200 đồng bào của 17 dân tộc sẽ tham gia Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”

10:53 AM 16/11/2022 |   Lượt xem: 2835 |   In bài viết | 

Cộng đồng các dân tộc sẽ tổ chức nhiều hoạt động trong khuôn khổ Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2022

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” có sự tham gia của khoảng 200 đồng bào của 17 dân tộc đến từ 14 tỉnh, thành phố, gồm: hơn 100 đồng bào các dân tộc là đại diện các gia đình, Người có uy tín, các chức sắc tôn giáo, trí thức của 15 dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (dân tộc Tày, Nùng tỉnh Thái Nguyên; dân tộc Dao TP Hà Nội; dân tộc Thái tỉnh Sơn La; dân tộc Mông tỉnh Hà Giang; dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình; dân tộc Khơ Mú tỉnh Điện Biên; dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu tỉnh Thừa Thiên Huế; dân tộc Ba Na, Gia Rai tỉnh Gia Lai; dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum; dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận; dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk; dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng); Khoảng 25 đồng bào dân tộc Chăm Islam (tỉnh An Giang); 20 đồng bào dân tộc Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk); 30 đồng bào dân tộc Kinh (tỉnh Phú Yên); khoảng 15 đồng bào dân tộc Gia Rai tỉnh Gia Lai.

Trong khuôn khổ sự kiện, đồng bào các dân tộc sẽ tham gia tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc sắc giới thiệu, giao lưu văn hóa với cộng đồng các dân tộc và du khách thể hiện tinh thần đại đoàn kết tại “Ngôi nhà chung”.

Chương trình Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện sự hội tụ, sức mạnh khối đại đoàn kết, kết tinh trong giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, du khách sẽ được trải nghiệm các lễ hội, di sản văn hoá phi vật thể quốc gia như: Lễ kết nghĩa mẹ con của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk, Nghi thức đặt tên của dân tộc Chăm tỉnh An Giang, Nghi lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai; Lễ hội cầu ngư và giới thiệu Nghệ thuật Bài chòi - Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia tỉnh Phú Yên.

Tại không gian làng dân tộc Chăm, Ê Đê, Thái: Biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống về tinh thần đoàn kết dân tộc, trình diễn nhạc cụ dân tộc như múa xòe Thái, đàn Tính hát Then dân tộc Tày, múa khèn Mông, trình diễn nghệ thuật Rô băm của đồng bào Khmer, các ca khúc Lâm thôn như Phum sóc mình vào hội, Miền Tây mến thương, các điệu múa Chăm đặc sắc, diễn xướng, diễn tấu cồng chiêng, dân ca của đoàn nghệ nhân dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk và Gia Rai tỉnh Gia Lai.

Dịp này, du khách cũng được thưởng lãm nghệ thuật chế tác và trình diễn các nhạc cụ truyền thống dân tộc Tây Nguyên; nghệ thuật dệt vải độc đáo của đồng bào dân tộc Ê Đê, dân tộc Tà Ôi, Gia Rai. Chế tác và trình diễn hoạt động “Khéo tay đan lát” truyền thống dân tộc Tây Bắc (làm đàn tính), các dụng cụ sinh hoạt như vót đũa, đan giỏ đựng thóc giống (dân tộc Dao), đan các loại xoỏng, dậu (dân tộc Tày), nong (đống), nia (sấng), giỏ bắt cá (dân tộc Thái) ớp đựng xôi, vót đũa (dân tộc Mường)...Bên cạnh đó, giới thiệu ẩm thực dân tộc Chăm, Khmer như cà ri, bánh xèo, bánh gừng, bánh tét, bánh pía…Trò chơi dân gian kéo co, tó má lẹ, cà kheo, nhảy sạp…

Hoạt động của cộng đồng các dân tộc sẽ góp phần tạo không khí đoàn kết các dân tộc, giao lưu bản sắc văn hóa vùng, miền, dân tộc trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2022 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, qua đó, tôn vinh giá trị tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc như một di sản quý báu của dân tộc ta, thiết thực kỷ niệm 92 năm ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2022) và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).

(baodantoc.vn)