVTV loại gì, ghi tên thuốc rõ ràng và chỉ sử dụng theo danh mục thuốc cho phép lưu hành của Cục BVTV. Đặc biệt, phải tuân thủ quy trình sản xuất, sử dụng, phun xịt thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp) và đảm bảo thời hạn cách ly ngừng xịt thuốc trước khi thu hoạch.

Hiện sản phẩm khoai lang tím đạt VietGAP của HTX Thành Đông đã được đưa vào hệ thống Siêu thị VinMart. Trung bình một tháng, HTX cung cấp từ 4 - 6 tấn khoai lang cho siêu thị với giá 24.000 đồng/kg. Trong khi đó, sản phẩm khoai lang tím trồng theo cách cũ bán ra thị trường bên ngoài và xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt bình quân 12.000 - 13.000 đồng/kg. Như vậy, rõ ràng nông dân trồng khoai lang đạt chuẩn an toàn có đầu ra ổn định và giá cao hơn so với cách trồng truyền thống. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là các HTX phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, các đơn đặt hàng sản xuất theo hợp đồng số lượng chưa nhiều… Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến khoai lang sạch chưa được bán rộng rãi trên thị trường.

Kon Tum: Tặng cây giống sâm Ngọc Linh cho 7 xã khó khăn

Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum phối hợp với chính quyền hai huyện Tu Mơ Rông và Đắk Glei (tỉnh Kon Tum) đã tổ chức Lễ trao tặng 46.500 cây giống gốc sâm Ngọc Linh cho người dân 7 xã có chứng nhận chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh... Cụ thể gồm: Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Đắk Na (huyện Tu Mơ Rông) và xã Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp (huyện Đắk Glei). Cây sâm giống được cấp đã được trồng 1 năm tuổi, mỗi cây có giá khoảng 300.000 đồng và tổng giá trị đợt cấp miễn phí khoảng 14 tỷ đồng. Việc tặng sâm giống Ngọc Linh giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội đầu tư, mở rộng diện tích trồng sâm, vươn lên làm giàu.

Hiện tỉnh Kon Tum đã trồng được trên 500 héc-ta sâm Ngọc Linh. Trong đó,  Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã thực hiện liên kết với hàng trăm hộ dân quanh khu vực núi Ngọc Linh. Các hộ dân vừa trồng sâm, vừa nhận khoán bảo vệ rừng nên đã có cuộc sống ổn định, vươn lên khá giả.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Bến Tre: Thí điểm hợp tác xã tiêu thụ nông sản sạch

Tỉnh Bến Tre đã đưa vào hoạt động Hợp tác xã dịch vụ nông sản an toàn đầu tiên, kinh doanh các sản phẩm sạch.

Hợp tác xã dịch vụ nông sản an toàn Bến Tre được xây dựng trên diện tích hơn 1.000m2 tại thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành với kinh phí đầu tư ban đầu 1,6 tỷ đồng do 100 xã viên góp vốn.

Hợp tác xã gồm 2 khu là: Khu trưng bày, mua bán các sản phẩm và nhà kho đóng gói sản phẩm. Bước đầu hoạt động, hợp tác xã kinh doanh 14 ngành nghề với hơn 100 loại sản phẩm như: thủy sản, gia súc, gia cầm, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm… Để có nguồn hàng sạch, cung ứng cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, hợp tác xã liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ nông dân sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn với sản lượng khoảng 7 tấn/tháng.

Mô hình thí điểm này sẽ tạo liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch, nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Sóc Trăng: Triển vọng trồng đậu nành rau xuất khẩu

Thời gian qua, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đã đưa vào trồng thử nghiệm cây đậu nành rau thay thế cho cây mía. Mô hình chuyển đổi này bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình được đưa vào trồng thử nghiệm trên diện tích hơn 8 héc-ta. Người dân tham gia được hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc và được bao tiêu sản phẩm. Qua vụ trồng thử đầu tiên, trung bình 1.000m2 đậu nành rau cho năng suất từ 800 kg đến hơn 1 tấn. Theo như hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp với giá 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí nông dân còn thu lãi từ 2,5 – 3 triệu đồng sau hơn 2 tháng trồng.

Công ty CP Thái Nông Việt - doanh nghiệp thực hiện bao tiêu cho nông dân cho biết, đậu nành rau được trồng nhiều nhất ở An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài nên cho giá trị kinh tế lớn. Trong đó, An Giang là địa bàn truyền thống và trọng điểm mà công ty đã thực hiện bao tiêu nhiều năm qua. Đậu nành rau trồng ở Sóc Trăng có chất lượng trái đảm bảo đủ tiêu chuẩn, có một số tiêu chuẩn vượt trội hơn khi trồng trên đất cát pha. Từ lợi thế này, người dân có thể nhân rộng mô hình trồng đậu nành rau trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng tại Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, tuy mô hình mới được thử nghiệm, nhưng qua đợt thu hoạch đầu tiên, loại cây màu này đã thực sự phù hợp thổ nhưỡng khi cho năng suất và chất lượng trái khá tốt.

