Thông tin thị trường giá cả số 5/2021

09:29 AM 27/01/2021 |   Lượt xem: 3507 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Tăng năng suất cho cà phê Tây Nguyên:

Lựa chọn mô hình sản xuất mới

Thời gian gần đây, người dân Tây Nguyên bước vào vụ thu hoạch cà phê với tâm trạng lo lắng do giá luôn giữ ở mức thấp trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng cao. Vì vậy, việc lựa chọn mô hình sản xuất mới để tăng năng suất cho cà phê được nhiều địa phương tính đến.

Giá thấp trong khi chi phí tăng

Hiện nay, tại các vùng trồng trọng điểm, vụ thu hoạch mới sắp kết thúc với chất lượng cà phê được đánh giá tốt hơn. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi nên sản lượng cà phê tại một số vùng giảm mạnh. Trong khi đó, giá cà phê năm nay lại quá thấp. Tập trung thu hái những cây cà phê cuối cùng trong vườn, các hộ trồng cà phê huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, dù đã đầu tư, chăm bón rất kỹ nhưng những năm gần đây, vườn cà phê đạt năng suất không như mong muốn. Sản lượng thu được không bù nổi chi phí đầu tư, công chăm sóc cả năm. Năm nay, sản lượng cà phê giảm gần 30% nên chỉ đủ chi phí cho tưới, phân bón, nhân công... Trong đó, tiền trả nhân công, phân bón năm nay tăng cao khiến nông dân không có lãi, thậm chí không đủ để tái đầu tư lâu dài. 

Hiện nay, sản phẩm từ cà phê được sản xuất theo hướng hữu cơ đang được thị trường ưa chuộng. Trên địa bàn đã có nhiều doanh nghiệp chế biến sâu, hợp tác thu mua cà phê sản xuất theo hướng này với giá cao hơn giá thị trường. Hướng đi này cũng giúp bà con giảm được chi phí nhân công. Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk cũng khuyến cáo bà con nên tái canh, thay đổi diện tích cà phê cũ bằng các giống cà phê mới có năng suất cao hơn, khả năng chống chịu hạn, sâu bệnh hại tốt hơn. Bên cạnh đó, bà con nên thay đổi tư duy trồng cà phê theo kiểu truyền thống bằng cách sản xuất theo hướng hữu cơ để đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Đẩy mạnh tái canh

Tại Lâm Đồng, dù trong những năm gần đây, một diện tích lớn cà phê đã được áp dụng tái canh, ghép cải tạo giúp tăng năng suất nhưng giá cà phê luôn ở mức thấp khiến nhiều người dân không còn coi đây là cây trồng được ưu tiên. Những năm qua, Lâm Đồng là điểm sáng trong việc thực hiện tái canh cây cà phê. Nhờ tiến hành ghép cải tạo, tái canh tốt với diện tích hơn 73.180 héc-ta, đưa năng suất bình quân toàn tỉnh từ 26,1 tạ/héc-ta (năm 2012) hiện tại lên 32,5 tạ/héc-ta, phần nào bù vào khoảng hụt về giá. Những năm gần đây, địa phương khuyến khích người dân tại các vùng có nguồn nước ít, đất dốc chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng vẫn đảm bảo được diện tích cà phê theo kế hoạch trồng hàng năm. Về lâu dài, tỉnh tiếp tục hỗ trợ người dân thực hiện trồng xen cây ăn quả như bơ, sầu riêng, mắc ca, măng cụt vừa tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, đồng thời cũng phát triển cây tạo tán bổ trợ cho cà phê phát triển.

Trong bối cảnh hiện nay, việc lựa chọn mô hình sản xuất mới để tăng năng suất cho cà phê được nhiều địa phương tính đến. Kết quả thực hiện Đề án phát triển sản phẩm quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao cho thấy, sau gần 3 năm triển khai, Đề án đã chọn tạo, sản xuất được 4 giống cà phê chất lượng cao; xây dựng vùng sản xuất cà phê chất lượng có chứng nhận làm nguyên liệu phục vụ chế biến; xây dựng bộ tiêu chí thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao; áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất tưới nước tiết kiệm, giảm tổn thất sau thu hoạch, hoàn thiện công nghệ sơ chế và chế biến; xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và thương mại cà phê Việt Nam chất lượng cao. Hiện nay, diện tích cà phê chất lượng cao của dự án khoa học công nghệ khoảng 9.050 héc-ta. Qua nghiên cứu, năng suất và chất lượng cao hơn so với diện tích đối chứng khoảng 10%, chủ yếu do giống năng suất cao hơn. Vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo cần phát triển vùng sản xuất cà phê chất lượng; tiếp tục lai tạo, chọn lọc các giống mới chất lượng cao để bổ sung vào cơ cấu giống cà phê chất lượng cao giai đoạn tiếp theo; áp dụng các kỹ thuật canh tác mới nâng cao chất lượng cà phê...

Nghệ An:

Bà con trồng lạc phấn khởi

Diễn Châu là một trong những huyện có diện tích trồng lạc lớn của tỉnh Nghệ An. Hiện bà con đang thu hoạch lạc với tâm thế phấn khởi vì lạc được mùa được giá.

Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là mưa lớn gây ngập úng, nhưng nhờ được đầu tư, chăm sóc tốt, chủ động công tác tiêu thoát nước nên vụ lạc tại huyện Diễn Châu năm nay đạt năng suất cao so với các năm trước. Những ngày này, các hộ gia đình đang tất bật thu hoạch lạc vụ đông. Năm nay, lạc được mùa, năng suất ước đạt 1,3 tạ/sào. Với giá thị trường hiện nay gần 40.000 đồng/kg, lợi nhuận các gia đình thu được cao hơn nhiều so với cây màu khác.

Trên thực tế, diện tích lạc vụ đông năm nay tăng so với các năm trước. Do dự đoán được năm nay thời tiết thất thường, mưa nhiều nên ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp huyện đã tuyên truyền và hướng dẫn bà con trồng những giống lạc ngắn ngày nhưng vẫn đảm bảo năng suất tốt như L20, L14… Quy trình chăm sóc cây lạc cũng phải thực hiện tỷ mỷ từng bước từ xuống giống đến phủ nylon, chăm sóc…

Năm nay, toàn huyện Diễn Châu gieo trồng gần 1.000 héc-ta lạc vụ đông, tăng thêm 100 héc-ta so với năm 2019. Mặc dù vậy, huyện cũng khuyến cáo các địa phương và người dân không vì được mùa, được giá mà mở rộng diện tích ồ ạt trong những năm tới vì sẽ ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm, thay vào đó cần nghiên cứu kỹ thị trường, chú trọng vào chất lượng của sản phẩm để nâng cao giá trị của lạc. Để tránh né nắng nóng và hạn hán gây ra trong các vụ sản xuất, nhất là trong vụ hè thu - vụ mùa, Nghệ An xác định đưa 3 cây: Lạc, vừng, đậu vào cơ cấu sản xuất trên quy mô lớn để có hàng hóa nhiều đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cả 3 cây trồng này là những cây trồng vừa ngắn ngày, vừa đem lại giá trị kinh tế cao và rất phù hợp với đất đai, khí hậu Nghệ An. Trong đó, lạc là cây trồng truyền thống và thích hợp trên đồng đất Diễn Châu.

Hà Tĩnh:

Chè xanh tăng giá

Càng cận Tết Nguyên đán Tân Sửu, chè xanh càng tăng giá. Thời điểm này, bà con nông dân Hà Tĩnh đang bước vào vụ thu hoạch lớn nhất trong năm với tâm thế phấn khởi.

Hồng Lộc (Lộc Hà), Thượng Lộc (Can Lộc), Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) và các xã miền núi ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh đều là các vùng trồng chè có tiếng ở Hà Tĩnh. Bà con các vùng này đang phấn khởi bước vào vụ thu hoạch lớn nhất trong năm với niềm vui được giá. Hàng ngàn héc-ta chè sẽ mang về nguồn thu khá cho nông dân Hà Tĩnh dịp Tết Nguyên đán này.

Hồng Lộc (Lộc Hà) là vùng cung cấp chè xanh có tiếng ở Hà Tĩnh. Được trồng hàng chục năm trên đất đồi núi nên chè Hồng Lộc có hương vị đặc trưng, thương lái rất ưa chuộng. Hơn 1 tháng nay, chè xanh liên tiếp tăng giá, đạt 8.000 – 10.000 đồng/kg trong khi thời điểm này năm ngoái chỉ từ 7.000 – 8.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính đẩy giá chè lên cao là bởi năm nay, thời tiết hanh heo nên chè cũng kém tốt hơn những năm trước. Hơn nữa, nắng nóng gay gắt kéo dài đúng thời điểm tháng 5 -  tháng 7 đã khiến một số diện tích chè bị chết nên nguồn cung giảm so với các năm. Chè xanh Hồng Lộc chủ yếu là chè cổ thụ, được trồng từ 30 - 40 năm, có cây trồng trên 50 năm nên khi om, nước trong và có màu xanh đặc trưng, vị ngọt thơm không thể lẫn. Vì vậy, bà con không phải đi chợ bán mà chỉ cắt đưa xuống điểm tập kết là đã có thương lái chờ mua. Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung quy hoạch, phương thức tổ chức sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, cung ứng cho nhiều phân khúc thị trường.

Tại vùng chè Thượng Lộc (Can Lộc), bà con cũng tất bật chăm sóc chè xanh và bắt tay vào vụ thu hoạch lớn nhất trong năm. Chè Thượng Lộc được trồng chủ yếu trong vườn của các nông hộ nên việc cung cấp dinh dưỡng cho cây qua các khâu làm cỏ, bón phân, tưới nước, tấp tủ gốc... diễn ra thường xuyên. So với các loại cây khác, trồng chè chi phí đầu tư không lớn song cho hiệu quả kinh tế khá cao. Thời điểm này, nông dân vừa chăm sóc vừa thu hoạch với mức giá khá cao, khoảng 10.000 đồng/kg, trong khi cách đây khoảng 2 tháng trước thì giá chỉ được tầm 1/2 bây giờ. Dự báo, giá chè tại các vùng trọng điểm sẽ tiếp tục tăng.

Cam xã Đoài được giá

Mặc dù còn gần một tháng nữa mới tết, nhưng nhiều người đã về xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An để đặt hàng cam Xã Đoài phục vụ tết. Hiện nay, giá tăng hơn 20% so với năm ngoái. Giá cam bán tại vườn từ 70.000 - 80.000 đồng/quả, riêng đối với loại quả to, mẫu mã đẹp có giá lên đến 100.000 đồng/quả. Toàn xã Nghi Diên còn 40 hộ trồng cam Xã Đoài với diện tích trên 17 héc-ta, khoảng hơn 10.000 gốc cam. Trong số này có hơn 8 héc-ta được trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà dân, còn lại được trồng quy mô trang trại. Các đợt mưa lũ năm 2020 đã khiến khoảng 35 - 40% diện tích cam bị hư hỏng nhưng nhờ có cách chăm sóc nên chất lượng, mẫu mã, số lượng quả còn lại khá tốt.

Sóc Trăng:

Thu hoạch vụ lúa đông xuân sớm

Nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhất là các địa phương vùng ven biển đã vào vụ thu hoạch vụ lúa đông xuân sớm. Nhờ tranh thủ xuống giống sớm, sử dụng giống lúa ngắn ngày nên bà con thu hoạch lúa an toàn, né được hạn mặn xâm nhập, giá đạt cao. Đối với lúa đặc sản ST25, hiện nay, thương lái đặt cọc 7.700 đồng/kg, mỗi công bà con kiếm lợi trên dưới 3 triệu đồng. Rút kinh nghiệm từ những năm trước xuống giống muộn, mặn xâm nhập đã gây thiệt hại, Sóc Trăng đã tập trung chỉ đạo, khuyến cáo người dân xuống giống sớm để né hạn mặn vào cuối vụ. Bên cạnh đó, phấn đấu tăng diện tích lúa cao sản, đặc sản với trên 70% diện tích được sản xuất để nâng giá trị kinh tế. Vụ đông xuân 2020 - 2021, Sóc Trăng xuống giống hơn 100.000 héc-ta, tập trung nhiều ở các giống lúa như: ST25, ST24, OM18, Đài Thơm 8… Đây đều là giống lúa đặc sản, chất lượng cao, với năng suất trung bình đạt từ 5 - 8 tấn/héc-ta.

Nghệ An:

Giá trứng vịt giảm sâu

Gần tháng nay, giá trứng vịt trên địa bàn Nghệ An giảm mạnh, hiện chỉ còn 1.600 đồng/quả nhưng rất khó tiêu thụ. Trong khi đó, bà con lại thêm gánh nặng khi giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng. Đây là mức giá thấp nhất từ nhiều năm nay, người chăn nuôi càng nuôi càng lỗ. Không ít hộ lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì giá vịt thịt cũng rẻ, 40.000 - 50.000 đồng/con, nếu bán vịt gốc sẽ bị lỗ vốn đầu tư nuôi mấy tháng trời, nhưng tiếp tục nuôi cũng bị lỗ vốn vì bán trứng không đủ chi phí thức ăn. Nguyên nhân giá trứng vịt giảm mạnh là do vịt thịt thời điểm này rẻ, nên người dân không mua vịt giống về nuôi, dẫn đến các lò ấp không sản xuất vịt giống; cùng đó vào mùa đông, trứng vịt lộn tiêu thụ chậm, khiến trứng vịt tồn đọng nhiều, tiêu thụ không kịp.

Quảng Ngãi:

Bội thu củ từ

Những ngày qua, nông dân ở các xã bãi ngang ven biển huyện Mộ Đức và TX. Đức Phổ đang bước vào vụ thu hoạch củ từ. Vụ này, nông dân có thu nhập khá vì củ từ không chỉ đạt sản lượng, mà giá còn tăng cao hơn so với mọi năm. Hiện thương lái thu mua tại ruộng từ 10.000 – 13.000 đồng/kg, tăng hơn 2.000 đồng/kg so với những năm trước. Tuy thời gian trồng củ từ kéo dài khoảng 6 tháng, nhưng đây là loại củ cho năng suất cao trên đất cát. Củ được thị trường ưa chuộng nên thương lái trong tỉnh đến tận ruộng để thu mua, bà con không phải lo đầu ra. Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều nông dân áp dụng hệ thống tưới phun tiết kiệm nước nên đã cải tạo được đất cát pha, bạc màu. So với cây mì dễ mắc bệnh vi rút khảm lá, thì củ từ là hai loại cây trồng thích nghi tốt trên đất cát, ít sâu bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhiều nông dân có thu nhập vài chục triệu đồng từ mỗi vụ củ từ. Tuy nhiên, do thời gian trồng kéo dài, thời điểm thu hoạch rơi vào mùa mưa, phần lớn nông dân chỉ trồng ở các chân đất cao nên diện tích chưa nhiều.

Hòa Bình:

Mía tím được giá

Hiện nay, các vườn mía đẹp trong vùng thương lái đều đã đến đặt tiền trước, chờ đến thời điểm giáp tết mới thu hoạch.

Hiện mía tím tại Hòa Bình được các thương lái đặt cọc tiền mua với giá từ 5.000 - 8.000/cây (mía hàng đầu), cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, mặc dù mía có giá tốt nhưng lượng tiêu thụ lại chậm hơn, thương lái cũng kén chọn mía hơn so với mọi năm. Tại xã Nam Phong, huyện Cao Phong, nông dân đang tất bật dọn ruộng, chăm sóc những vườn mía đến kỳ thu hoạch, đồng thời gieo trồng vụ mía năm 2021. Tuy nhiên, giá mía lên xuống thất thường theo thị trường nên bà con luôn thấp thỏm mỗi khi vào vụ mới.

Năm nay, diện tích mía giảm so với năm ngoái nên thương lái đã chọn giải pháp đặt cọc trước, chờ đến thời điểm giáp tết mới thu hoạch. Thường thời điểm giáp Tết Nguyên đán và qua Rằm tháng giêng, giá mía sẽ tăng vì thời điểm này lượng mía không còn nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại tăng cao. Đến cuối mùa đông, đầu mùa hè, khi nắng ấm trở lại thì giá mía tím lại giảm, bởi lúc này mía trắng sẽ được ưa chuộng hơn mía tím bởi nhu cầu dùng cho việc ép lấy nước giải khát. Đây cũng là nghịch lý và khó khăn trong việc tiêu thụ mía tím ở vùng mía Hòa Bình nói riêng, một số vùng trồng mía tím ở phía Bắc nói chung.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Quan Sơn quan tâm chống buôn lậu, hàng giả

Là huyện miền núi cao, biên giới của tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn huyện Quan Sơn có tuyến quốc lộ 217 chạy qua, đây là tuyến đường nối với quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh với nước bạn Lào qua Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, đường tiểu ngạch Tam Thanh - Sầm Tớ là điều kiện thuận lợi về giao lưu kinh tế và hợp tác phát triển…

Với lợi thế về vị trí địa lý, thuận lợi cho phát triển giao thương cũng là “địa lợi” cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 huyện Quan Sơn, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nhiều diễn biến phức tạp, tuy nhiên là thị trường miền núi chủ yếu là bán lẻ không có các đầu mối lớn, số lượng nhỏ và không có vụ việc nổi cộm. Trong năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 huyện Quan Sơn đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát thường xuyên để giữ ổn định thị trường. Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường chủ trì đã tiến hành kiểm tra 61 vụ, tổng xử lý 50 vụ, trong đó xử lý hàng giả, hàng cấm 5 vụ, hàng giả và sở hữu trí tuệ 2 vụ, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm 17 vụ, các vi phạm khác 26 vụ…

Theo ông Trương Trọng Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo 389 huyện Quan Sơn cho biết, cùng với kiểm tra, kiểm soát xử lý thì khi triển khai công tác trên địa bàn miền núi, lực lượng chức năng tập trung chủ yếu cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân tuân thủ các quy định. Công tác tuyên truyền hướng đến mục tiêu các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh và người tiêu dùng cùng tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt, Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới, thời điểm hiện tại công tác tuyên truyền đang được các thành viên Ban Chỉ đạo 389 quan tâm, đẩy mạnh dưới nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp thông qua công tác kiểm tra kiểm soát; tiến hành ký cam kết với các tổ chức, cá nhân kinh doanh; lồng ghép tuyên truyền thông qua các tổ chức, đoàn thể…

HÀNG VIỆT

Sóc Trăng:

Ðưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay tỉnh Sóc Trăng đã có 99 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao.

Hiện Sóc Trăng đã tổ chức đánh giá, xếp hạng cho 99 sản phẩm, vượt 282% so với mục tiêu Đề án đưa ra là 35 sản phẩm. Trong đó có 24 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 75 sản phẩm đạt hạng 3 sao của 52 chủ thể gồm 17 doanh nghiệp, 11 HTX xã và 24 hộ kinh doanh trên địa bàn. Bên cạnh đó, Hội đồng OCOP cấp tỉnh cũng tổ chức đánh giá thăng hạng cho 8 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hoàn chỉnh hồ sơ gửi Hội đồng đánh giá xếp hạng Trung ương đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia (sản phẩm OCOP 5 sao). Một trong những điểm khác biệt của sản phẩm OCOP Sóc Trăng là đã đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart. Riêng tại Bưu điện tỉnh Sóc Trăng, đến nay đã đưa lên sàn giao dịch điện tử thương mại tổng cộng 99 món hàng/44 sản phẩm của 24 nhà cung cấp, trong đó có 33 sản phẩm đạt chuẩn sản phẩm OCOP.

Để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh, Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng đã tập trung chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại tích cực, chủ động thực hiện xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP và sản phẩm OCOP tiềm năng. Có thể khẳng định, sản phẩm OCOP là tiền đề để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản, chủ lực, đặc biệt là các sản phẩm OCOP tiềm năng của Sóc Trăng trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, sàn thương mại điện tử Postmart là cầu nối giữa nhà cung cấp các đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng trên cả nước. Đây cũng là kênh hỗ trợ xúc tiến thương mại hiệu quả cho những nhà cung cấp và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP. Các sản phẩm đặc sản trên Postmart đều là những sản vật đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng cao, có nguồn gốc thương hiệu, hạn sử dụng… Từ đó, khách hàng có thể trải nghiệm mua sắm sản phẩm OCOP trực tuyến thông minh, sản phẩm đặc sản chính gốc, chất lượng cao.

Trà Vinh:

Tạo điều kiện cho cơ sở tham gia OCOP

Tỉnh Trà Vinh sẽ hỗ trợ tối đa các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP như hỗ trợ 100% chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, hỗ trợ 50% chi phí mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, hỗ trợ chi phí thuê hoặc xây dựng mới cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP...

Từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025, Trà Vinh quyết định hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP). Theo đó, tỉnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP 100% chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác và xây dựng câu chuyện sản phẩm với mức tối đa 10 triệu đồng/sản phẩm, mỗi xã được hỗ trợ không quá 3 sản phẩm. Hỗ trợ chi phí thuê hoặc xây dựng mới cửa hành kinh doanh sản phẩm OCOP với diện tích tối thiểu 20m2/cửa hàng, mức hỗ trợ 50 triệu đồng/cửa hàng. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ triển lãm với mức hỗ trợ 100% chi phí trưng bày giới thiệu, tìm kiếm thị trường thông qua các hội chợ triển lãm trong nước, nước ngoài; hỗ trợ chi phí tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhà phân phối để đưa các sản phẩm vào kênh phân phối. Hỗ trợ 50% chi phí mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất cho các cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm OCOP, mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng.

Ngoài ra, các cơ sở có sản phẩm OCOP còn được hỗ trợ nâng sao. Cụ thể, sản phẩm 3 hoặc 4 sao được nâng lên 5 sao, tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng/sản phẩm. Sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao được hỗ trợ 5 triệu đồng/sản phẩm. Trường hợp sản phẩm dưới 3 sao được nâng lên 5 sao, hoặc sản phẩm đạt 5 sao ngay lần xét duyệt đầu tiên, tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng.

Hiện nay, Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh đang phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư ứng dụng thiết bị công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại…