Thông tin thị trường giá cả số 6/2021

09:09 AM 22/02/2021 |   Lượt xem: 4212 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Tìm đầu ra cho thanh long cuối vụ

Trước đợt thu hoạch Tết Nguyên đán, cả hai vùng trồng thanh long lớn nhất cả nước là Bình Thuận và Long An đều loay hoay tìm đầu ra cho vụ thanh long chong đèn cuối năm.

Hiện nay, người trồng thanh long tại 2 tỉnh đang đối diện với khó khăn khi vụ này cây cho năng suất thấp và giá liên tục giảm. Giá thanh long ruột đỏ thương phẩm chỉ còn 12.000 - 15.000 đồng/kg, bằng 1/3 so với mùa vụ tết trước. Trong khi đó, thanh long đầu tư trái vụ chi phí đầu tư cao hơn vì phải chong đèn. Theo tiết lộ của một người trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, vụ thanh long này ông tính chi phí tiền điện 3,5 triệu, tiền phân, tiền nhân công tầm 12 triệu nhưng nay thương lái vào vườn trả 5.000 đồng/kg nên không có lãi. Với chi phí đã bỏ ra, giá thanh long phải 15.000 đồng/kg nông dân mới hòa vốn, có thể bù lại chi phí điện nước, phân bón đã đầu tư.

Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, hiện đầu ra của trái thanh long chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Thời điểm này, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đang ngưng nhập khẩu nên dù sản lượng thanh long thu hoạch thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng dự kiến sẽ tồn đọng một lượng lớn thanh long tươi. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sức mua giảm đã ảnh hưởng đến giá thanh long. Thời gian qua, giá thanh long xuất sang Trung Quốc đạt thấp, chỉ bằng hàng mùa. Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cũng nhận định, giá thanh long khó mà tăng lên lại như trước dù đã gần thời điểm tết. Hiệp hội đang tập trung thực hiện các thủ tục với các siêu thị để có giải pháp đẩy mạnh việc tiêu thụ trong nước cho bà con vụ tết này.

Năm nay, các vùng trồng thanh long đều gặp nhiều khó khăn về đầu ra, dù trước đó nông dân trồng thanh long đã dè dặt hơn trong đầu tư mở rộng diện tích. Về lâu dài, cùng với mở rộng thị trường xuất khẩu thì việc tăng sản lượng chế biến thanh long vẫn rất cần thiết. Chính quyền cũng như hiệp hội nông sản các địa phương phải tăng cường liên kết với các cơ sở thu mua thanh long làm nguyên liệu chế biến sản phẩm sấy khô, nước trái cây, đồng thời, kết nối với các điểm tiêu thụ nội địa để có phương án tiêu thụ thanh long cho nông dân.

Điện Biên:

Làng rau lòng chảo Mường Thanh vào vụ tết

Rau màu trồng tại vùng lòng chảo Mường Thanh tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã: Pom Lót, Thanh Hưng, Noong Luống, Thanh Yên, Thanh Xương, Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên). Pom Lót là vựa rau lớn của huyện Ðiện Biên, nơi cung cấp các loại rau sạch cho địa phương và các vùng lân cận. Rau tại đây trồng quanh năm nhưng tết là vụ được trồng với diện tích lớn nhất, nhu cầu tiêu thụ cao nên bà con đều tất bật chăm sóc rau màu để kịp thu hoạch đúng dịp tết. Thời tiết năm nay khá thuận lợi nên rau màu phát triển tốt, sản phẩm tiêu thụ nhanh, bà con rất phấn khởi. Dự kiến dịp giáp tết giá rau sẽ tăng. Vì vậy để đảm bảo nguồn rau xanh liên tục, địa phương khuyến cáo những diện tích đã thu hoạch xong bà con khẩn trương làm đất để xuống giống, đảm bảo gối vụ, không để đất trống. Thông thường, từ đầu tháng 10 âm lịch bà con đã phải làm đất xuống giống cho lứa rau cuối cùng của năm cũ. Ðể có vụ rau đạt chất lượng, sau mỗi vụ gia đình nào cũng dành khoảng thời gian nhất định để phơi đất trước khi bắt đầu vụ mới. Ngày thường, các gia đình trồng đủ loại rau, nhưng vào vụ rau tết trồng nhiều hơn các loại rau cải, su hào, xà lách… vì người dân sử dụng nhiều hơn.

Theo nhận định, vụ rau tết năm nay sẽ cho năng suất cao hơn năm trước vì thời tiết thuận lợi, người dân lại có sự chuẩn bị chu đáo về kỹ thuật làm đất cũng như cây giống, quy trình chăm sóc. Vụ rau tết luôn được bà con mong đợi nhất vì giá bán thường cao hơn.