Cây đậu nành rau nằm trong dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Cù Lao Dung. Địa phương dự kiến sẽ sản xuất 20 héc-ta trong năm nay và tăng lên 50 héc-ta vào năm tới.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Giá tiêu bắt đầu khởi sắc

Hiện thị trường hạt tiêu đã khởi khởi sắc trở lại sau chuỗi ngày giảm và giá đi ngang liên tiếp. Giá tiêu đang được các doanh nghiệp và thương lái thu mua quanh mức 49.000 - 50.000 đồng/kg. Riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng nguyên liệu được ghi nhận luôn có mức giá cao nhất 51.000 đồng/kg và 50.000 đồng/kg ở Đắk Nông, Đắk Lắk...

Mặc dù giá có tăng nhưng so với những ngày đầu tháng 8/2018 hiện giá tiêu thấp hơn 3.000 đồng/kg (tức giảm 5,66%) và 12.000 - 13.000 đồng/kg so với hồi đầu năm (tức giảm 9,09% - 9,26%).

Bình Thuận: Thanh long tăng giá dịp Trung thu

Giá thanh long đột ngột tăng mạnh trong vòng 5 ngày qua, từ khoảng 13.000 - 14.000 đồng/kg trong tuần trước đã tăng lên gần gấp đôi. Thương lái thu mua thanh long tại vườn thời điểm này là từ 22.000 - 25.000 đồng/kg, tùy chất lượng. Nguyên nhân khiến giá thanh long tăng đột biến là do gần đến Tết Trung thu nên thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh. Tình hình này khiến người trồng thanh long phấn khởi vì có thu nhập cao. Nhiều hộ đang thu hoạch thanh long chong đèn đầu tiên sau vụ chính đã có lãi khá do giá tăng mạnh.

Tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 27.000 héc-ta thanh long với sản lượng hơn 500.000 tấn/năm. Bên cạnh vụ sản xuất chính vào đầu mùa mưa, nông dân địa phương còn sản xuất nghịch vụ trong thời điểm sau đó bằng phương pháp chong đèn.

Hậu Giang: Giá cá thát lát tăng cao

Cá thát lát cườm thương phẩm đang hút hàng và tăng giá kịch trần. Thời điểm trung tuần tháng 9, thương lái mua cá tại các ao của nông dân Hậu Giang lên đến 90.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg so với cách đây 2 tháng và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức giá này, nông dân Hậu Giang đạt siêu lợi nhuận từ 40.000 - 45.000 đồng/kg.

Cá thát lát cườm là đặc sản của Hậu Giang hiện đang được mở rộng nuôi ở nhiều địa phương. Nghề nuôi cá thát lát phát triển kéo theo nhu cầu con giống ngày càng tăng. Theo nhiều thương lái, giá cá thát lát cườm có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do nhu cầu thị trường đang tăng mạnh.

Thừa Thiên Huế: Cau Nam Đông đạt giá kỷ lục

Cây cau là một trong những cây trồng cho thu nhập tương đối cao và ổn định đối với người nông dân Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Hiện cau đầu mùa đang đạt giá cao kỷ lục là 30.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay. Với mức giá này, 1 héc-ta cây cau cho năng suất cao, bà con có thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, diện tích cây cau cho thu hoạch đang có chiều hướng giảm dần do sâu bệnh và lão hóa. Nhằm khắc phục tình trạng này, ngành nông nghiệp huyện Nam Ðông đã tổ chức tập huấn để bà con chủ động hơn trong việc phòng chống các bệnh về nấm rễ, bọ cánh cứng ăn đọt, vàng lá… khi trồng cau. Đồng thời, vận động bà con trồng cau chặt bỏ số cây bị sâu bệnh, tổ chức chăm sóc tốt diện tích còn lại. Triển khai nhiều phương án khác nhau nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu ổn định để nâng cao hơn nữa giá thành sản phẩm.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Đạ Huoai - Lâm Đồng: Vụ sầu riêng thu hơn 700 tỷ đồng

Theo thống kê, toàn huyện Đạ Huoai hiện có khoảng 2.500 héc-ta sầu riêng các loại; trong đó, có 1.720 héc-ta đã cho thu hoạch. Hiện Hà Lâm là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất của toàn huyện, với hơn 1.050 héc-ta; tiếp đến là thị trấn Đạ M’ri, với hơn 330 héc-ta; xã Phước Lộc 300 héc-ta; xã Đạ P’Loa 277 héc-ta và xã Đạ M’ri 190 héc-ta… Vụ sầu riêng năm nay, tổng sản lượng sầu riêng của toàn huyện ước đạt khoảng 19.040 tấn; trong đó, sầu riêng ghép các giống Thái Lan (Mong Thong, Ri6, Đô Na) đạt khoảng 13.676 tấn và sầu riêng hạt là 5.364 tấn; năng suất bình quân đạt khoảng 10,8 tấn/héc-ta.

