Thông tin giá cả thị trường số 45/2019

09:32 PM 13/11/2019 |   Lượt xem: 3479 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Kon Tum:

Giá cà phê giảm, bà con lo lắng

Cùng với các loại cây dược liệu, cây cà phê được Kon Tum chọn làm cây trồng chủ lực để giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững.

Cà phê cũng là sản phẩm tạo ra nguồn thu nhập chính cho bà con các huyện sinh sống trên địa bàn có lợi thế phát triển cà phê, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trồng cà phê chè tại các xã vùng Đông Trường Sơn. Thời điểm này, niên vụ cà phê 2019 - 2020 đã bắt đầu nhưng giá cà phê đang ở mức rất thấp khiến bà con lo lắng.

Hiện các doanh nghiệp và người dân đã bước vào vụ thu hoạch cà phê. Ở một số nơi, bà con đã chọn hái đợt quả chín bói. Tuy nhiên, giá cà phê trên thị trường trong những tuần gần đây liên tục giảm. Giá cà phê nhân xô dao động quanh mức 30,5 - 31 triệu đồng/tấn - mức giá thấp nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Thông thường, vào đầu mùa vụ thu hoạch, giá cà phê ở ngưỡng cao hơn lúc chính vụ, khoảng từ 42 - 44 triệu đồng/tấn, có khi lên tới 46 - 47 triệu đồng/tấn. Năm ngoái, thời điểm này, giá cà phê cũng xuống thấp nhưng vẫn đạt 36 - 37 triệu đồng/tấn, không thấp như năm nay. Đáng lo ngại hơn cả là năm nay, các thương lái khá dè dặt trong việc thu mua dù giá cà phê ở mức chạm đáy. Điều này khiến những hộ trồng cà phê lo lắng vì không biết lúc thu hoạch có dễ bán không, tư thương có ép giá không…

Bên cạnh nỗi lo giá giảm, người trồng cà phê niên vụ này còn lo ngại về vấn đề thuê nhân công thu hoạch. Vụ cà phê trước, giá thuê nhân công bình quân là 90.000 đồng/tạ cà phê tươi, tính hết các khoản chi phí từ tiền công, ăn uống, mua bao bạt… cũng vào gần 20 triệu đồng/héc-ta. Năm nay, với giá bán cà phê như hiện nay mà giá nhân công vẫn như năm ngoái thì các chủ vườn cầm chắc thua lỗ.

Mặt khác, giá cà phê xuống thấp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người trồng trong vụ mùa này mà còn ảnh hưởng tới cả quyết định đầu tư cho vụ tiếp theo, bởi khác với nhiều loại cây trồng khác, cà phê là loại cây công nghiệp đòi hỏi đầu tư rất nhiều từ phân bón, công chăm sóc, tưới nước, thu hái, phơi phóng… Theo một số nông dân, nếu tình trạng giá cà phê xuống thấp tiếp tục kéo dài buộc họ sẽ phải chuyển hướng sang trồng các loại cây khác chứ không trồng cà phê.

Toàn tỉnh Kon Tum hiện có khoảng 21.000 héc-ta cà phê. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách phát triển cây cà phê như: Chính sách phát triển cà phê chè vùng Đông Trường Sơn, chương trình tái canh cà phê, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của các địa phương… và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần cải thiện đời sống cho bà con. Tuy nhiên, để giúp người trồng cà phê vượt qua giai đoạn khó khăn này, trước mắt, chính quyền và doanh nghiệp cần có ngay giải pháp hỗ trợ nông dân về vốn, đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, khuyến cáo bà con bình tĩnh, không nên vội vã chặt bỏ vườn cây hoặc chán nản, bỏ bê làm ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng cà phê của vụ sau. Ngoài ra, các cấp, các ngành cũng cần có định hướng quy hoạch phát triển vùng trồng cà phê cho phù hợp để tránh tình trạng mở rộng diện tích một cách ồ ạt, đến khi mất mùa, mất giá lại phá bỏ. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng cà phê bằng cách thu hoạch cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín theo tiêu chuẩn, sản xuất theo phương thức an toàn được xem là một trong những giải pháp giúp tăng giá thành sản phẩm trong thời điểm cà phê đang rớt giá hiện nay.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Nghệ An:

Ngư dân xuất khẩu ruốc một nắng

Thời điểm này, ngư dân Nghệ An đang vào mùa khai thác ruốc biển. Hàng tấn ruốc được vận chuyển vào bờ để sơ chế, đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đem lại nguồn thu nhập cao cho bà con.

Khi bình minh lên cũng là lúc hàng chục chiếc thuyền đánh ruốc của ngư dân xã Quỳnh Lập, Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) từ ngoài biển quay về bờ. Mùa ruốc bội thu nên bà con rất phấn khởi. Ruốc về đến bờ đã có ngay thương lái chờ sẵn thu mua. Ngoài hàng tấn ruốc đánh bắt được bán cho các thương lái, bà con ngư dân còn tự tay sơ chế thành ruốc một nắng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Với thời tiết nắng vừa, chỉ sau 2 giờ phơi là có thể thu gom. Tại tuyến đường du lịch biển nối từ bãi ngang Quỳnh Lưu đến thị xã Hoàng Mai, ngày nào bà con cũng nhộn nhịp sơ chế ruốc một nắng.

Sau khi ruốc được sơ chế, sàng lọc sạch sẽ, bà con đóng gói cho vào bao nylon để xuất bán cho thương lái. Mỗi ngày, ngư dân các xã Quỳnh Liên, Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai); Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) xuất đi Trung Quốc hàng chục tạ ruốc một nắng, thu về cả trăm triệu đồng. Một ngư dân cho biết, năm nay mùa được ruốc, chất lượng tốt nên giá cao hơn trước. Hiện giá ruốc tươi 20.000 đồng/kg, giá ruốc khô 70.000 đồng/kg. Theo kinh nghiệm truyền thống, con ruốc sẽ được trộn với muối và thính đậu tương. Sau 5 tháng ủ chườm, ruốc sẽ chín ngào ngạt, cho hương vị thơm mặn mòi của biển.

Ngoài sơ chế ruốc một nắng, ngư dân Nghệ An còn chế biến ra các loại mắm truyền thống nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hà Tĩnh:

Cam đầu vụ giá cao

Sau một năm vất vả chăm sóc, những ngày này, bà con ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) phấn khởi vì các vườn cam đã vào vụ thu hoạch mới.

Hiện cam đầu mùa ở Vũ Quang có giá bình quân khoảng 24.000 – 25.000 đồng/kg, cá biệt có những vườn cam chín sớm, quả ngọt, chất lượng tốt bán được với giá từ 30.000 – 35.000 đồng/kg. Các hộ gia đình đều tranh thủ tự thu hoạch để vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ vườn cây. Để thu hoạch kịp thời vụ cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm khi bán ra thị trường, bà con phải lựa chọn kỹ những cành, những cây cần thu hoạch, những chùm quả cần cắt tỉa... Với sản lượng và giá cả đầu vụ tương đối ổn định, nhiều khả năng thu nhập của bà con vụ này sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, một số vườn cây nằm ngay dưới chân vùng đá vôi nên quả rất ngọt, đẹp, năng suất cao. Vì vậy, ngay sau khi bà con thu hoạch và phân loại xong là có thương lái đến tận nhà thu mua.

Đức Lĩnh là một trong những xã có diện tích trồng cam lớn nhất huyện Vũ Quang. Vụ cam năm nay, do các vườn cam đang trong độ tuổi sung mãn nên 350 héc-ta cam trên địa bàn xã dự kiến sẽ cho sản lượng khoảng 600 tấn. Đặc biệt, ngay từ đầu vụ giá cam đã cao nên bà con rất phấn khởi.

Tuy diện tích không nhiều như các xã khác trong huyện nhưng bà con xã Hương Điền vẫn phấn khởi bởi năng suất cam đạt 7 tấn/héc-ta, sản lượng ước đạt 63 tấn. Đối với người dân vùng tái định cư Hương Điền, cây cam đã giúp cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo số liệu ước tính ban đầu của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Vũ Quang, năm nay, huyện miền núi này có khoảng 1.450 héc-ta cam cho quả ổn định, năng suất bình quân đạt 10 tấn/héc-ta, sản lượng khoảng 14.500 tấn.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Tiền Giang:

Sầu riêng được giá

Hiện nay, nhà vườn trồng cây sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi vì loại trái cây ở thời điểm đầu vụ này đang hút hàng, giá tăng, nhà vườn lãi cao. Mặc dù vụ này sản lượng sầu riêng thấp do bất lợi về thời tiết nhưng giá tăng rất cao. Hiện giá trái sầu riêng trên 70.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Với mức giá này, mỗi héc-ta vườn sầu riêng cho lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm. Nguyên nhân khiến giá sầu riêng tăng cao là do vào thời điểm đầu vụ, sản lượng thấp, khan hàng trong khi thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc có nhu cầu cao.