Lai Châu:

Xây dựng vùng chuyên canh hoa hồng

Những ngày này, nông dân trồng hoa hồng ở tỉnh biên giới Lai Châu đang tất bật chăm sóc cây, chuẩn bị nguồn hàng để đưa ra thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Xã San Thàng, thành phố Lai Châu là một trong những nơi có diện tích hoa hồng lớn nhất tỉnh Lai Châu. Mặc dù vừa trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhưng tại các vườn hồng bông vẫn to, nở đều và thu hoạch thường xuyên. Đặc biệt, các giống hồng ngoại cắt bông thuộc dòng cao cấp, hồng cổ các loại, hồng ghép, hồng thân gỗ… nở rộ, nổi bật giữa cánh đồng hoa bạt ngàn.

Để đảm bảo thu hoạch hoa đúng dịp tết, các nhà vườn đều phải thuê thêm 3 - 6 lao động ở địa phương chăm sóc cây trồng. Dự báo, tết năm nay, giá hoa hồng có thể tăng lên từ 3.000 - 4.000 đồng/bông. Nguyên nhân là do thời tiết thất thường, rét đậm rét hại nên lượng hoa không nhiều trong khi đó, nhu cầu hoa tết của Trung Quốc cũng tăng cao.

Sau một thời gian trồng và chăm sóc, nhận thấy cây hoa hồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên bà con xã San Thàng đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích. Đến nay, toàn xã có trên 50 héc-ta hoa hồng được đưa vào thu hoạch. Mỗi năm trừ chi phí thu về gần 10 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con. Thời gian tới, xã khuyến khích bà con tiếp tục chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng hoa hồng; hướng tới xây dựng vùng sản xuất chuyên canh hoa hồng theo hướng hàng hóa.

Hiện Lai Châu đã hình thành được vùng trồng hoa hồng với diện tích 63 héc-ta ở hai xã San Thàng, Sùng Phài; trong đó, tập trung chủ yếu ở xã San Thàng với 55 héc-ta. Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn xã, phường rà soát diện tích nông nghiệp đủ điều kiện để chuyển đổi sang trồng hoa, tiến tới hình thành những vùng sản xuất hoa chuyên canh tập trung. Đồng thời, có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng diện tích trồng hoa ứng dụng công nghệ cao; từng bước khẳng định thương hiệu hoa Lai Châu trên thị trường, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Đắk Lắk:

Mía nguyên liệu tăng Giá

Hiện nay, người trồng mía ở Đắk Lắk đang bước vào thu hoạch. So với niên vụ trước, giá mía đang cao hơn từ 15 – 20% nên người trồng phấn khởi. Đắk Lắk hiện có 9.000 héc-ta mía, trong đó vùng nguyên liệu mía ở các huyện Ea Kar, MĐrắk có hơn 7.000 héc-ta. Dự kiến, sản lượng mía niên vụ này ước đạt 540.000 tấn. Với giá từ 950.000 – 1,05 triệu đồng/tấn tại chân ruộng, người trồng đã có lãi. Nguyên nhân do hiện nay giá đường thị trường trong nước và quốc tế đang đạt mức 14,5 nghìn đồng/1kg, cao hơn cùng thời điểm năm ngoái khoảng 20%. Do vậy, các nhà máy sản xuất mía đường tăng giá thu mua mía nguyên liệu. Đây cũng là động thái động viên và hỗ trợ người trồng tiếp tục gắn bó với cây mía trong bối cảnh khó khăn chung của ngành mía đường.

Cần Thơ:

Giá vú sữa tăng

Nông dân trồng vú sữa ở TP. Cần Thơ phấn khởi vì thời điểm này trái vú sữa bước vào thu hoạch rộ nhưng giá bán vẫn duy trì khá cao, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Hiện giá vú sữa Lò rèn và vú sữa tím được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 20.000 - 22.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ giá chỉ ở mức 10.000 - 11.000 đồng/kg; giá vú sữa bơ 15.000 - 16.000 đồng/kg. Trái vú sữa bán được giá do được tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Ðây là loại trái cây ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Khánh Hòa:

Tiêu thụ kiệu tết chậm

Những ngày này, bà con nông dân phường Cam Nghĩa, Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang hối hả thu hoạch vụ củ kiệu tết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thị trường tiêu thụ chậm, vắng bóng thương lái thu mua. Sản lượng kiệu Tết năm nay cao hơn so với mọi năm nhưng giá bán lại giảm sâu khiến cho người trồng kiệu gặp khó. Hiện giá kiệu giảm sâu, chỉ còn từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, giảm 10.000 – 15.000 đồng/kg so với thời điểm trước. Mặc khác, thị trường tiêu thụ kiệu vụ tết này khá chậm. Mọi năm, cứ vào thời điểm này các thương lái đổ xô xuống tận nơi để bao tiêu kiệu, thế nhưng giờ các đầu nậu không những đi mua ít mà khách quen cũng không mua. Cam Ranh được xem là vùng trồng kiệu lớn ở Nam Trung bộ, sản phẩm nông sản kiệu nơi đây được nhiều người yêu thích bởi kiệu to củ, ít chia nhánh, trắng và ăn giòn.

Bình Tân (Vĩnh Long):

Giá khoai lang nội địa tăng cao

Hiện nay, trong khi giá khoai lang tím Nhật giảm còn 600.000 đồng/tạ (giảm đến 500.000 đồng/tạ) thì các loại khoai lang nội địa lại đang đứng ở mức cao. Cụ thể: Khoai lang sữa giá 440.000 đồng/tạ, khoai trắng giấy 400.000 đồng/tạ và khoai đỏ giá 320.000 đồng/tạ. Đây là mức giá cao nhất của các loại khoai lang này trong vài năm gần đây. Với ưu điểm là năng suất đạt cao, dao động từ 70 - 100 tạ/công và chi phí đầu tư thấp hơn so với trồng khoai lang tím Nhật nên tùy vào năng suất, chất lượng củ, sau khi trừ chi phí đầu tư, người trồng thu lợi nhuận từ 10 - 15 triệu đồng/công. Sở dĩ giá các loại khoai lang sữa, trắng giấy và khoai đỏ đứng ở mức cao là do diện tích sản xuất ít, chỉ chiếm gần 10% so với khoai lang tím Nhật. Ngoài ra, khoai đến giai đoạn thu hoạch chỉ còn gần 100 héc-ta, chủ yếu được xuống giống từ vụ Thu Đông năm 2020, dẫn đến nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nên khoai sốt giá, tăng cao.

Ninh Thuận:

Sản lượng nho, táo thấp

Nho, táo là trái cây đặc thù của tỉnh Ninh Thuận. Những ngày này, các nông hộ đang tích cực chăm sóc vườn cây để kịp thời bán tết.

Tại khu vực quy hoạch trồng nho, táo tập trung tại xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, bà con đang khẩn trương thu hoạch. Những vườn nho, táo phục vụ tết đang được các chủ vườn kêu công tỉa trái, làm sạch chùm cũng như tiến hành bón phân, chạy nước để kịp thời chín trước tết. So với mọi năm, năm nay, sản lượng nho, táo không đáp ứng đủ số lượng để phục vụ người tiêu dùng bởi những tháng cuối năm, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp kèm theo mưa lớn khiến cho hầu hết các diện tích trồng nho và táo đều bị ngập úng. Do lượng nho ít nên những ngày vừa qua thương lái đến tận vườn mua mão với giá trên 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, dự báo giá nho sắp tới sẽ lên cao nên nhiều hộ chưa muốn bán.

Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải là điểm đến được du khách lựa chọn tham quan vườn nho. Các nhà vườn đang tích cực thu hoạch sản phẩm nhằm đảm bảo đủ số lượng để phục vụ du khách tham quan, mua sắm dịp tết. Ngoài ra, mô hình trồng nho kiểng để phục vụ thú chơi cây cảnh ngày tết đang mở ra hướng đi mới cho nông dân trồng nho. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn chục nhà vườn làm nho kiểng. Dưới bàn tay khéo léo, những cây nho kiểng có dáng “độc” và “lạ” đã và đang thu hút đông đảo người yêu cây cảnh. Hy vọng, với sự chuẩn bị chu đáo từ các nhà vườn, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các nông hộ sẽ có thêm thu nhập, tạo điều kiện đón một mùa xuân vui tươi, ấm áp và đầy đủ.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Truy xuất nguồn gốc cho cây đào:

Thủ tục đơn giản, có lợi cho người trồng

Dán tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào giúp người mua đào xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ cây đào, để cây đào trở thành hàng hóa lưu thông một cách thuận lợi. Đặc biệt, thủ tục không hề phức tạp mà có lợi cho người dân.

Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo đó, tùy vào điều kiện cụ thể từng địa phương, trong thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, gây ách tắc trong sản xuất và tiêu thụ cây đào, cây mai. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường quản lý tuyên truyền, vận động không để người dân lợi dụng, chặt phá cây rừng.

Với chức năng là đầu mối triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đã phối hợp với Sở KH-CN tỉnh Sơn La thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đào trồng để tạo thuận lợi cho người dân cung cấp đào ra thị trường. Khi được quét mã QR code gắn trên cây đào, hệ thống truy xuất nguồn gốc do Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia vận hành sẽ cung cấp thông tin về người trồng, địa chỉ, diện tích, thông tin về năm trồng đào… Việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào sẽ giúp người mua đào xác định rõ nguồn gốc xuất xứ cây đào và giúp cây đào trở thành hàng hóa lưu thông một cách thuận lợi. Quy trình thủ tục xác nhận đào trồng rất đơn giản. Cán bộ địa phương sẽ đi khảo sát nhu cầu của người dân có mong muốn thực hiện truy xuất nguồn gốc cho cây đào hay không. Sau đó trưởng bản, cán bộ địa chính xã xác định hộ gia đình đó trồng đào tại vườn thuộc đất nông nghiệp hay vườn nhà. Tất cả thông tin này sẽ được cung cấp cho hệ thống truy xuất nguồn gốc mà không phát sinh thêm các thủ tục hành chính nào.

Việc truy xuất nguồn gốc cho cây đào là sự chủ động vào cuộc của Sơn La trong việc tìm hướng tiêu thụ thuận lợi cho cây đào trồng, vốn là loại cây mang lại thu nhập khá cho người dân.

HÀNG VIỆT

Vĩnh Châu (Sóc Trăng):

Hành tím hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP

Hành tím Vĩnh Châu là sản phẩm đặc sản và cũng sản phẩm chủ lực của tỉnh Sóc Trăng. Nhờ sản xuất theo đúng quy trình an toàn sinh học nên sản lượng đạt cao, giúp bà con tăng thu nhập.

Xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu có tỷ lệ đồng bào Khmer chiếm trên 50% dân số. Cây trồng đặc trưng được bà con nơi đây lựa chọn là hành tím vì thích ứng với thổ nhưỡng và có thể sản xuất 3 vụ 1 năm. Năm 2019, 3 mô hình sản xuất hành tím an toàn theo hướng hữu cơ với quy mô 45,6 héc-ta đã được triển khai tại xã Lạc Hòa, Vĩnh Hải và Vĩnh Hiệp (TX. Vĩnh Châu). Nguồn kinh phí của Dự án “Chuỗi giá trị hành tím Vĩnh châu” từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Mô hình sử dụng phân hữu cơ trong canh tác hành tím và giảm lượng phân hóa học giúp cây hành phát triển và sinh trưởng tốt hơn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm 3 - 4 lần và năng suất cao hơn. Sản phẩm hành tím từ ruộng sử dụng phân hữu cơ cho củ to, tròn đều và có màu tím đẹp hơn. Đặc biệt, sản phẩm có thể để trong một khoảng thời gian dài mà không cần chất bảo quản.

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo các chương trình an toàn sinh học, hữu cơ mà giá hành tím tăng cao. Hiện tại, giá thương lái thu mua tại ruộng dao động từ 18.000 - 25.000 đồng/kg. Hành tím sau khi cắt tỉa, bó thành từng lọn có giá dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng hành tím tại Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng lãi trên 500 triệu đồng/héc-ta.

Nhằm hỗ trợ các hộ dân, thời gian qua, Sóc Trăng đã phát triển kinh tế tập thể, củng cố và thành lập mới hợp tác xã tại các vùng sản xuất an toàn theo quy hoạch để kết nối với doanh nghiệp và sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn, theo hướng hữu cơ; tăng cường nâng cao nhận thức của người sản xuất, thay đổi dần tập quán canh tác theo truyền thống, sản xuất theo các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất an toàn…

An Giang:

Các sản phẩm OCOP phần lớn là đặc sản

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Sự kiện sản phẩm OCOP đồng hành cùng người tiêu dùng tỉnh An Giang năm 2021”.

Sự kiện có sự tham gia của trên 50 gian hàng của các doanh nghiệp An Giang đạt giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, khởi nghiệp, đặc sản địa phương An Giang. Đây là hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tiềm năng thế mạnh của tỉnh An Giang, góp phần tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất phát triển, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân... Qua đó, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP và hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác hoàn thành chỉ tiêu chất lượng, nhãn hiệu của từng sản phẩm làm ra.

Tính đến cuối tháng 12/2020, tỉnh An Giang đã có 37 sản phẩm được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao đến từ 28 chủ thể gồm: 12 hộ sản xuất kinh doanh, 13 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã. Các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao như: Cá linh kho mía, mắm cá linh chưng, đường thốt nốt sệt Palmania, sản phẩm tương hột, bánh hạnh nhân, nước màu thốt nốt nguyên chất, đường thốt nốt cô đặc MOUN7AINS, tranh lá thốt nốt... Các sản phẩm này đều là đặc sản của địa phương và được người tiêu dùng tín nhiệm.

Hiện An Giang đã có 5 sản phẩm rất đặc trưng từ gạo và đường thốt nốt đang đề nghị Trung ương đánh giá công nhận cho 2 doanh nghiệp đạt OCOP 5 sao.