Thông tin giá cả thị trường số 43/2018

08:22 AM 26/10/2018 |   Lượt xem: 4115 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Kinh nghiệm mở rộng thị trường tiêu thụ nhãn

Sở Công Thương Hưng Yên cho biết, niên vụ nhãn 2018, sản lượng nhãn toàn tỉnh ước đạt 48.300 tấn nhãn quả, tăng trên 30% so với năm 2017. Đây là sản lượng nhãn thu hoạch được mùa lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh.

Những kết quả đáng ghi nhận

Cụ thể, tổng sản lượng nhãn đã tiêu thụ đạt 47.970 tấn, bằng 99,30% tổng sản lượng thu hoạch toàn tỉnh. Trong đó, sản lượng nhãn tiêu thụ theo hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp, thương nhân đạt trên 1.743 tấn; sản lượng nhãn tiêu thụ trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức đạt trên 120 tấn và sản lượng nhãn tiêu thụ theo các hình thức khác như: Bán tại vườn, thương nhân mua gom tại các chợ, các nhà vườn tự mang đi tiêu thụ… đạt trên 46.105 tấn; sản lượng nhãn xuất khẩu sang một số thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga… đạt 300 tấn.

Mặc dù sản lượng nhãn năm 2018 lớn, song do làm tốt công tác quảng bá, tuyên truyền và kết nối tiêu thụ nên giá bán bình quân nhãn lồng Hưng Yên năm 2018 ở mức khá cao. Tính trung bình, giá bán bình quân cả niên vụ đạt 22.000 - 25.000 đồng/kg. Tổng doanh thu tiêu thụ nhãn niên vụ 2018 trên địa bàn toàn tỉnh giá trị thực tế ước đạt 1.050 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ đồng so với năm 2017.

Tăng cường xúc tiến thương mại

Một trong những yếu tố dẫn đến thành công của niên vụ nhãn năm nay là do địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại. Tiêu biểu là chuỗi sự kiện Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn – Lễ hội nhãn lồng năm 2018. Ngay thời điểm cuối tháng 6/2018, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn - Lễ hội nhãn lồng năm 2018. Ngay sau khi Kế hoạch được ban hành, tỉnh đã thành lập Ban Tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn - Lễ hội nhãn lồng năm 2018 (BTC) để chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả cao nhất. BTC đã họp, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đơn vị có liên quan. Trong đó, Sở Công Thương được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì, tham mưu BTC chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kịch bản tổng thể, phương án tổ chức từng sự kiện và đầu mối kết nối toàn bộ nội dung, chương trình từng sự kiện. Theo đó, Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn – Lễ hội nhãn lồng năm 2018 đã diễn ra các chuỗi sự kiện như: Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên; Hội nghị xúc tiến thương mại nhãn và nông sản tỉnh; Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội; Phiên chợ nhãn lồng tại Khu đô thị Ecopark (Văn Giang)… Để các sự kiện tổ chức thành công và đạt kết quả cao, tỉnh đã chuẩn bị tốt từ khâu chuẩn bị gian hàng, chất lượng sản phẩm đến công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát và dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, giữ vững thương hiệu quả nhãn lồng Hưng Yên.

Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn - Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên năm 2018 đã thu được kết quả tốt, thiết thực góp phần quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên. Hội nghị cũng tạo được hiệu ứng lớn trong tiêu dùng thông qua hoạt động truyền thông, quảng bá, kết hợp nhiều hình thức quảng bá, giới thiệu về nhãn lồng Hưng Yên. Quảng bá rộng rãi nhãn lồng Hưng Yên với bạn bè quốc tế thông qua các chuyến bay quốc tế của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines. Kết nối và đưa nhãn lồng Hưng Yên xuất khẩu chính thức vào một số thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc… Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã kết nối được các hợp tác xã trồng nhãn của tỉnh với hệ thống các siêu thị lớn tại Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn như: BigC, Fivimart (Công ty Cổ phần Nhất Nam), Coopmart (Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh - Saigon Coop), Vinmart (Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce), Hapro (Tổng công ty Thương mại Hà Nội)... Ngoài sản phẩm nhãn lồng, thông qua các chuỗi sự kiện được tổ chức, các hợp tác xã, nhà vườn cũng đã kết nối và giới thiệu, quảng bá một số sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh trong các sự kiện và được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận như: Long nhãn, mật ong hoa nhãn, hạt sen, nghệ và tinh bột nghệ, chanh tứ thời, rau sạch, ổi...