Toàn tỉnh Tiền Giang có gần 9.000 héc-ta cây sầu riêng, trồng tập trung nhiều ở các địa phương như: Huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, huyện Cái Bè…

Trà Ôn (Vĩnh Long):

Cá tra, cá lóc đều giảm giá

Cá lóc và cá tra là 2 đối tượng thủy sản nuôi chính của huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long với diện tích đang thả nuôi 35,24 héc-ta. Tuy nhiên, trong tuần qua, giá cá tra và giá cá lóc đều giảm. Cụ thể: Giá cá tra từ 19.500 - 20.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với tháng trước. Theo tính toán sơ bộ, với mức giá hiện tại các hộ nuôi lỗ 2.500 - 3.000 đồng/kg. Giá cá lóc từ 38.000 - 39.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg so tháng trước, lợi nhuận đạt thấp.

Theo một số thương lái, giá cá tra, cá lóc giảm do năm ngoái giá tăng cao nên người dân ồ ạt nuôi, dẫn đến năm nay cung vượt cầu trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm. Bởi trên thực tế, thị trường Trung Quốc không còn nhập cá tra theo đường tiểu ngạch mà bằng đường chính ngạch. Thị trường này còn đề ra nhiều rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm khiến các doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch lao đao.

Hiện huyện Trà Ôn đang vận động các hộ nuôi cá tra thâm canh đăng ký thực hiện nuôi theo quy định của Nghị định 55/2017/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Riêng với cá lóc, địa phương vẫn khuyến cáo người dân nuôi rải vụ để nguồn cung không vượt cầu.

Hậu Giang:

Thương lái đặt hàng cây kiểng tết

Nghề trồng hoa kiểng là nghề lâu năm của người dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Mặc dù còn khoảng 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2020, nhưng những ngày qua đã có một số thương lái đến đặt mua cây kiểng với giá khá cao. Theo đó, tùy loại, hình dáng cây kiểng mà có giá dao động từ vài trăm ngàn đồng cho đến vài triệu đồng. Cá biệt có những loại cây quý, thân hình đẹp, tuổi thọ cao, giá tiền có thể lên tới vài chục triệu đồng, thậm chí là hàng trăm triệu đồng. Phần lớn các loại cây kiểng được thương lái tìm mua là: Mai vàng, mai chiếu thủy, mai tứ quý, bông giấy, bông trang…

 Một số thương lái thu mua cây kiểng cho biết, vài năm gần đây, số lượng cây kiểng vùng nông thôn đã bắt đầu khan hiếm, một phần là do người dân đã bán trước đó hoặc cây kiểng còn nhỏ không phù hợp làm bon sai, mặt khác do đời sống kinh tế của người dân ngày được nâng lên, không mặn mà tới việc bán cây cảnh đẹp, làm giá có phần tăng cao.

Tây Ninh:

Giá nhãn giảm thấp

Hiện đang vào mùa thu hoạch nhãn nhưng do giá xuống thấp nên người trồng nhãn huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh gần như không có lợi nhuận. Thậm chí, do giá thuê nhân công thu hoạch nhãn khá cao nên một số nhà vườn để nhãn chín rụng đầy gốc không thu hoạch.

Đầu vụ giá nhãn dao động từ 8.000 - 9.000 đồng/kg. Tuy nhiên khoảng 2 tuần trở lại đây, giá nhãn được thương lái thu mua chỉ dao động từ 6.500 - 7.000 đồng/kg. Trong khi giá thuê nhân công thu hoạch nhãn là 250.000 đồng/buổi, chưa kể tiền thuê mướn nhân công tỉa cành, lựa trái…  Với giá bán như trên, tính ra sau một vụ nhãn người nông dân coi như “trắng tay”. Nguyên nhân giá nhãn xuống thấp là do đang vào chính vụ, lượng nhãn thu hoạch khá nhiều dẫn đến “dội hàng”. Bên cạnh đó, thương lái bắt tay nhau để hạ giá ép nông dân vì giá nhãn được bán ngoài chợ hiện cũng chỉ hơn 20.000 đồng/kg.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Sơn La:

Bà con trồng sơn tra thoát nghèo

Những ngày này, Nậm Lộng - bản xa nhất của xã vùng cao Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đang vào mùa thu hoạch sơn tra. Trên khắp các sườn đồi, trong vườn nhà, những cây sơn tra trĩu quả, chín vàng, hương thơm phảng phất.

Bản Nậm Lộng có 93 hộ, hơn 470 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông chia thành 3 khu dân cư là: Hua Ngà, Trại Bẹ và Nậm Lộng. Cứ tháng 3, tháng 4, hoa sơn tra nở trắng rừng, tháng 9, tháng 10, cây sơn tra lại phủ màu vàng ruộm của trái chín. Trước đây, bà con có quan niệm sơn tra là “của núi, của rừng”, vì thế ai thích hái ở đâu thì hái. Thậm chí, nhiều hộ gia đình thu hái không đúng thời vụ, lấy cả quả non, không bán được, rất lãng phí. Gần chục năm trở lại đây, khi sơn tra có giá trị kinh tế cao, Ban quản lý bản Nậm Lộng đã rà soát diện tích sơn tra, thống nhất chia diện tích sơn tra cho các hộ trong bản quản lý, bảo vệ. Bên cạnh đó, cùng với thực hiện chính sách hỗ trợ cây giống, bản tích cực tuyên truyền, vận động bà con trồng sơn tra vào những diện tích đất trống, đồi trọc và đất trồng cây lương thực kém hiệu quả. Đến nay, cả bản có hơn 400 héc-ta sơn tra đã cho thu hoạch, trong đó 120 héc-ta sơn tra trồng, sản lượng năm nay ước đạt hơn 200 tấn quả. Năm nay, do giá sơn tra cao gấp 3 - 4 lần so với năm ngoái nên dự kiến cả bản sẽ thu về khoảng 3 tỷ đồng. Có thu nhập ổn định từ cây sơn tra, một số hộ dân trong bản đã mua được cả ô tô tải để vận chuyển hàng hóa.

Trước đây, bà con chỉ để cây sơn tra phát triển tự nhiên, khi có quả thì thu hái, giờ đây, bà con đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, phòng chống sâu bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sơn tra tuy là cây rừng nhưng muốn nhiều quả thì phải bón phân, phòng chống sâu bệnh. Bên cạnh đó, một số hộ còn chọn những cây khỏe mạnh, chất lượng quả tốt để ghép, nhân giống. Nhờ đó, mỗi năm, mỗi hộ gia đình thu về hàng trăm triệu đồng từ sơn tra.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, cây sơn tra đang trở thành cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Nậm Lộng. Cuộc sống của các hộ đồng bào nơi đây đã thực sự đổi thay.    

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Mở đợt cao điểm kiểm tra việc kinh doanh đường cát

Tổng Cục quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, tình trạng buôn lậu đường cát qua biên giới, nhất là tại một số tỉnh khu vực Tây Nam có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với số lượng ngày càng nhiều.

Nếu như trước đây, các đối tượng buôn lậu sử dụng hình thức sang chiết đường lậu vào những bao nhỏ, vận chuyển ban đêm để tránh phát hiện, thì hiện nay, các đối tượng chở đường cát lậu công khai bằng xe tải lớn, khi đưa vào thị trường trong nước bán tại các cửa hàng vẫn còn nguyên bao, nhãn mác nước ngoài. Nhiều trường hợp, đường cát lậu sau khi tập kết được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất rồi sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu bao bì nhãn mác của nhà máy, công ty đường trong nước mang đi tiêu thụ. Hơn nữa, đường cát lậu còn được các đối tượng hợp thức hóa khi vận chuyển, kinh doanh để qua mặt cơ quan chức năng dưới nhiều hình thức như: Sử dụng giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; sử dụng vận đơn nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch.

Trước tình hình này, Tổng Cục quản lý thị trường đã có công văn gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc mở đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh mặt hàng đường cát cuối năm 2019. Trong đó, tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh, an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường của các tổ chức, cá nhân; kiểm tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật đối với hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh mặt hàng đường. Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn đường nhập lậu qua biên giới. Xử lý kịp thời, triệt để các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường; ngăn chặn, kéo giảm tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán đường nhập lậu đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành mía đường trong nước.

HÀNG VIỆT

Bắc Kạn:

Xây dựng thương hiệu gạo Nếp Tài của đồng bào Dao

Nếp Tài là giống lúa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở Phiêng Phàng và Nà Pài, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Hiện các
thửa ruộng trồng lúa Nếp Tài của bà con dân tộc Dao đang bước vào thời kỳ chín sữa, chắc hạt.

