Thông tin thị trường giá cả số 37/2020

03:04 PM 10/09/2020 |   Lượt xem: 3957 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Thị trường giá cả Lạng Sơn: Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm hồi

Lạng Sơn hiện là tỉnh có diện tích và sản lượng cây hoa hồi lớn nhất cả nước. Chất lượng hoa hồi xứ Lạng không những nức tiếng trong nước mà còn được thế giới biết đến. Đặc biệt, sản phẩm hoa hồi đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) công bố là tài sản quốc gia.

Từ đề án cải tạo, nâng cao chất lượng cây hồi

Huyện Văn Quan được xem là rốn của vùng hồi xứ Lạng, chiếm 1/3 diện tích cây hồi toàn tỉnh.  Để phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng hoa hồi, huyện Văn Quan đã triển khai đề án cải tạo nâng cao chất lượng, sản lượng cây hồi giai đoạn 2016 - 2020 với kinh phí trên 14 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án này là góp phần nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ hoa hồi xứ Lạng. Trước đây, việc chăm sóc vườn hồi không được bà con nơi đây duy trì thường xuyên. Vì vậy, năng suất hồi phụ thuộc điều kiện thời tiết tự nhiên, nhiều diện tích hồi bắt đầu thoái hóa, năng suất thấp. Năm 2018, thực hiện đề án phát triển hồi hữu cơ của huyện, các hộ gia đình được hỗ trợ phân bón, thang trèo hồi... Qua đó, cây hồi phát triển xanh tốt hơn, nhiều cây tạp dưới gốc hồi được phát dọn, hạn chế sâu bệnh gây hại. Đặc biệt, cây hồi sản xuất theo hướng hữu cơ có tỷ lệ đậu hoa cao hơn từ 15 - 20% so với trước. Ngoài ra, bằng các nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo, Chương trình 30a, các xã đầu tư vào cải tạo, phát triển cây hồi theo hướng sản xuất hồi hữu cơ… Qua đó, hiện nay, toàn huyện phát triển được trên 300 héc-ta hồi hữu cơ; sản lượng hồi khô tăng từ 8.100 tấn (năm 2015) lên trên 10.000 tấn (năm 2019).

Xã Liên Hội là một trong những xã đi đầu trong phong trào trồng hồi hữu cơ của huyện Văn Quan. Hiện toàn xã có trên 400 héc-ta hồi, trong đó gần 60 héc-ta phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ. Sản lượng hồi bình quân trong 5 năm trở lại đây trên địa bàn đạt 1.200 tấn/năm. Xã đang tiếp tục vận động người dân chủ động phát triển hồi theo hướng hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, xã cũng đang phát triển 3,6 héc-ta rừng hồi mẫu tại thôn Khòn Cải. Đây là mô hình được chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật để tạo tiền đề nhân rộng trên địa bàn. Song song với việc nâng cao chất lượng hồi, việc sơ chế, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ cũng đang được chú trọng.

… đến việc mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại

Xác định hồi là cây trồng đặc sản, có giá trị kinh tế cao, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn nói chung và huyện Văn Quan nói riêng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm hồi. Nhiều tư thương trên địa bàn đầu tư nhà xưởng, lò sấy, lò chưng cất tinh dầu hồi, chế biến hồi khô xuất khẩu. Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Quan có trên 20 cơ sở chế biến, xuất khẩu hồi. Trong đó có những cơ sở chế biến xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu. Đặc biệt, một số cơ sở có uy tín đang được huyện hướng dẫn hoàn tất hồ sơ để sản phẩm tinh dầu hồi đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Với việc nâng cao chất lượng cây hồi, mở rộng thị trường tiêu thụ, giá trị sản phẩm hồi tăng cao. Cụ thể như năm 2019, giá hồi tươi đạt từ 22.000 đồng/kg đến 24.000 đồng/kg thì hiện nay đạt từ 35.000 đồng/kg đến 40.000 đồng/kg. Để nâng cao giá trị cây hồi, thời gian tới, huyện Văn Quan tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, huy động mọi nguồn lực trong phát triển sản xuất, hỗ trợ về cây giống, vật tư, phân bón cho các mô hình, các chương trình mục tiêu phát triển; hỗ trợ đào tạo, tập huấn về kỹ thuật, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm. Cùng với đó, khuyến khích phát triển mô hình doanh nghiệp hợp tác với nông dân để đầu tư sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ ổn định.

