Thông tin thị trường giá cả số 16/2021

08:57 AM 20/04/2021 |   Lượt xem: 4991 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Khánh Hòa:

Tỏi giảm giá, bí đầu ra

Khánh Hòa là một trong những địa phương có diện tích trồng tỏi lớn nhất nước. Trong đó, tập trung ở huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Vụ tỏi năm nay, giá đột ngột giảm, ít thương lái thu mua khiến người trồng lo lắng.

Hiện nay, diện tích trồng tỏi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 450 héc-ta, trong đó tập trung nhiều tại xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa) và xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh). Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên tỏi Khánh Hòa được mùa, cho năng suất cao so với mọi năm. Tuy nhiên, khi bước vào vụ thu hoạch rộ, giá tỏi bất ngờ rớt mạnh so với mọi năm, trong khi ít thương lái hỏi mua khiến hàng trăm tấn tỏi tồn đọng.

Vụ tỏi năm nay, toàn xã Ninh Phước trồng khoảng 60 héc-ta hành tỏi, trong đó chủ yếu là diện tích tỏi. Tỏi năm nay cho năng suất từ 10 - 12 tấn tươi/héc-ta. Mặc dù được xem là được mùa song giá tỏi hiện dao động 15.000 - 18.000 đồng/kg, giảm đến 50% so với năm ngoái. Do ít thương lái đến hỏi mua nên hiện toàn xã đang tồn hàng trăm tấn tỏi khô. Theo chia sẻ của người trồng tỏi, đây là năm đầu tiên xảy ra tình trạng tỏi rớt giá, ế ẩm, không có đầu ra khiến người dân lao đao. Nhiều hộ trồng tỏi phải xử lý bằng cách đem phơi khô, đóng vào bao tải bảo quản, chờ giá tăng mới bán. Vì chưa bán được tỏi nên nhiều hộ gia đình không biết lấy đâu tiền để trả chi phí thuê nhân công chăm sóc, thu hoạch cũng như nhiều chi phí đầu tư khác cho vụ tỏi năm nay. Trong khi đó, những năm trước tỏi rất hút hàng, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Mọi năm giá tỏi dao động 30.000 - 40.000 đồng/kg nhưng năm nay tỏi mất giá một nửa nhưng vắng thương lái thu mua.

Tương tự tại vùng trồng tỏi ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh hiện cũng tồn đọng hàng trăm tấn tỏi. Theo số liệu sơ bộ của Hội Nông dân xã Vạn Hưng, năm nay toàn xã trồng 160 héc-ta tỏi. Việc giá tỏi giảm và “bí” đầu ra khiến người dân đứng ngồi không yên, thậm chí thua lỗ nặng.

Theo các thương lái, năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tỏi tiêu thụ khó khăn. Bởi tỏi là một gia vị chế biến món ăn nhưng năm qua nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn… đóng cửa vì vắng khách nên lượng tỏi tiêu thụ trên thị trường cũng giảm theo, mất giá.

Khánh Hòa có nhiều điều kiện phát triển trồng tỏi, nhờ khí hậu ổn định, mưa nhiều, nắng không gay gắt, đất đai rộng rãi. Hầu hết diện tích tỏi ở Khánh Hòa được trồng theo phương thức công nghiệp, có hệ thống tưới phun sương. Nếu đầu tư tốt, thời tiết tốt, tỏi Khánh Hòa có thể đạt năng suất 15 - 19 tấn tươi/héc-ta. Lợi thế của tỏi Khánh Hòa chính là sự tiện lợi trong vận chuyển giúp giảm chi phí đầu vào. Đây cũng là yếu tố các thương lái rất chú trọng trong quá trình thu mua sản phẩm.

Tiền Giang:

Sầu riêng trái vụ giá cao

Hiện nay, tại tỉnh Tiền Giang, sầu riêng đang vào trái vụ với giá tiêu thụ ở mức rất cao. Nhà vườn phấn khởi bởi nguồn thu nhập cao từ cây trồng đặc sản này mang lại.

Sầu riêng là cây trồng có giá trị xuất khẩu cao và cho lợi nhuận trong tốp đứng đầu các cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang. Sầu riêng được trồng thành vùng chuyên canh với những giống chất lượng cao như: Ri6, Mongthong. Tỉnh cũng đã xây dựng thương hiệu “Sầu riêng Cai Lậy” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn địa lý vào năm 2019. Ước tính, toàn vùng hiện có khoảng 14.000 héc-ta sầu riêng chuyên canh. Những ngày qua, tại các vùng sầu riêng chuyên canh, thương lái thu mua tại vườn với giá 90.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá cao và tăng hơn khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng sầu riêng nếu đạt loại tốt nhất thì thương lái có thể đến tận vườn thu mua với giá lên đến 92.000 đồng/kg.

