Thông tin thị trường giá cả số 15/2021

10:19 AM 13/04/2021 |   Lượt xem: 6318 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Tây Ninh:

Khoai mì được giá

Từ đầu tháng 3/2021 đến nay, nông dân ở Tây Ninh rất phấn khởi khi bán khoai mì (sắn) với giá từ 3.300 - 3.400 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua.

Ông Hà Quốc Triệu, chủ vườn khoai mì hơn 3 héc-ta ở huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết, với giá bán như hiện nay người trồng khoai mì lãi lớn nhưng tiếc là không có nhiều để bán cho thương lái. Theo ông Triệu, giá khoai mì năm nay tăng cao là do dịch Covid-19 tác động nên các nhà máy sản xuất tinh bột mì ở Tây Ninh và trong nước khó khăn trong việc xuất khẩu qua Trung Quốc và mua nguyên liệu từ Campuchia.

Tại Tây Ninh, hiện mùa thu hoạch khoai mì đã vào vụ và nhiều nông dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số phấn khởi vì khoai mì bán được giá cao. Ông Thạch Kim Tuấn, người dân tộc Khmer, ngụ tại thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên cho biết, với năng xuất từ 35 - 40 tấn củ/héc-ta với mức giá như hiện nay người trồng mì lãi trên dưới 60 triệu đồng/héc-ta.

Giá nhập khẩu khoai mì nguyên liệu với trữ lượng bột 30% từ Campuchia qua cửa khẩu bình quân 3.300 - 3.400 đồng/kg. Nhiều thương lái cho biết, mặc dù giá thu mua nguyên liệu khoai mì của Campuchia cao nhưng vẫn khó mua do nguồn cung của họ cũng đã giảm sau khi lượng tiêu thụ của các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì ở Việt Nam tăng mạnh.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, trong niên vụ 2020 - 2021, Tây Ninh trồng được 57.149 héc-ta khoai mì, dự kiến sản lượng khoai mì sẽ đạt khoảng 1,86 triệu tấn. Hiện tại, tỉnh Tây Ninh có 68 nhà máy chế biến tinh bột khoai mì, tổng công suất mỗi năm đạt khoảng 6,4 triệu tấn củ. Các nhà máy này đa số đều sử dụng nguồn nguyên liệu khoai mì nhập khẩu từ Campuchia. Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy hiện đang hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu để sản xuất.

Bà Trần Thúy Hà, chủ một nhà máy chế biến khoai mì ở huyện Tân Biên cho hay, trong những năm gần đây các nhà máy chế biến khoai mì đều sử dụng nguồn nguyên liệu từ Campuchia. Năm nay, vụ mùa khoai mì ở Campuchia giảm sản lượng do tác động của thiên tai, vì thế làm cho nguồn cung giảm và đẩy giá nguyên liệu khoai mì lên cao.

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh - cho biết, tháng 2 năm 2021, kim ngạch nhập khẩu của tỉnh Tây Ninh ước đạt 449,1 triệu đô-la Mỹ, so với tháng trước tăng 20,5% (tăng 148,9% so với tháng cùng kỳ năm trước). Trong 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 821,9 triệu đô-la Mỹ, tăng 80,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khoai mì và các sản phẩm từ khoai mì ước đạt 55,5 triệu đô-la Mỹ, tăng 118,4% so với tháng trước (tăng 127,2% so với tháng cùng kỳ). Tính chung 2 tháng đầu năm 2021 kim ngạch nhập khẩu khoai mì ước đạt 81 triệu đô-la Mỹ, tăng 109,5% so với cùng kỳ.

Theo ông Tuấn, tình hình nhập khẩu nguyên liệu khoai mì sẽ còn tiếp tục tăng do nhu cầu sử dụng nguyên liệu để chế biến của các nhà máy sản xuất tinh bột ở Tây Ninh và trong nước tiếp tục tăng, trong khi nguồn nguyên liệu trồng trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy.

Người nông dân trồng khoai mì ở Tây Ninh đa số đều phấn khởi khi khoai mì bán được giá cao và thương lái trực tiếp đến tận rẫy thu mua như hiện tại.

Ông Hà Đức Lìn, người dân tộc Tày ngụ tại huyện Dương Minh Châu nói rằng, hàng chục năm trồng khoai mì nhưng lần đầu tiên thương lái thu mua không ép giá và trả tiền tươi trước khi đến rẫy thu hoạch. Theo ông Lìn, giá khoai mì nông dân bán hơn 3.000 đồng/kg như hiện nay tính ra cao hơn gấp đôi so với giá một năm trước đây. Vì vậy, nhiều bà con quanh vùng đang tính chuyện gia tăng diện tích trồng khoai mì trong vụ tới khi có nhiều nhà máy đang liên hệ để đặt hàng.

Long An:

Ðậu phộng trúng mùa, được giá

Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An bắt đầu thu hoạch đậu phộng vụ Đông Xuân 2020 - 2021. Vụ này, nông dân phấn khởi vì đậu phộng trúng mùa, được giá.

Vụ đậu phộng Đông Xuân năm nay, toàn huyện Đức Hòa xuống giống hơn 200 héc-ta. Thời tiết thuận lợi, cây đậu phộng phát triển tốt nên năng suất đạt cao, trung bình từ 3,2 - 3,5 tấn/héc-ta đậu phộng khô. Một số ruộng đậu trúng mùa, năng suất đạt 4 tấn/héc-ta.

Ngay đầu vụ, thương lái đã thu mua với giá dao động khoảng 25.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do bước vào thu hoạch rộ nên giá giảm nhẹ, còn 24.500 - 24.800 đồng/kg đậu phộng phơi khô. Đậu phộng vào mùa thu hoạch cũng tạo việc làm cho không ít nhân công tại địa phương. Hiện nay, người nhổ đậu phộng được trả công khoảng 300.000 đồng/ngày; nhân công lặt đậu được trả 60.000 đồng/bao.

Nhiều năm gần đây, diện tích trồng đậu phộng của huyện Đức Hòa giảm. Nhiều nông dân không còn mặn mà với cây trồng này vì chăm sóc vất vả, thiếu nhân công trong khâu thu hoạch. Tuy nhiên, đậu phộng vẫn được xem là cây trồng truyền thống của địa phương bởi ngoài thu nhập từ việc bán đậu phộng, nông dân còn tận dụng được nguồn phế phẩm như dây đậu để làm thức ăn trong chăn nuôi. Vì vậy, ngành nông nghiệp đã động viên bà con việc duy trì diện tích trồng đậu phộng. Về lâu dài, địa phương sẽ hỗ trợ bà con  máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa để giảm lượng nhân công và có những chính sách hỗ trợ về giá để giúp nông dân an tâm sản xuất.

Hà Quảng (Cao Bằng):

Trồng lạc thoát nghèo

Lạc là cây trồng truyền thống từ bao đời nay của người dân vùng cao huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây cũng là cây trồng chủ lực, giúp giảm nghèo cho nhiều hộ dân tộc thiểu số ở các xã vùng Lục Khu.

Trước đây, người dân trồng diện tích còn nhỏ lẻ, chưa áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc nên cây lạc phát triển kém, sản lượng thấp. Nhận thấy cây lạc phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, năng suất, sản lượng cao hơn, huyện Hà Quảng đã phối hợp với một số doanh nghiệp tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân các xã vùng Lục Khu chuyển đổi diện tích một số cây trồng năng suất thấp sang trồng thử giống lạc L14, L23. Qua kết quả trồng thử nghiệm, cây lạc giống mới chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, năng suất, sản lượng cao hơn lạc giống địa phương. Từ đó đến nay, cây lạc hàng hóa đã được bà con các xã vùng cao tập trung phát triển và coi đây là cây chủ lực giảm nghèo bền vững. Đơn cử như xã Thượng Thôn năm 2020 trồng hơn 60 héc-ta lạc, trong đó, diện tích lạc hàng hóa gần 40 héc-ta, năng suất trung bình đạt hơn 20 tạ/héc-ta, sản lượng đạt hơn 100 tấn. Với thu nhập trung bình từ 20 - 40 triệu đồng/hộ từ trồng lạc, nhiều hộ gia đình nơi đây đã có của ăn của để.

Từ diện tích nhỏ lẻ, manh mún, cây lạc đã trở thành cây trồng chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo ở huyện Hà Quảng. Năm 2020, toàn huyện trồng gần 1.000 héc-ta lạc. Trong đó, riêng vùng cao Lục Khu trồng hơn 650 héc-ta, tổng sản lượng đạt hơn 1.600 tấn. Năm nay, giá lạc trắng L14 được thu với giá 11.000 – 13.000 đồng/kg; lạc đỏ địa phương 15.000 – 17.000 đồng/kg. Bà con thấy hiệu quả từ cây lạc, đặc biệt là lạc hàng hóa nên những năm gần đây đã chuyển nhiều diện tích cây trồng một vụ kém hiệu quả sang trồng hai vụ lạc để nâng cao thu nhập. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đã đồng hành cùng với nông dân, hỗ trợ về giống, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người nông dân. Sản phẩm lạc Cao Bằng tiêu thụ chính tại các tỉnh miền Trung, được đánh giá cao về chất lượng.