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Chiêm Hóa - Tuyên Quang: Phát triển vùng sản xuất lạc tập trung

Phúc Sơn là địa phương có diện tích trồng lạc lớn nhất của huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay, xã đang phát triển vùng sản xuất lạc tập trung, mở ra hướng đi hiệu quả, an toàn cho bà con.

Để phát triển vùng lạc hàng hóa tại địa phương, xã Phúc Sơn đã tăng cường thí điểm, hỗ trợ người dân đưa những giống lạc mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Xã cũng chủ động thực hiện thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa gắn với an toàn lao động nhằm từng bước nâng cao năng suất cây lạc lên 33 tạ/héc-ta, gia tăng lợi nhuận cho người sản xuất.

Nhằm hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, xã Phúc Sơn đã thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác xã bao tiêu sản phẩm lạc. Tham gia tổ sản xuất, các hộ thành viên thực hiện theo quy trình chung từ mua vật tư, phân bón đầu vào, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lạc đến khi thu hoạch, bảo quản sản phẩm và xuất bán ra thị trường… tạo thành một chuỗi liên kết, vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất, vừa thuận tiện trong việc giám sát quy trình canh tác.

Gần đây, xã đã thành lập 2 tổ hợp tác phát triển sản xuất tại thôn Phiêng Tạ và thôn Búng Pẩu với gần 40 hộ tham gia. Các đơn vị đều phát triển sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo các quy trình sản xuất sạch. Trong đó, hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp Phúc Sơn hiện đang giữ vai trò chủ lực trong bao tiêu sản phẩm lạc cho bà con. Trung bình mỗi năm HTX thu mua xấp xỉ 300 tấn lạc tươi của thành viên, hộ nông dân với giá bình quân 10.000 - 12.000 đồng/kg, cao hơn so với giá các tiểu thương thu mua 2.000 - 4.000 đồng/kg. Để mở rộng thị trường, HTX đã thành lập thêm một tổ hợp tác nằm trong HTX, tổ chức thu mua lạc sấy khô và cung cấp cho người tiêu dùng tại một số tỉnh như Ninh Bình, Cao Bằng…

Huyện Chiêm Hóa đang phấn đấu đến năm 2020 nâng tổng diện tích lạc theo hướng an toàn lên 3.000 héc-ta, sản lượng trên 9.800 tấn, giá trị sản xuất chiếm khoảng 16% trong tỷ trọng ngành trồng trọt.

Hậu Giang: Diện tích mía sẽ giảm

Hiện nay, nông dân Hậu Giang đang bước vào thu hoạch vụ mía mới năm 2018 - 2019. Tuy nhiên, giá mía thấp và khó tiêu thụ khiến các hộ dân lo lắng.

Bên cạnh đó, tình trạng ngập úng do ảnh hưởng lũ từ đầu nguồn đổ về mạnh và triều cường lên cao đã khiến nhiều diện tích mía ngoài đê bao bị ngập lũ từ 20 - 30 cm. Nếu ngập kéo dài,  bà con trồng mía sẽ bị thiệt hại lớn.

Trước tình hình mía bị ngập lũ, nhiều nông dân đã tìm thương lái để bán mía. Hiện thương lái thu mua mía nguyên liệu ở Hậu Giang chỉ 550 - 700 đồng/kg, trong khi chi phí giá thành là 715 đồng/kg, tính ra nông dân lỗ từ 10 - 20 triệu đồng/héc-ta. Do hiệu quả của cây mía quá thấp và khó tiêu thụ nên nhiều nông dân ở Hậu Giang cho biết, sau vụ này sẽ phá bỏ ruộng mía để trồng cây khác.

Các ngành chức năng ở Hậu Giang cũng tính toán giảm diện tích từ 10.500 héc-ta mía hiện nay xuống còn khoảng 6.000 héc-ta trong các vụ tới. Theo đó, những vùng mía ngoài đê bao, vùng sản xuất kém hiệu quả… dự kiến sẽ khuyến khích người dân chuyển đất mía sang trồng các loại cây ăn trái, rau màu. Nếu các cơ quan chức năng chấp thuận, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch chuyển đổi đất mía sang các loại cây khác phù hợp với điều kiện sản xuất từng nơi.

Thời gian qua, tại Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh… nhiều nông dân cũng đã phá bỏ hàng ngàn héc-ta mía để trồng cây khác bởi càng trồng càng lỗ.

