Thông tin thị trường giá cả số 17/2020

10:53 AM 23/04/2020 |   Lượt xem: 3257 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Mở thêm điểm bán hàng tạm thời, lưu động, dã chiến

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống, bảo đảm giãn cách xã hội, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh mở các điểm bán hàng mới tạm thời, lưu động, dã chiến...

Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm được phép tiếp tục hoạt động. Bên cạnh đó, tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly nếu có. Ngoài ra, Vụ Thị trường trong nước cũng yêu cầu các Sở Công Thương phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp phân phối tổ chức các điểm bán hàng mới gồm các điểm bán hàng tạm thời, lưu động, dã chiến… Điều này góp phần bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục nhu yếu phẩm cho người dân trong trường hợp các điểm bán hàng thuộc hệ thống của các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm trên địa bàn bị đóng cửa vì các lý do dịch bệnh như có trường hợp nhiễm bệnh trong khu vực của điểm bán hàng hoặc thực hiện phương án giảm mật độ người dân đến mua sắm. Đồng thời, hướng dẫn việc tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm như chợ và các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối nhằm vừa bảo đảm cung ứng liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Thực hiện chỉ đạo này, Sở Công Thương Quảng Ninh đã xây dựng phương án triển khai các điểm bán hàng nhu yếu phẩm và đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ bà con trong giai đoạn thực hiện cách ly toàn xã hội kể từ ngày 1/4/2020. Các siêu thị, doanh nghiệp phân phối các mặt hàng nhu yếu phẩm trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện đúng cam kết đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm; sẵn sàng cung ứng hàng hóa hỗ trợ các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn khi xuất hiện hiện tượng khan hiếm hàng hóa.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 883 điểm bán hàng bình ổn giá, tập trung tại 4 thành phố, 2 thị xã và các huyện gồm: Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Cô Tô... Trước đó, ngành Công Thương Quảng Ninh đã phối hợp với các ngành chức năng thành lập 3 tổ điều phối hàng hóa tại 13 địa phương. Thực hiện ký cam kết với các đơn vị phân phối trong, ngoài tỉnh đảm bảo nguồn dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian phòng, chống dịch bệnh.

Để ứng phó với từng cấp độ dịch COVID-19, Sở Công Thương Gia Lai đã xây dựng kịch bản dự trữ hàng hóa nhằm đảm bảo nhu cầu trong dân. Theo đó, lượng hàng dự trữ sẽ tăng theo 5 cấp độ, trong đó đặt trường hợp xấu nhất là cấp độ 5, tổng lượng hàng dự trữ sẽ trên 200 tỷ đồng (tính theo định mức 15 ngày/người). Cùng với đó, Sở Công Thương đã yêu cầu 65 doanh nghiệp, cửa hàng đầu mối lớn trên toàn tỉnh tham gia chương trình bình ổn thị trường. Sở cũng khẳng định, hiện nay, lượng hàng trong các doanh nghiệp, đại lý lớn, siêu thị và số lượng hàng trong dân cũng như ở Cục dự trữ Quốc gia khu vực Tây Nguyên sẽ đảm bảo hàng phục vụ cho bà con trong hoàn cảnh cách ly toàn xã hội từ 3 tháng trở lên. Sở cũng chỉ đạo các doanh nghiệp có kế hoạch bán hạn chế những sản phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu khi có hiện tượng đột biến nhằm hạn chế người tiêu dùng mua hàng để dự trữ.

Ngoài ra, Sở Công Thương một số tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu,… thời gian qua cũng lập điểm bán hàng bình ổn giá tại địa phương. Đồng thời, có kế hoạch bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân. Có thể thấy, việc kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo nguồn cung hàng hóa đang được Chính phủ và các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai quyết liệt và sát sao. Vì vậy, bà con không cần mua hàng dự trữ, không tập trung mua sắm đông người, tăng nguy cơ lây nhiễm. Nên mua sắm với lượng đủ dùng trong 2 - 3 ngày/lần tại các cửa hàng thực phẩm gần nhất hoặc mua hàng trực tuyến để đảm bảo về chất lượng và phòng, tránh lây lan dịch bệnh.          

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Nhu cầu nhập khẩu chuối của Châu Âu tăng cao

Mặc dù dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều nơi nhưng người tiêu dùng Châu Âu vẫn đổ xô mua chuối dự trữ để ăn dần. Nhu cầu nhập khẩu chuối tăng cao là cơ hội cho người trồng chuối các nước, trong đó có Việt Nam.

Nhận thấy nhu cầu nhập khẩu chuối từ châu Âu tăng cao, trong khi Việt Nam có điều kiện khí hậu thuận lợi cho cây chuối, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã đầu tư trồng chuối xuất khẩu. Điển hình là cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa và Dole Asia Holding PTE. LTD đã ký thỏa thuận hợp tác dự án trồng chuối Nam Mỹ trên quy mô 156 héc-ta tại nông trường Thành Long ở Đồng Nai. Sản phẩm chuối Nam Mỹ từ dự án này chủ yếu sẽ dùng để xuất khẩu. Theo đó, ngoài các thỏa thuận về nguồn vốn đầu tư tiềm năng, Dole Asia Holding sẽ đóng vai trò hỗ trợ trong quá trình quy hoạch đồng ruộng, canh tác, giống nuôi cấy mô và hệ thống nhà sơ chế, kho lạnh bảo quản theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp này.

Tại Đồng Nai, diện tích trồng chuối thời gian gần đây tăng khá nhanh. Theo thống kê sơ bộ, hiện Đồng Nai có khoảng 10.500 héc-ta trồng chuối, tăng 4.000 héc-ta so với năm 2019. Đa số diện tích chuối này sử dụng giống chuối già Nam Mỹ, chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một số doanh nghiệp, để tận dụng được thời cơ này, bản thân người trồng chuối phải thay đổi. Trước tiên, bà con phải áp dụng các quy trình sản xuất, thu hoạch và bảo quản tiên tiến, hạn chế hao hụt và hư hỏng sau thu hoạch. Bà con cũng phải liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp để có nguồn nguyên liệu với số lượng lớn, đáp ứng được yêu cầu của các bạn hàng lớn. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chuối và các nông sản khác vào Liên minh Châu Âu (EU). Tuy nhiên, EU có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ với những rào cản về kỹ thuật cho sản phẩm nhập khẩu rất khắt khe. Theo đó, để có được lô hàng chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, người trồng phải đảm bảo từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch… Đặc biệt là việc viết nhật ký sản xuất phải rõ ràng, minh bạch, không gian dối thông tin.

Bình Thuận

Thiếu nguyên liệu cá cơm

Tại Bình Thuận, cá cơm là nguồn nguyên liệu chính để chế biến nước mắm nhưng đang lâm vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Vì thiếu nguyên liệu đầu vào, nhiều cơ sở chế biến nước mắm ở Bình Thuận phải tạm đóng cửa.

Chưa bao giờ các cơ sở sản xuất nước mắm ở Bình Thuận lâm vào cảnh thiếu hụt nguyên liệu như hiện nay. Thành phố Phan Thiết là nơi có làng nghề sản xuất nước mắm trứ danh hơn 200 năm của tỉnh Bình Thuận. Nơi đây nổi tiếng bởi mỗi năm sản xuất được hàng chục triệu lít nước mắm sạch theo phương thức truyền thống. Những ngày này, các nhà lều đang đôn đáo tìm kiếm nguyên liệu phục vụ muối chượp. Thiếu nguyên liệu, không ít chủ cơ sở phải ra tận từng bến, đến tận từng ghe “đặt hàng” với giá cao hơn bình thường nhưng vẫn không có.

Theo các ngư dân, do ảnh hưởng của thời tiết nên nguồn cá cơm đang khan hiếm. Từ trước tết Nguyên đán đến nay, nguồn nguyên liệu cá cơm hầu như không xuất hiện. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất nước mắm thường mở cửa kho mỗi năm 2 lần để nhập nguyên liệu phục vụ muối chượp. Do ảnh hưởng của việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu cá cơm, hiện nhiều nhà lều sản xuất nước mắm ở Phan Thiết phải treo lều tạm nghỉ.

Được biết, Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết hiện có 44 thành viên với quy mô sản xuất khoảng 20.000 tấn, tương đương với sản lượng 20 triệu lít mỗi năm. Tuy nhiên, do tình hình thiếu hụt nguyên liệu nên những năm gần đây, sản lượng nước mắm liên tục sụt giảm. Nếu như năm 2012, sản lượng sản xuất nước mắm trên địa bàn đạt khoảng 15.000 tấn cá cơm thì đến năm 2015, con số này chỉ còn khoảng hơn 10.000 tấn. Từ năm 2016 đến nay, các nhà lều phục vụ sản xuất nước mắm ở Phan Thiết đều không hoạt động hết công suất do thiếu nguyên liệu cá cơm. Đây cũng là nguyên nhân khiến nước mắm Phan Thiết không cạnh tranh được về quy mô sản xuất so với nước mắm Phú Quốc, nước mắm Nha Trang.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Khánh Hòa:

Giá xoài Úc giảm mạnh do dịch bệnh

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ chậm nên giá xoài Úc đang giảm mạnh. Tại huyện Cam Lâm - thủ phủ xoài của tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, giá xoài Úc chỉ dao động trong khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, giá xoài Úc đạt 40.000 - 50.000 đồng/kg.

Theo số liệu sơ bộ, Cam Lâm hiện có hơn 5.000 héc-ta trồng xoài, trong đó, xoài Úc chiếm khoảng 70%. Còn lại là các loại mới được đưa vào cải tạo, chuyển đổi, như xoài cát Hòa Lộc, xoài bồ trắng, xoài bồ xanh, xoài tứ quý… Trong đó, 3 sản phẩm xoài tươi được chứng nhận nhãn hiệu “Xoài Cam Lâm” là xoài cát Hòa Lộc, xoài Úc, xoài canh nông. Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sức tiêu thụ rất yếu khiến giá xoài Úc giảm mạnh. Đặc biệt, xoài không xuất khẩu được khiến lượng hàng tồn đọng nhiều, các nhà vườn lỗ nặng.

Hậu Giang:

Sầu riêng đầu mùa giá cao

Hiện nay đã bước vào đầu mùa thu hoạch sầu riêng. Tuy nhiên, do nguồn cung trên thị trường chưa nhiều nên giá bán khá cao. Cụ thể, sầu riêng Ri 6 cơm vàng hạt lép, giá bán lẻ khoảng 90.000 - 100.000 đồng/kg; riêng những trái chín trên cây chất lượng thơm ngon hơn được bán tới 150.000 đồng/kg. Tiểu thương cho biết, đầu mùa, nguồn cung ít nên giá bán cao. Dự báo, khi bước vào vụ thu hoạch rộ giá bán sẽ giảm dần. Năng suất sầu riêng có khả năng sẽ giảm hơn so với các năm trước do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài.

Thời gian qua, sầu riêng được xác định là một trong những cây ăn trái cho thu nhập cao. Vì vậy, bà con luôn quan tâm chọn giống tốt, mở rộng diện tích vườn cây ăn trái chuyên canh và ứng dụng đồng bộ các kỹ thuật thâm canh. Đặc biệt là xử lý cho trái rải vụ để tránh tình trạng “trúng mùa, dội chợ”. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều vùng sầu riêng đã lâm vào cảnh khó khăn, không có thị trường tiêu thụ. Đây cũng là khó khăn chung của các mặt hàng nông sản hiện nay.

Cà Mau:

Thu nhập cao nhờ trồng bồn bồn

Nắng hạn gay gắt đã khiến nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Cà Mau bị ảnh hưởng, năng suất, chất lượng nông sản giảm. Tuy nhiên, tại huyện U Minh, mô hình trồng bồn bồn vẫn phát triển tốt, cho năng suất cao, mang về nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

Trên thực tế, cây bồn bồn dễ trồng, phù hợp với vùng đất U Minh ngập nước. Các hộ trồng bồn bồn cho biết, 1 héc-ta trồng bồn bồn mang lại hiệu quả kinh tế gấp 5 lần trồng lúa và chuối. Chỉ cần tốn công xuống giống bồn bồn một lần, sau 3 - 4 tháng có thể thu hoạch. Mỗi đợt thu hoạch bồn bồn kéo dài từ 5 - 10 ngày/tháng, sau đó ngưng nhổ từ 15 - 20 ngày để bồn bồn tiếp tục phát triển là có thể thu hoạch trong tháng tiếp theo. Năng suất trung bình từ 1,5 - 2 tấn/héc-ta. Hiện nay, bồn bồn tươi bán với giá từ 19.000 - 22.000 đồng/kg. Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình, trồng bồn bồn còn tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Trung bình mỗi người nhổ bồn bồn có thể nhận được 200.000 đồng/ngày, người lột và cắt bồn bồn có thu nhập từ 80.000 - 120.000 đồng/ngày. Thời điểm hiện nay, tiêu thụ bồn bồn khá ổn định, chất lượng bồn bồn ngon, ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Trà Vinh:

Giá cá lóc giảm mạnh

Nuôi cá lóc đã trở thành một nghề sinh nhai của nhiều nông dân huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Nhưng bắt đầu từ tháng 3 đến nay, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, giá cá lóc thương phẩm từ 35.000 đồng/kg giảm dần cho đến nay chỉ còn 25.000 đồng/kg. Điều khó khăn nhất là hiện tại nhiều thương lái thu mua cá lóc cung ứng cho các thị trường các tỉnh, thành phố đã ngừng mua hàng. Với giá này, bình quân người nuôi cá lóc lỗ từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Nhiều hộ phải tự thu hoạch dần dần và đem bán tại các chợ truyền thống.

Huyện Trà Cú có diện tích nuôi cá lóc nhiều nhất tỉnh Trà Vinh với 171 hộ thả nuôi, diện tích gần 44 héc-ta, hơn 23 triệu con giống. Còn tại huyện Châu Thành hiện còn khoảng 3.650 tấn cá lóc đã đến thời gian thu hoạch nhưng chưa tìm được đầu ra, người nuôi buộc phải neo cá, tự thu hoạch bán dần.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Bắc Kạn:

Bạch Thông thu hoạch mơ vàng

Bạch Thông là một huyện miền núi nằm ở trung tâm của tỉnh Bắc Kạn. Vào tháng 4 dương lịch hằng năm, người trồng mơ nơi đây lại phấn khởi bước vào vụ thu hoạch. Những cây mơ có tuổi đời hơn 20 năm vẫn đều đặn ra hoa, sai quả, giúp bà con có nguồn thu nhập đáng kể.

Huyện Bạch Thông có khoảng 60 héc-ta mơ, tập trung chủ yếu ở các xã: Đôn Phong, Mỹ Thanh, Nguyên Phúc, Quang Thuận, Hà Vị. Đây đều là diện tích mơ lâu năm, nhiều cây đã già cỗi, sâu hại, ít được tỉa cành, tạo tán, bón phân nên phần nào ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên, những giống mơ bản địa này lại được thị trường ưa chuộng, giá thành bán ra cao, bà con dễ dàng thu vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng mỗi vụ. Theo bà con, mơ là giống dễ trồng, không phải mất nhiều công chăm sóc. Một số hộ gia đình do số lượng cây khá lớn nên vụ này phải thuê người hái mơ để kịp bán ra thị trường. Năm nay, vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá mơ thấp hơn so với năm ngoái, chỉ được 11.000 đồng/kg nhưng các hộ trồng mơ vẫn có thu nhập khá. Tính trung bình một hộ trồng 2 héc-ta mơ, mỗi vụ thu về gần 10 tấn quả, bình quân mỗi cây thu được 40 - 50kg, thu hoạch tới đâu có lái buôn mua luôn tại đó.

Để mở rộng diện tích cây mơ, năm 2018, huyện Bạch Thông đã triển khai Dự án “Ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mơ vàng” với diện tích thực hiện 40 héc-ta. Năm 2020, huyện tiếp tục có kế hoạch mở rộng diện tích trồng mơ. Địa phương đang cho các xã đăng ký, đồng thời tổ chức vận động bà con có quỹ đất phù hợp tham gia trồng cây mơ vàng. Nếu thực hiện thành công, huyện Bạch Thông sẽ từng bước hình thành vùng trồng mơ tập trung, về lâu dài mơ sẽ trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con.

Mấy năm trở lại đây, giá mơ khá ổn định, có thể tạo ra nguồn thu nhập bền vững khi hiện tại ở địa bàn tỉnh đã có Nhà máy sơ chế nông sản MISAKI của Nhật. Nhà máy cam kết hoạt động lâu dài, tổ chức bao tiêu đầu ra sản phẩm mơ và một số nông sản cho bà con nông dân.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu khẩu trang và gạo

Bộ Công Thương yêu cầu tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép đối với các mặt hàng phòng, chống dịch bệnh và mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân, đặc biệt là khẩu trang và gạo.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 và các lực lượng chức năng địa phương phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép đối với các mặt hàng nêu trên qua biên giới, đặc biệt đối với mặt hàng khẩu trang và gạo.

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tích cực kiểm tra, kiểm soát, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm liên quan đến các mặt hàng khẩu trang và thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch. Tính từ ngày 31/1 đến 7/4, lực lượng chức năng đã kiểm tra, giám sát và xử lý 7.739 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 3,2 tỷ đồng. Trong đó, ngay đầu tháng 4/2020, tại An Giang, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 vụ xuất lậu khẩu trang y tế số lượng lớn sang Campuchia. 2 vụ xuất lậu này được thực hiện qua một trong các đường mòn lối mở khu vực cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu và Trạm kiểm soát Liên hợp cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên. Các lực lượng chức năng đã thu giữ 36.000 chiếc khẩu trang y tế và xử lý theo pháp luật.

Trước đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã bắt giữ vụ xuất lậu 50.000 chiếc khẩu trang qua biên giới Campuchia. Chi cục Hải quan cửa khẩu Thường Phước - Cục Hải quan Đồng Tháp cũng tiến hành bắt giữ một xe tải chở đầy khẩu trang xuất khẩu, không khai báo hải quan, không có giấy phép chuyên ngành. Chi cục đã thu giữ gần 250.000 chiếc khẩu trang y tế và khẩu trang vải xuất khẩu trái phép.

HÀNG VIỆT

Gạo nếp tan Na Son – Đặc sản của đồng bào Thái

Giống lúa nếp tan được bà con các dân tộc Thái, Mường... ở các tỉnh vùng Tây Bắc gieo trồng, canh tác và lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Trong đó, nếp tan Na Son là loại gạo bản địa của huyện Ðiện Biên Ðông, tỉnh Điện Biên. Đây là sản phẩm OCOP của xã Na Son và đã được đưa vào danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Điện Biên.

Nếp tan Na Son được trồng chủ yếu ở khu vực Sư Lư, xã Na Son bởi thích hợp với chất đất và khí hậu. Trước đây, đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên Đông thường sử dụng đồ nếp trong bữa ăn hàng ngày nên nếp tan là nông sản không thể thiếu trong mỗi gia đình. Nhưng sau nhiều năm tự nhân giống và trồng cùng nhiều loại lúa khác trên cùng khu ruộng, nếp tan bị lẫn tạp, năng suất thấp nên bà con dần bỏ trồng nếp tan.

Trước thực trạng đó, nhằm khuyến khích bà con và tạo cơ hội cho thương hiệu nếp tan phát triển, năm 2016, xã Na Son đã đề xuất đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Nếp tan Na Son Ðiện Biên”. Tuy nhiên, đến năm 2018, thông qua mô hình sản xuất lúa đặc sản nếp tan thuộc Dự án Phát triển chuỗi giá trị cho lúa đặc sản nếp tan tỉnh Ðiện Biên do Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc thực hiện, gạo nếp tan Na Son mới được người tiêu dùng đón nhận. Dự án được khởi động với 5 héc-ta nếp tan Na Son với sự đầu tư, chọn lọc giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật canh tác cho bà con. Ðến năm 2019, dự án tiếp tục được thực hiện với sự tham gia của 17 hộ dân trên diện tích 11 héc-ta. Được sự hỗ trợ của dự án, năng suất, chất lượng gạo nếp tan sau thu hoạch đã tốt hơn hẳn. Đồng bào Thái đã trồng và chăm bón lúa theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên năng suất nếp tan mỗi năm một cao hơn. Hiện năng suất lúa đã tăng từ 35 - 36 tạ/héc-ta lên 40 tạ/héc-ta. Ðến mùa thu hoạch, thương lái vào tận nơi thu mua với giá 12.000 - 14.000 đồng/kg thóc, trên 20.000 đồng/kg gạo, cao hơn các loại lúa, gạo địa phương khác. Vì vậy, bà con tham gia dự án rất phấn khởi. Đặc biệt, đầu năm 2019, nếp tan Na Son đã được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp CCO (trụ sở tại thị trấn Ðiện Biên Ðông) ký hợp đồng liên kết tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm. Ngay trong mùa vụ 2019, HTX đã thu mua hơn 1 tấn nếp tan của nông dân khu vực Sư Lư.

Trên cơ sở thành công bước đầu của dự án, xã Na Son đã triển khai một số hoạt động nhằm xúc tiến tiêu thụ, nâng cao giá trị cho nông sản. Năm 2019, nếp tan đã được xã Na Son chọn là 1 trong 2 sản phẩm OCOP để thúc đẩy phát triển. Tham gia dự thi chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp huyện, nếp tan Na Son được chấm điểm 3 sao được kê tên trong sản phẩm thóc, gạo chủ lực của tỉnh Điện Biên.

Thời gian qua, nếp tan Na Son đã được nhân giống trồng thử ở nhiều địa bàn trong huyện Điện Biên Đông nhưng chỉ tại khu vực Sư Lư mới cho năng suất, chất lượng tốt nhất. Vì vậy, để phát huy giá trị thương hiệu “Nếp tan Na Son Ðiện Biên”, xã đã tích cực khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để bà con gắn bó với cây nếp tan. Xã cũng tiến hành rà soát quỹ đất, quy hoạch vùng sản xuất nếp tan với diện tích nhân rộng là trên 40 héc-ta tại khu vực Sư Lư. Bên cạnh đó, xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền chính sách khai hoang, mở rộng diện tích sản xuất, vận động bà con trồng tối đa diện tích lúa nếp tan vào vụ mùa. Đồng thời, cử cán bộ khuyến nông theo sát, hướng dẫn các công đoạn làm đất, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình. Tận dụng các nguồn vốn để đưa máy móc nông cụ vào sản xuất, xây dựng, tu sửa các công trình thủy lợi, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng... Ðến nay, đa số bà con nơi đây đều tự nguyện, chủ động mở rộng diện tích nếp tan.

Mong rằng với những gì đã gây dựng được, nếp tan Na Son sẽ được biết đến nhiều hơn, có cơ hội vươn xa hơn và mang lại giá trị kinh tế cao cho đồng bào Thái nơi đây.