Tính đến nay, tổng diện tích hoa hồi ở Lạng Sơn có khoảng 35.000 héc-ta, phân bố ở hầu hết các huyện, Trong những năm qua, nguồn thu nhập từ cây hồi giúp người dân nơi đây nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo.

Vĩnh Long: Liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt

Thành công của dự án “Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt theo hướng giá trị gia tăng tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017 - 2020” đã giúp người dân xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung có kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm trứng vịt.

Dự án đã thiết lập được 3 hình thức liên kết: Liên kết cung cấp vịt con thương phẩm; liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ trứng vịt; liên kết với công ty, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thức ăn, thuốc thú y theo giá gốc cho người chăn nuôi trong mô hình. Kết quả từ năm 2017 đến nay đã thành lập 15 nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt; ký kết hợp đồng với 3 cơ sở thu mua trứng có giá mua theo thời điểm nhưng cao hơn so với thị trường từ 50 - 100 đồng/trứng. Liên kết được 2 hộ nuôi vịt bố mẹ sản xuất con giống cung cấp con giống cho dự án. Liên kết được 3 công ty cung cấp thức ăn cho các hộ tham gia dự án theo giá gốc có giá thấp hơn 200 đồng/kg so với giá bán trên thị trường và tiêu thụ trứng vịt cho các hộ. Dự án đã chuyển giao cho 41 hộ dân 20.500 con giống vịt TC chuyên trứng. Đây là giống vịt được lai tạo từ giống vịt Triết Giang và vịt cỏ từ các hộ tham gia mô hình nuôi vịt bố mẹ tại huyện Mang Thít và huyện Vũng Liêm.

Trung tâm Khuyến nông và các trạm khuyến nông các huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc nuôi dưỡng vịt, chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, quản lý giống và công tác sản xuất vịt giống cho các hộ chuyên sản xuất vịt giống thương phẩm. Ngoài ra Trung tâm Khuyến nông còn phối hợp với Chi cục Thú y Vĩnh Long tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho 41 hộ nuôi vịt thương phẩm sản xuất trứng và đang hoàn tất các thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các hộ.

Mô hình nuôi vịt chuyên trứng theo chuỗi giá trị từ liên kết cung cấp thức ăn (đầu vào) tới tiêu thụ trứng (đầu ra) là mô hình có tính bền vững cao. Thời gian tới, Vĩnh Long sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này tại địa phương có điều kiện thuận lợi và có đông đồng bào dân tộc.

Long An: Hợp tác phát triển chuỗi giá trị lúa gạo, cây ăn quả

Ngày 27/8, UBND tỉnh Long An và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ký kết hợp tác thực hiện phát triển chuỗi giá trị lúa gạo. Đây là Chương trình liên kết và phát triển hợp tác xã kiểu mới gắn xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo và cây ăn quả.

Mục tiêu của chương trình là phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác và Câu lạc bộ Nông dân, cung ứng dịch vụ nông nghiệp, nhất là dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian hợp tác triển khai từ năm 2020 đến năm 2024 với các nội dung chính: Hỗ trợ củng cố nâng chất và thành lập mới hợp tác xã, hỗ trợ về con người; vốn, tài chính; máy móc, dịch vụ; quy trình sản xuất tiên tiến; xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản.

Theo đó, UBND tỉnh Long An sẽ hỗ trợ Tập đoàn Lộc Trời xây dựng các chuỗi giá trị lúa gạo; hình thành vùng nguyên liệu bằng hình thức liên kết với nông dân gắn với xây dựng tối thiểu 100 hợp tác xã kiểu mới sản xuất lúa gạo và cây ăn quả đạt tiêu chuẩn, thành lập hợp tác xã sản xuất lúa gạo, cây ăn quả có thương hiệu và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng hệ thống hạ tầng đến chân hàng rào dự án của doanh nghiệp.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời sẽ phối hợp các đơn vị ngành nông nghiệp địa phương xây dựng chương trình hành động hợp tác toàn diện dựa trên các hoạt động kỹ thuật và tích hợp, gắn kết với các chương trình của địa phương về sản xuất, ứng dụng công nghệ cao và thương mại. Ngoài ra, xây dựng và hoàn thiện các nội dung phối hợp hoạt động, kế hoạch hoạt động cụ thể cho năm 2020, định hướng cho các năm tiếp theo theo các nội dung thỏa thuận hợp tác.

Bến Tre: Giá bò giống tăng cao

Hiện giá bò giống trên địa bàn tỉnh Bến Tre tăng từ 5 - 10 triệu đồng/con (trọng lượng 50 đến 100kg/con) so với cùng kỳ năm trước. Hiện bò giống đang giữ ở mức khá cao từ 27 đến 30 triệu đồng/con. Giống bò lai Pháp và 3B được người chăn nuôi ưa chuộng. Do tình hình dịch bệnh ở heo đang diễn biến phức tạp, người dân chuyển sang nuôi bò, nguồn bò giống khan hiếm, đẩy giá tăng cao. Một số người dân phải sang tỉnh Trà Vinh mới mua được nguồn giống chất lượng, ưng ý. Tuy nhiên, giá bò thịt không tăng tạo thế mất cân bằng trong chăn nuôi giữa người bán và người mua. Lợi nhuận của người nuôi giảm đáng kể. Đơn cử, khi giá bò giống chưa tăng người dân có thể lãi trên 20 triệu/con, giờ đây số tiền lãi ấy đã giảm đi hơn phân nửa. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, tổng đàn bò toàn tỉnh khoảng 224.550 con, tăng hơn 8.284 con so với cùng kỳ năm trước.

Đồng bằng sông Cửu Long: Lúa gạo tăng giá vào cuối vụ

Hiện đã bước vào cuối vụ thu hoạch lúa hè thu, nguồn cung thấp và thương lái trong nước tăng cường mua vào. Vì vậy, giá lúa và gạo đều tăng. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu đang tốt, cùng với việc Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã có tác động tích cực đến ngành hàng lúa gạo. Tuần cuối tháng 8/2020, giá lúa tăng lên khoảng 400 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng. Cụ thể tại Cần Thơ và Hậu Giang, nông dân bán lúa tươi tại ruộng với giá từ 5.500 đồng - 6.500 đồng/kg (tùy theo giống lúa). Đáng chú ý, nhiều nông dân và vựa lúa có khả năng trữ lúa đã trúng lớn khi trữ lúa thơm Jasmine 85, vì giá lúa đã tăng từ 7.500 đồng/kg lên 8.200 đồng/kg. Vụ hè thu 2020, Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất 1,54 triệu héc-ta, sản lượng khoảng 9 triệu tấn.

Thịt lợn hơi 3 miền đều giảm giá

Giá lợn tiếp tục giảm 1.000 - 4.000 đồng/kg khi lượng thịt lợn nhập khẩu lớn, việc tái đàn được các địa phương làm tốt đã tăng nguồn cung. Giá lợn tại miền Bắc tiếp tục đà giảm, dao động trong khoảng từ 78.000 - 82.000 đồng/kg. Tại tỉnh Tuyên Quang, nơi có giá lợn tốt nhất khu vực miền Bắc, giảm xuống mức 78.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại như: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai… giá thịt lợn hơi không thay đổi, hiện được thu mua từ 80.000 - 82.000 đồng/kg. Tại miền Trung - Tây Nguyên, giá thịt lợn hơi tiếp tục giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg, khoảng từ 79.000 - 83.000 đồng/kg. Quảng Ngãi giá thịt lợn đang ở mức 79.000 đồng/kg, đây là địa phương có giá thấp nhất toàn miền Trung - Tây Nguyên. Khu vực các tỉnh miền Nam, lợn hơi trong khoảng từ 78.000 - 83.000 đồng/kg. Cụ thể, các tỉnh Đồng Nai, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Tháp, An Giang… giá lợn hơi đi ngang, hiện đang dao động từ 80.000 - 83.000 đồng/kg. Tại tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu giá lợn hơi được thu mua với mức thấp nhất toàn miền Nam là 78.000 đồng/kg.

Tiền Giang: Giá khóm tăng mạnh

Hiện giá khóm (dứa) tại ĐBSCL được các thương lái thu mua ở mức 9.000 - 10.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi héc ta khóm năng suất đạt khoảng 20 tấn, nông dân thu được gần 200 triệu đồng, trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 50%. Theo các thương lái, giá khóm hồi phục do nhu cầu thị trường cao nhưng nguồn cung hạn chế. Tại ĐBSCL có hai vùng chuyên canh khóm nổi tiếng là khóm Tắc Cậu (Kiên Giang) và khóm Tân Phước (Tiền Giang). Giá khóm hồi phục giúp nông dân yên tâm sản xuất. Khóm là cây trồng chủ lực của vùng Đồng Tháp Mười, giá trị kinh tế cao. Thời gian qua, cây khóm đã giúp nhiều nông dân địa phương có thu nhập ổn định. Nhiều hộ còn vươn lên làm giàu. Huyện Tân Phước hiện đã xây dựng được vùng chuyên canh khóm trên 15.000 héc-ta.

Đắk Nông: Xu hướng trồng ngô biến đổi gen

Những năm qua, nhiều vùng trồng ngô trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thường bị sâu bệnh gây hại làm giảm năng suất, hiệu quả kinh tế. Để giảm thiểu tình trạng này, nhiều hộ nông dân đã gieo trồng giống ngô biến đổi gen có khả năng kháng được sâu bệnh, hạn hán… và bước đầu đạt được hiệu quả cao.

Qua thực tế sản xuất, các giống ngô biến đổi gen đạt năng suất trung bình từ 8 – 9 tấn/héc-ta/vụ, lợi nhuận từ 27 – 33 triệu đồng/héc-ta/vụ, tăng từ 5 – 6 triệu đồng so với giống ngô thông thường. Các giống ngô biến đổi gen đều có khả năng chịu hạn, kháng sâu, chịu được thuốc trừ cỏ cao, nên chi phí đầu vào giảm khoảng 10 – 15%. Vụ hè thu năm nay, tại những vùng trồng ngô lớn ở huyện Cư Jút, đa số đều xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại. Đây là loài sâu ăn nõn, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng ngô. Tuy nhiên, đối với những cánh đồng trồng ngô biến đổi gen, tỷ lệ sâu hại thấp. Do đó, khi thu hoạch, ngô cho bắp to, dài, năng suất đạt trên 2 tấn/héc-ta, tăng 20% so với ngô thông thường, nhưng giảm tới khoảng 40% công lao động so với trồng ngô thường trước đây.

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp Đắk Nông, đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 31.000 héc-ta ngô. Hiện cây ngô biến đổi gen đang được bà con nông dân gieo trồng trong hầu hết các vụ sản xuất trong năm. Để giúp người dân sản xuất ngô đạt hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, thời gian tới, địa phương sẽ hỗ trợ bà con đẩy mạnh ứng dụng KHCN, tiếp tục phối hợp với các công ty cung ứng giống triển khai mở rộng diện tích ngô biến đổi gen tại các vùng sản xuất phù hợp.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Bình Liêu (Quảng Ninh):Tập trung chống buôn lậu ở vùng biên

Địa bàn biên giới rộng lớn, lực lượng mỏng nên công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ở huyện miền núi Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh gặp không ít khó khăn. Do đó, lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm soát, thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn buôn lậu.

Là huyện biên giới có nhiều đường mòn, lối mở, 96% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, trình độ am hiểu pháp luật còn hạn chế nên bà con nơi đây rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để mua chuộc, lôi kéo. Vì vậy, việc kiểm tra, kiểm soát, chủ động nắm bắt tình hình địa bàn được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Các lực lượng chức năng huyện Bình Liêu cũng tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các mặt hàng cấm, những mặt hàng có nhu cầu cao. Đặc biệt, huyện tập trung vận động và yêu cầu các hộ giáp biên giới ký cam kết không tham gia tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại; các chủ nhà hàng ký cam kết không mua và tiêu thụ động vật hoang dã.

