Thông tin thị trường giá cả số 48/2021

09:53 AM 29/11/2021 |   Lượt xem: 24403 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Tây Nguyên:

Thiếu nhân công thu hái cà phê

Cà phê Tây Nguyên đang vào chính vụ thu hoạch nhưng các nhà vườn không thể thuê được nhân công do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Chỉ đáp ứng được 50% nhân công

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện nay, diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch.  Đối với cà phê vối, trung bình 1 lao động thu hái được 320 kg tươi/ngày và bình quân 1 héc-ta cần 44 công lao động. Đối với cà phê chè, 1 lao động thu hái bình quân 180kg tươi/ngày và bình quân 1 héc-ta cần 98 công lao động. Dự kiến, lượng công lao động cần thiết phục vụ cho nhu cầu thu hoạch cà phê niên vụ năm nay khoảng gần 8 triệu công. Trong đó, hiện lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 45 - 50%, còn lại phải huy động nhân lực ngoại tỉnh. Những năm trước, khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19, lực lượng lao động từ các nơi đổ về địa phương nhiều nên vấn đề nhân lực không bị thiếu. Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên việc thuê lao động từ ngoài tỉnh về địa phương rất khó.

Cà phê là cây trồng chủ lực của Đắk Nông với tổng diện tích trên 130.000 héc-ta, trong đó diện tích cho thu hoạch vào khoảng 120.000 héc-ta, sản lượng năm 2021 ước đạt trên 330.000 tấn. Trong 2 tháng cao điểm thu hoạch cuối năm 2021, Đắk Nông cần trên 230.000 lao động. Trong khi lao động tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 50%, dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 115.000 lao động so với các năm trước. Giá thuê nhân công thu hái hiện ở mức 300.000 - 350.000 đồng/người/ngày nhưng không thể nào tìm ra người. Cà phê đang chín rộ mà mưa gió lại nhiều, trái bắt đầu rơi rụng nên bà con rất lo lắng.

Tại Đắk Lắk, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có hơn 200.000 héc-ta cà phê với sản lượng gần 500.000 tấn. Với số lượng cà phê trên, Đắk Lắk cần gần 15 triệu ngày công lao động để thu hái. Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh, thời điểm thu hoạch cà phê, 1 héc-ta cần khoảng 10 – 15 nhân công thu hoạch trong khoảng thời gian 10 - 15 ngày.

Chủ động giải quyết khó khăn

Để chủ động giải quyết bài toán nhân công thu hái cà phê và khắc phục tạm thời tình trạng trên, các tỉnh đã có văn bản khuyến cáo các địa phương rà soát, tận dụng lao động tại chỗ, huy động các tổ chức đoàn thể, thành lập các tổ, nhóm liên kết giữa các hộ theo khu vực, thực hiện đổi công. Ưu tiên nhân công cho các vườn chín trước để hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển; tránh việc lợi dụng tình hình khan hiếm lao động để đẩy giá nhân công lên cao. Trong đó, Lâm Đồng đề nghị các địa phương có diện tích sản xuất cà phê lớn như: Huyện Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông, Lạc Dương… tổ chức rà soát, thống kê diện tích, dự báo sản lượng cà phê cần thu hoạch, nguồn lao động thu hoạch… để xây dựng phương án, kế hoạch thu hái. Đặc biệt, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương trong tỉnh lưu tâm đến những hộ gia đình neo đơn, ít người lao động hoặc có người đang bị kẹt ở các vùng dịch để tổ chức các phương án hỗ trợ. Trong đó, huy động các tổ chức đoàn thể thành lập các tổ, đội nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình khó khăn, neo đơn thu hái cà phê. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, thu mua, chế biến cà phê trên địa bàn chung tay hỗ trợ nông dân.

Tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các huyện xây dựng phương án huy động nhân lực thu hái cà phê phù hợp với diễn biến dịch 4 cấp độ, tương ứng với 4 màu xanh - vàng - cam - đỏ. Trong trường hợp ở cấp độ 3 (nguy cơ dịch cao - vùng cam) và cấp độ 4 (nguy cơ dịch rất cao - vùng đỏ), việc tổ chức sản xuất nông nghiệp, thu hoạch các loại nông sản; trong đó có cà phê sẽ rất khó khăn. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Nhân dân các cấp làm việc với cơ quan quân sự địa phương để đề xuất huy động lực lượng vũ trang tham gia thu hái cà phê.

Krông Pa - Gia Lai:

Phát triển vùng trồng ngô sinh khối

Trước đây, người dân huyện Krông Pa chủ yếu trồng ngô nếp (ngô địa phương) và ngô lai thu hạt dùng để chế biến làm thức ăn chăn nuôi. Còn ngô sinh khối bà con mới chỉ trồng thử một vài vụ gần đây. Đến nay, ngô sinh khối đã khẳng định được vị thế nơi “chảo lửa” này.

Đặc biệt, sản phẩm được Liên hiệp Hợp tác xã Tinh dầu bạc hà Tây Bắc Gia Lai thu mua nên bà con yên tâm về đầu ra. Huyện Krông Pa có quỹ đất lớn lại phù hợp với cây ngô lai. Ngoài ra, công trình thủy lợi Ia M’lăh đảm bảo nguồn nước tưới cho mùa khô nên trồng ngô sinh khối ở đây phù hợp. Ban đầu, hợp tác xã hỗ trợ các hộ trồng ngô về giống, phân bón và tư vấn kỹ thuật. Đến khi thu hoạch, hợp tác xã thu mua tận ruộng cho bà con, giá cả theo hợp đồng thỏa thuận ban đầu. Thậm chí, giống và phân bón được hợp tác xã ứng trước, đến khi thu hoạch sẽ khấu trừ vào sản phẩm. Ngay vụ thử nghiệm đầu tiên của mùa khô vừa qua, một số hộ gia đình đã lãi ròng 28 - 30 triệu đồng/héc-ta chỉ trong vòng 3 tháng. Trong khi đó, trồng sắn cả năm mới thu hoạch chưa kể giá cả bấp bênh, rồi sâu bệnh, mất mùa…

Một lợi thế rất lớn cho người trồng ngô sinh khối ở Krông Pa, đó là Công ty TNHH Trang trại bò sữa CNC đã thành lập ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, ngay cạnh huyện Krông Pa. Đây là đơn vị chăn nuôi đại gia súc, chuyên về bò sữa, thức ăn chủ lực là ngô sinh khối. Nếu phát triển vùng nguyên liệu ở Krông Pa, người dân nơi đây sẽ hoàn toàn yên tâm về đầu ra cho sản phẩm.

Định hướng phát triển cây trồng của huyện Krông Pa thời gian tới là đa dạng hóa các loại cây trồng, trên tinh thần giảm diện tích sắn, tăng diện tích cây ăn quả ở những vùng có kênh mương đi qua. Với cây ngô, huyện xác định trồng 700 héc-ta ngô lấy hạt. Riêng với cây ngô sinh khối, nếu các doanh nghiệp đầu tư cho nông dân có hiệu quả thì huyện sẽ tạo điều kiện để phát triển vùng trồng.

Hà Giang:

Sản lượng và giá gừng Suôi Thầu giảm

Nhiều năm trở lại đây, gừng đã trở thành loại cây trồng chủ lực được bà con dân tộc Mông thôn Suôi Thầu thuộc thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Nhờ loại cây trồng này mà nhiều năm nay, đời sống của bà con dần khấm khá hơn.

Với khí hậu mát lạnh quanh năm và chất đất tốt, thôn Suôi Thầu là vùng đất phù hợp các loại cây trồng giá trị cao như mía, mận và đặc biệt là gừng. Cây gừng trồng khá dễ, ít sâu bệnh lại không tốn nhiều công chăm sóc như các loại cây rau màu khác. Những năm qua, sản lượng và mức tiêu thụ gừng tương đối ổn định trên thị trường. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh, quá trình chăm bón trên nhiều diện tích gừng bị ảnh hưởng đã khiến sản lượng giảm và giá bán không bằng năm ngoái. Thời điểm này năm 2020, các thương lái vào tận nơi thu mua gừng với giá khá cao từ 12.000 - 16.000 đồng/kg. Còn năm nay, thương lái thu mua nhỏ lẻ, giá bán cũng chỉ được 7.000 - 10.000 đồng/kg.

Hiện nay, địa phương đang chủ động triển khai các giải pháp để giúp bà con kết nối với các đơn vị thu mua từ dưới xuôi để có được giá bán tốt hơn. Về lâu dài, địa phương sẽ hướng tới việc kêu gọi đầu tư, liên kết nâng cao giá trị cây gừng. Trong đó, chú trọng đến việc chế biến tại chỗ các sản phẩm như: Gừng sấy khô, tinh dầu gừng, mứt gừng... Việc đa dạng hóa các sản phẩm từ gừng sẽ giúp cho người trồng gừng có thêm đầu ra, giúp bà con an tâm đầu tư chăm sóc cây gừng.

Giá thu mua mía đầu vụ đạt cao

Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) vừa có thông báo chính thức về việc đưa ra mức giá thu mua mía cho nông dân trong vụ ép mía 2021 - 2022 sắp tới. Cụ thể, mức giá mà Casuco công bố là 1.180 đồng/kg cho mía 10 chữ đường (CCS) tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp, thuộc Casuco. Trường hợp CCS tăng hoặc giảm 0,1 CCS thì tương ứng tăng hoặc giảm 10 đồng/kg. Riêng trường hợp mía dưới 7 CCS thì Casuco sẽ không thu mua; tuy nhiên, nếu mía đã qua cân đưa vào ép thì Casuco sẽ thanh toán với giá 500 đồng/kg. Với việc Casuco công bố giá thu mua mía hấp dẫn như trên sẽ tạo niềm vui và động lực cho nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh về một vụ thu hoạch mía sắp tới đây sẽ có nguồn lợi nhuận tương đối. Như vậy, sau nhiều vụ mía liên tiếp thì năm nay Casuco công bố giá thu mua mía đầu vụ cao hơn so với các năm.

Bình Thuận:

Mủ cao su duy trì mức giá ổn định

Không khí của những ngày giữa tháng 11/2021 tại vùng cao Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận khá nhộn nhịp từ vườn cao su đến các điểm thu mua. Giá mủ tại thời điểm này là 320 đồng/độ. Vườn nào có độ mủ cao thì giá tiền thu nhập của vườn đó cao hơn so với vườn có độ mủ thấp. Chẳng hạn, 300 kg mủ nước với hàm lượng 24 độ, thì giá bán được 2,3 triệu đồng. Cùng với trọng lượng như thế, hàm lượng mủ ở mức 38 độ, thì giá bán sẽ là 3,6 triệu đồng. Điều này cho thấy sự chênh lệch hàm lượng mủ, tỷ lệ thuận với chênh lệch mức thu. Để có độ mủ cao, người trồng phải chăm sóc phân bón đầy đủ, thì hàm lượng độ mủ sẽ cao. Với giá mủ bèo 13.000 - 14.000 đồng/kg cao hơn 3.000 - 4.000 đồng so với năm 2020 (10.000 đồng/kg). Cùng thời điểm này, giá mủ tại Tánh Linh khoảng 300 - 310 đồng/độ. Giá đầu mùa dao động từ 250 - 310 đồng/độ. So với năm 2020, giá mủ cao su năm nay tương đối ổn định. Độ mủ cao su (hàm lượng cao su) trung bình tại Tánh Linh 35 - 38 độ, tương đối cao hơn so với các vùng khác trong tỉnh. Giá mủ bèo 15.000 - 16.000 đồng/kg tùy loại. Giá mủ cao su tăng giúp nhiều người dân có thu nhập ổn định.

Đồng Nai:

Chuối xuất khẩu tăng giá gấp đôi

Giá chuối xuất khẩu tại Đồng Nai hiện nay đạt 11.000 - 12.500 đồng/kg cho hàng xuất khẩu loại 1, tăng gấp đôi so với cách đây hai tháng. Riêng với hàng loại 2, 3, giá ở mức 7.000 - 9.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá chuối tăng mạnh là do Tết Dương lịch đang cận kề và cũng chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nên các quốc gia tăng thu mua chuối để phục vụ cho các dịp này. Đặc biệt, đối với Trung Quốc, sau giãn cách xã hội, quốc gia này tăng mua để phục vụ chế biến nên giá tăng nhanh. Dự báo, thời gian tới thị trường chuối xuất khẩu sẽ tiếp tục sôi động. Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có gần 10.600 héc-ta chuối, tăng hàng nghìn héc-ta so với cùng kỳ năm ngoái. Huyện Trảng Bom vẫn là “thủ phủ” trồng chuối của Đồng Nai với diện tích đứng đầu cả tỉnh là trên 4,2 nghìn héc-ta.

Long An:

Giá thanh long giảm

Dù sản lượng thanh long ruột đỏ vụ này không nhiều như chính vụ nhưng giá bán ra giảm mạnh. Hiện thanh long ruột đỏ loại 1 nghịch vụ có giá bán tại vườn chỉ 20.000 - 25.000 đồng/kg, giảm 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Với hàng loại 2, 3, giá rớt chỉ còn 7.000 đồng/kg, đa phần bán sô cho các thương lái. Nguyên nhân giá giảm mạnh là do Trung Quốc siết chặt việc kiểm soát nên thanh long khó xuất khẩu hơn. Trong khi đó, doanh nghiệp thu mua cũng khắt khe hơn và giảm mua. Trung Quốc cũng tăng kiểm tra thực địa vùng trồng và nơi sản xuất của nông sản Việt nên doanh nghiệp trước khi đăng ký kiểm tra với Hải quan Trung Quốc cần tham khảo chi tiết quy định và chuẩn bị kỹ càng. Đồng thời, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc.

Mường Khương - Lào Cai:

Mở rộng vùng trồng chè hàng hóa

Chè là cây hàng hóa chủ lực của huyện Mường Khương, mang lại giá trị kinh tế cao, có đầu ra ổn định. Đặc biệt, vùng đất khô cằn nhất ở huyện Mường Khương đang được hồi sinh nhờ việc triển khai trồng hàng chục héc-ta chè.

Các xã Tả Gia Khâu, Dìn Chin, Pha Long là những vùng đất khô cằn nhất của huyện biên giới Mường Khương. Thực hiện kế hoạch trồng và phát triển cây chè, năm 2021, các xã này đã tích cực triển khai đến nhân dân trên địa bàn từ việc đăng ký cây giống, làm đất, hướng dẫn kỹ thuật trồng chè. Theo kế hoạch, năm nay xã Tả Gia Khâu được huyện giao 30 héc-ta, đến nay nhân dân đã trồng được trên 13 héc-ta; toàn xã Dìn Chin đã trồng được 20 héc-ta; xã Pha Long trồng được gần 21 héc-ta. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và qua tham quan, tìm hiểu thực tế, người dân nắm bắt được hiệu quả kinh tế của cây chè mang lại, do đó nhân dân các xã đã đăng ký diện tích vượt cao so với chỉ tiêu, kế hoạch giao.

Trước đây, cây chè chủ yếu được trồng tại 3 xã vùng hạ huyện là Lùng Vai, Bản Lầu và Bản Xen. Những năm gần đây, diện tích chè được mở rộng tới các xã vùng cao của huyện như Thanh Bình, Lùng Khấu Nhin, Cao Sơn, La Pan Tẩn… Chè Mường Khương có đầu ra ổn định với sự liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa người dân và doanh nghiệp. Ngoài Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình tại xã Lùng Vai (doanh nghiệp bao tiêu phần lớn sản lượng chè búp tươi trong huyện), các doanh nghiệp đã xây dựng thêm 2 nhà máy chế biến tại xã Cao Sơn và xã La Pan Tẩn để thu mua chè của người dân. Bởi tính ổn định nên những năm vừa qua, việc trồng chè mới tại các xã vùng cao được người dân tích cực hưởng ứng. Hơn nữa, cây chè có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, ít rủi ro hơn những cây trồng khác. Bởi vậy, mục tiêu trong những năm tới của ngành nông nghiệp huyện là tiếp tục mở rộng vùng chè hàng hóa và nâng cao chất lượng vùng chè.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Lạng Sơn:

Chủ động kiểm soát hàng hóa qua biên giới

Nhận định, những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, Hải quan Lạng Sơn đã tăng cường giám sát tại các địa điểm kiểm tra, nơi tập kết; các kho chứa hàng hóa; đẩy mạnh giám sát cơ động nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận trong kê khai hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trong đó, chú trọng các mặt hàng trọng điểm, chủ yếu là hàng tiêu dùng, hàng có thuế suất cao, hàng quản lý chuyên ngành. Đồng thời, tăng cường kiểm tra về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, động vật thủy sản và sản phẩm động vật thủy sản, thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch... Đặc biệt, việc lợi dụng đặc thù của dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh vận chuyển hàng hóa nhập lậu vào sâu trong nội địa sẽ gây nhiều khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng. Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng này, Tổng cục Hải quan đã tăng cường đầu tư máy móc hiện đại, lắp đặt tại cửa khẩu, giao Cục Hải quan Lạng Sơn quản lý, vận hành để thực hiện việc soi chiếu container.

Nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị hải quan cửa khẩu, các phòng chuyên môn trực thuộc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, trong đó chú trọng việc buộc doanh nghiệp, người được ủy quyền… phải thông báo cho cơ quan Hải quan thông tin về hàng hóa nhập khẩu, trước khi làm thủ tục đưa hàng hóa qua các cửa khẩu. Tăng cường giám sát hải quan tại các địa điểm kiểm tra, nơi tập kết hàng hóa; giám sát các kho chứa hàng hóa, đẩy mạnh giám sát cơ động nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận trong kê khai hàng hóa xuất nhập khẩu... Bên cạnh đó, Hải quan Lạng Sơn đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn thu thập thông tin, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực đường mòn lối mở biên giới nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ những trường hợp có hành vi vi phạm; tuyên truyền, giáo dục cho người dân các quy định của pháp luật trong công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

HÀNG VIỆT

Yên Bái:

Phấn đấu có thêm 35 sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Sau hơn hai năm triển khai Chương trình OCOP, Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, là động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP từ quế được đánh giá cao về mặt chất lượng cũng như tính đa dạng của sản phẩm.

Tính đến hết tháng 10/2021, toàn tỉnh Yên Bái có 94 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao. Trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao và 86 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm này đều có giá trị kinh tế cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt là các sản phẩm mang tính đặc thù cao như các sản phẩm từ cây quế. Là địa phương có diện tích quế lớn nhất các tỉnh khu vực phía Bắc, chất lượng quế Yên Bái được đánh giá tốt với hàm lượng tinh dầu trên vỏ quế cao. Chất lượng quế của Yên Bái cũng được xem là đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh các cơ sở, doanh nghiệp tham gia chế biến tinh dầu, sơ chế vỏ quế, tỉnh Yên Bái đã và đang tập trung phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ từ cây quế. Với sự khéo léo, tỉ mỉ, những người thợ thủ công đã chế tác vỏ quế thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, tiện ích cho cuộc sống. Thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2019 - 2020, trong số 83 sản phẩm OCOP được công nhận tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, các sản phẩm OCOP phát triển từ cây quế rất đa dạng, hàm lượng tinh tăng đáng kể. Tại huyện Văn Yên, “thủ phủ” của cây quế Yên Bái, Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao là nước rửa chén, lau sàn.  Hay như tại huyện Trấn Yên, Hợp tác xã quế hồi Việt Nam có sản phẩm từ quế đạt danh hiệu 4 sao là quế điếu thuốc. Từ những nguyên liệu thu hoạch bóc vỏ từ thân cây quế, cạo sạch lớp sần bên ngoài vỏ tươi, sau cắt mảng nhỏ rộng 4 cm, cắt khúc dài 10 - 12 cm, phơi khô đến khi quế cuộn lại như điếu thuốc. Những sản phẩm có hàm lượng tinh dầu từ 3% đến 5% đảm bảo vị cay, ngọt và mùi thơm đặc trưng. Quế điếu thuốc có thể dùng nấu các món ăn như kho thịt, cá, hoặc pha chế, khuấy cà phê, sinh tố… Giờ đây, thương hiệu quế Yên Bái đã nổi tiếng trên khắp thế giới, tiêu biểu là quế Văn Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ tháng 01/2010 và được Vương quốc Thái Lan bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ tại Thái Lan từ năm 2020. Đặc biệt, từ 1/8/2020, quế Văn Yên, tỉnh Yên Bái là một trong 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ khi thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Nhằm hỗ trợ các sản phẩm OCOP được giới thiệu rộng rãi, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với việc phát triển du lịch địa phương, Yên Bái đã đầu tư và đưa vào hoạt động 3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đặt tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn; huyện Văn Yên và huyện Lục Yên. Đây là những địa điểm có nhiều du khách tới thăm quan, mua sắm…

Trong năm 2021, Yên Bái phấn đấu có thêm 35 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Hiện đang có 11 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh thông qua yêu cầu hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Đồng thời, trong tháng 11/2021, Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh sẽ xem xét đợt 3 hơn 20 sản phẩm từ các địa phương trình lên.      

Theo Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2020, định hướng 2030, giai đoạn 2021 - 2025 đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các thành phần kinh tế khác; phát triển, nâng cấp 30 sản phẩm, trong đó đầu tư nâng cấp 20 sản phẩm thế mạnh. Giai đoạn 2026 - 2030 phát triển 60 - 80 sản phẩm OCOP, trong đó có 30 sản phẩm đạt chất lượng 3 - 5 sao…