Thông tin giá cả thị trường số 44/2017

03:48 PM 14/11/2017 |   Lượt xem: 3736 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Phát triển nghề nuôi ong mật bền vững

Khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Nhiều năm qua, nghề này đã giúp nhiều hộ dân xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, để đảm bảo cho nghề nuôi ong mật phát triển bền vững, cần một giải pháp tổng thể.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nước ta có khoảng 1,2 triệu đàn ong, gồm các giống ong Ý và ong nội, trong đó, đàn ong ngoại chiếm đến 83,3%. Các nhà nuôi ong và đàn ong mật nằm rải rác khắp cả nước nhưng tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc. Riêng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nghề nuôi ong đang dần chuyển từ hình thức chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ sang hình thức đầu tư nuôi ong tập trung với số lượng lớn, bình quân 50 - 100 đàn/hộ, thậm chí lên tới 500 - 600 đàn/hộ. Nhiều hợp tác xã, câu lạc bộ nuôi ong được hình thành, giúp tiêu thụ sản phẩm thuận lợi; chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện.

Hà Giang là địa phương nổi tiếng với sản phẩm mật ong bạc hà “Mèo Vạc”. Rất nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã có cơ hội xóa nghèo, làm giàu nhờ con ong mật. Ông Sùng Sính Vư - thôn Thành Ma Tủng, xã Sả Phìn (Đồng Văn - Hà Giang) - chia sẻ: Mật ong bạc hà từ lâu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của vùng cao nguyên đá Hà Giang, chính vì vậy, tổ nghề nghiệp nuôi ong xã Sả Phìn với 15 hộ tham gia do ông Vư thành lập làm ra đến đâu được thị trường tiêu thụ hết đến đó, với giá bình quân lên đến 500.000 đồng/lít. Nhờ đầu ra thuận lợi, đến nay, tổ nuôi ong của ông Vư đã phát triển được 500 đàn, sản lượng mật khoảng 1,6 tấn.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Giang, tính đến năm 2016, tổng đàn ong của tỉnh Hà Giang đạt 34.093 đàn, sản lượng mật đạt 192,02 tấn. Điều đáng ghi nhận là, từ sau khi có chỉ dẫn địa lý, cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã hình thành nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mật ong. Chỉ tính riêng trên 4 huyện vùng cao nguyên đá đã có 8 doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mật ong bạc hà “Mèo Vạc”, chiếm khoảng 30% sản lượng mật ong toàn vùng.

Không chỉ Hà Giang, các tỉnh miền núi phía Bắc đều có tiềm năng rất lớn trong phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Đơn cử như tại Lào Cai, tổng đàn ong mật của tỉnh hiện đạt 5.000 đàn, trong đó có trên 1.000 đàn ong ngoại được nuôi tại Công ty TNHH phát triển ong miền núi Thanh Xuân. Tỉnh Yên Bái duy trì tốt hơn 18.000 đàn ong với sản lượng mật trên 100.000 tấn/năm. Tổng đàn ong của Phú Thọ cũng dao động trong khoảng 30.000 - 50.000 đàn.

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Nguyễn Đức Vinh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang - cho biết, hiện nghề nuôi ong mật của tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn như, công tác quản lý nhãn mác, bao bì, lô gô chỉ dẫn địa lý, quảng bá và giới thiệu sản phẩm chưa được chú trọng, chưa có sự liên kết chặt chẽ.

TS. Hạ Thúy Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia - đánh giá, để phát triển nghề nuôi ong mật bền vững, cần rà soát, điều chỉnh xây dựng quy hoạch và liên kết vùng, địa phương để đảm bảo lợi thế cạnh tranh, phát triển thương hiệu và chỉ dẫn địa lý; xây dựng cơ sở pháp lý phù hợp để đảm bảo lợi ích của người nuôi ong và các hộ, thành phần xã hội liên quan; cán bộ khuyến nông tăng cường giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình nuôi ong VietGAHP; kỹ thuật phòng và điều trị bệnh cho ong; đẩy mạnh liên kết sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất.

TS. Trần Văn Toàn - Trung tâm Nghiên cứu ong Nhiệt đới (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - cho rằng, việc đáp ứng đồng bộ các quy trình kỹ thuật và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm soát chất lượng là yếu tố quan trọng giúp nghề nuôi ong mật phát triển.

Theo Cục Chăn nuôi, những vùng có thương hiệu mật ong cần xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng chuỗi sản xuất mật ong lấy doanh nghiệp làm trọng tâm; nâng cao chất lượng sản phẩm để củng cố và giữ vững các thị trường xuất khẩu chính hiện nay, đồng thời mở ra một số thị trường mới…

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Đồng bằng sông Cửu Long: Lúa nếp tiêu thụ khó

Vài năm trước, nhu cầu tiêu thụ nếp tăng cao, giá liên tục tăng nên nhiều nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chuyển từ trồng lúa thường sang trồng lúa nếp.

Các địa phương có diện tích trồng lúa nếp nhiều là: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An và Tiền Giang. Tuy nhiên, hiện nay, khi diện tích lúa nếp tăng mạnh kéo theo việc tiêu thụ khó khiến nông dân đối diện nguy cơ bị lỗ. Tính tới thời điểm này, giá lúa nếp được thương lái thu mua dưới 5.000 đồng/kg, giảm hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2016. Trong khi lúa OM 4900 hiện có giá 5.500 đồng/kg và các giống lúa thơm khác giá còn cao hơn.

Tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, vụ hè thu vừa qua, toàn huyện có khoảng 10 héc-ta lúa nếp. Trong số này chỉ khoảng 20% có hợp đồng liên kết với công ty, 15% liên kết với thương lái, số còn lại vẫn chưa xác định được đầu ra.

Tại Kiên Giang, diện tích sản xuất lúa nếp tăng, giảm theo từng vụ tùy vào hợp đồng bao tiêu giữa doanh nghiệp và nông dân, dao động từ 5.000 - 10.000 héc-ta/vụ. Diện tích này mới tăng mạnh trong vài năm gần đây nhằm phục vụ các doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Điều đáng nói, phần lớn nông dân sản xuất lúa nếp vẫn tự phát, khi có đơn vị đến đặt vấn đề thu mua là bắt tay làm. Các ngành chức năng cảnh báo, bà con nông dân cần thận trọng, chỉ trồng lúa nếp khi có hợp đồng chắc chắn chứ không nên phát triển một cách ồ ạt, dễ dẫn đến dư thừa, khó tiêu thụ và mất giá.

Gia Lai: Hàng chục ngàn trụ tiêu bị quật ngã

Mặc dù không nằm trong vùng tâm bão, nhưng địa bàn huyện Đắk Đoa, Mang Yang (tỉnh Gia Lai) vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 12 với thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.

Chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12, trên địa bàn huyện Đắk Đoa và Mang Yang đã xuất hiện mưa và gió lớn, gây tổn thất nặng nề cho bà con. Đặc biệt, cơn bão số 12 đã tạo ra những luồng gió quét khiến hàng ngàn trụ tiêu của nông dân bị gãy đổ. Đa số các trụ đổ đều khiến cây tiêu bị đứt phần gốc hoặc bong rễ lên trên mặt đất. Trong khi đó, tiêu đang trong giai đoạn kinh doanh mà gãy trụ, dây đứt nên bà con phải mua trụ mới dựng kèm vào. Việc này vừa tốn công, tốn tiền, ảnh hưởng đến chất lượng tiêu. Nhiều hộ gia đình phải vay tiền ngân hàng đầu tư vào trồng tiêu đang đứng ngồi không yên, không biết lấy tiền đâu  trả nợ ngân hàng?...

Theo thống kê sơ bộ của xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa, trên địa bàn xã có hơn 5.000 trụ tiêu bị gãy đổ, trong đó khoảng hơn 3.000 trụ tiêu đã đi vào kinh doanh còn lại là tiêu mới trồng được khoảng 1 - 2 năm. Hiện các cơ quan, đoàn thể của xã phối hợp với đơn vị bộ đội đang cùng người dân dựng lại trụ tiêu, khắc phục hậu quả kịp thời.

Trong khi đó, huyện Mang Yang, xã Đắk Ta Ley bị ảnh hưởng nặng nhất với khoảng 5 héc-ta tiêu tương đương với gần 6.000 trụ bị gãy đổ. 40% diện tích cà phê của xã bị lay gốc và rụng trái, 90% diện tích lúa gần đến kỳ thu hoạch cũng bị ngã rạp. Tại xã Đắk Trôi cũng có khoảng 1.000 trụ tiêu bị đổ ngã. Hiện các cơ quan chức năng vẫn tiến hành giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả cũng như thống kê thiệt hại để có những phương án hỗ trợ kịp thời.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Khánh Hòa: Thiệt hại lớn ở vùng chuyên canh chuối

Xã Suối Cát, huyện Cam Lâm là vùng chuyên trồng chuối lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa. Sau cơn bão số 12, các vườn chuối đều bị bật gốc và ngã đổ. Với tình trạng này, bà con coi như mất tết.

Với diện tích khoảng 1.000 héc-ta, chuối là một trong các cây chủ lực của bà con xã Suối Cát. Hầu hết thu nhập của bà con từ trồng các giống chuối cau, chuối mốc, chuối mùi hương. Vụ chuối năm nay, bà con vùng chuyên canh đang hy vọng chuối được mùa, được giá. Tuy nhiên, cơn bão 12 đổ bộ làm cho nhiều hộ bị mất trắng, nhiều hộ lâm vào cảnh lao đao.

Giá lợn hơi có thể hồi phục vào cuối năm

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, trong thời gian qua, giá lợn hơi trung bình của cả nước chủ yếu giảm do nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu tiêu thụ tương đối ổn định. Đặc biệt, hiện nay, do giá lợn hơi thấp nên người dân không mặn mà với việc tái đàn dù vào thời điểm này mọi năm, các ngành đã rục rịch chuẩn bị nguồn cung hàng cho thị trường tết.

Dự báo, giá lợn hơi có thể phục hồi vào cuối năm nay khi xu hướng giảm đàn hoặc nuôi cầm chừng diễn ra trên diện rộng. Bên cạnh đó, mưa lớn kéo dài ở miền Bắc và Bắc Trung bộ vừa qua đã làm trang trại bị ngập úng trong nước lũ, ảnh hưởng đến việc vận chuyển đàn lợn ra ngoài. Như vậy, thời gian tới nguồn cung sẽ bị thiếu hụt trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn dự báo tăng để phục vụ thị trường Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Về thị trường xuất khẩu, mặc dù Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lợn chính của nước ta nhưng chủ yếu vẫn xuất tiểu ngạch. Điều này gặp khó khăn khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu lợn sống. Như vậy, từ nay tới cuối năm, thị trường nội địa vẫn tiếp tục là kênh tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm thịt lợn.

Bến Tre: Trồng xoài Tứ Quý cho thu nhập cao

Chủ động thích nghi với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang khuyến khích và tạo điều kiện để nông dân vùng ven biển nhân rộng cây xoài Tứ Quý theo hướng thương phẩm. Tại 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, nông dân đã trồng được trên 600 héc-ta xoài Tứ Quý. Đây là loại xoài ngon, có trái quanh năm, cho năng suất đến hơn 30 tấn/héc-ta/năm. Nông dân trồng xoài Tứ Quý có  thu nhập từ 250 - 350 triệu đồng/năm/héc-ta.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn,  xoài Tứ Quý là một trong số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao nhất và phù hợp nhất đối với vùng đất ven biển. Vì vậy, ngoài việc tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, chính quyền và ngành nông nghiệp Bến Tre còn tạo điều kiện cho nông dân tham gia các mô hình sản xuất liên kết như Tổ hợp tác, Hợp tác xã và xây dựng nhãn hiệu tập thể xoài Tứ Quý Thạnh Phú.

Bưởi da xanh giảm giá mạnh

Giá bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang giảm mạnh sau thời gian đứng ở mức cao. Hiện, bưởi da xanh loại I (khoảng 1,3 kg/trái trở lên) giá 32.000 đồng/kg, trong khi bưởi da xanh loại II, loại III lần lượt là 30.000 đồng/kg và 28.000 đồng/kg. Với mức giá này, bưởi da xanh giảm hơn 15.000 đồng/kg so với tuần trước. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một số hộ trồng bưởi, giá bưởi hiện nay tuy giảm so với các tháng trước nhưng nếu so với giá thành sản xuất, nông dân vẫn có lãi lên đến gần 20.000 đồng/kg.

 Nguyên nhân khiến giá bưởi da xanh giảm mạnh là do thời tiết mưa bão bất thường nên tiêu thụ khó. Nhưng quan trọng hơn, hiện tại các thị trường tiêu thụ chính của bưởi da xanh là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội bị cạnh tranh rất lớn từ bưởi ở các tỉnh, thành khác. Dự báo, càng gần thời điểm cận tết cổ truyền, giá bưởi da xanh sẽ tăng cao.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, vài năm gần đây, diện tích bưởi da xanh của Bến Tre tăng mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 7.000 héc-ta bưởi da xanh, với sản lượng khoảng 100 tấn trái/năm.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Bà con không mua thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi

Thời gian qua, trên địa bàn các huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lào Cai như Bắc Hà, Si Ma Cai và Mường Khương xảy ra tình trạng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, thương hiệu bày bán tràn lan tại các khu chợ.

Ghi nhận tại một số phiên chợ vùng cao, dù không nhiều nhưng cũng không khó để tìm các quầy hàng bán thuốc bảo vệ thực vật xen lẫn những mặt hàng đồ khô khác. Những gói, những hộp thuốc có in chữ Trung Quốc với nhiều hình ảnh kèm theo, tuy nhiên hỏi một số người bán là lấy hàng từ đâu họ đều lảng tránh, chỉ bảo thuốc tốt lắm. Có thể nói, về cơ bản, cả người mua lẫn người bán đều không biết chữ viết gì, người bán và người sử dụng đều theo thói quen và kinh nghiệm.

Với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, theo quy định để được cấp phép, người bán thuốc cần phải có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp cùng nhiều yêu cầu khác. Tuy nhiên, hầu hết các hộ kinh doanh ở chợ đều không có giấy phép kinh doanh, không chứng chỉ hành nghề và thuốc không rõ nguồn gốc... Ông Nguyễn Bá Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Lào Cai cho biết, trước thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, thời gian qua lực lượng quản lý thị trường đã đẩy mạnh kiểm tra xử phạt. Tuy nhiên, ở  một số huyện vùng cao vẫn tồn tại các quầy ở chợ bán một cách lén lút. Người bán cất hàng một chỗ hoặc cố tình che đậy, sau khi thỏa thuận với người mua mới đếm hàng trao tay. Khi bị phát hiện, một số trường hợp chống đối gây khó khăn cho công tác xử lý.

Theo những người có chuyên môn, những loại thuốc này khi sử dụng sẽ ẩn chứa hiểm họa khôn lường. Đặc biệt, đối với những loại thuốc chứa hoạt chất độc tố cao thì ngay cả người sử dụng cũng bị ảnh hưởng chứ chưa nói đến dư lượng thuốc khi phun vào cây trồng, rau củ quả sẽ rất nguy hại. Vì vậy, bà con không nên sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, cùng với đó công tác kiểm tra, kiểm soát cần được tăng cường hơn nữa để ngăn chặn việc nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Hà Giang: Tập trung kiểm soát những mặt hàng trọng điểm

Từ đầu năm đến nay, Chi cục  Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Hà Giang tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung một số mặt hàng trọng điểm, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm trong dịp lễ hội tại các huyện vùng cao.

Ông Vũ Quốc Khánh  -  Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Giang cho biết, triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn, đặc biệt là trong dịp lễ hội như Tuần lễ Văn hóa Hoàng Su Phì vừa diễn ra, hay Lễ hội hoa tam giác mạch sắp tới (khai mạc từ 24/11/2017) lực lượng QLTT thường xuyên nắm bắt, kiểm tra giữ ổn định thị trường. Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra và xử lý trên 800 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 2,5 tỷ đồng…

Để kiểm soát tốt thị trường, các đội QLTT địa bàn đã chủ động phổ biến, ban hành các kế hoạch, văn bản cụ thể hóa theo chỉ đạo của tỉnh, ngành; cử cán bộ phụ trách các cụm xã, thị trấn thường xuyên thu thập thông tin, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hoạt động buôn lậu, vận chuyển, bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không có tem, nhãn mác. QLTT phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho quần chúng nhân dân, nhất là cư dân ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, xử lý, lực lượng QLTT tập trung vào một số mặt hàng trọng điểm phục vụ nhu cầu của nhân dân như thực phẩm, dược phẩm, vật tư nông nghiệp, điện tử… Từ đầu năm đến nay đã kiểm tra, xử lý trên 120 vụ liên quan đến mặt hàng thực phẩm với các lỗi vi phạm như: kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với mặt hàng dược phẩm đã kiểm tra 70 vụ với các vi phạm về điều kiện bảo quản, thuốc tân dược nhập lậu.