Giống lúa truyền thống của đồng bào Dao

Nếp Tài là tên gọi tiếng địa phương của đồng bào dân tộc Dao, được dịch là nếp “tự về”. Giống lúa này đã có từ rất lâu và chỉ duy nhất ở hai thôn Phiêng Phàng, Nà Pài trồng được. Lúa trồng ở đây cho hạt gạo hương thơm đặc trưng, khi nấu lên rất dẻo và ráo, mềm nhưng không nát. Đặc biệt, gạo này khi sử dụng làm các loại bánh truyền thống thì sau 3 - 4 ngày vẫn mềm, ngon nên được nhiều người yêu thích. Do là loại cây trồng truyền thống nên bà con chủ yếu trồng để phục vụ gia đình và làm quà biếu, số lượng bán ra thị trường rất ít và cũng chỉ bán tại địa phương. Hai năm trở lại đây, Hợp tác xã Yến Dương đã vận động bà con mở rộng diện tích, đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, từng bước xây dựng thương hiệu để đưa sản phẩm gạo Nếp Tài vươn xa trên thị trường.

Theo truyền thống canh tác của người dân địa phương, mỗi năm, lúa Nếp Tài được trồng một vụ, bắt đầu từ tháng 5 đến cuối tháng 11 dương lịch. Toàn bộ quá trình chăm sóc, bà con hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như phân bón hóa học. Vụ mùa năm 2019, để hoạt động liên kết, bao tiêu được chặt chẽ, nhóm trồng lúa được thành lập. Thôn Phiêng Phàng có 17 hộ tham gia với diện tích gieo cấy là 3,4 héc-ta; thôn Nà Pài có 18 hộ tham gia với diện tích là 3,1 héc-ta. Ngoài ra, nhiều hộ khác cũng tiến hành cải tạo đất, dẫn nước vào ruộng để trồng, nâng tổng diện tích lúa này trên địa bàn lên 15 héc-ta.

Đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc

Hợp tác xã Yến Dương là đơn vị tiên phong trong việc vận động bà con mở rộng diện tích lúa Nếp Tài và đưa sản phẩm trở thành hàng hóa. Để xây dựng thương hiệu, hợp tác xã lựa chọn những hộ còn lưu giữ được giống lúa thuần, không bị lai tạp rồi mới tiến hành gieo cấy. Quá trình canh tác phải thực hiện theo hướng hữu cơ để làm ra những hạt gạo sạch, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Với năng suất đạt từ 35 – 38 tạ/héc-ta, hợp tác xã đã và đang tiến hành phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật cho các nhóm hộ để nâng cao sản lượng. Trước đây, giá bán lẻ thóc nếp ngoài thị trường chỉ khoảng hơn 10.000 đồng/kg, đến nay hợp tác xã bao tiêu với mức giá 14.000 đồng/kg, nâng giá trị kinh tế đáng kể cho bà con. Hơn nữa, tham gia liên kết trồng bà con được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa, theo dõi, chăm sóc phòng trừ chuột hại, sâu bệnh hại đúng thời điểm để nâng cao năng suất.

Nhận thức việc xây dựng nhãn hiệu sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, duy trì uy tín cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm gạo Nếp Tài trên thị trường, thời gian qua, Hợp tác xã Yến Dương đã đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc cho gạo Nếp Tài. Để sản phẩm được bắt mắt, thu hút người tiêu dùng, mới đây, Sở Công Thương Bắc Kạn đã hỗ trợ hợp tác xã thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm. Từ năm 2018 đến nay, gạo Nếp Tài được hợp tác xã mang đi giới thiệu tại các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ lớn; trưng bày tại các trạm dừng nghỉ ở các địa phương như: Trạm dừng nghỉ Hải Đăng (Thái Nguyên), trạm dừng nghỉ Lâm Tuyền (Hà Nam), trạm dừng nghỉ ở Phú Thọ, Lào Cai...

Xây dựng thương hiệu gạo Nếp Tài đang mở ra hướng đi mới, tạo cơ hội cho bà con sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao, tăng thu nhập và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, để sản phẩm ngày càng có sức cạnh tranh trên thị trường, địa phương cần có sự hỗ trợ của các ngành liên quan trong việc chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng; kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ…