Thông tin thị trường giá cả số 14/2021

10:15 AM 13/04/2021 |   Lượt xem: 4146 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Đông Nam Bộ vào vụ thu hoạch điều

Thời điểm này, các vùng trồng điều ở khu vực Đông Nam Bộ đã bắt đầu thu hoạch điều. Tuy thời tiết năm nay có phần thuận lợi nhưng giá điều chưa có chuyển biến tích cực.

Tại tỉnh Bình Phước, giá điều tươi hiện dao động từ 26.500 - 27.000 đồng/kg; điều khô 31.000 - 34.000 đồng/kg. Giá điều đầu vụ năm nay được cho là thấp hơn đầu vụ năm trước khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg. Nông dân đang hy vọng vào chính vụ, giá sẽ nhỉnh hơn.

Với diện tích 137.000 héc-ta, cây điều ở Bình Phước đang thuộc nhóm dẫn đầu về cây trồng có diện tích lớn và mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương. Năm nay, thời tiết thuận lợi, không còn tình trạng sâu bệnh hoành hành nên tỷ lệ điều ra bông, đậu trái cao và cho thu nhiều đợt. Những năm gần đây, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của nông dân tỉnh Bình Phước ngày càng phổ biến. Mô hình này đang mang lại những giá trị bền vững, làm cho cây điều khỏe, sức đề kháng sâu, bệnh tốt. Việc ra bông, đậu trái tuy chậm hơn nhưng bông ra nhiều lứa, đạt sản lượng cao hơn. Bà con cũng có ý thức tham gia các hợp tác xã trồng điều theo hướng hữu cơ Organic nên được đảm bảo đầu ra. Tại những vùng chuyên canh điều của Bình Phước như các huyện Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú, điều đang chín; không ít vườn điều được chăm sóc tốt vẫn duy trì được năng suất từ 3,5 - 4 tấn/héc-ta.

Tại tỉnh Đồng Nai, huyện Xuân Lộc là địa phương có diện tích trồng điều lớn nhất tỉnh với gần 9.000 héc-ta. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Xuân Lộc cho biết, cây điều trên địa bàn phần lớn được trồng bằng các giống điều cao sản như: PN1, AB29, AB05-08. Mùa điều năm nay, trên địa bàn lại ít sâu bệnh, cây điều ra bông, đậu quả rất tốt. Giá điều tươi bán đầu vụ được thương lái thu mua khoảng 26.000 - 28.000 đồng/kg.  Mặc dù giá thấp hơn năm trước, nhưng bù lại năng suất cao hơn và chi phí đầu tư thuốc bảo vệ thức vật ít hơn nên nông dân vẫn có lãi.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, vụ điều năm 2021 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức nếu giá cả nông sản tiếp tục trầm lắng. Ngay cả ở những vườn điều được dự báo cho năng suất cao, nông dân cũng không được chủ quan. Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con cần theo dõi sát, thường xuyên thăm vườn để có giải pháp xử lý kịp thời với sâu bệnh hoặc thời tiết bất lợi. Nhiều nhà vườn cũng đã chủ động chuyển sang hướng chăm sóc hữu cơ bền vững để tăng độ bền và năng suất của vườn cây.

Bí quyết để có vườn điều năng suất cao là canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế phân hóa học, không xịt thuốc cỏ mà sử dụng máy phát để tránh ảnh hưởng bộ rễ của cây. Khi điều ra bông, gặp mưa trái mùa, bà con nên xịt thuốc làm mát bông, mát cây và phòng bệnh thán thư. Trẻ hóa vườn điều và trồng giống mới năng suất cao, thay thế dần giống cũ.

Thạnh Hóa (Long An):

Khoai mỡ trúng mùa, được giá

Vụ khoai mỡ Đông Xuân 2020 - 2021, nông dân huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An rất phấn khởi vì trúng mùa, được giá.

Ngay từ đầu năm, nông dân Thạnh Hóa đã vào vụ thu hoạch khoai mỡ với năng suất dao động từ 12 - 15 tấn/héc-ta. Không chỉ trúng mùa, khoai mỡ còn bán được giá. Cụ thể, vào đầu mùa vụ, khoai mỡ loại 1 bán với giá trên 20.000 đồng/kg, cao gấp 4 lần so cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, nông dân có lợi nhuận trên 100 triệu đồng/héc-ta. Ngoài ra, trồng khoai mỡ còn tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông nhàn. Vào vụ thu hoạch, một số lao động có thể làm thêm cho các ruộng khoai xung quanh với tiền công 200.000 đồng/người.

Thời gian qua, cây khoai mỡ phát triển góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động nhàn rỗi ở địa phương. Thời gian tới, huyện Thạnh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân trồng khoai theo hướng an toàn, liên kết với doanh nghiệp để tạo đầu ra và giá cả ổn định.

Trên thực tế, cây khoai mỡ ở Thạnh Hóa không chỉ có đầu ra ổn định khi cung cấp cho một số đầu mối tại Tây Ninh, Đà Lạt mà còn có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn trong nước. Bà con trồng khoai mỡ cũng đã nhận được đơn hàng từ phía Nhật Bản, Trung Quốc… Những năm qua, nhiều hộ dân đã chuyển đổi toàn bộ từ trồng khóm, tràm, hoa màu, lúa sang trồng khoai mỡ tiêu chuẩn VietGAP chất lượng cao. Đây cũng là cây trồng mang lại thu nhập cao và ổn định cho bà con.

Nga Sơn (Thanh Hóa):

Tập trung thu hoạch khoai tây vụ đông xuân

Những ngày này, bà con nông dân huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đang khẩn trương thu hoạch khoai tây vụ đông xuân. Năm nay, diện tích trồng khoai tây ở Nga Sơn có năng suất tốt, đầu ra lại được đảm bảo do thực hiện liên kết trong sản xuất nên bà con nông dân rất phấn khởi.

Toàn huyện Nga Sơn trồng được gần 200 héc-ta cây khoai tây, trong đó có trên 160 héc-ta thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm. Đến thời điểm này, có khoảng 80% diện tích cây khoai tây đã được bà con thu hoạch xong. Với giá thu mua và đầu ra ổn định như hiện nay, bình quân 1 héc-ta khoai tây có thể cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Khoai tây tại Nga Sơn được trồng theo hai vụ: Vụ chính thu hoạch trước tết để phục vụ cho bà con ăn tết. Vụ đông xuân thu hoạch cho các công ty hay các thương lái đến mua. Áp dụng cách trồng này sẽ tránh được việc dồn lượng lớn khoai tây gây nên giảm giá bán. Với giá thu mua ổn định như hiện nay, tính trung bình 1 sào khoai tây bà con có lãi 7 – 9 triệu đồng.

Năm nay, khoai tây được mùa, được giá, bà con rất phấn khởi. Từ đầu mùa, thương lái đã đến thu mua khoai tây ngay tại ruộng, không phải vận chuyển, giảm thiểu chi phí đi lại cho người dân. Do tìm được liên kết với các doanh nghiệp nên giá thương lái thu mua cũng cao hơn năm ngoái. Hiện giá khoai tây bán xô cả củ to và nhỏ cho công ty dao động từ 7.500 – 8.000 đồng/kg. Nếu chọn củ to bán riêng thì đạt 10.000 – 12.000 đồng/kg.

Không chỉ đối với khoai tây, hầu hết các loại cây trồng trên địa bàn Nga Sơn đều liên sản xuất với các doanh nghiệp, các hợp tác xã, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Đây là hướng đi cho sự phát triển hàng hóa, tái cơ cấu phát triển ngành nông nghiệp bền vững và tiếp tục được huyện Nga Sơn ưu tiên, khuyến khích phát triển trong thời gian tới.

Cao Bằng:

Cây sa mộc không bán được

Tại xã biên giới Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, cây sa mộc được trồng bao quanh các bản làng của đồng bào dân tộc. Hiện nay, cây sa mộc đang độ tuổi thu hoạch nhưng không có người mua. Theo thống kê từ chính quyền địa phương, Cốc Pàng hiện có 119 héc-ta diện tích cây sa mộc, chỉ đứng sau diện tích cây sắn, cây hồi. Tuy nhiên, người trồng cây sa mộc ở đây hiện đang bế tắc trong việc tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù sa mộc là giống cây thân gỗ có giá trị rất cao, có thể dùng trong xây dựng và đóng đồ gia dụng. Sa mộc trước chủ yếu được bán sang Trung Quốc, tuy nhiên vài năm trở lại đây phía Trung Quốc không còn thu mua nữa. Người trồng sa mộc sau nhiều năm chăm sóc giờ bế tắc, ngậm ngùi chặt bỏ hoặc để đó làm ván, làm củi. Thậm chí, một số hộ không còn kiên trì đã chặt bỏ để trồng thay thế bằng cây hồi, cây sắn. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đang tìm giải pháp nhằm thay thế dần diện tích cây sa mộc bằng cây hồi hoặc các loại cây khác có giá trị để tránh lãng phí đất. Tại Cốc Pàng, cây hồi đang cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân cũng đã bắt đầu chặt sa mộc để trồng hồi.

Nghệ An:

Cà pháo đầu vụ bán chạy

Hiện bà con xã miền núi Tiến Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đang vào vụ thu hoạch cà pháo. Dù giá giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng bà con rất phấn khởi vì cà pháo bán chạy. Bà con cho biết, đầu vụ giá bán tại vườn trên 10.000 đồng/kg, nay mặc dù giảm xuống 5.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ khá mạnh nên bà con vẫn phấn khởi. Cà được vận chuyển đến các thành phố, nhập cho các nhà hàng, khách sạn... để chế biến các món xào với lươn, ếch nên tiêu thụ mạnh.

Là xã miền núi nên đất rộng, chủ yếu là đất màu pha cát, Tiến Thành thích hợp trồng cà pháo. Theo tính toán sơ bộ, mỗi héc-ta cà cho lợi nhuận 200 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng các cây màu khác.

Đắk Song (Đắk Nông):

Rau rớt giá mạnh

Nông dân huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đang lâm cảnh thua lỗ vì giá rau rớt mạnh lại không có người mua. Do tiền bán rau chỉ đủ trả công thu hoạch nên nhiều người đã chọn cách nhổ cho gia cầm, gia súc ăn hoặc phá bỏ để lấy đất trồng cây khác. Từ đầu năm đến nay giá cả bấp bênh, giá rau chỉ từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Toàn huyện Đắk Song có hơn 240 héc-ta rau xanh. Theo kế hoạch, toàn bộ diện tích rau này đều được thu hoạch trong dịp tết nhưng do giá rau rớt mạnh, lại không có người mua nên nhiều diện tích rau chết già ngoài vườn. Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con không nên trồng rau ồ ạt, cần áp dụng khoa học kỹ thuật để canh tác theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng rau, đồng thời thực hiện liên kết để tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.

Trà Vinh:

Lúa đông xuân trúng mùa

Vụ đông xuân năm nay, nông dân Trà Vinh xuống giống hơn 58 nghìn héc-ta. Đến nay, bà con trong tỉnh đã thu hoạch hơn 10 nghìn héc-ta. Nhờ chủ động nguồn nước ngay từ đầu vụ và yếu tố thời tiết thuận lợi, dịch bệnh ít xảy ra nên lúa đông xuân ở một số địa phương trong tỉnh Trà Vinh như Càng Long, Cầu Kè,… đạt năng suất cao, trúng mùa chưa từng thấy. Tại huyện Càng Long năng suất lúa tươi tại ruộng bình quân đạt khoảng 8 tấn/héc-ta. Dự kiến đến cuối tháng 3/2021, bà con sẽ thu hoạch dứt điểm trà lúa đông xuân. Thương lái mua tại ruộng 6.850 đồng/kg. Ngay từ đầu vụ, Phòng NN-PTNT Càng Long đã chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và thực hiện xuống giống đồng loạt. Bên cạnh đó, thời tiết thuận lợi, dịch hại như sâu cuốn lá giảm nên chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm xuống còn khoảng 50% so với cùng kỳ. Cùng với đó, năm nay bà con nông dân đã sử dụng các giống lúa năng suất chất lượng cao như OM 18, Đài Thơm 8, OM5451, OM4900,…

Gia Lai:

Khuyến cáo bà con không mở rộng diện tích trồng ớt

Những năm gần đây, diện tích trồng ớt trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng nhanh vì đây là cây trồng ngắn ngày, dễ chăm sóc lại cho thu nhập cao so với chi phí đầu tư.

Tuy nhiên, do thị trường chưa có đầu ra ổn định, giá ớt lên xuống thất thường nên ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích, tránh bị tồn đọng hàng như các loại nông sản trước đây.

Huyện Kong Chro hiện có gần 1.500 héc-ta ớt đang trong thời điểm thu hoạch. Giá ớt vụ này cao nhất trong các năm trở lại đây nên người dân rất phấn khởi. Cá biệt, trên địa bàn huyện Kong Chro có một số gia đình thu lãi lớn từ ớt do gieo trồng trên diện tích lớn. Có thời điểm, giá ớt tại Gia Lai liên tục tăng cao trung bình từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, thậm chí 120.000 đồng/kg. Với năng suất trung bình khoảng 12 tấn/héc-ta, mỗi sào ớt, người dân thu lãi khoảng hơn 120 - 130 triệu đồng. Diện tích ớt ở huyện Kong Chro những vụ gần đây tăng mạnh đã phá vỡ quy hoạch của địa phương. Huyện Đắk Pơ có diện tích khoảng 300 héc-ta ớt đang thu hoạch. Chỉ tính riêng từ thời điểm cuối năm ngoái đến nay, diện tích ớt đã tăng thêm từ 15 - 20% vì bà con thấy ớt được mùa, được giá nên đua nhau trồng.

Giá ớt tăng cao trong những tháng vừa qua là do các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng mưa bão, diện tích ớt bị hư hại nhiều, nông dân chưa trồng lại kịp. Tuy nhiên, đầu ra chủ yếu của ớt thực tế chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy thu nhập khá hơn các loại nông sản khác nhưng địa phương vẫn khuyến cáo người dân không nên tự ý phát triển diện tích ớt, phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng nông nghiệp. Việc này dễ gây hậu quả kéo giá ớt xuống thấp, do nguồn cung quá nhiều như một số loại nông sản trước đây.

Để cây ớt phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đang phối hợp các địa phương khuyến khích, hỗ trợ người nông dân liên kết sản xuất ớt theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã gắn kết với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến ớt để đảm bảo về đầu ra ổn định khi mở rộng diện tích, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Lạng Sơn:

Bắt giữ gà giống nhập lậu

Trung tuần tháng 3/2021, tại khu vực đường mòn thuộc thôn Cốc Nhãn, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3, Hải Quan cửa khẩu Chi Ma triển khai bắt giữ gia cầm giống nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các đối tượng vận chuyển đã bỏ chạy để lại số hàng với số lượng 5.000 con gà con giống nhập lậu, trị giá số tiền khoảng 50 triệu đồng. Trước đó, tại đường mòn biên giới cách mốc 1.220 khoảng 300m về phía Việt Nam, thuộc thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, lực lượng nghiệp vụ Biên phòng cửa khẩu Chi Ma tiến hành bắt giữ trên 3.000 con gà giống nhập lậu do các đối tượng vận chuyển bỏ chạy để lại, trị giá số hàng khoảng 30 triệu đồng. Thời gian tới, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn, tình hình buôn bán, vận chuyển gia cầm giống, sản phẩm gia súc và nguyên liệu thuốc bắc nhập lậu qua biên giới.

 Gia Lai:

Phân bón đã hết hạn sử dụng vẫn được bán ở cửa hàng

Thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2021 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai, Đội Quản lý thị trường số 6 cùng với Phòng kinh tế thị xã An Khê tiến hành kiểm tra tại hộ kinh doanh Điền Linh, địa chỉ 75 đường Võ Thị Sáu, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện đang bày bán 2 lô phân bón hết hạn sử dụng. Lô thứ nhất gồm 29 bao (mỗi bao 50 kg) nhãn hiệu phân bón hỗn hợp NPK 17-7-17+7S+TE sản xuất tại chi nhánh Công ty Cổ phần Hợp Lực Quốc tế (Bình Dương), trên nhãn bao bì có ghi ngày sản xuất 12/12/2018 hạn sử dụng 2 năm. Tính đến thời điểm phát hiện lô phân bón này đã hết hạn 3 tháng 6 ngày. Lô thứ hai gồm 44 bao (mỗi bao 50kg) nhãn hiệu NPK Hà Lan Lúa F1 NPK + Bo + Đồng + Kẽm + TE sản xuất tại Công ty Cổ phần Phân bón Hà Lan (Long An), trên nhãn bao bì có ghi ngày sản xuất 6/1/2019 hạn sử dụng 02 năm. Tính đến thời điểm phát hiện lô phân bón này đã hết hạn 2 tháng 12 ngày. Tổng cộng 2 lô phân bón hết hạn sử dụng nêu trên có giá trị lên đến gần 28 triệu đồng.    

HÀNG VIỆT

Hà Tĩnh:

OCOP là nhiệm vụ trọng tâm

Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Tĩnh vẫn tiếp tục xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong phát triển kinh tế nông thôn. Do vậy, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm chất lượng, nâng tầm giá trị.

Thay đổi tư duy, nhận thức của người dân

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có sự tập trung rất cao, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Thông qua việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, Hà Tĩnh đã thay đổi tư duy, nhận thức của người sản xuất, các chủ thể và kể cả với người tiêu dùng. Điển hình như đối với sản phẩm nhung hươu Hương Sơn, trước đây chủ yếu bán theo dạng nhung tươi, giờ có thể chế biến ra nhung hươu tán bột, nhung hươu thái lát, rượu nhung hươu và đang triển khai các sản phẩm chức năng khác. Hay đối với sản phẩm nước mắm, trước đây Hà Tĩnh cũng có lợi thế, có tiếng, nhưng chỉ ở địa phương, nay qua thực hiện chương trình OCOP, rất nhiều sản phẩm nâng tầm chất lượng cao, có tiếng vang lớn, được bán ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như nước mắm Luận Nghiệp, nước mắm Nhất Ninh… Sản lượng nước mắm của các cơ sở từ chỗ mang lại nguồn thu mỗi năm chỉ vài trăm triệu giờ nhờ OCOP đã lên tới tiền tỷ. Trong đó, rất nhiều cơ sở mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng năng lượng mặt trời. 

Bên cạnh đó, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh được đánh giá là bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, có logo thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và mã vạch, mã QR phục vụ truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm OCOP hiện đã được trưng bày tại các cửa hàng, điểm giới thiệu, bán sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu đã được tiêu thụ trong hệ thống các cửa hàng phân phối lớn như: Trung tâm thương mại BigC, Coop Mart...

Tỉnh cũng xây dựng phần mềm chấm điểm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhằm phát huy hiệu quả trong công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm. Qua đó, đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch, khách quan.

Khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể tham gia

Tỉnh cũng ban hành chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể tham gia. Điển hình là huyện Hương Sơn - một huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh. Năm nay, Hương Sơn đặt mục tiêu có thêm 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 17 sản phẩm OCOP đạt 3 sao để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Để hoàn thành mục tiêu này, Hương Sơn đã ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ Chương trình OCOP của huyện năm 2021. Cụ thể: Hỗ trợ 30% kinh phí chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại trong chế biến sản phẩm nhung hươu, cam nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm OCOP, tối đa 150 triệu đồng/tổ chức, cá nhân. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt tiêu chuẩn: Hạng 5 sao thưởng 100 triệu đồng; hạng 4 sao thưởng 70 triệu đồng; hạng 3 sao thưởng 50 triệu đồng. Sản phẩm thăng hạng từ 3 lên 4 sao, 4 lên 5 sao được hỗ trợ 30 triệu đồng/tổ chức, cá nhân; từ 3 lên 5 sao được hỗ trợ 50 triệu đồng/tổ chức, cá nhân. Hỗ trợ kinh phí xây dựng, nâng cấp cửa hàng, điểm giới thiệu sản phẩm OCOP và các sản phẩm có lợi thế trên địa bàn, quy mô tối thiểu có mặt bằng từ 100 m2 trở lên, có điểm đậu xe hoặc gần điểm đậu xe thuận lợi gắn với phát triển tua tuyến du lịch; bán và giới thiệu từ 20 sản phẩm OCOP của huyện, 50 sản phẩm OCOP của tỉnh trở lên và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện tham gia OCOP trong năm. Mức hỗ trợ 50 triệu đồng/cửa hàng, điểm bán hàng. Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm tiêu biểu của huyện (đã được công nhận OCOP hoặc đang thực hiện chương trình OCOP) tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại được UBND huyện cử đi nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mức hỗ trợ trong tỉnh không quá 5 triệu đồng/lượt, ngoại tỉnh không quá 10 triệu đồng/lượt, mỗi cơ sở được hỗ trợ tối đa không quá 25 triệu đồng/năm. Hiện nhiều chủ thể, cơ sở sản xuất ở vùng sâu, vùng xa đã đăng ký tham gia OCOP để được hưởng chính sách ưu đãi này.

Thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP theo hướng gia tăng về giá trị, bảo đảm tiêu chuẩn, không phát triển đại trà. Những sản phẩm có thương hiệu của tỉnh, mang tầm quốc gia như: Bưởi Phúc Trạch, Cu đơ Hà Tĩnh... sẽ được định hướng phát triển với quy mô lớn, mang thương hiệu chung... Tùy vào tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đơn vị để gia tăng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân; khuyến khích hình thành các mô hình liên kết sản xuất như: Tổ hợp tác, HTX cùng thực hiện chung một sản phẩm.