Thông tin thị trường giá cả số 13/2021

10:11 AM 13/04/2021 |   Lượt xem: 4711 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Giấc mơ xuất khẩu gừng trên đỉnh Phu xai lai leng

Người trồng gừng tại Phu xai lai leng ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, nơi có độ cao hơn 1.500 mét so với mặt nước biển rất phấn khởi vì cây gừng đã giúp bà con xóa nghèo, làm nhà, mua xe…

Kỳ Sơn và Tương Dương là 2 huyện thuộc khu vực miền núi cao của tỉnh Nghệ An. Khí hậu nơi đây rất thích hợp cho cây gừng phát triển. Trong đó, xã Na Ngoi sát biên giới Việt - Lào có đỉnh núi Phu Xai Lai Leng cao 2.200m so với mặt biển với 100% là đồng bào Mông trồng gừng.

Buộc Mú là bản trồng nhiều gừng nhất ở Na Ngoi (Kỳ Sơn) với diện tích trồng gừng là 52 héc-ta. Trưởng bản Buộc Mú - Xồng Bá Lẩu cho biết, bản Buộc Mú có 95 hộ dân thì gần như ai cũng trồng gừng, chỉ trừ người già cả không còn sức lao động. Trưởng bản Lẩu đã tìm được đầu ra cho bà con, đã liên kết với HTX Hương Sơn ở thị trấn Kỳ Sơn để thu mua gừng. Xuất thân từ học ngành nông lâm nên từ ngày Lẩu làm trưởng bản, bà con được hướng dẫn kỹ thuật nên năng suất tăng lên đáng kể. Gừng vụ này bán được giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg nên bà con ai cũng vui mừng.

Xồng Bá Lẩu khoe với tôi, nhà này cũng do trồng gừng, xe máy cũng do trồng gừng mà có đấy. Nhà nào trồng được nhiều gừng thì vui lắm. Ở Buộc Mú chỉ còn mấy hộ già cả là hơi khó khăn, còn lại bà con đều không phải lo cái đói nữa đâu!

Cũng nhờ trồng gừng mà đời sống bà con người Mông trên đỉnh Phu Xai Lai Leng giờ đây đã đổi thay, thu nhập không ngừng được nâng lên. Năm nay, vụ gừng ở Phu Xai Lai Leng vừa được mùa, vừa được giá nên bà con rất phấn khởi.

Ông Mùa Bá Giờ - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi  hào hứng kể, nếu tính theo giá cận tết năm trước là 25.000 đồng/kg, mỗi héc-ta gừng thu về 300 triệu đồng. Ở Na Ngoi giờ toàn gừng là gừng, nhà nhà trồng gừng, người người trồng gừng. Gừng giúp giảm nghèo và giờ đang là cây làm giàu.

Đặc biệt, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm gừng Kỳ Sơn, trong đó chủ yếu là gừng được sản xuất ở xã Na Ngoi, người dân đã mở rộng diện tích trồng. Vì vậy, địa phương sẽ có kế hoạch tuyên truyền, quảng bá để có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Theo lời trưởng bản Lầu, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Luân, chủ nhiệm HTX Hương Sơn - chuyên thu mua gừng cho bà con nơi đây. Ông cho biết, dù gừng Na Ngoi có đắt hơn các nơi khác nhưng khách rất chuộng. Dự kiến năm nay HTX Hương Sơn sẽ mua trên dưới 1.000 tấn gừng. Thị trường cung cấp chủ yếu là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để họ xuất khẩu. “Từ ngày gừng Kỳ Sơn được cấp bằng chỉ dẫn địa lý thì giá cả tăng lên vùn vụt. Thời điểm cao nhất có giá 45.000 đồng/kg mà vẫn không có hàng để mua. Hiện HTX chúng tôi cũng chỉ mới dừng lại ở công đoạn sơ chế, chưa trực tiếp xuất khẩu được. Nếu xuất trực tiếp sang các nước Tây Á, chắc chắn gừng Kỳ Sơn còn có giá cao hơn nữa” – ông Luân cho hay.

Tiễn chân chúng tôi về xuôi, trưởng bản Xồng Bá Lẩu nói, người dân ở Phu xai lai leng sống nhờ gừng, giàu lên nhờ gừng, diện tích trồng gừng ngày càng lớn. Thời gian tới, huyện Kỳ Sơn sẽ xây dựng mô hình thâm canh giống gừng sừng trâu ở 3 xã Na Ngoi, Nậm Cắn, Tây Sơn để từ đó tuyên truyền mở rộng diện tích trong toàn huyện vào các năm sau.

Điện Biên:

Tăng thu nhập từ trồng ngô vụ đông

Chủ động, linh hoạt tạo mô hình kinh tế mới, cây ngô đã và đang giúp nhiều hộ dân bản Na Ten, xã Hua Thanh, huyện Ðiện Biên, tỉnh Điện Biên xóa đói, giảm nghèo, có cuộc sống đủ đầy hơn.

Bà con bản Na Ten bắt đầu trồng ngô vụ đông từ năm 2014. Ðây cũng là mô hình cây vụ đông đầu tiên của xã Hua Thanh. Bà con tự bỏ vốn, học hỏi trồng theo nhóm với hơn 10 hộ tham gia. Ban đầu, bà con trồng cả ngô nếp và ngô tẻ. Nhận thấy ngô nếp có giá trị kinh tế cao hơn nên từ năm 2015, các hộ đều chuyển sang trồng ngô nếp. Ngô nếp được giá và kinh tế hơn vì tận dụng được cả lá, cây, áo ngô, râu ngô, trâu bò cũng thích ăn thân ngô nếp hơn vì cây mềm. Từ đó đến nay diện tích trồng ngô vụ đông của bản liên tục tăng hàng năm.

Ðến năm 2020, cả bản đã có hơn 13 héc-ta ngô nếp vụ đông với hơn 50 hộ tham gia. Hộ trồng nhiều nhất khoảng 6.000 - 7.000 m2. Tính trung bình 1.000 m2 ngô nếp vụ đông (trồng trong hơn 3 tháng), trừ chi phí thì người dân thu lợi từ 4 - 5 triệu đồng, không tính phụ phẩm cho chăn nuôi.

Nhờ cây ngô vụ đông, người dân Na Ten có thêm thu nhập, có hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Từ đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã thoát được nghèo. Theo rà soát vừa hoàn thành thì Na Ten hiện chỉ còn 6 hộ nghèo, có những hộ mới thoát nghèo nhờ trồng ngô vụ 3 và tận dụng thân cây phát triển chăn nuôi.

Trồng ngô vụ 3 ở Na Ten cũng được xác định là mô hình điểm của xã Hua Thanh để các bản khác học và làm theo. Năm 2020 xã Hua Thanh đã thử nghiệm triển khai ngô vụ đông tại các bản Tâu 5, 6, 7 và bản Co Pục, nâng tổng diện tích ngô vụ đông lên gần 25 héc-ta. Trồng ngô và chăn nuôi gia súc được xác định là hai hướng đi chính trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Đồng Nai:

Thiếu nhân công thu hoạch hồ tiêu

Hiện nay, hồ tiêu đang vào cao điểm thu hoạch, giá tiêu cũng đang tăng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhân công thu hoạch hồ tiêu khiến các nhà vườn lo lắng.

Hiện nay, tại Đồng Nai, giá thuê nhân công làm thời vụ là 250.000 đồng/ngày công hái lượm nhưng vẫn không tìm được người. Tại nhiều vườn tiêu, nhiều hộ chỉ thuê mướn được 2 - 3 nhân công thu hái lác đác giữa vườn tiêu đang chín rộ. Trước mắt, các nhà vườn phải vận động hết công nhà đi hái tiêu, chứ chờ tìm được lao động ngoài thì tiêu rụng hết. Để giải quyết tình trạng thiếu công hái lượm tiêu, nhiều nhà vườn đành mua lưới về trải khắp vườn để tận thu hạt tiêu rụng, tránh thất thoát.