Cẩm Sơn và Long Tiên là hai xã vùng trọng điểm trồng chuyên canh sầu riêng của huyện Cai Lậy. Với năng suất bình quân 20 tấn/héc-ta và giá khoảng 90.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi héc-ta sầu riêng đạt giá trị sản xuất đến 1,8 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí sản xuất, nông dân thu lãi không dưới 1 tỷ đồng. Nhờ vùng chuyên canh sầu riêng, 100% số xã phía Nam Quốc lộ 1 của huyện Cai Lậy đã xây dựng thành công và ra mắt xã nông thôn mới. Trong năm ngoái, xã chuyên canh sầu riêng Cẩm Sơn cũng đã đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới nâng cao.

Tuy giá sầu riêng trái vụ hiện đang tăng mạnh nhưng một số nông dân vùng chuyên canh chưa có thu hoạch. Nguyên nhân là do thời điểm này một số vườn sầu riêng vẫn chịu ảnh hưởng từ đợt hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt năm qua. Trong đó, một bộ phận diện tích cây bị chết phải trồng lại, số còn lại thì bị ảnh hưởng mặn chưa hồi phục được nên nông dân không dám cho cây mang trái. Do vậy, nguồn cung sầu riêng trên thị trường vẫn còn hạn chế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá sầu riêng tăng cao.

Kế Sách (Sóc Trăng):

Ðẩy mạnh xuất khẩu vú sữa tím

Năm 2021 là niên vụ thứ 3 vú sữa tím của huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Singapore. Xuất khẩu trái vú sữa tím đã đạt được dấu mốc mới với sản lượng hơn 156 tấn trong niên vụ 2020 - 2021.

Hiện nay, huyện Kế Sách có diện tích trồng vú sữa hơn 1.800 héc-ta, chủ yếu là giống vú sữa tím tập trung tại các xã: Xuân Hòa, Trinh Phú, Ba Trinh. Diện tích cho trái khoảng 1.600 héc-ta, sản lượng 48.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP là 92,8 héc-ta. Đã đăng ký 18 mã số vùng với diện tích 125,5 héc-ta của 140 nông hộ là thành viên của các hợp tác xã (HTX) tại các vùng trồng vú sữa tập trung. Sản phẩm vú sữa tím của HTX Nông nghiệp Trinh Phú được xếp hạng OCOP 4 sao. Trong niên vụ 2020 - 2021, các HTX đã cung ứng gần 50 tấn vú sữa cho thị trường trong nước với chất lượng cao.

Kế Sách là vùng có lợi thế và diện tích trồng vú sữa tím lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long do các vùng khác diện tích cây vú sữa giảm vì bị thiệt hại bởi mặn và dịch bệnh. Niên vụ 2020 - 2021, xuất khẩu vú sữa tím Kế Sách tăng gần gấp 2 lần so với niên vụ trước là nhờ nhà vườn đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, cỡ trái do bên nhập khẩu đặt ra. Đặc biệt, nhà vườn chuyển sang bao trái bằng túi nylon trong (được cải tiến) giúp trái mau lớn, nặng hơn nên cho năng suất cao, mẫu mã đẹp hơn so với các loại túi bao trái khác; quan sát được mức độ chín của trái nên thuận lợi khi thu hoạch, không bị ruồi đục trái gây hại, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chi phí thấp và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hy vọng với sự đồng hành và gắn bó giữa HTX trồng vú sữa và doanh nghiệp ngày càng bền chặt, sự hỗ trợ từ các nhà khoa học ngày càng hiệu quả để việc sản xuất và xuất khẩu vú sữa tím Kế Sách sẽ đạt được các dấu mốc ngày càng cao hơn.