So với năm 2017, sản lượng sầu riêng toàn huyện tăng khoảng 8.800 tấn, với giá sầu riêng ghép được thương lái thu mua từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, sầu riêng hạt giá từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Ước tính năm 2018, cây sầu riêng đã mang lại cho người dân Đạ Huoai nguồn thu hơn 700 tỷ đồng. Trong đó, nhiều hộ dân có mức thu nhập từ 2 - 4,5 tỷ đồng/hộ.

Xác định sầu riêng là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, huyện Đạ Huoai đã xây dựng vùng sản xuất sầu riêng công nghệ cao theo hướng VietGAP với tổng diện tích 300 héc-ta. Trong thời gian tới, Đạ Huoai sẽ hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình chăm sóc sầu riêng “3 trong 1” (bón phân, tưới nước và xịt thuốc bằng hệ thống tự động). Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật, vận động người dân chằng néo cây sầu riêng để phòng, chống gãy đổ trong mùa mưa bão.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Phân biệt nước mắm Nam Ngư thật - giả

Trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam, từ lâu nước mắm đã trở thành một loại gia vị không thể thiếu. Từ xào, nấu, tẩm ướp cho đến những món chấm. Trong đó, Nam Ngư là một thương hiệu được người tiêu dùng tín nhiệm và đã qua kiểm duyệt của Bộ Y tế.

Để phân biệt nước mắm Nam Ngư thật - giả bà con có thể dựa vào một số đặc điểm sau:

Màu sắc

Bà con có thể đưa chai mắm và soi ra ngoài ánh sáng, tiếp theo đó dốc ngược chai xuống, nếu thấy nước trong thì ổn, nếu thấy có cặn hiện diện thì tuyệt đối không nên mua. Nước mắm trong chai màu vàng là loại tốt. Tuy nhiên màu vàng sẽ bị sẫm lại so với lúc mới mua, vì sau khi dùng một thời gian, màu sắc sẫm đi là dấu hiệu tự nhiên của nước mắm kém chất lượng.

Mùi vị

Thông thường nước mắm ngon sẽ mang một mùi vị thơm nhẹ, mặn ngọt hài hòa và bùi bùi. Nếm thử mà thấy mặn chát một cách khó chịu ở đầu lưỡi thì có thể là do độ đạm thấp hoặc sử dụng chất phụ gia không đảm bảo.

Hình thức

Hàng thật ngày sản xuất và hạn sử dụng thường được dập nổi ở phần trên của thân chai, trong khi với hàng giả những thông tin này lại chỉ được in trên giấy giới thiệu sản phẩm được dán trên thân chai. Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của nước mắm giả. Đặc biệt, những thông tin được thể hiện trên tem, nhãn sản phẩm giả, nhái thường không được thể hiện rõ ràng, sắc nét, thậm chí thiếu thông tin, rất dễ dàng bị bong tróc. Với các sản phẩm thật, uy tín, mẫu mã bao bì sẽ tinh xảo, sắc nét hơn. Trên cổ hoặc vai chai có hạn dùng được khắc chìm, nắp chai có vành đảm bảo. Khi sử dụng, bà con phải vặn xoáy vành mở nắp để tránh tình trạng cho sản phẩm giả vào chai thật đã dùng cạn.

Bà con cần quan sát kỹ nắp chai nước mắm: Nắp chai sản phẩm Nam Ngư thật không bị hở, còn nắp chai nước mắm Nam Ngư giả bị hở, do cách đóng chai thủ công. Bên cạnh đó, vỏ chai của sản phẩm Nam Ngư giả bị trầy xướt do sử dụng lại vỏ chai của nước mắm Nam Ngư thật.

HÀNG VIỆT 

Điểm bán hàng Việt Nam tại huyện Đồng Văn: Quảng bá cho hàng Việt và nông sản địa phương

Nằm ngay gần cổng chợ huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), cửa hàng tạp hóa Dũng - Dung gây sự chú ý với khách hàng nhờ có thêm tấm biển đỏ với dòng chữ trắng nổi bật: “Điểm bán hàng Việt Nam”.

Tại đây, trong gian hàng rộng cả trăm mét vuông, đồ điện máy, thực phẩm, đồ khô, đồ uống được bày biện gọn gàng, khoa học. Giữa các kệ hàng đều có lối đi để người mua dễ quan sát, lựa chọn. Đặc biệt, hàng hóa bày bán có tới hơn 90 sản phẩm là hàng xuất xứ từ Việt Nam.

Theo anh Dũng - người phụ trách “Điểm bán hàng Việt Nam” tại Đồng Văn, cửa hàng chính thức khai trương từ tháng 8/2016. Đây là mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam” do Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến công thương Hà Giang hỗ trợ. Ngoài việc cho mượn mặt bằng trong 5 năm, cửa hàng còn được hỗ trợ tủ, giá, hệ thống biển hiệu quảng cáo, hệ thống đèn chiếu sáng…

Để nhận được sự hỗ trợ này, cơ sở phải cam kết với Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến công thương, bán các sản phẩm được sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, dưới sự chỉ đạo của Sở Công Thương Hà Giang, Đội quản lý thị trường huyện Đồng Văn thường xuyên kiểm tra, giám sát “Điểm bán hàng Việt Nam” Dũng - Dung để đảm bảo hàng hóa được bày bán đúng chất lượng, nhãn mác và là hàng có xuất xứ từ Việt Nam.

Theo quan sát của chúng tôi, tại chợ huyện Đồng Văn, cụ thể là gần với “Điểm bán hàng Việt Nam” Dũng - Dung, cũng có rất nhiều quầy bày bán các loại hàng hóa tương tự. “Đây cũng là một khó khăn đối với chúng tôi, vì các cửa hàng khác có trước cửa hàng của tôi hàng chục năm, nên họ rất hiểu về thói quen mua bán của người dân địa phương. Huyện Đồng Văn lại chủ yếu là người đồng bào dân tộc, bà con đã thích cửa hàng nào thì đến phiên chợ sau sẽ lại ghé đúng cửa hàng đó” - anh Dũng chia sẻ.

Cũng chính bởi xác định được những yếu tố không thuận lợi như vậy, nên khi bắt đầu mở cửa hàng, vợ chồng anh chị Dũng - Dung đã chọn cách bài trí để hàng hóa bắt mắt nhất, bà con đi qua có thể nhìn thấy ngay. Với các mặt hàng điện máy như: Nồi cơm điện, bếp từ, máy giặt… cửa hàng chủ động chọn mua hàng Việt Nam có uy tín và giá bán vừa phải để phục vụ bà con. Cùng với đó, tư vấn về chế độ sửa chữa, bảo hành chu đáo để bà con yên tâm mua sắm.

Với các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng như: Bánh kẹo, sữa, mì tôm, dầu gội, xà phòng… anh Dũng cũng tìm đến những nhà phân phối có uy tín của Hà Giang để mua hàng. “Hàng Việt nhiều sản phẩm tốt và rất đa dạng, phong phú. Mong muốn của chúng tôi là cửa hàng sẽ là một kênh để giúp bà con tiếp cận với các sản phẩm của Việt Nam sản xuất. Do được hỗ trợ về mặt bằng nên giá cả, chúng tôi bán bằng, thậm chí nhiều sản phẩm rẻ hơn các cửa hàng khác. Tôi cũng hướng dẫn để người bán hàng giải thích cho bà con biết, đây là cửa hàng chuyên bán hàng do người Việt sản xuất, mua hàng Việt Nam cũng là góp phần giúp kinh tế đất nước phát triển” - anh Dũng chia sẻ.

Nhờ tâm huyết, trách nhiệm và sự kiên trì như vậy, nên sau 2 năm mở cửa, đến nay “Điểm bán hàng Việt Nam” Dũng - Dung đã thu hút được khá nhiều khách đến mua sắm. Trong đó, nhiều đồng bào đã trở thành khách quen của cửa hàng mỗi dịp phiên chợ.

Song song với bán hàng Việt, mùa nào thức ấy, “Điểm bán hàng Việt Nam” Dũng - Dung còn thu mua ớt, mật ong bạc hà, chè… của bà con, giới thiệu và bán tại cửa hàng để phục vụ khách du lịch. Đây cũng là một cách để quảng bá cho những sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. Vừa giúp người sản xuất tiêu thụ hàng hóa thuận lợi hơn, vừa giúp khách du lịch mua được những sản phẩm thơm ngon, chất lượng.

Được biết, từ những thành công ban đầu của 4 “Điểm bán hàng Việt Nam” đang được hỗ trợ, Sở Công Thương Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2020, mỗi huyện, thành phố sẽ có ít nhất 2 “Điểm bán hàng Việt Nam”. Trong đó, sẽ biến các “Điểm bán hàng Việt Nam” thành nơi giới thiệu và tiêu thụ các mặt hàng sản phẩm đặc trưng của Hà Giang cũng như các địa phương lân cận.

Hi vọng, với những nỗ lực này, các “Điểm bán hàng Việt Nam” sẽ tạo điều kiện tích cực để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang xây dựng thị trường ổn định cho hàng Việt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ một cách trực tiếp cho khách hàng tại thị trường nông thôn, miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)