 

MUA GÌ - BÁN GÌ

Bình Thuận: Giá thanh long đang tăng dần

Hiện nay, giá thanh long Bình Thuận đang nhích lên từng ngày so với cách đây một tuần. Giá thanh long ruột trắng loại 1 được các vựa thu mua từ 10.000 - 11.000 đồng/kg, tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với tuần trước đó. Tuy nhiên, nguồn cung rất nhỏ giọt, lượng thu hoạch chủ yếu lứa thanh long chong đèn sớm. Hiện nay, các nhà vườn đang dọn dẹp vườn thanh long, chặt trái quá lứa của hàng mùa còn sót lại không thể xuất khẩu, để chuẩn bị bước vào lứa thanh long chong đèn.

Thực tế, thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10 hàng năm là lúc giao mùa nên chủ yếu là thanh long cuối vụ. Đây thường là loại có quả xấu, giá rất rẻ. Hiện nay, các loại thanh long cuối vụ đang cho thu hoạch rộ, quả nhỏ, mẫu mã xấu nên giá khá rẻ.

Đồng bằng sông Cửu Long: Trứng vịt giảm giá mạnh

Tuần qua, giá trứng vịt ở các tỉnh miền Tây giảm chưa từng thấy. Nông dân nuôi vịt chạy đồng mùa lũ bán cho thương lái tại Cần Thơ bình quân 1.600 - 1.700 đồng/quả. Thậm chí, những đàn vịt mới đẻ lứa đầu trứng so bán lẻ 1.000 đồng/quả. Trong khi giá thành trứng vịt nuôi tại một số trang trại khoảng 1.600 - 1.700 đồng/quả, còn giá thành nông dân nuôi vịt chạy đồng khoảng 1.300 - 1.400 đồng/quả.

Theo một số doanh nghiệp và cơ sở thu mua, trứng vịt bán trong mùa bánh trung thu được giá 3.000 đồng/quả nên người nuôi vịt tái đàn mạnh. Mùa nước nổi, thức ăn dồi dào, vịt chạy đồng mau lớn, tới lứa đẻ nhiều nhưng sức tiêu thụ trứng tươi và trứng muối trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đều giảm. Dự báo, giá trứng có thể sẽ tăng trở lại vào 2 tháng cuối năm.

Bình Định: Giá heo giống tăng mạnh

Thời gian qua, do giá heo hơi liên tục tăng và giữ ổn định ở mức từ 50.000 - 52.000 đồng/kg, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đẩy mạnh tái đàn, kéo theo giá heo giống tăng mạnh. Hiện giá heo giống đang ở mức từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, tương đương từ 1 - 1,2 triệu đồng/con (10 kg); tăng gấp 10 lần so với thời điểm đầu năm 2018.

Hiện nay, nhu cầu mua heo giống để tái đàn khá lớn nhưng cung không đủ cầu. Nhiều gia trại chăn nuôi heo giống không xuất bán con giống ra thị trường mà giữ lại để nuôi heo thịt thương phẩm, cung ứng cho thị trường cuối năm. Do vậy, dự báo tình hình khan hiếm heo giống sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

Bến Tre: Chôm chôm Java cuối vụ giá cao

Giá chôm chôm Java (thường gọi chôm chôm chua) tại các huyện Chợ Lách, Châu Thành (tỉnh Bến Tre) giá tăng liên tục từ 1.000 - 1.500 đồng/kg/ngày. Hiện giá bán tại vườn từ 32.000 - 33.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá chôm chôm đường giảm từ 23.000 - 24.000 đồng/kg xuống còn từ 17.000 - 18.000 đồng/kg. Thông thường, giá chôm chôm đường cao hơn chôm chôm chua từ 5.000 -7.000 đồng/kg. Đây là lần đầu tiên trong rất nhiều năm qua, giá chôm chôm chua cao hơn chôm chôm đường. Theo các thương lái, nguyên nhân xảy ra hiện tượng này là chôm chôm đường không xuất khẩu được sang Trung Quốc cũng như một số thị trường khác.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, hiện đang là thời điểm cuối vụ thuận nên sản lượng chôm chôm không còn nhiều. Năm nay, nhà vườn chủ động xử lý cho trái vụ nghịch hơn 50%, cao hơn không nhiều so với các năm về trước. Thời điểm hiện nay, chôm chôm được xử lý nghịch vụ đang trong thời kỳ đậu trái.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Trà Vinh: Thận trọng khi mở rộng diện tích cá lóc

Khoảng 6 tháng nay, người nuôi cá lóc ở Trà Vinh rất.phấn khởi do giá cá lóc nuôi thương phẩm luôn ổn định ở mức cao, dao động từ 38.000 - 42.000 đồng/kg.