Đáng lo ngại hơn cả là hệ lụy của việc thiếu nhân công thu hoạch tiêu sẽ ảnh hưởng đến vụ kế tiếp của những năm tiếp theo. Vì không thu hoạch để hạt hồ tiêu tự rụng sẽ làm suy cây và sự hồi phục rất chậm. Trong khi đó, mấy năm nay, giá tiêu thấp nên nhiều bà con không đầu tư chăm sóc vườn khiến cây đã kiệt. Nay để chín rụng càng làm cho cây yếu hơn và sẽ làm giảm năng suất, dịch bệnh cho những năm tiếp theo.

Trên thực tế, tình trạng thiếu nhân công thu hoạch tiêu khi bước vào cao điểm mùa vụ năm nào cũng tái diễn. Một số địa phương đã phải tìm giải pháp tình thế để kêu gọi các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, thanh niên nhập ngũ… hỗ trợ bà con thu hoạch tiêu.

Bạc Liêu: Ngư dân trúng mùa con ruốc

Hơn một tuần qua, khu vực ven biển Bạc Liêu xuất hiện nhiều đợt con ruốc với số lượng lớn nên bà con ngư dân thay nhau khai thác. Trong đó, tập trung nhiều ở khu vực ven biển phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) và kéo dài đến huyện Hòa Bình. Với giá ruốc tươi được thu mua khoảng 8.000 đồng/kg và giá ruốc khô dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại, phần lớn ngư dân khai thác có lợi nhuận từ 3 - 5 triệu đồng/ngày/chuyến.

Cao Bằng: Cà chua chín đỏ, giá giảm

Những ngày này, khắp cả cánh đồng ở các nhiều xã thuộc tỉnh Cao Bằng, cà chua đã chín đỏ rực và đến kỳ thu hoạch. Nhưng năm nay người nông dân tại đây không mặn mà thu hái gì, thậm chí một số nơi còn để mặc. Nguyên nhân do giá cà chua giảm mạnh, chỉ đạt  từ 2.000 - 5.000 đồng/kg, thậm chí không có người mua.  Trong khi mọi năm, giá cà chua khoảng 25.000 đồng/kg, có những gia đình trồng nhiều cũng được vài chục triệu đồng/vụ.

Bình Định: Dưa hấu tăng giá

Tiện thương lái thu mua dưa hấu đã về vùng trồng dưa hấu ở huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định để hỏi mua dưa hấu tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá cao so với thời điểm trước giá chỉ đạt 4.500 đồng/kg. Với giá hiện nay, sau khi trừ các chi phí, người trồng lãi ròng 4 triệu đồng/sào. Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, đầu ra cho dưa hấu trồng ở tỉnh Bình Định chủ yếu dựa vào thị trường Trung Quốc nên giá cả bấp bênh. Mỗi khi thị trường Trung Quốc không tiêu thụ mạnh hoặc đường vận chuyển bị trở ngại là lập tức giá dưa hấu hạ. Vì vậy, người trồng dưa tại tỉnh Bình Định thường gặp rủi ro rất lớn. Tại tỉnh Bình Định, dưa hấu là loại cây trồng không có trong quy hoạch, không được khuyến khích trồng vì đầu ra chưa ổn định. Hầu hết diện tích trồng dưa hấu ở đây là do bà con nông dân trồng tự phát.

Đồng Nai: Giá bưởi giảm

Gần đây, giá bưởi tại các huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Định Quán, Vĩnh Cửu,… (Đồng Nai) liên tục giảm khiến người trồng thua lỗ, thương lái không thu mua. Cụ thể bưởi da xanh chỉ còn 8.000 – 10.000 đồng/kg, bưởi đào còn khoảng 6.000 đồng/kg, giảm còn 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh giá thấp, nông dân còn phải đối mặt với việc thương lái kén mua, không mấy mặn mà khiến nhiều vườn phải để bưởi chín rụng. Chưa năm nào giá bưởi thấp khiến người trồng bưởi lỗ nặng như năm nay. Các năm trước, dịp tết và sau tết giá bưởi cao, thường nằm ở mức 30.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính khiến bưởi khó bán, giá thấp là do dịch Covid-19 kéo dài. Mặt khác, mấy năm trước giá bưởi cao, nông dân thu nhập ổn định nên nhiều người chuyển sang trồng bưởi khiến diện tích bưởi tại Đồng Nai tăng vọt, cung vượt cầu, sản lượng nhiều dẫn đến bị thương lái ép giá.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh

Ngay đầu tháng 3, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đồng loạt gửi thông báo tăng giá đến khách hàng với mức tăng 300 - 400 đồng/kg, cá biệt có công ty tăng giá đến 600 - 800 đồng/kg. Đây là đợt tăng giá mới nhất và cao nhất từ trước đến nay và là tháng thứ 5 liên tiếp các công ty thông báo tăng giá tới khách hàng. Theo thống kê sơ bộ, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 17 - 30% so với trước. Trong đó, giá cám tăng nhiều lần và tăng cao. Tính ra mỗi bao cám 25 kg đã tăng tới 40.000 đồng kể từ tháng 10/2020, mức tăng chưa bao giờ có. Dự báo, giá cám sẽ còn tăng nữa do nguyên liệu đầu vào tăng cao. Giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh đầu ra tiêu thụ chậm.

Long An:

Tập trung sản xuất chanh sạch

Huyện Bến Lức, tỉnh Long An được mệnh danh là “thủ phủ chanh” của miền Nam. Trong khi nhiều vùng trồng chanh vẫn đang loay hoay tìm hướng tiêu thụ thì tại đây hơn 90% sản phẩm chanh sạch đã được xuất khẩu mỗi năm.

Hiện huyện Bến Lức có hơn 7.100 héc-ta trồng chanh. Trong đó, có khoảng 1.200 héc-ta được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chanh sạch. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sạch nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm trên thị trường.

Không chỉ có doanh nghiệp đầu tư làm chanh sạch, những năm gần đây rất nhiều nông dân trồng chanh cũng đã ý thức sản xuất chanh theo hướng sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ khi áp dụng đồng bộ sản xuất theo hướng sạch, chanh sau khi thu hoạch bán ra rất ổn định với giá tốt, lợi nhuận tăng gấp 1,5 lần so với sản xuất theo cách truyền thống. Đặc biệt, diện tích chanh ứng dụng công nghệ cao theo hướng GlobalGAP được Công ty The Fruit Republic ký hợp đồng bao tiêu khoảng 1.000 héc-ta. Số diện tích chanh này được sản xuất chủ yếu tại 39 tổ hợp tác và 7 hợp tác xã trồng chanh trên địa bàn huyện. Hầu hết chanh đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và đủ tiêu chuẩn xuất ra thị trường khó tính.

Thời gian tới, huyện Bến Lức sẽ phối hợp với Công ty The Fruit Republic thực hiện Dự án nông nghiệp phát triển vùng chanh bền vững do Hà Lan tài trợ để nâng cao giá trị cho trái chanh. Hoàn thiện thủ tục để được chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho cây chanh Bến Lức. Về liên kết sản xuất, sẽ tiếp tục thực hiện việc liên kết sản xuất đối với cây chanh; tạo các điều kiện tốt để các doanh nghiệp, thu mua chanh và trực tiếp xuất khẩu, chế biến sau thu hoạch. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng 1.200 héc-ta chanh đã thực hiện ứng dụng công nghệ cao, tập trung sản xuất và đến năm 2025 đạt thêm 1.500 héc-ta chanh sản xuất ứng dụng công nghệ cao để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị phạt

Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 1/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi. Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/4/2021.

Trong đó, Khoản 4, Điều 28 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP nêu rõ:

- Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án.

Khoản 2, Điều 22 của Nghị định số 14/2021/NĐ-CP cũng quy định hành vi sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhằm mục đích kích thích sinh trưởng sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Ngoài ra, theo nghị định, hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi sẽ bị phạt từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Trong khi đó, các cơ sở giết mổ tập trung không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ cũng sẽ chịu mức phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

HÀNG VIỆT

Tuyên Quang:

Ðưa sản phẩm OCOP vào du lịch

Tuyên Quang là tỉnh miền núi có tiềm năng và thế mạnh về du lịch và sản phẩm nông nghiệp. Những năm qua, tỉnh đã nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP.

Để OCOP và du lịch gắn kết chặt chẽ và hòa hợp như là một sản phẩm OCOP du lịch, thời gian qua, Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ nhu cầu du lịch. Tỉnh cũng khuyến khích các địa phương chủ động xây dựng, quản lý nhãn hiệu sản phẩm, hình thành nên thương hiệu riêng và trên cơ sở đó hình thành các sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu. Đặc biệt, sau khi đã được gắn sao OCOP, nhiều chủ thể đã chủ động liên kết đưa sản phẩm vào hoạt động du lịch của địa phương. Điển hình như sản phẩm chè Shan Tuyết của HTX Hồng Thái, Na Hang. Khi khách du lịch đến với xã Hồng Thái có thể tham gia du lịch đồi chè, tự tay hái chè theo hướng dẫn và sao chè, đóng gói... Hiện nay, huyện Na Hang có 6 sản phẩm đăng ký sản phẩm tham gia OCOP hoàn thiện hồ sơ đăng ký đánh giá phân hạng. Đạt tiêu chuẩn OCOP là cơ hội để sản phẩm phát triển thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm gắn với phát triển du lịch. Với lợi thế huyện có nhiều điểm du lịch ấn tượng, đây cũng chính là cơ hội lớn để sản phẩm OCOP phát triển thương hiệu, trở thành quà tặng cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Huyện Lâm Bình cũng đã và đang tập trung phát triển về dịch vụ du lịch nông thôn. Tiêu biểu tại huyện Lâm Bình có 3 xã Khuôn Hà, Lăng Can, Thượng Lâm chọn Homestay làm sản phẩm OCOP. Bao gồm: Homestay Mai Tụy, thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà; Homestay Nặm Đíp, xã Lăng Can; Homesay Tài Ngào, xã Thượng Lâm. Bà con huyện Lâm Bình đã được lãnh đạo  địa phương định hướng và cán bộ hướng dẫn cách đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm OCOP. Trong đó có những quy định về việc tiếp đón du khách văn minh, lịch sự; vệ sinh môi trường sạch sẽ…

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch được đánh giá là tiềm năng mới để người nông dân làm giàu trên chính làng quê của mình. Đây cũng là hướng đi mà ngành du lịch tỉnh đang hướng đến. Toàn tỉnh hiện có 52 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất các sản phẩm đạt chuẩn OCOP gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản cho người dân. 

Bình Định:

Phát triển sản phẩm Heo đen An Lão

Là huyện vùng cao của tỉnh Bình Định, thời gian qua, huyện An Lão đã hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển mô hình nuôi heo đen. Mô hình này nhằm phát triển kinh tế hộ, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số và tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Nhằm nhân rộng mô hình, hàng năm huyện An Lão đều hỗ trợ vốn để bà con mua heo giống. Đơn cử như năm 2019, An Lão đã chi 382,5 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia để mua 153 con heo đen giống, hỗ trợ cho 54 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo ở các xã An Quang, An Nghĩa, An Toàn, An Vinh, An Trung, An Hưng và các thôn đặc biệt khó khăn của thị trấn An Lão. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình chăn nuôi heo đen còn được hỗ trợ lưới B40 để làm chuồng trại, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm và được tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc heo đen. Năm 2020, huyện đã mua 270 con heo đen giống hỗ trợ cho 94 hộ dân ở thị trấn An Lão và các xã trên để nuôi. Bên cạnh đó, Phòng NN&PTNT huyện An Lão thường xuyên cử cán bộ kiểm tra, tư vấn cho bà con cách làm chuồng trại, chăm sóc, ngừa dịch bệnh trong quá trình nuôi… Nhờ được hỗ trợ, khuyến khích phát triển, mô hình chăn nuôi heo đen đã phát triển rộng khắp tại nhiều địa phương trong huyện An Lão. Đặc biệt, nhờ đầu ra sản phẩm ổn định nên bà con không phải lo lắng về khâu tiêu thụ.

Xác định heo đen là một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương, năm qua, huyện An Lão đã lập hồ sơ đề nghị chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Heo đen An Lão”. Hiện hồ sơ các sản phẩm đề nghị chứng nhận nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp nhận. Cùng với việc xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm, huyện chú trọng tìm doanh nghiệp để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, nhằm phát huy giá trị các nhãn hiệu, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.