Hà Tĩnh:

Mực nháy Vũng Áng bán chạy

Mới chớm hè nhưng nhiều du khách đã ghé thăm các nhà bè ở xã Kỳ Lợi, TX. Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để thưởng thức đặc sản nổi tiếng mực nháy Vũng Áng. Lượng mực các chủ bè đi câu và thu mua của bà con trong nhiều thời điểm không đủ để đáp ứng nhu cầu của các thực khách. Hiện giá mực dao động từ 500.000 – 600.000 đồng/kg, hàng về đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Đây là tín hiệu vui cho người dân nơi đây. Mùa mực nháy thường bắt đầu từ giữa tháng 2 đến hết tháng 7 âm lịch. Mực nháy Vũng Áng ngon nức tiếng bởi sự chăm chút, tỷ mẩn của người dân khi đánh bắt ngoài khơi đến lúc chế biến thành các món ăn có hương vị đặc trưng. Những con mực tươi sống được những người thợ lành nghề đi câu trong đêm, thả nuôi vào trong khoang thuyền trữ nước biển rồi đem về bán cho các chủ bè. Trong những dịp cao điểm, chủ bè còn chủ động chạy thuyền ra biển thu mua, sau đó đem thả vào các âu nuôi trong nguồn nước biển sạch. Nhờ đó, mực mới có độ tươi ngon ít nơi có được.

Bình Phước:

Giá cao su cao nhất trong 3 năm

Giá cao su tại Bình Phước và nhiều địa phương tăng mạnh từ đầu năm đến nay và cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, giá cao su tăng cao đúng thời điểm người dân đã dừng khai thác mủ nên thời điểm này chỉ doanh nghiệp được lợi. Theo thống kê, Bình Phước là địa phương có diện tích cây cao su lớn nhất nước với hơn 230.000 héc-ta, trong đó, hơn 60% diện tích thuộc các công ty nhà nước, còn lại của các hộ dân. Do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng, giá cao su tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 3 năm qua khiến người trồng phấn khởi. Tuy nhiên, giá cao su tăng khi hoạt động khai thác mủ của người dân đã ngừng hơn 1 tháng qua do cao su đang vào thời kỳ thay lá trong 3 tháng, người dân quen bán mủ nước ngay sau khi khai thác nên mủ tích trữ hầu như không còn, hiện chỉ còn trong các doanh nghiệp.

Vân Đồn (Quảng Ninh):

Mùa khai thác sứa

Những ngày này, ngư dân các xã đảo của huyện Vân Đồn lại rộn ràng bước vào vụ đánh bắt và chế biến sứa biển. Không như những loại hải sản khác, sứa chỉ cần đánh bắt ven bờ, việc đầu tư ngư lưới cụ đánh bắt sứa lại đơn giản, ít tốn kém hơn so với các nghề chài lưới khác, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân với mức thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/đêm. Hiện trên địa bàn huyện Vân Đồn có 6 xưởng thu mua, chế biến sứa biển, hoạt động ở xã Quan Lạn và Minh Châu. Giá thu mua sứa của các xưởng năm nay là 5.000 đồng/con, giảm 1.000 đồng so với năm 2020. Mỗi xưởng thu mua, chế biến sứa có khoảng 30 lao động làm việc với mức thu nhập khoảng 300.000 đồng/người/đêm. Sứa được phân loại và ngâm muối trong khoảng thời gian 8 ngày rồi đóng thành thùng (hộp) nhựa nhỏ. Hiện tại, thị trường tiêu thụ sứa biển chủ yếu là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam với giá từ 100.000 - 200.000 đồng/thùng tùy chủng loại.

Phù Cát (Bình Định):

Được mùa, được giá đậu phụng

Tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, bà con nông dân các địa phương đang tập trung thu hoạch đậu phụng vụ Đông Xuân 2020 - 2021. Vụ này, nông dân áp dụng tốt quy trình đầu tư, chăm sóc nên cây đậu phụng ít sâu bệnh, năng suất đạt cao, từ 40 - 41,3 tạ/héc-ta. Không chỉ vậy, giá đậu phụng đang ở mức cao, đầu ra thuận lợi. Hiện thương lái thu mua 15.000 đồng/kg đậu phụng tươi, 28.000 đồng/kg đậu phụng khô (cao hơn 3.000 đồng/kg so với vụ này năm trước). Với giá đậu phụng hiện nay, nông dân có thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng/héc-ta, hiệu quả cao gấp 2 lần so với sản xuất lúa trên cùng diện tích.

Con Cuông (Nghệ An):

Ðưa mét thành cây trồng hàng hóa

Những năm gần đây, cây mét trở thành cây hàng hóa quan trọng của bà con dân bản huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An do nhu cầu xây dựng ở thành phố, đan lát đồ thủ công mỹ nghệ của các làng nghề sản xuất đũa, tăm tre…

Nhiều năm nay, nghề trồng rừng nói chung, trồng mét nói riêng đã gắn bó và trở thành cây thoát nghèo của người dân huyện miền núi Con Cuông. Tại đây đã hình  thành nhiều vùng trồng mét tập trung ở các xã: Bồng Khê, Chi Khê, Châu Khê, Đôn Phục… Hiện mét đã trở thành cây trồng chủ lực ở địa phương về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bởi hiệu quả kinh tế gấp 3 – 4 lần trồng cây keo. Nếu trồng keo, phải mất 7 năm mới cho thu hoạch (với sản lượng khoảng 90 tấn/héc-ta, tương đương 60 triệu đồng/chu kỳ). Trừ hết các chi phí, trồng keo chỉ thu thu lãi trên dưới 30 triệu đồng/héc-ta/chu kỳ. Trong khi đó, nếu trồng mét đến năm thứ 6 trở đi, mỗi năm trung bình cho thu nhập 20 triệu đồng/héc-ta, trừ hết chi phí sản xuất, vẫn còn lãi ròng 12 – 13 triệu đồng/héc-ta/năm.

Cây mét đã gắn bó và trở thành cây thoát nghèo của đồng bào các dân tộc huyện miền núi Con Cuông do dễ trồng, lại cho thu hoạch quanh năm. Bà con trồng mét từ việc thu măng mét đến thu hoạch cả cây mét, công việc cứ thế cả nhà làm quanh năm không hết, có những lúc phải thuê thêm nhân công để giúp thu hoạch khi có khách hàng đặt mua với khối lượng lớn. Một số hộ còn mở đại lý thu mua thêm cây mét của các hộ gia đình khác để bán cho các thương lái từ các huyện vùng xuôi trực tiếp lên thu mua. Nhất là trong mùa xây dựng, có bao nhiêu mét cũng bán hết.

Với mục tiêu xác định mét là cây trồng vừa góp phần chống xói lở đất, nhất là vùng ven sông suối, đồi vệ, huyện Con Cuông đặc biệt coi trọng phát triển và mở rộng diện tích trồng cây mét trên quy mô lớn. Từ đó, huyện đã có nhiều chính sách khuyến khích các địa phương và bà con nông dân ở các xã trồng càng nhiều mét càng tốt. Đồng thời, tích cực xây dựng thương hiệu và xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ, biến mét thành cây trồng hàng hóa lớn với thương hiệu “Mét Con Cuông”.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Khánh Hòa:

Tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu

Mới đây, Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa đã  phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam tổ chức tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu bị xử lý tịch thu trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường từ năm 2012 đến 2020 trên địa bàn tỉnh.

Thuốc lá điếu nhập lậu bị xử lý tịch thu tiêu hủy với số lượng gần 35.000 bao các loại, trong đó thuốc lá Jet: 14.600 bao, thuốc lá 555: 3.500 bao, thuốc lá Hero: 5.500 bao, thuốc lá Esse: 5.700 bao và các loại khác: 5.700 bao; tổng trị giá trên 500 triệu đồng.

Việc tiêu hủy đã được thực hiện theo đúng quy trình và quy định của pháp luật dưới sự giám sát chặt chẽ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các cơ quan chức năng có liên quan, đảm bảo vệ sinh môi trường và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Công tác tiêu hủy được thực hiện công khai, thông tin rộng rãi nhằm tuyên truyền, răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm và tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động thương mại của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

Trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển và kinh doanh trái phép thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm việc cam kết không kinh doanh, buôn bán, tàng trữ thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu. Phối hợp tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu và thuốc lá giả đối với sức khỏe của cộng đồng; vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.

HÀNG VIỆT

Tỏi tía Mai Châu

Vừa qua, sản phẩm tỏi tía xã Thành Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Tỏi tía Mai Châu”. Đây là yếu tố căn bản để xây dựng một thương hiệu mạnh cho sản phẩm, góp phần hoàn thành Chương trình OCOP của địa phương.

Tỏi tía là một đặc sản của Việt Nam mà không một giống tỏi nào trên thế giới có thể so sánh về mặt chất lượng. Do đây là giống tỏi địa phương nên bà con nông dân canh tác theo lối truyền thống. Bà con không dùng phân hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nếu có chỉ bón phân chuồng ủ. Sau mỗi vụ bà con lại tự chọn giống để trồng vụ tiếp theo. Củ tỏi tía nhỏ, tép màu vàng, rất nhiều dầu, đặc trưng vị cay và thơm đã tạo nên thương hiệu nổi tiếng của tỏi tía Mai Châu.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ tỏi trên thị trường rất lớn. Bà con thu hoạch đến đâu, lái buôn thu mua hết đến đó. Tuy nhiên, diện tích trồng tỏi của xã Thành Sơn chưa đáp ứng được nhu cầu do đặc thù quỹ đất của xã còn hạn hẹp, việc mở rộng diện tích khó khăn,. Vì vậy, hiện xã chỉ tập trung đáp ứng nhu cầu cho thị trường tại huyện, trong tỉnh, các khu du lịch, khách du lịch, ít cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh. Nhằm mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, địa phương đang có kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, đầu tư về khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, tận dụng quỹ đất vốn đã hạn hẹp.

Đến với Mai Châu – Hòa Bình, bên cạnh những trải nghiệm thú vị về bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, H’Mông, du khách thường mua tỏi tía Mai Châu về làm quà. Đây cũng là một kênh tiêu thụ sản phẩm rất tốt cho người trồng tỏi.

Kiên Giang:

Áp dụng mô hình sản xuất khóm VietGAP

Nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả nghề trồng khóm (dứa), phát huy thương hiệu đặc sản khóm Tắc Cậu, thời gian qua, huyện Châu Thành (Kiên Giang) đã hình thành HTX, tổ hợp tác trồng khóm để giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng.

Tham gia mô hình sản xuất khóm VietGAP, nông dân được dự các khóa tập huấn, nắm bắt quy trình trồng đúng kỹ thuật và được hỗ trợ phân hữu cơ 200 kg/héc-ta. Sau khi thực hiện theo đúng quy trình sản xuất VietGAP, năng suất khóm tăng từ 15 – 25%/héc-ta, trọng lượng mỗi trái khóm cũng tăng, đạt khoảng 1,6 – 1,7 kg/trái, trong khi trước đây mỗi trái chỉ khoảng 1,2 kg. Giá bán theo đó cũng cao hơn trước từ 1.000 – 2.000 đồng/trái, giúp người dân thu nhập từ 30 – 50 triệu đồng/héc-ta/vụ.

Việc sản xuất khóm VietGAP bước đầu đã thay đổi nhận thức của bà con nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt tạo niềm tin về sản phẩm khóm an toàn, chất lượng đối với người tiêu dùng. Bà con được hướng dẫn lập sổ ghi chép tỷ mỷ để theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng cũng như thời gian để bón phân và lượng phân bón, dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Ngoài ra, khi chăm sóc khóm theo quy trình VietGAP chỉ sử dụng phân hữu cơ, điều này làm cho đất thêm màu mỡ, lại giảm công chăm sóc rất nhiều.

Trước khi áp dụng VietGAP, trung bình bà con thu hoạch khóm 4.500 trái/héc-ta/năm. Đến nay, sau một năm triển khai quy trình VietGAP, thu hoạch bình quân đạt 6.000 trái/héc-ta/năm. Đặc biệt, trái khóm đẹp hơn trước, nên có giá cao. Người dân tham gia VietGAP đều rất phấn khởi với hiệu quả sản xuất của mô hình, giúp chi phí sản xuất giảm đáng kể, trong khi lợi nhuận tăng, mang lại giá trị kinh tế cao.

Khóm Tắc Cậu không chỉ đem lại giá trị về mặt kinh tế, nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương mà còn giúp phát triển thương hiệu đặc trưng nổi tiếng, nét đặc sắc trong văn hóa, du lịch của huyện Châu Thành.