Ngoài ra, Bình Liêu cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cộng đồng dân cư dưới nhiều hình thức như: Treo băng-zôn, khẩu hiệu, hệ thống loa phát thanh… Huyện thường xuyên cử cán bộ tham gia các các cuộc họp thôn, bản để từ đó tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; không tham gia tiếp tay, bao che; tích cực tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc xuất nhập cảnh, giấy tờ tùy thân, điều kiện cư trú, hoạt động qua lại của cư dân biên giới... Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng đã cường kiểm tra, siết chặt quản lý toàn tuyến biên giới. Đồng thời, kiểm tra, giám sát, nắm bắt thông tin từ cộng đồng dân cư để kiểm soát được các trường hợp người trở về hoặc có tiếp xúc gần với các trường hợp từ các vùng có dịch.

HÀNG VIỆT

Lạc đỏ - đặc sản của đồng bào Tày

Đây là giống lạc bản địa của huyện Lục Yên (Yên Bái) đã gắn bó với với đồng bào dân tộc Tày từ bao đời nay. Hàng năm, cứ khoảng tháng 1 - 2 và tháng 7 - 8, bà con tận dụng những thửa ruộng cao không chủ động nước, khu vực nương, vườn, đất soi bãi ven hồ Thác Bà và sông Chảy để trồng lạc đỏ. Tùy theo mùa vụ, sau khoảng từ 110 - 130 ngày, lạc được đồng bào dân tộc nhổ đem về tách củ hoặc tách hạt phơi khô, tích trữ dùng để ăn dần quanh năm và lưu giữ trồng vụ sau. Do được gieo trồng trên vùng đất giàu khoáng chất, nơi đầu nguồn nước tinh khiết, hạt lạc đỏ của Lục Yên vừa rắn chắc, vừa có vị bùi, béo, ngậy thơm, khác hẳn lạc ở miền xuôi và các vùng đất khác. Thời bao cấp trở về trước, tuy là củ, là hạt nhưng lạc đỏ được các hộ đồng bào coi là thực phẩm thay thế cho thịt, cá. Lạc đỏ được chế biến thành nhiều món như luộc, rang, xào và cả kẹo, mứt, bánh… đều là những món ăn thân thuộc, gần gũi.

Với định hướng thay đổi tập quán canh tác, tạo lập vùng nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao, Lục Yên đang đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Đây chính là cách làm thiết thực trong việc tham gia vào thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Hiện, giống lạc đỏ huyện Lục Yên được trồng 2 vụ trong năm với tổng diện tích khoảng 500 héc-ta, chủ yếu ở các xã Phan Thanh, Tân Lập, Minh Tiến, An Phú, Minh Chuẩn, Tô Mậu, Tân Lĩnh… Hàng năm, sản lượng đạt gần 1.300 tấn lạc củ, tổng doanh thu ước khoảng 45 tỷ đồng/năm. Với chất lượng tốt, sản lượng chưa nhiều, hiện nay, lạc đỏ Lục Yên không đủ cung ứng cho thị trường. Thấy được lợi ích của việc phát triển sản phẩm lạc đỏ, Hợp tác xã Thái Sơn, xã Tân Lĩnh đã hợp đồng liên kết với các hộ dân, cam kết thu mua sản phẩm lạc tươi vỏ đỏ địa phương. Sản phẩm sau khi mua về được sấy khô bằng máy sấy, bóc và chọn lọc những hạt mẩy, đều hạt, đóng túi hút chân không… Đặc biệt, hợp tác xã luôn coi trọng tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Để sản phẩm lạc đỏ đến gần hơn với từng bếp ăn gia đình Việt, ngoài các đại lý liên kết tiêu thụ sản phẩm lạc đỏ của mình, Hợp tác xã Thái Sơn đã mở rộng thêm các kênh bán hàng qua zalo, facebook, website... Qua đó từng bước nâng vị thế của sản phẩm trên thị trường, khẳng định chất lượng và hương vị đặc trưng riêng có của huyện Lục Yên. Với sự tin dùng của thị trường, tin rằng, thời gian tới, sản phẩm lạc đỏ của huyện Lục Yên sẽ được nhiều người biết đến và từng bước nâng tầm đặc sản của miền đất Ngọc.

Việc phát triển, mở rộng diện tích cây lạc đỏ ở huyện Lục Yên nhằm nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP lạc đỏ, nâng cao hiệu quả kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần xóa nghèo bền vững.