Thông tin thị trường giá cả số 30/2020

03:00 PM 26/07/2020 |   Lượt xem: 3583 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Giá thanh long dần hồi phục

Ngay những tuần đầu tháng 7/2020, giá thanh long bắt đầu tăng trở lại. Các vùng trồng thanh long của huyện Châu Thành, Tân Trụ (Long An), Hàm Thuận Nam, Châu Thành (Bình Thuận) tấp nập thương lái thu mua thanh long xuất khẩu.

Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết, những ngày qua, giá thanh long liên tục tăng trở lại, thậm chí có ngày giá được điều chỉnh tăng 2 - 3 lần. Hiện các nhà kho tiêu thụ thanh long phát giá mua tại kho đối với thanh long ruột đỏ loại 1 từ 40.000 - 42.000 đồng/kg, loại 2 từ 30.000 - 32.000 đồng/kg. Đối với doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu đi Trung Quốc, giá thanh long thu mua từ các nhà kho ít nhất cũng đạt 48.000 đồng/kg trở lên. Một số doanh nghiệp thiếu hàng phải nhập thêm từ tỉnh Bình Thuận mới đủ để cung ứng, trong đó nhập nhiều nhất là thanh long ruột trắng. Dự báo, giá thanh long có thể tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới.

Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cũng cho biết, nguyên nhân khiến thanh long xuống giá thời gian trước đây một phần do hạn, mặn đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng thanh long. Hầu hết những diện tích thanh long mà người dân bán với giá 2.000 - 3.000 đồng/kg đều do thanh long bị thiếu nước, nhỏ trái, chất lượng kém. Những loại thanh long kém chất lượng đó, các chủ kho chỉ có thể nhập về để bán cho các công ty trong nước sản xuất nước ép và các loại thực phẩm đóng gói, không thể xuất khẩu. Ngoài ra, hầu hết diện tích bị phá bỏ đều không nằm trong phạm vi các hợp tác xã mà chủ yếu là do các hộ nhỏ lẻ trồng tự phát. Các hộ này chỉ sản xuất theo phương thức truyền thống, chất lượng thanh long không cao. Do đó, qua đợt hạn, mặn vừa rồi, hầu hết các diện tích này đều bị ảnh hưởng, nhiều hộ vì thua lỗ nên phá bỏ, chuyển sang trồng cây khác.

Tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, thương lái đến tận vườn thu mua với giá trung bình là 16.000 đồng/kg. Riêng các công ty thu mua thanh long để chế biến đang thu mua thanh long ruột đỏ loại 1 với giá 38.000 đồng/kg; loại 2 là 28.000 đồng/kg và loại 3 là 22.000 đồng/kg, tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg so với thời điểm giá giảm xuống thấp nhất. Mức giá này đã ngang bằng với mức giá được thu mua vào tại thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020.

Theo tính toán sơ bộ của các hộ trồng thanh long huyện Hàm Thuận Nam, trong vòng 1 tuần qua, giá thanh long đã tăng lên gấp đôi so với mức giá tháng trước. Các vựa thu mua trong tỉnh liên tục phát giá 15.000 - 20.000 đồng/kg, tùy theo tỷ lệ đẹp xấu. Hàng đẹp nhất đúng chuẩn xuất khẩu qua Pò Chài (Trung Quốc) được mua 20.000 đồng/kg. Riêng hàng dạt bị nấm, xấu xí trước đây không ai muốn mua, giờ cũng bán được 5.000 - 6.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá thanh long tăng cao là do lứa thu hoạch này không có nhiều trái chín. Các vựa không đủ hàng đóng thùng xuất khẩu, nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá lên cao. Bên cạnh đó, đợt nắng hạn kéo dài vừa qua đã khiến nhiều vườn bị khô héo, các chủ vườn phải lặt bỏ búp. Một số vườn có đủ nước tưới duy trì búp trên cành mới có hàng bán vào thời điểm này.

Bình Thuận trồng hơn 30.000 héc-ta thanh long, sản lượng 550.000 tấn mỗi năm. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực. Ngoài ra, hiện nay, thanh long Bình Thuận cũng xuất khẩu sang một số nước khác như: Đức, Mỹ, Nhật, Dubai, Hàn Quốc, Australia... Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều tháng qua, hoạt động xuất khẩu thanh long bị ảnh hưởng, khiến giá cả lên xuống thất thường.