Hà Tĩnh:

Muống biển bán chạy

Muống biển (người dân thường gọi là muồng biển) là loại cây dại mọc hoang, bò tràn lan ở các bãi cát ven biển nước ta như: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Muống biển được sử dụng như một vị thuốc trong đông ý có công dụng để điều trị dị ứng, chàm, eczema, phù thũng, chân tay đau nhức. Hiện giá bán của loại rễ cây muống biển thường dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Mỗi ngày, người dân chỉ bỏ ra khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ đi đào rễ, dây cây muống biển sau đó đem về nhà chặt nhỏ, phơi khô là có khoản tiền kha khá. Thường thì những lúc rảnh rỗi, nông nhàn, công việc đi đào, cắt rễ, thân cây muống biển mang lại thu nhập khá đều. Mỗi ngày bà con thường kiếm được 200.000 – 300.000 đồng/người. Thu hoạch đến đâu có thương lái thu mua ngay đến đó.

Tiền Giang:

Giá thức ăn liên tục tăng, người chăn nuôi gặp khó

Thời điểm này, giá các loại gia súc, gia cầm (trừ thịt heo) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chỉ ở mức trung bình, một số loại ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ. Trong bối cảnh này, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đẩy giá thành sản xuất tăng theo khiến người nuôi đã khó càng thêm khó. Khoảng tuần nay, giá thức ăn tiếp tục tăng từ 10.000 - 12.000 đồng/bao 25 kg (tùy loại). Trung bình, giá thức ăn dành cho heo tăng hơn 55.000 đồng/bao 25 kg, thức ăn cho gia cầm tăng hơn 40.000 đồng/bao 25 kg (mỗi lần tăng giá từ 5.000 - 10.000 đồng/bao tùy theo công ty). Nguyên nhân giá thức ăn tăng là do nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ, Argentina… ở mức cao. Với giá bán các sản phẩm gia cầm và giá thức ăn như hiện nay, khả năng người nuôi bán, giảm đàn chiếm khoảng 30% - 40%. Riêng đối với gà thịt, khả năng người nuôi không tái đàn sẽ chiếm tỷ lệ cao. Trong 2 tháng tới, dự báo giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng và tăng cao hơn những lần trước.

Cần Thơ:

Giá phân bón tăng

Giá phân bón trên địa bàn thành phố Cần Thơ gần đây tăng cao do tác động bởi giá phân bón trên thế giới, các chi phí vận chuyển, nguyên liệu nhập khẩu… đều tăng. Ngoài ra, dịch Covid-19 khiến cho việc nhập khẩu một số loại phân bón gặp khó khăn, từ đó đẩy giá nhích lên. Hiện tại, phân bón DAP xanh Trung Quốc được các cửa hàng vật tư nông nghiệp bán ra từ 840.000 - 850.000 đồng/bao (50kg), tăng khoảng 240.000 - 250.000 đồng/bao so với cùng kỳ tháng trước. Giá các loại phân urê sản xuất trong nước như Phú Mỹ, Cà Mau và nhiều loại nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia hiện ở mức 450.000 - 510.000 đồng/bao, tăng từ 100.000 - 150.000 đồng/bao… Để ứng phó với tình hình giá phân bón tăng cao, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ, khuyến cáo nông dân cần bón phân cân đối giữa đạm, kali và lân; chú ý điều chỉnh giảm lượng phân đạm phù hợp từng khu vực đất, tránh để cây lúa quá tốt, quá xanh sẽ dễ phát sinh sâu bệnh; vừa tốn nhiều tiền phân bón, vừa tốn thêm tiền mua thuốc bảo vệ thực vật.

An Giang:

Trồng đậu nành rau lợi nhuận cao gấp 5 - 6 lần

Trên những diện tích trồng lúa kém hiệu quả, thời gian qua, một số nông dân trên địa bàn huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng đậu nành rau. Mô hình trồng đậu nành rau bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế nhờ việc bao tiêu sản phẩm của Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco). Công ty cũng hỗ trợ bà con vốn, kỹ thuật trồng đậu nành rau, phân bón, thuốc trừ sâu. Giá bán đậu nành rau theo hợp đồng 10.700 đồng/kg. Bình quân mỗi vụ đông xuân trồng đậu nành rau cho lợi nhuận gấp 5 - 6 lần so trồng lúa nếp. Đặc biệt, sau khi được Antesco kiểm tra đảm bảo tất cả các yếu tố đạt tiêu chuẩn VietGAP được công ty thưởng thêm 200 đồng/kg; còn đậu nành rau loại nhất sẽ được thưởng thêm 100.000 đồng/kg. Đây là một trong những mô hình trồng trọt hiệu quả giúp cho nhiều nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực.   

Gia Lai:

Thu nhập ổn định từ nuôi hươu sao

Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai mô hình nuôi hươu sao lấy nhung và sinh sản ở các huyện: Mang Yang, Krông Pa,  Đắk Pơ… Bước đầu, mô hình đã đem lại những hiệu quả rất khả quan, giúp người dân trên địa bàn, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi phương thức sản xuất để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống.

Dù mới được triển khai nhưng tại huyện Mang Yang, mô hình nuôi hươu sao được thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ của huyện và một phần vốn từ người dân. Với 5 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, mô hình bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp người dân tạo ra sinh kế và có đời sống khá giả từ việc nuôi hươu sao. Khi thực hiện dự án này, huyện cũng đã liên kết với các hợp tác xã để khi có sản phẩm nhung sẽ trực tiếp tiêu thụ cho người dân yên tâm. Trong thời gian vừa qua, các hộ đã thực hiện mô hình nuôi hươu rất hiệu quả nên bà con phấn khởi, đề xuất nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn huyện.

Tại huyện Krông Pa, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung đã mang lại hiệu quả sau hơn 2 năm thử nghiệm. Hươu cái giống đã sinh sản lứa 2 và hươu đực giống cho nhung lần 2 (chưa tính con đẻ năm đầu chuẩn bị cho nhung). Với trọng lượng 400 - 500 gram/cặp nhung (giá thị trường 20 triệu đồng/kg); hươu con có giá 10 triệu đồng/con, mỗi gia đình tham gia mô hình sẽ có thu nhập ổn định. Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức cho người dân tham quan mô hình để bà con học tập, lựa chọn hướng chăn nuôi mới.

Mô hình nuôi hươu sao ở huyện Đắk Pơ được triển khai từ năm 2012. Mỗi hộ tham gia được hỗ trợ từ 6 đến 8 con giống và được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi. Hiện tổng đàn hươu sao trên địa bàn huyện Đắk Pơ gần 80 con, cho hiệu quả kinh tế cao. Giá hươu con từ 3 tháng tuổi trở lên dao động từ 13 đến 15 triệu đồng/con; còn hươu thịt có giá 450.000 đồng/kg. Đây được xem là mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Đồng thời, mở ra hướng đi mới cho việc đa dạng hóa trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương thời gian tới.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Tuyên truyền để người dân không tiếp tay tuồn hàng lậu qua biên giới

Trên biên giới Tây Nam (từ Bình Phước đến Kiên Giang) mùa này, hàng hóa nhâp lậu vẫn tiếp tục tuồn qua biên giới, trong đó có không ít đồng bào trực tiếp tham gia vào hoạt động này. Hàng hóa buôn lậu qua biên giới Tây Nam gần đây chủ yếu là thuốc lá điếu, thuốc tây, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa tiêu dùng và cả ma túy.

Tại khu vực biên giới tỉnh Long An, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường thêm chốt chặn, tăng người kiểm soát chặt người nhập cảnh trái phép để phòng chống dịch Covid-19 nhưng thuốc lá điếu, mỹ phẩm, thuốc tây, quần áo, đồ điện tử, thực phẩm chức năng vẫn thẩm lậu qua biên giới. Ông Phạm Đức Chinh - Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Long An - cho biết, tính từ đầu năm 2021 đến nay, các cơ quan chống buôn lậu của Long An đã bắt giữ hơn 300 vụ hàng lậu; tịch thu hơn 602.000 gói thuốc lá lậu, 100kg pháo nổ và hàng nghìn sản phẩm hàng tiêu dùng khác.

Tại khu vực giáp biên giới Tây Nam của tỉnh Đồng Tháp, nhiều cư dân tham gia làm thuê cho các chủ đường dây buôn lậu như đai vác hàng qua biên giới, dùng ghe xuồng chở thuê hàng lậu, tham gia cảnh giới, cất giữ hàng lậu cả ngày lẫn đêm. Tại khu vực biên giới thuộc tỉnh An Giang và Kiên Giang, ngoài thuốc lá, đường cát, gần đây cơ quan chức năng bắt giữ được nhiều vụ buôn lậu thuốc tây, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trong đó có sự “tiếp tay” của nhiều người sinh sống tại địa phương. Trong khi đó, tại địa bàn tỉnh Bình Phước nổi lên tình trạng nhiều người dân sinh sống trên địa bàn đã tham gia vào nhiều tổ chức buôn lậu pháo nổ. Theo ghi nhận từ các cơ quan chức năng, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng chống buôn lậu tỉnh Bình Phước đã thu giữ hàng nghìn ki-lô-gam pháo nổ, chủ yếu buôn lậu từ Campuchia vận chuyển đi các nơi khác tiêu thụ. Pháo nổ là mặt hàng cấm và bị luật pháp xử phạt nghiêm nhưng vẫn có nhiều người tham gia và bị phạt tù.