Hiện cá lóc thương phẩm loại 1 (0,8 - 1 kg/con) được thương lái mua tại ao có giá 40.000 - 42.000 đồng/kg (tăng 13.000 - 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước). Với giá bán này, sau khi trừ chi phí, người nuôi đạt lợi nhuận từ 9.000 - 11.000 đồng/kg cá lóc thương phẩm.

Trà Cú là địa phương có diện tích nuôi cá lóc nhiều nhất tỉnh Trà Vinh. Toàn huyện có hơn 1.000 hộ nuôi trên tổng diện tích gần 218 héc-ta. Đến nay, 780 hộ đã thu hoạch trên diện tích hơn 142 héc-ta, sản lượng đạt khoảng 16.000 tấn. Với giá bán ổn định như thời gian qua, nông dân thu lãi ước hơn 150 tỷ đồng.

Tuy giá cá lóc tăng nhưng ngành nông nghiệp huyện Trà Cú vẫn khuyến cáo người dân trên địa bàn thận trọng trong việc mở rộng diện tích để tránh cung vượt cầu do cá lóc chủ yếu tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, thời gian qua, giá cá lóc thường xuyên bấp bênh. Thậm chí có thời điểm giá giảm xuống chỉ còn 18.000 - 20.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành từ 11.000 - 13.000 đồng/kg. Khi đó, các hộ nuôi bị thua lỗ nặng nề, một số hộ không đủ khả năng trả nợ ngân hàng sau khi kết thúc vụ nuôi. Chính vì vậy, mặc dù giá tăng nhưng địa phương vẫn khuyến cáo bà con thận trọng khi mở rộng diện tích nuôi.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Phân biệt phân bón Đầu Trâu thật - giả

Thời gian qua, thương hiệu phân bón Đầu Trâu của Công ty CP Phân bón Bình Điền được bà con nông dân tín nhiệm. Tuy nhiên, ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa đã manh nha xuất hiện hàng giả, hàng nhái.

Tước thực trạng đó, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã có những biện pháp tự bảo vệ mình và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Theo đó, tất cả các loại phân bón Đầu Trâu trước khi xuất xưởng đều phải trải qua các công đoạn kiểm tra hết sức nghiêm ngặt. Trong mỗi sản phẩm đều có phiếu kiểm tra, trên đó in ca sản xuất, ngày sản xuất để nông dân có căn cứ kiểm tra khi khui bao phân. Để phân biệt phân bón Đầu Trâu thật - giả, bà con có thể căn cứ vào phiếu kiểm tra trong bao phân. Ngoài ra, bà con có thể căn cứ vào đường chỉ may trên miệng bao. Hiện nay, công ty chỉ sử dụng bao bì một lần nên trên miệng bao chỉ có một đường may. Nếu thấy trên miệng bao phân có hơn 1 đường may thì bà con nên lưu ý. Đặc biệt, trên những sản phẩm xuất khẩu như NPK 20-20-15, NPK 15-15-15, công ty sử dụng dây nhựa rút để cột miệng túi nylon bên trong bao phân, trên dây nhựa có in chữ nổi “Đầu Trâu”. Mặc dù phương pháp này đòi hỏi chi phí cao hơn nhưng khả năng làm giả là rất thấp.

Để yên tâm không bị mua hàng giả, hàng nhái, tốt nhất bà con nên mua phân bón tại các cửa hàng, đại lý của công ty. Đây chính là những địa chỉ tin cậy để bà con lựa chọn. Trên thực tế, nhằm năng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, thời gian qua, Công ty CP Phân bón Bình Điền thường xuyên tổ chức tốt các khóa tập huấn “Đại lý phân bón Đầu Trâu chuyên nghiệp”. Hệ thống đại lý là người đại diện của công ty tại địa phương. Vì vậy, đại lý phải là những nhà tư vấn, hiểu thật kỹ những sản phẩm phân bón của Bình Điền trước khi bán cho bà con nông dân, thu tiền và phải chịu trách nhiệm về chất lượng cho đến khi nhà nông thu hoạch xong mùa vụ. Đây chính là sự cam kết của Bình Điền với bà con nông dân.

HÀNG VIỆT 

Sơn La: Hàng Việt chinh phục thị trường nông thôn

Hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ cao tại hệ thống phân phối; người tiêu dùng ưu tiên cho các sản phẩm hàng hóa Việt; các sản phẩm của Sơn La được nhiều địa phương biết đến… Đó là những thành tựu của Sơn La sau gần 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Hiệu quả từ sự phối hợp

Ông Lê Quang Trung - Phó giám đốc Sở Công Thương Sơn La cho biết, để nâng cao hiệu quả triển khai cuộc vận động (CVĐ), thời gian qua, tỉnh Sơn La đã thành lập các Ban chỉ đạo CVĐ, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng; tổ chức các phiên chợ, hội chợ đưa hàng Việt vào khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, giúp người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao… Nhờ đó, hiệu quả CVĐ thu được rất khả quan.

Cụ thể, về công tác tuyên truyền, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan truyền thông xây dựng các bản tin về duy trì chuỗi nông sản, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, năm 2018, Sở Công Thương đã tổ chức 18 hội chợ trên địa bàn các huyện, thành phố với gần 300 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia và khoảng 40.000 lượt khách thăm quan mua sắm. Giá trị hàng hóa lưu thông ước hơn 5 tỷ đồng với trên 90% là hàng Việt.

Ngoài ra, Sở Công Thương Sơn La còn đẩy mạnh xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh và 7 điểm đã được xây dựng thành công. Các Điểm bán hàng Việt Nam được ưu tiên đầu tư xây dựng tại các khu vực mà hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu còn mỏng; hoặc những khu vực tập trung nhiều khách du lịch nhằm hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng sản xuất trong nước có chất lượng tốt với giá cạnh tranh; quảng bá hàng hóa đặc sản địa phương. Hàng hóa được bày bán phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm.

Sau gần 3 năm triển khai, đến nay, các điểm bán thu hút đông đảo người dân đến mua sắm, nhân rộng hơn những hiệu quả của CVĐ khi triển khai trên địa bàn Sơn La. Bà Vũ Thị Huệ - chủ Điểm bán hàng Việt Nam tại tổ 12 - phường Chiềng Lề - TP. Sơn La cho biết, đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại cửa hàng đã lên đến 95%.

“Xu hướng của người tiêu dùng Sơn La là ngày càng thích dùng hàng Việt nên từ khi xây dựng mô hình Điểm bán hàng Việt Nam, cửa hàng của tôi ngày càng đông khách. Đến nay, nhiều sản phẩm của cửa hàng rất được người dân ưa chuộng như: Sữa Mộc Châu, cô gái Hà Lan, TH; mỳ Vifon…” - bà Vũ Thị Huệ cho biết.

Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm địa phương

Song song với việc mang hàng hóa Việt đến với người tiêu dùng địa phương, Sở Công Thương Sơn La còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư (Trung tâm Xúc tiến Đầu tư) và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia các gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của Sơn La tại các hội chợ triển lãm lớn do các tỉnh, thành phố tổ chức. Đơn cử, Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn Sơn La năm 2018 được tổ chức tại Hà Nội trong tháng 7 và tháng 8 đã thu hút rất đông người tiêu dùng Thủ đô, qua đó quảng bá tốt các sản phẩm nông sản thế mạnh Sơn La đến với người tiêu dùng.

Từ đó, Sở Công Thương cũng tổ chức làm việc với các Sở Công Thương địa phương, cùng các doanh nghiệp phân phối như: Tổng công ty thương mại Hà Nội, các Siêu thị LotteMart, HaproMart, VinMart... ký kết các hợp đồng tiêu thụ ổn định. Đến nay, một số sản phẩm của Sơn La như xoài, nhãn… đã được các kênh phân phối như VinMart, Big C chọn mua và kinh doanh.

“Sơn La đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đến địa phương để đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến của Sơn La, đến nay đã có 6 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này” - ông Lê Quang Trung cho hay.

Ông Lê Quang Trung - Phó giám đốc Sở Công Thương Sơn La:

CVĐ đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cả hệ thống chính trị, người dân trên địa bàn, tạo sức lan tỏa sâu rộng, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, hình thành nét văn hóa trong sản xuất và tiêu dùng của người 

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)