Dưa hấu được mùa, được giá

Đại Sơn là xã biên giới của huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Thời gian gần đây, bà con đã chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm nay, vụ dưa hấu được mùa, được giá khiến bà con rất phấn khởi. Thời điểm này, thương lái từ thành phố Cao Bằng về tận ruộng để thu mua dưa hấu. Năm nay, giá bán dao động từ 4.000 – 6.000 đồng/kg, bán lẻ 7.000 – 8.000 đồng/kg. Một số hộ không có nhân lực nên bán cho thương lái thu mua ngay tại ruộng. 

Theo thống kê sơ bộ, năm nay toàn xã Đại Sơn có hơn 60 hộ dân trồng dưa hấu với diện tích khoảng 30 héc-ta, sản lượng hơn 200 tấn, gấp 3 lần năm 2019. Từ dưa hấu, nhiều hộ có thu nhập trung bình vài chục triệu đồng/vụ. Diện tích trồng tập trung nhiều nhất ở 2 xóm Bản Chu và Bản Mới với vài chục hộ trồng. Hộ ít trồng 1.000 - 2.000 m2, hộ nhiều trồng từ 7.000 - 10.000 m2. Do điều kiện khí hậu phù hợp, đủ nước tưới tiêu, nếu chăm sóc tốt, mỗi quả dưa hấu có thể nặng trung bình từ 4 - 6 kg, nhiều quả to nặng từ 8 - 9 kg/quả. So với trồng ngô, lúa hay mía thì trồng dưa cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần. Ngoài ra, thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 3 tháng nên cũng thuận lợi để trồng xen canh thêm vụ nữa hoặc trồng cây khác.

Nhiều hộ dân thấy trồng dưa hiệu quả hơn trồng lúa, mía truyền thống nên bà con đã chuyển đổi diện tích. Thời gian tới, xã Đại Sơn sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong huyện để tìm đầu ra ổn định cho cây dưa hấu rồi mới vận động bà con tiếp tục mở rộng diện tích.

Tân Uyên - Lai Châu: Tập trung phát triển cây quế

Thực hiện Đề án phát triển cây quế, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đã quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất tập trung tại các xã: Nậm Cần, Nậm Sỏ, Pắc Ta, Tà Mít với diện tích 2.497 héc-ta. Đến nay, các địa phương cơ bản hoàn thành chăm sóc diện tích quế đã trồng các năm trước và đang chuẩn bị các điều kiện cho mùa trồng mới năm nay.

Xã Nậm Sỏ là địa bàn tập trung diện tích quế khá lớn của huyện Tân Uyên với trên 700 héc-ta trồng từ năm 2015 - 2019. Địa hình đồi núi dốc, xa khu dân cư nên khó khăn cho công tác quản lý, chăm sóc... Nhằm bảo vệ tốt diện tích quế đã trồng, xã đã tăng cường hướng dẫn bà con quy trình chăm sóc kỹ thuật cây trồng. Đồng thời, kiểm tra, thống kê những diện tích cần trồng dặm để đăng ký với cơ quan chuyên môn có phương án về cây giống. Đến thời điểm này, diện tích quế chăm sóc cơ bản hoàn thành.

Xã Nậm Cần từng là “thủ phủ” của cây sắn nhưng do canh tác nhiều năm đất cằn cỗi, năng suất thấp. Từ chủ trương phát triển kinh tế rừng của huyện, Nậm Cần quyết định chọn quế là cây trồng chủ lực để chuyển đổi phương thức sản xuất. Từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cộng với công tác “dân vận khéo” của cấp ủy, chính quyền xã, từ năm 2015 đến nay, toàn xã đã trồng 1.093 héc-ta quế. Cùng với chăm sóc diện tích quế giai đoạn kiến thiết, các hộ dân đã và đang tiến hành cuốc hố chuẩn bị trồng 400 héc-ta quế.

Hiện nay, huyện Tân Uyên đã xây dựng xong hồ sơ thiết kế diện tích quế năm 2020 và đo quy chủ được 601,2 héc-ta/510 héc-ta, tập trung tại 5 xã: Thân Thuộc, Mường Khoa, Pắc Ta, Nậm Cần, Tà Mít. Hiện bà con đang triển khai phát dọn thực bì và cuốc hố hơn 500 héc-ta. Đồng thời, tích cực tuyên truyền để bà con thực sự coi trồng rừng kinh tế là nghề ổn định và lâu dài. Hy vọng, với những định hướng và chỉ đạo đúng đắn, cây quế sẽ ngày càng bám rễ sâu và tạo sinh kế bền vững trên đất Tân Uyên.

Kỳ Anh - Hà Tĩnh: Lá chu ke tiêu thụ tốt

Mỗi ngày 2 lượt, bà con ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh lại lên vùng đồi núi để hái lá chu ke. Năm nay, lá chu ke tiêu thụ tốt, có hàng thương lái thu mua ngay. Với giá bán 5.000 đồng/kg, bà con có thể thu về 100.000 đồng/ngày. Thương lái chỉ thu mua lá chu ke khô nên mùa hái loại lá rừng này thường bắt đầu từ tháng 3 cho tới tháng 8. Đây là khoảng thời gian có nắng, thuận tiện cho việc phơi lá. Trung bình một người dân có thể hái được 7 - 8 bì lá tươi, khi phơi xong còn lại khoảng 20 kg lá khô. Bà con thường đóng thành bao lớn, chờ thương lái tới thu mua. Lá chu ke được thương lái thu mua xuất bán sang Trung Quốc để làm các vị thuốc. Trên thực tế, việc thu hái, bán lá chu ke tại Kỳ Anh đã diễn ra được khoảng 4 - 5 năm trở lại đây. Hiện tại, xã có khá nhiều người làm nghề này, mang lại nguồn thu cho gia đình trong thời gian nông nhàn.

Đồng bằng sông Cửu Long: Măng cụt được giá

Măng cụt được xem là một trong những loại trái cây ngon, đặc sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay, nhà vườn trồng măng cụt tại nhiều địa phương phấn khởi vì trái măng cụt duy trì ở mức khá cao kể từ đầu vụ đến nay. Những tuần vừa qua, dù bước vào thu hoạch rộ nhưng giá măng cụt tại các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ… vẫn giữ giá khá cao. Hiện thương lái và các vựa thu mua măng cụt từ 29.000 - 35.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 14.000 - 17.000 đồng/kg.

Theo nhà vườn, năm nay, măng cụt tiêu thụ khá thuận lợi. Đặc biệt, giá măng cụt đầu vụ không tăng quá cao, đến thu hoạch rộ giá cũng không bị giảm mạnh như mọi năm. Trên thực tế, măng cụt luôn giữ được giá cao do loại trái cây này dễ bảo quản, vận chuyển đi xa tiêu thụ tốt. Đặc biệt, thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Ngoài ra, năm nay, sản lượng măng cụt tại nhiều địa phương giảm do nông dân phá bỏ bớt một số vườn măng cụt chuyển sang những loại cây trồng khác hiệu quả hơn, nhất là sầu siêng và mít Thái.

Giá hạt tiêu giảm, xuất khẩu khó

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng và giá xuất khẩu hạt tiêu giảm mạnh, người trồng tiêu đang gặp nhiều khó khăn. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hạt tiêu đạt 172.000 tấn, giảm 2,9% về lượng và giảm 19% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, những năm gần đây, do giá xuất khẩu hồ tiêu xuống quá thấp nên một số diện tích không được đầu tư kỹ dẫn đến vườn tiêu bị chết. Một số diện tích cho năng suất thấp, một số diện tích khác chuyển sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Năm 2019, diện tích hồ tiêu Việt Nam là 140.000 héc-ta; sản lượng vụ mùa năm 2020 giảm khoảng 15% so với năm 2019, xuống còn 240.000 tấn. Dự báo, vụ mùa năm 2021, sản lượng hạt tiêu sẽ tiếp tục giảm do người dân không đầu tư chăm sóc, ảnh hưởng đến năng suất. Dự báo năm nay rất khó khăn cho ngành hồ tiêu trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu hạt tiêu số 1 thế giới, khoảng 85% sản lượng tiêu dành cho xuất khẩu, chỉ từ 10 - 15% dành cho tiêu thụ trong nước. Vì vậy, người dân trồng tiêu đang và sẽ gặp nhiều khó khăn.