Để góp phần ngăn chặn hàng hóa nhập lậu qua biên giới Tây Nam, ngoài tăng cường kiểm tra, các cơ quan chức năng còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến từng cụm dân cư khu vực biên giới, giúp người dân thấu hiểu việc tiếp tay cho hoạt động buôn lậu là hành vi phạm pháp. Tuy vậy, sự hưởng ứng của một bộ phận dân cư “nói không với hàng lậu”, chuyển nghề khác làm ăn chưa nhiều.

HÀNG VIỆT

Lào Cai:

Dứa Mường Khương được bảo hộ nhãn hiệu

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm “Dứa Mường Khương”. Được bảo hộ nhãn hiệu đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy mở rộng thị trường, tạo đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho người dân.

Được mùa, được giá

Hiện nay, toàn tỉnh Lào Cai có 900 héc-ta dứa trồng tập trung ở các huyện biên giới Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát. Trong đó, vùng dứa Mường Khương lớn nhất tỉnh Lào Cai có 755 héc-ta, trong đó cho thu hoạch 708 héc-ta, năng suất ước 25 tấn/héc-ta, tổng sản lượng ước đạt gần 18.000 tấn. Mặc dù xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn nhưng vụ dứa năm nay, nông dân Lào Cai được mùa nhưng không lo mất giá. Vùng dứa lớn nhất Mường Khương đã có nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu vừa đưa vào hoạt động đảm bảo bao tiêu lượng lớn dứa quả cho địa phương với giá mua 4.000 đồng/kg. Đồng thời, không ít thương nhân kinh doanh hoa quả từ miền xuôi lên tận các đồi dứa ở tỉnh Lào Cai đặt cọc thu mua sản lượng lớn với giá bình quân 5.000 đồng/kg (không chọn loại quả).  Còn dứa quả tươi loại to nhất (trên dưới 1kg/quả) có giá bán từ 10.000 – 15.000 đồng/kg và muốn mua nhiều phải đặt hàng trước hàng tuần. Với mức giá này, người trồng dứa có lãi khá cao so với các năm trước.

Tại huyện Mường Khương, dứa là cây trồng có giá trị kinh tế nhưng sản phẩm chưa có thương hiệu, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định nên thường bị ép giá. Nhằm bảo vệ thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh của địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã triển khai dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Dứa Mường Khương”.

Bao tiêu đầu ra cho người nông dân

Đặc biệt, ngay tại vùng dứa, huyện Mường Khương đã kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến dứa. Vì vậy, tới nay, vùng dứa lớn nhất Lào Cai cơ bản đã được trang bị đầy đủ mọi yếu tố của vùng sản xuất hàng hóa khép kín theo chuỗi giá trị. Có thể nói đây là điều kiện cần và đủ trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Để vùng dứa phát triển ổn định, bền vững và mang lại giá trị thu nhập cao, cần có sự phối hợp giữa những người trồng dứa và doanh nghiệp. Để làm được điều này, các hộ trồng dứa ký hợp đồng tiêu thụ dứa với nhà máy chế biến là Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu để ổn định đầu ra cho sản phẩm. Hợp đồng cam kết phải bán sản phẩm dứa cho công ty theo giá thỏa thuận từ đầu vụ và đảm bảo lợi ích hai bên. Mặt khác, cũng nhằm tránh tình trạng giá thị trường cao hơn thì người dân bán ra ngoài, giá thấp thì mới bán cho công ty làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của công ty. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện đã hướng dẫn các hộ dân trồng rải vụ dứa để kéo dài thời gian thu hoạch, giảm áp lực tiêu thụ dứa nói chung và công tác thu mua, chế biến dứa của công ty bao tiêu sản phẩm. Hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc dứa đảm bảo quy trình kỹ thuật nhằm tăng năng suất và thu nhập. Hiện nay, năng suất dứa bình quân mới đạt 25 tấn/héc-ta, nếu đầu tư thâm canh tốt hơn có thể đạt bình quân 30 tấn/héc-ta.

Từ những nương dứa nhỏ lẻ do người dân vùng biên Na Lốc ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương trồng, đến nay, một vùng biên giới đã trở thành thủ phủ dứa quả của tỉnh Lào Cai. Cây dứa đã giúp đồng bào dân tộc nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu.