Thông tin thị trường giá cả số 2/2021

04:16 PM 05/01/2021 |   Lượt xem: 4215 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Long An:

Giá thanh long giảm, nông dân gặp khó

Theo thông tin từ Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, thị trường xuất khẩu chính của trái thanh long vẫn là Trung Quốc. Vì vậy, khi nhu cầu tiêu thụ từ thị trường này không ổn định thì giá thanh long cũng biến động theo. Ngoài ra, giá thanh long vụ này thấp do chất lượng trái thanh long không được tốt vì ảnh hưởng của thời tiết. Bên cạnh đó, gần đây, thị trường Trung Quốc tiêu thụ có phần chậm lại cũng ảnh hưởng đến giá thu mua.

Hiện nay, giá thanh long đang giảm thấp, chỉ ở mức từ 6.000 - 8.000 đồng/kg đối với loại ruột đỏ và từ 5.000 - 6.000 đồng/kg đối với loại ruột trắng. Với giá bán này, người trồng chỉ thu về được một nửa chi phí sản xuất. Nguyên nhân khiến giá thanh long giảm mạnh là do nguồn cung trên thị trường đang dồi dào. Theo đó, từ đầu vụ xông đèn đến nay, thanh long luôn có các lứa chín liên tiếp nhau, không bị đứt đoạn nguồn cung. Hầu hết các vườn xông đèn trái vụ đều cho năng suất ổn định nên thanh long chín đều ở nhiều nơi. Bên cạnh nguồn cung thanh long nhiều, thị trường tiêu thụ cũng đang gặp khó khăn. Do đó, thương lái hạn chế thu mua thanh long ở thời điểm này.

Những năm gần đây, các vụ thanh long xông đèn đều có giá bán không ổn định. Như năm trước, những lúc cao điểm, có khi giá lên đến gần 40.000 đồng/kg nhưng có lúc giảm xuống dưới 3.000 đồng/kg. Khi giá cao, nhiều người đổ xô xông đèn, đến lúc thu hoạch rộ, nguồn cung dư thừa là nguyên nhân chính khiến giá bán giảm.

Thanh long ruột đỏ từng là loại đặc sản mang lại thu nhập cao cho người trồng vì mặt hàng này được thị trường xuất khẩu ưa chuộng. Lúc cao điểm, khi trái thanh long xuất khẩu tốt, thương lái sẵn sàng trả giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, thậm chí lên đến 60.000 đồng/kg hàng loại 1 để xuất đi các nước. Hiện nay, diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Long An  trên 11.800 héc-ta, sản lượng thu hoạch hàng năm trên 330.000 tấn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, người trồng thanh long may lắm là hòa vốn.

Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật xác nhận cấp 54 mã số vùng trồng thanh long cho 9.897 héc-ta với sản lượng ước đạt trên 245.000 tấn/năm trên địa bàn của 4 huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và TP. Tân An. Đối với việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, thời điểm giữa năm 2020, Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH LaviAgr thuộc Tập đoàn Lavifood bao tiêu 100 héc-ta thanh long tại huyện Châu Thành. Theo thỏa thuận này, LaviAgr sẽ mua thanh long ruột đỏ được trồng tại huyện Châu Thành theo quy trình canh tác sạch, có đầy đủ nhật ký canh tác, đạt số lượng thanh long chất lượng (loại I và loại II) từ 3.000 - 3.500 tấn. Giá mua sẽ được thỏa thuận theo từng thời điểm thu hoạch trong năm. Khi trái chín, bà con tiến hành thu hoạch và chở đến điểm thu mua của doanh nghiệp sẽ nhận ngay 30% tiền đặt cọc, giao hàng dứt điểm được nhận tiền trong thời gian một tuần. Bước đầu thực hiện, người dân còn rất e dè vì tâm lý bán trực tiếp cho doanh nghiệp không bằng với bán trái chín tại vườn. Tuy nhiên, tại thủ phủ thanh long Châu Thành đã có khoảng 20% nhà vườn  bắt tay thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng. Với cách làm này, người trồng thanh long ngày càng tin tưởng hơn vào đề án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Đây là một tín hiệu vui của tỉnh Long An trong bối cảnh nền nông nghiệp đang tăng trưởng chậm vì ảnh hưởng của thiên tai, hạn mặn và dịch bệnh COVID-19.

Lào Cai:

Thu nhập cao từ trồng rau trái vụ

Thời gian qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở vùng cao Lào Cai đã có thêm thu nhập từ trồng rau trái vụ. Tuy không phải là cây trồng mới nhưng gần đây mới được bà con các dân tộc vùng cao đưa vào trồng với diện tích lớn.

Đặc điểm khí hậu vùng cao quanh năm mát mẻ, lượng mưa và độ ẩm thích hợp nên ngay cả khi trồng trong mùa hè, những loại rau ưa mát vẫn xanh tốt. Bởi vậy, sản xuất rau trái vụ trở thành thế mạnh ở các huyện vùng cao như: Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát… Hiện rau trái vụ ở Si Ma Cai thường được vận chuyển về dưới xuôi tiêu thụ. Có thời điểm khan hiếm, bắp cải Si Ma Cai bán được với giá 15.000 - 20.000 đồng/kg (cao gấp 3 - 4 lần so với bắp cải chính vụ). Chính vì thế, phong trào trồng rau trái vụ dần dần đã lan ra các xã khác trong huyện Si Ma Cai. Năm 2020, huyện Si Ma Cai có kế hoạch trồng 50 héc-ta rau trái vụ. Tuy nhiên, do thời gian qua tiêu thụ thuận lợi nên huyện phấn đấu trồng khoảng 100 héc-ta, đồng thời tích cực liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm bao tiêu sản phẩm.

Tương tự Si Ma Cai, huyện Mường Khương cũng có điều kiện khí hậu thuận lợi để trồng các loại rau ôn đới nhưng trước đây bà con chủ yếu trồng để làm thực phẩm cho gia đình, thừa mới đem ra chợ bán. Nhận thấy các loại rau ưa mát thường được tiêu thụ mạnh tại các vùng thấp hoặc mùa hè, giá bán cao nên từ năm 2020, ngành nông nghiệp huyện Mường Khương đã đẩy mạnh việc đưa các loại rau ôn đới vào sản xuất. Đặc biệt, các loại rau trái vụ, rau vụ đông sớm tại Mường Khương đều được sản xuất theo hình thức liên kết giữa người dân với doanh nghiệp. Từ đầu vụ đến nay, 1/3 số diện tích đã được doanh nghiệp thu mua. Lúc cao điểm giá thu mua lên tới 12.000 - 15.000 đồng/kg bắp cải nên người trồng rau có lãi khá.

Phú Yên:

Người chăn nuôi bò phấn khởi

Những tháng giáp tết, nhu cầu tiêu thụ thịt bò để chế biến thực phẩm tăng, đẩy giá bò tại Phú Yên lên cao; người nuôi bò phấn khởi vì có thu nhập khá.

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Yên, tổng đàn bò toàn tỉnh khoảng 180.000 con với 74% là bò lai. Hơn một tháng qua, bò bán rất chạy, thậm chí có những thời điểm thương lái đặt cọc trước ngay tại chuồng. Hiện thương lái mua bò đang đổ về các vùng trọng điểm của tỉnh như: Tuy An, Phú Hòa, Đồng Xuân… để tìm mua. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ thịt bò tăng mạnh trong khi nguồn cung có hạn nên giá bò liên tục tăng. Trước đây, giá thịt bò chỉ khoảng 70.000 - 75.000 đồng/kg hơi, nay đạt 80.000 - 87.000 đồng/kg hơi (tùy giống) mà vẫn không có bò bán. Trong khi đó, người nuôi thấy bò tăng giá nên có tâm lý giữ bò chờ giá tăng thêm khiến việc thu mua càng khó khăn.

Tuy nhiên, năm nay thời tiết biến đổi khá thất thường là điều kiện thuận lợi để các loại virus gây bệnh bùng phát tấn công. Để bảo toàn đàn vật nuôi, hạn chế rủi ro, người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, tiêm phòng vắc-xin, tăng cường kiểm soát vận chuyển, mua bán động vật. Đặc biệt, người chăn nuôi phải quan tâm đến vệ sinh môi trường, chuồng trại định kỳ 2 lần/tuần, phun thuốc tiêu độc sát trùng môi trường; chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý. Hàng ngày, tăng cường bổ sung muối khoáng, cỏ xanh và cháo cám gạo để giúp bò tăng trọng nhanh, nâng cao sức đề kháng với dịch bệnh. Bà con cũng cần chú ý đến chất lượng con giống, khi cho nhập đàn mới phải nuôi nhốt cách ly và theo dõi trong vòng 15 ngày để đảm bảo không bị lây nhiễm dịch bệnh từ ngoài vào. Khi phát hiện vật nuôi có dấu hiệu bệnh hoặc chết thì báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để được xử lý kịp thời. 

Lai Cậy (Tiền Giang):

Sầu riêng tăng giá

Vụ này, do ảnh hưởng của hạn mặn nên sản lượng sầu riêng tại huyện Lai Cậy, tỉnh Tiền Giang giảm. Nhiều diện tích trồng sầu riêng bị thiệt hại trên 70%. Hiện nay, giá sầu riêng đang rất cao, từ 150.000 - 170.000 đồng/kg. Nguyên nhân một phần do khan hiếm một phần do đã vào cuối mùa nên giá cao. Do ảnh hưởng bởi hạn mặn, nông dân không mạnh dạn xử lý cho toàn bộ diện tích trồng nên sản lượng giảm. Trong khi đó, nguồn cung ít nên giá sầu riêng tăng. Mặt khác, nông dân cũng trông chờ vào giá cả thị trường để có được lợi nhuận chứ xử lý toàn bộ để thu hoạch ồ ạt cùng một lúc đôi khi bị mất giá.

Hậu Giang:

Nhà vườn chuẩn bị gần 60 tấn mãng cầu xiêm phục vụ tết

Năm nay, nhà vườn ở tỉnh Hậu Giang dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường gần 60 tấn trái mãng cầu xiêm dùng để chưng trong ngày tết. Nơi cung cấp số lượng trái mãng cầu nhiều nhất tỉnh Hậu Giang là Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp. Hợp tác xã có gần 60 héc-ta trồng mãng cầu xiêm hiện đang vào vụ thu hoạch trái, ước sản lượng thu hoạch từ nay đến tết khoảng 1.000 tấn. Do mãng cầu xiêm là một trong những loại trái cây được người dân ưa chuộng trưng bày trong mâm ngũ quả vào dịp tết với ước mong năm mới đủ đầy, sung túc nên năm nay ngoài cung ứng theo hợp đồng ký kết với doanh nghiệp, hợp tác xã còn chuẩn bị hơn 50 tấn trái phục vụ nhu cầu chưng tết. Thông thường, mãng cầu xiêm được bán với giá từ 20.000 - 45.000 đồng/trái, tùy theo mẫu mã, chất lượng. Tỉnh Hậu Giang có hơn 760 héc-ta trồng mãng cầu xiêm, trong đó phần lớn diện tích được doanh nghiệp bao tiêu để chế biến trà mãng cầu, nước mãng cầu...

Lạc Dương (Lâm Đồng):

Atiso tiêu thụ khó

Hiện nay, nhiều nhà vườn ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đang gặp cảnh khó khăn do mô hình trồng Atiso không mang lại hiệu quả. Từ đầu năm 2020 đến nay, cây Atiso thường xuyên bị sâu bệnh, sản lượng thấp, sản phẩm làm ra doanh nghiệp không thu mua khiến nhiều hộ trồng Atiso không có nguồn thu. Năm trước, các hộ bán bông Atiso được 250.000 đồng/kg, năm nay chỉ được 12.000 - 15.000 đồng nhưng bán rất chậm. Nhiều hộ chọn giải pháp phơi khô để ở nhà cũng không ai mua. Còn lá thì nhiều bà con bỏ từ đầu năm đến giờ không ai lấy. Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Lạc Dương, từ năm 2018 tới nay, toàn huyện có gần 100 nông hộ tham gia vào mô hình liên kết sản xuất Atiso với Công ty Ladopha. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các sản phẩm Atiso đều không bán được, nhiều gia đình đã chuyển sang các loại cây trồng khác.

Sơn La:

Giá nông sản tăng

Những ngày cuối năm 2020, giá một số loại nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La tăng mạnh. Giá thu mua ngô hạt, sắn lát tại các đại lý tăng mạnh từ 1.200 - 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện giá sắn lát đạt mức 4.500 - 5.000 đồng/kg; giá sắn tươi từ 1.800 - 2.000 đồng/kg; giá ngô hạt từ 6.400 - 6.500 đồng/kg. Dự báo, xuất khẩu ngô, sắn lát có nhiều khả năng tăng trong thời gian tới khi giá sắn, ngô nội địa Trung Quốc tiếp tục xu hướng tăng do lượng tồn kho thấp. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc có xu hướng mua sắn lát Việt Nam và Thái Lan nhiều hơn. Tuy là cây ngắn ngày không khuyến khích phát triển nhưng đối với nhiều vùng ở Sơn La, ngô, sắn vẫn là những cây trồng đem lại nguồn thu nhập chính cho bà con khi chờ nguồn thu từ cây trồng lâu năm và có thêm nguồn lương thực để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.  

Bình Định:

Hiệu quả từ chuỗi liên kết sản xuất dừa hữu cơ

Năm 2017, Hợp tác xã Nông nghiệp Ngọc An (Bình Định) được Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV lựa chọn thực hiện chương trình “Tăng cường cơ hội cho doanh nghiệp nữ/Nâng cao vai trò phụ nữ trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp” (FLOW/EOWE) do Bộ Hợp tác Phát triển của Vương quốc Hà Lan tài trợ.

Trên cơ sở này, Hợp tác xã (HTX) đã liên kết 200 hộ dân tại địa phương triển khai trồng khoảng 4.000 cây dừa theo hướng hữu cơ và bao tiêu đầu ra. HTX cung cấp vật tư nông nghiệp, hỗ trợ phân bón hữu cơ và hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cho cây. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn để bà con được hướng dẫn cụ thể kỹ thuật thâm canh, chăm sóc cây dừa sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao.

Kết quả cho thấy, hiệu quả trồng dừa theo hướng hữu cơ cao hơn so với trước đây bởi dừa ra trái nhiều hơn, trái to; đầu ra được bao tiêu. Mỗi năm, vườn dừa thu hoạch 3 lần, sản lượng 500 - 600 trái/lần (cao hơn trước đây, chỉ 300 - 400 trái/lần). Toàn bộ dừa trồng theo phương pháp hữu cơ đều được HTX thu mua để sản xuất dầu dừa tinh khiết và bánh tráng dừa. Đến nay, sản phẩm dầu dừa tinh khiết của HTX đã được tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận OCOP vào năm 2019 hạng 4 sao; sản phẩm bánh tráng dừa cũng được tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP vào năm 2020 hạng 3 sao.

Chuỗi liên kết sản xuất dừa hữu cơ mà HTX đang thực hiện với bà con địa phương góp phần tăng thu nhập từ cây dừa. Quan trọng nhất là sự thay đổi này mang tính bền vững. Ngược lại, HTX Ngọc An cũng được đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch để sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và góp phần bảo vệ môi trường.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Cao Bằng:

Phòng, chống buôn lậu, hàng giả qua khu vực biên giới

Xác định những tháng cuối năm là thời điểm gia tăng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua khu vực biên giới, tỉnh Cao Bằng đã yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp và có những giải pháp cụ thể trong việc đấu tranh, khắc phục tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Để kịp thời và chủ động trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát đối với việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu qua biên giới, đồng thời nâng cao ý thức và các biện pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu các lực lượng chức năng quán triệt sâu sắc, đề cao trách nhiệm và có những giải pháp cụ thể trong việc đấu tranh, khắc phục tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua biên giới. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập khẩu, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của các thương nhân và cư dân biên giới. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ. Ðồng thời, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua các đường mòn, lối mở, khu vực biên giới, các chợ, nơi tập trung buôn bán đông người… Các lực lượng chức năng cũng cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khu vực biên giới với mức độ cảnh giác cao nhất. Dịp cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại cũng như xuất nhập cảnh trái phép sẽ còn diễn biến phức tạp. Do đó, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát ngay từ biên giới của các lực lượng chức năng, Cao Bằng đang đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động thông tin, tố giác đối với những hành vi này.        

HÀNG VIỆT

Thanh Hóa:

Xây dựng 15 điểm bán hàng Việt

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai xây dựng được 15 điểm bán hàng có biển hiệu chỉ dẫn Điểm bán hàng Việt Nam. Các điểm bán hàng Việt đã trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy của bà con, nhất là trên địa bàn các huyện miền núi.

Điểm bán hàng Việt Nam chính thức đưa vào hoạt động đã góp phần bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn nông thôn, miền núi của tỉnh Thanh Hóa, nhất là vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Tại các địa phương có điểm bán hàng Việt Nam, nguồn hàng luôn dồi dào nên không xảy ra hiện tượng khan hiếm hay thiếu hụt hàng hóa. 100% hàng hóa bày bán tại các điểm hàng là hàng sản xuất trong nước, chủng loại đa dạng, xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm, giá luôn được niêm yết công khai.

Song song với việc xây dựng các điểm bán hàng hóa được sản xuất trong nước, hàng năm, Sở Công Thương Thanh Hóa tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Mỗi phiên chợ có khoảng 20 gian hàng do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước tham gia. Hàng hóa bày bán tại các phiên chợ 100% là hàng Việt Nam, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng với chất lượng bảo đảm, giá hợp lý.

Bên cạnh đó, nhằm đa dạng hóa đầu ra cho các sản phẩm, Thanh Hóa thường xuyên tổ chức trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của tỉnh tại một số điểm ở khu dân cư đông đúc, thuận tiện cho người dân đi lại,vận chuyển. Tại mỗi điểm đều có hàng chục sản phẩm hàng hóa đặc trưng của các vùng, miền đã được công nhận là sản phẩm OCOP Thanh Hóa. Ngoài ra, nhiều sản phẩm đang được xây dựng thành sản phẩm OCOP, những sản phẩm nông - lâm nghiệp tiềm năng cũng được bày bán để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn. 

Đến nay, Thanh Hóa có 42 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm đã đề xuất trở thành sản phẩm OCOP quốc gia.

Tuyên Quang:

17 sản phẩm đạt OCOP 4 sao

Mới đây, tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP năm 2020 đợt 2.

Trong đợt 2 này, Tuyên Quang có 53 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 12 sản phẩm đạt 4 sao, 41 sản phẩm đạt 3 sao. Trước đó, vào tháng 10/2020, Tuyên Quang đã công nhận 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh (đợt 1), gồm: 5 sản phẩm đạt 4 sao, 21 sản phẩm đạt 3 sao. Như vậy, đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 17 sản phẩm đạt 4 sao, 62 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Hầu hết các sản phẩm 4 sao đều là sản phẩm đặc trưng của các vùng miền như: Chè Shan tuyết, cam sành Hàm Yên, mật ong hương rừng Phong Thổ… Việc đạt 4 sao OCOP giúp nâng tâm sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang; thúc đẩy người dân phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao giá trị.

Những năm gần đây, nhiều sản phẩm của Tuyên Quang đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu nên khách hàng tìm đến sử dụng, một số sản phẩm được Chính phủ làm quà tặng khi nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam như: Chè Shan tuyết 1 tôm 1 lá Hồng Thái, chè Shan tuyết Hồng Thái lộc trà của Hợp tác xã Sơn Trà (Na Hang).