Huyện Bình Gia (Lạng Sơn): Khai mạc Lễ hội Phài Lừa năm 2023
09:00 PM 22/05/2023 | Lượt xem: 4518 In bài viết |Sáng ngày 22/5 (tức ngày 4/4 âm lịch), UBND huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn khai mạc Lễ hội Phài Lừa xã Hồng Phong, huyện Bình Gia năm 2023. Tham dự Khai mạc và chỉ đạo Lễ hội có các đồng chí lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Hội Di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn, lãnh đạo huyện Bình Gia và lãnh đạo các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lèo Văn Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Phài Lừa năm 2023 chỉ đạo và khai mạc Lễ hội.
Lễ hội Phài Lừa là lễ hội truyền thống có từ lâu đời ở vùng sông nước thuộc sông Bắc Giang (Bình Gia, Lạng Sơn). Trong tổng số 79 lễ hội diễn ra trên địa bàn huyện, Lễ hội Phài Lừa là lễ hội có quy mô lớn nhất, đây là lễ hội truyền thống có từ lâu đời ở vùng sông nước thuộc sông Bắc Giang. Lễ hội được tổ chức 03 năm một lần vào ngày 4/4 âm lịch của năm nhuận. Những năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid, Lễ hội đã bị gián đoạn tổ chức nên Lễ hội năm nay được người dân địa phương cũng như du khách rất mong đợi.
Lễ hội Phài Lừa gắn liền với câu chuyện truyền thuyết liên quan đến tục thờ Thần Rắn, Thần Sông mang nhiều ý nghĩa nhân văn cao cả của đồng bào địa phương. Trong thập niên 50, 60 của thế kỷ XX, do ảnh hưởng của chiến tranh, Lễ hội đã bị gián đoạn, mai một. Đến đầu thế kỷ XXI, thực hiện Nghị quyết Trung ương V khóa 8 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, Lễ hội Phài Lừa, xã Hồng Phong đã được Nhân dân tiếp tục khôi phục, bảo lưu, trao truyền và tồn tại, phát triển đến ngày nay.
Tiết mục văn nghệ đặc sắc biểu diễn tại Lễ khai mạc Lễ hội
Lễ hội Phài Lừa mang tính nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, gắn liền với lễ thức cầu mưa, cầu nước, cầu mùa, một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian chứa đựng sắc thái tộc người rất độc đáo. Lễ hội không chỉ là dịp để dân làng đón Thần Rắn về thăm quê nhà, thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh, thành kính và tưởng nhớ công lao to lớn của Thần Rắn trong việc diệt Thuồng Luồng đem lại sự bình yên cho người dân. Đây còn là dịp thể hiện niềm tin, niềm tự hào mãnh liệt và ước vọng của Nhân dân cầu mong Thần phù hộ độ trì cho mọi người, mọi nhà được mạnh khỏe, bình an, sông nước hiền hòa, mùa màng tươi tốt, vật nuôi đầy chuồng, thuyền bè đầy tôm cá. Các trò chơi, trò diễn tiêu biểu trong Lễ hội như Thi đua bè, thi bơi, thi lặn, thi lặn bắt chân vịt, múa sư tử... không chỉ thể hiện tinh thần thể thao, thượng võ, tinh thần đoàn kết, sức mạnh cộng đồng mà còn góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa địa phương.
Thông qua Lễ hội, các giá trị tiếp tục được cư dân bản địa tích lũy, củng cố, định hình và khai mở tạo nên một sắc thái văn hóa chung. Các giá trị về tộc người, nguồn gốc và lịch sử của các dòng họ đã sinh sống lâu đời tại địa phương được khẳng định. Lễ hội Phài Lừa chính là sự đồng thuận trong tư duy nhận thức và hành động của cư dân. Với những nội dung, giá trị đặc sắc tiêu biểu, Lễ hội Phài Lừa đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia năm 2018.
Gian trưng bày sản phẩm nông, lâm nghiệp của người dân xã Hồng Phong (Bình Gia, Lạng Sơn)
Việc duy trì Lễ hội góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hoạt động dịch vụ, du lịch cho huyện Bình Gia (Huyện nằm trong danh sách 02 huyện nghèo của tỉnh Lạng Sơn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ).
Theo kế hoạch của Ban Tổ chức, Lễ hội Phài Lừa năm 2023 diễn ra trong ngày 22 và 23 tháng 5 với nhiều hoạt động như: giao lưu văn nghệ, thi bơi, thi lặn bắt chân vịt, thi lảy cỏ... và trưng bày các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông lâm sản của địa phương.
Đua bè mảng truyền thống diễn ra tại Lễ hội
Thu Nga - Ái Vân (Tạp chí Dân tộc)