Theo ông Vũ Quốc Khánh, trong dịp Lễ hội hoa tam giác mạch tới đây và những tháng cuối năm, lực lượng QLTT sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như kiểm soát giữ ổn định giá cả; chống buôn lậu gian lận thương mại, hàng giả; kiểm tra thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh; kiểm tra về đo lường, chất lượng hàng hóa.

HÀNG VIỆT

Gạo hữu cơ Quảng trị

Thương hiệu Gạo hữu cơ Quảng Trị đã được đăng ký sở hữu trí tuệ ở Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Hiện gạo hữu cơ Quảng Trị có mặt tại thị trường Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Cần Thơ…

Với mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị và tỉnh Quảng Trị đã ký kết hợp tác liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ. Bước đầu, công ty đã chọn 13 địa điểm để phối hợp với các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sản xuất lúa có tổng diện tích gần 90 héc-ta. Dự kiến, thời gian tới, diện tích này sẽ tăng lên hơn 200 héc-ta.

Gạo hữu cơ Quảng Trị được sản xuất theo tiêu chuẩn với 5 quy trình khắt khe: Giống lúa RVT được chọn lựa nghiêm ngặt, sử sụng hoàn toàn phân bón hữu cơ (không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, hóa chất trừ cỏ), có cánh đồng riêng biệt để tránh lây lan chéo các loại bệnh và thu gom, chế biến đảm bảo các yêu cầu của một sản phẩm hữu cơ.

Hiện gạo hữu cơ Quảng Trị có giá bán từ 32.000 -  33.000 đồng/kg. Mặc dù mức giá này cao gấp mấy lần lúa gạo sản xuất theo phương pháp canh tác thông thường nhưng cung không đủ cầu. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh đầu ra trong sản xuất nông nghiệp đang là bài toán khó. Tuy nhiên, thành công nhất từ sự liên kết này là tạo được sự chuyển biến và nâng cao nhận thức về sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho bà con nông dân. Quy trình sản xuất không sử dụng phân bón vô cơ, không thuốc bảo vệ thực vật đã góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng.

Thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, để triển khai nhân rộng diện tích cần phát huy vai trò hợp tác xã, liên kết hộ trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tổ chức tiêu thụ sản phẩm.

Ninh Thuận: Thịt cừu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận.

Cừu được du nhập vào Việt Nam từ hàng trăm năm nay với mục đích ban đầu nuôi phục vụ cúng tế trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm. Đến nay, cừu đã trở thành vật nuôi phù hợp ở vùng đất khô hạn Ninh Thuận - nơi khí hậu nắng nóng quanh năm, lượng mưa hằng năm thấp.

Hiện tổng đàn cừu ở Ninh Thuận có khoảng 860.000 con, được nuôi theo phương thức chăn thả tự nhiên ở các bãi đất trống hoang hóa, đồi núi, sườn đồi theo quy trình mang tính đặc thù của người dân bản địa. Tại Ninh Thuận đã xuất hiện nhiều trang trại nuôi dê, cừu trị giá hàng tỷ đồng, với quy mô 300 - 500 con. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt cừu Ninh Thuận có hàm lượng dinh dưỡng cao, hương vị đặc trưng, tỷ lệ mỡ thấp, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, thời gian gần đây, giá thịt cừu tăng từ 20.000 - 27.000 đồng/kg so với các năm trước nên các hộ chăn nuôi cừu tại vùng hạn Ninh Thuận rất phấn khởi. Nguyên nhân giá tăng do ảnh hưởng của thời tiết hạn hán năm ngoái khiến một số con cừu bị chết khiến mặt hàng này giờ trở nên khan hiếm trên thị trường. Mặt khác, sản phẩm này đang được ưa chuộng nên giá tăng cao. Với giá bán hiện tại, nhiều nông dân nuôi cừu ở Ninh Thuận đã có lãi bạc triệu.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)