Diện tích mía giảm mạnh

Vụ mía mới năm 2020 - 2021, nhiều nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đã bỏ hàng ngàn héc-ta ruộng mía do sản xuất không hiệu quả, thua lỗ kéo dài để chuyển sang trồng cây con khác. Niên vụ mía 2019 - 2020, Long An chỉ gieo trồng được 481 héc-ta mía, đạt 22,9% kế hoạch và chỉ bằng 10,8% so với cùng kỳ. Lý do khiến diện tích mía giảm nghiêm trọng được xác định vì giá bán quá thấp, thậm chí không có người mua nên người dân đã chuyển sang trồng lúa, mì và cây ăn trái. Tính trung bình, giá bán mía chỉ đạt khoảng 100.000 đồng/tấn, tương đương với giá chỉ 100 đồng/kg khiến nông dân thua lỗ nặng nề.

Một địa phương trồng mía chủ lực khác là Hậu Giang cũng có xu hướng giảm diện tích trồng mía. 5 tháng đầu năm 2020, diện tích mía đã xuống giống chỉ đạt 5.909 héc-ta, giảm đến 28,94% (tương đương 2.406 héc-ta) so với cùng kỳ năm ngoái.

Gio Linh - Quảng Trị: Mô hình vườn ươm giống bơ chất lượng cao

Với lợi thế của vùng đất đỏ bazan, người dân Tây Gio Linh đã phát triển các loại cây dài ngày, trong đó, bơ sáp là một trong những loại cây được trồng khá phổ biến.

Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) Quảng Trị đã đầu tư cho Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện Gio Linh thực hiện đề tài “Điều tra chọn cây giống làm vật liệu đầu dòng và xây dựng mô hình vườn ươm giống bơ địa phương có triển vọng của huyện Gio Linh”. Đề tài được triển khai nhằm nhân rộng mô hình sản xuất giống bơ đảm bảo trồng cho sản phẩm đạt chuẩn theo nhu cầu của thị trường. Từ nhiệm vụ đó, Trạm TT&BVTV huyện Gio Linh đã bắt tay vào điều tra, tuyển chọn được 4 - 5 cây bơ đầu dòng có triển vọng làm vật liệu ghép, xây dựng nhà lưới làm vườn ươm, tuyển chọn hạt để gieo cây thực sinh. Từ cây đầu dòng xây dựng nguồn cây mẹ, trạm đã đầu tư xây dựng vườn ươm giống bơ địa phương có triển vọng với quy mô 2.000 cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn. Đến nay, sau khi tuyển chọn các cây đầu dòng đạt tiêu chuẩn, trạm đã tiến hành ghép thử được 400 cây đạt chất lượng tốt. Giống bơ được chọn ghép là bơ sáp có hạt nhỏ, quả to, hình dáng quả và màu vỏ đẹp, dễ bóc vỏ, chất lượng dẻo, ngon...

Toàn huyện Gio Linh hiện có hơn 120 héc-ta bơ, song chất lượng bơ không đồng đều. Do vậy, đề tài thành công sẽ chuyển giao cho người dân giống bơ ghép và kỹ thuật ghép để người dân chủ động nguồn giống bơ tốt nhằm phát triển sản phẩm bơ hàng hóa. Đây là cơ hội để người dân Gio Linh cải tạo, nâng cao chất lượng vườn bơ và chuyển đổi các cây trồng khác giá trị kinh tế thấp sang trồng bơ hàng hóa. Từ đó, phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng toàn vùng gò đồi.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Long An: Bắt giữ nhiều vụ thuốc lá lậu

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Long An, trong thời gian gần đây, lực lượng công an, biên phòng đã liên tục bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu số lượng lớn trên địa bàn biên giới Đức Huệ, Long An.

Tỉnh Long An có đường biên giới giáp Campuchia dài khoảng 133 km, 5 cửa khẩu biên giới giáp Campuchia. Đặc biệt, với địa hình bằng phẳng, nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới, do đó, trong nhiều năm qua, Long An luôn được xem là điểm nóng về buôn lậu thuốc lá điếu. Trong 6 tháng đầu năm 2020, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 1.563 vụ vi phạm. Trong đó, phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới với trên 1,1 triệu bao thuốc lá ngoại. Đáng chú ý, hoạt động vận chuyển thuốc lá nhập lậu đã xuất hiện trở lại hình thức vận chuyển bằng xe gắn máy. Chỉ tính riêng tháng 6/2020, lực lượng chức năng đã phát hiện 1 xe mô tô vận chuyển 6.000 bao thuốc lá nhập lậu ở khu vực biên giới Đức Huệ.

Từ đầu năm đến nay, Long An đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiểm tra, chốt chặn nên hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới của tỉnh được kiềm chế, không còn diễn biến phức tạp như những năm trước đây. Mặc dù vậy nhưng do chênh lệch giá thuốc lá ngoại từ biên giới Campuchia và Việt Nam khá cao nên trên địa bàn biên giới Đức Huệ, Kiến Tường, một số đối tượng lợi dụng đêm tối khi các lực lượng chức năng không thực hiện tuần tra, kiểm soát vẫn lén lút vận chuyển thuốc lá qua biên giới vào nội địa tiêu thụ. Việc xử lý các phương tiện vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu gặp nhiều khó khăn do đối tượng buôn lậu đối phó bằng cách thuê mướn, hợp đồng phương tiện qua nhiều người. Do đó, chỉ xử lý tịch thu tang vật, phương tiện phải trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp. Mặt khác, kho bảo quản tang vật, phương tiện của các đơn vị hiện đang quá tải, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

HÀNG VIỆT

Hà Tĩnh: Sản phẩm OCOP gắn với lợi thế của địa phương

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận cả về số lượng lẫn chất lượng. Hà Tĩnh đã hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng vùng quê gắn với bảo tồn văn hóa và đặc trưng của mỗi vùng miền.

Đề án OCOP Hà Tĩnh được xây dựng trên quan điểm lấy người dân làm chủ thể của quá trình, thông qua hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nền tảng tổ chức sản xuất. Các sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình OCOP đều dựa trên lợi thế phát triển các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương. Từ đó, các địa phương sẽ nâng cấp sản phẩm chính của mình với sự sáng tạo, tư duy đổi mới của người dân để nâng cao giá trị sản phẩm.

Năm nay, Hà Tĩnh đặt mục tiêu có ít nhất 50 sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao. Trong đó, có 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 4 sao trở lên. Đồng thời, củng cố, nâng cao năng lực tối thiểu cho 40 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ hiện có thực hiện chương trình OCOP; phát triển mới tối thiểu 10 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP; phát triển mới 3 - 5 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Hiện Hà Tĩnh đã tiến hành thẩm định, soát xét gần 180 ý tưởng mô hình, sản phẩm, dịch vụ tham gia Chương trình OCOP năm 2020. Đây là năm Hà Tĩnh có số lượng ý tưởng sản phẩm tham gia nhiều nhất từ trước đến nay. Trong đó có nhiều ý tưởng sản phẩm gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương như nước mắm, sứa…; nhiều ý tưởng khởi nghiệp với các sản phẩm mới như tinh dầu, mứt cam, cơm cháy, ruốc tôm… Các tổ chức, cá nhân có ý tưởng sản phẩm tham gia đang đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xây dựng quy trình sản xuất gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu của sản phẩm.

Trong đó, huyện Can Lộc phấn đấu có thêm 10 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Đó là: Dưa lưới Đồng Uyên, rượu sim Khánh Lộc, mật ong Trà Sơn, nấm rơm Thanh Lộc, rau quả sạch Vượng Lộc, giò bột Thanh Lộc, bưởi Trà Sơn, cu đơ Đồng Hạnh, hành tăm Thiên Lộc và môi thìa gỗ Hải Ngôn. Can Lộc đã hỗ trợ bà con về đào tạo tập huấn, thành lập các tổ hợp tác, tạo điều kiện thuê đất mở rộng nhà xưởng, tiếp cận với các kênh vốn vay lãi suất thấp. Sự đồng hành của các cấp chính quyền huyện Can Lộc cũng đã tạo động lực để người nông dân, cơ sở sản xuất phát triển các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của huyện trở thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Thực hiện Chương trình OCOP năm 2020, huyện Thạch Hà đã nhận được 68 ý tưởng sản phẩm đăng ký của 21/22 xã, thị trấn. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát tại các cơ sở, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đã thống nhất lựa chọn 31 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh. Hầu hết các sản phẩm được lựa chọn đều là những sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của các vùng miền. Đặc biệt, một số cơ sở đã có ý tưởng tạo nên sự khác biệt thông qua việc đầu tư vào chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã, bao bì...

Tại huyện Lộc Hà, ngay từ đầu năm, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng hành và hướng dẫn người dân đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Trong tháng 6/2020, Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững và Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện Lộc Hà đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý, điều hành, quy trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP cho gần 300 học viên. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tăng ý tưởng sản phẩm đăng ký; định kỳ có các chuyến thăm các cơ sở để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn…